Hướng Dẫn Bài Tập Phục Hồi Chức Năng Thoái Hóa Khớp Gối

Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối là phương pháp điều trị đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này có tác dụng giúp giảm đau, duy trì khả năng vận động cho người bệnh và ngăn ngừa biến dạng khớp. Đồng thời giúp người bệnh tránh được những tác dụng phụ do thuốc Tây y gây ra. Bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về cách điều trị phục hồi chức năng cho người bị thoái hóa khớp gối.

Thoái hóa khớp gối là bệnh gì?

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng lớp sụn trên bề mặt khớp bị tổn thương. Theo thời gian người bệnh sẽ dễ gặp phải các vấn đề như hẹp khe khớp, viêm bao hoạt dịch khớp, mọc gai xương,… Căn bệnh thoái hóa này tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng nó lại diễn tiến âm thầm, gây đau nhức dai dẳng và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh thoái hóa khớp gối có thể khiến người bệnh bị tàn phế, không thể đi lại như bình thường.

Nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa khớp gối là do tuổi tác cao khiến xương khớp bị lão hóa. Ngoài ra những nhóm đối tượng như: Người lao động chân tay bê vác nhiều, người bị thừa cân béo phì, người ngồi nhiều ít vận động, bị chấn thương ở đầu gối,… cũng rất dễ bị thoái hóa khớp.

phuc hoi chuc nang thoai hoa khop goi
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng lớp sụn trên bề mặt khớp bị tổn thương.

Người bệnh bị thoái hóa khớp thường xuất hiện các dấu hiệu như sau: 

  • Đau khớp âm ỉ, đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng, có thể giảm ngay sau khi khởi động khớp hoặc xoa bóp khớp.
  • Viêm khớp, sưng nóng đỏ vùng khớp, tràn dịch khớp.
  • Có tiếng kêu lạo xạo trong khớp, khớp bị biến dạng, lỏng lẻo.
  • Giảm khả năng vận động, đi lại, cử động khớp.
  • Cơ bị yếu hoặc có hiện tượng co rút gân cơ quanh khớp.
  • Chụp phim X-quang thấy có hình ảnh gai xương, xơ xương dưới sụn, hẹp khe khớp, lệch trục khớp,…

Đa số người bệnh chỉ bắt đầu đi khám khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng, đau đớn kéo dài và khớp gối đã bị sưng đỏ, biến dạng. Tuy nhiên căn bệnh này hoàn toàn có thể ngăn ngừa từ sớm và làm chậm tiến trình phát triển của bệnh bằng các bài tập phục hồi chức năng cơ bản, ít tốn kém nhưng lại mang đến hiệu quả cao.

Lợi ích của việc tập phục hồi chức năng cho người bệnh

Đối với người bị bệnh thoái hóa khớp gối, phục hồi chức năng có tác dụng giúp giảm đau nhức, duy trì khả năng vận động và ngăn ngừa hiện tượng biến dạng khớp dẫn đến tàn phế. Duy trì tập luyện các bài tập phục hồi chức năng sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách đáng kể.

Việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối mang đến rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Dưới đây là những mục tiêu được đặt ra khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh.

  • Hỗ trợ giảm đau và sưng phù nề ở khớp gối.
  • Nâng cao khả năng vận động của khớp gối và xương bánh chè.
  • Lấy lại khả năng chịu lực độ lập của chân bị thoái hóa.
  • Tăng cường sự dẻo dai và sức mạnh của cơ chân.
  • Thúc đẩy lưu thông máu đến các khớp, nuôi dưỡng khớp khỏe mạnh.
phuc hoi chuc nang thoai hoa khop goi
Tập phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

Các giai đoạn điều trị phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối

Người bệnh bị thoái hóa khớp gối ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể như: 

Giai đoạn nhẹ: 

  • Triệu chứng: Những cơn đau xuất hiện bất chợt, không liên tục, ít ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp và không tác động tiêu cực tới cuộc sống. 
  • Cách điều trị: Người bệnh cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh và ngăn chặn tình trạng thoái hóa khớp phát triển bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao để xương khớp luôn khỏe mạnh.

Giai đoạn trung bình đến nặng:

  • Triệu chứng: Người bệnh có biểu hiện bị đau nhức xương khớp kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và các hoạt động thường ngày. 
  • Cách điều trị: Người bệnh cần được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau bao gồm thuốc uống và thuốc tiêm. Bên cạnh đó cần kết hợp với tập vật lý trị liệu và chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. 

Người bệnh dù ở bất cứ giai đoạn nào nếu muốn cải thiện các triệu chứng của thoái hóa khớp cũng cần cân bằng giữa 3 yếu tố đó là: Tập luyện, chế độ ăn lành mạnh và duy trì cân nặng lý tưởng.

  • Tập luyện: Tập luyện thể thao là phương pháp phục hồi tình trạng thoái hóa khớp một cách an toàn và hiệu quả, giúp mang đến những thay đổi tích cực cho sức khỏe của bạn. 
  • Chế độ ăn uống: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng khớp gối. Người bệnh cần bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất để giúp xương khớp, cơ bắp và dây chằng luôn khỏe mạnh.
  • Giảm cân: Cân nặng tăng cao đồng nghĩa với việc làm tăng áp lực cho khớp gối và xương cột sống. Vì vậy bạn có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp bằng việc giảm cân và điều chỉnh cân nặng về mức độ phù hợp.

Những phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối

Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gồm các phương pháp như: Các bài tập vật lý trị liệu, siêu âm trị liệu, sóng ngắn trị liệu, dòng điện giảm đau,… Những phương pháp này nhằm giúp người bệnh thích nghi được với việc vận động hàng ngày. Từ đó giúp xương khớp được cải thiện.

Điện trị liệu: Phương pháp sử dụng điện trị liệu mang đến cho người bệnh những lợi ích sau:

  • Giúp giảm đau nhức, khó chịu tại khớp gối.
  • Cải thiện các vấn đề về vận động và di chuyển.
  • Cải thiện dáng di chuyển cho người bệnh.
  • Giảm sưng viêm, co thắt cơ tại vùng khớp.
phuc hoi chuc nang thoai hoa khop goi
Phương pháp điện trị liệu giúp phục hồi chức năng khớp gối

Hoạt động trị liệu: Đối với phương pháp này, kỹ thuật viên sẽ đánh giá chức năng hiện tại của khớp và khả năng vận động đi lại của người bệnh. Sau đó sẽ lựa chọn cho bạn dụng cụ hỗ trợ phù hợp, giúp người bệnh di chuyển được dễ dàng hơn, tránh gây áp lực lên vùng khớp. Một số hoạt động tốt cho sức khỏe có thể kể đến như: 

  • Sử dụng đai nẹp gối, giày dép hấp thu lực, khung tập đi, gậy 3 chân/4 chân, xe lăn,…
  • Dùng dụng cụ hỗ trợ như lót đệm ghế, ghế nâng cao bồn cầu, dụng cụ hỗ trợ lấy đồ…
  • Hướng dẫn người bệnh tập dáng đi, duy trì tư thế tốt, hướng dẫn thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
  • Phòng ngừa té ngã, kiểm soát tư thế, tránh gây tác động xấu lên các khớp.

Vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu rất quan trọng đối với những người bị thoái hóa khớp gối. Chính vì vậy, người bệnh cần xác định mục đích tập luyện của mình, phân chia thời gian phù hợp và nên bắt đầu với những bài tập đơn giản. 

Các bài tập cần có sự hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ và kỹ thuật viên. Những bài tập sẽ được thiết kế dành riêng sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Các bài tập bao gồm các nhóm chính như:

  • Tập duy trì tầm vận động khớp.
  • Tập kéo giãn cơ bắp và dây chằng.
  • Tập mạnh cơ quanh khớp.
  • Tập sức bền.

Cường độ tập luyện sẽ thay đổi tùy theo sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên bạn mỗi ngày chỉ nên dành ra 30 phút để tập và mỗi tuần cũng chỉ cần tập từ 3-5 ngày là đủ.

Các bài tập phục hồi chức năng có bản

Các bài tập phục hồi chức năng cho người bị thoái hóa khớp gối chủ yếu tập trung vào việc tăng cường tính linh hoạt của khớp, giúp người bệnh vận động dễ dàng hơn. Dưới đây là một số bài tập phục hồi bạn có thể tham khảo áp dụng:

Bài tập di động xương bánh chè

Xương bánh chè tham gia tích cực vào quá trình vận động của vùng khớp gối. Khi xương bánh chè hoạt động tốt thì các cử động gấp duỗi khớp gối cũng trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn. Vì vậy bài tập vận động của vùng xương này rất quan trọng, giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động của đầu gối.

Cách thực hiện: 

  • Người bệnh ngồi duỗi chân, thư giãn các vùng cơ tại chân.
  • Dùng tay giữ vào xương bánh chè, sau đó chuyển động xương bánh chè một cách nhẹ nhàng từ trái sang phải và ngược lại.
  • Thực hiện liên tục động tác này thêm 10-20 lần nữa.
  • Tiếp theo bạn lấy tay giữ vào xương bánh chè sau đó di động xương một cách nhẹ nhàng từ trên xuống dưới rồi ngược lại từ dưới lên trên.
  • Thực hiện động tác này trong khoảng 10-20 lần.

Bài tập kéo giãn cơ tứ đầu đùi

Cơ tứ đầu đùi là một nhóm cơ ở trước đùi, đóng vai trò quan trọng trong việc vận động của vùng khớp gối và khớp háng. Vì vậy bài tập cơ tứ đầu đùi có tác dụng giúp kéo giãn nhóm cơ này để hỗ trợ giảm đau và giúp các khớp trở nên linh hoạt hơn.

phuc hoi chuc nang thoai hoa khop goi
Bài tập kéo giãn cơ tứ đầu đùi

Cách thực hiện:

  • Người bệnh đứng cạnh tường hoặc sử dụng ghế để hỗ trợ.
  • Giữ lưng được thẳng và hai chân dang rộng bằng vai.
  • Gập đầu gối bên trái sao cho bàn chân chạm vào mông.
  • Dùng tay trái nắm lấy mắt cá chân, kéo nó về phía mông xa nhất có thể để cảm nhận được cảm giác căng ở mặt trước của đùi.
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 30 giây sau đó quay lại tư thế ban đầu.
  • Đổi chân còn lại và tiếp tục thực hiện động tác tương tự.
  • Mỗi bên chân bạn tập khoảng 3-4 lần để đạt được kết quả tốt nhất.

Bài tập kéo giãn cơ bắp chân

Đây là bài tập phục hồi chức năng khớp gối có tác dụng kéo giãn vùng bắp chân và tăng cường sức mạnh cho đầu gối, cơ đùi và cơ bụng. Mục đích chính của bài tập này đó là hỗ trợ giảm đau mỏi khớp, giúp cải thiện khả năng vận động của khớp gối và cổ chân. 

Cách thực hiện: 

  • Người bệnh đứng thẳng lưng, quay mặt vào tường, khoảng cách vừa đủ một cánh tay.
  • Đặt hai bàn tay lên tường làm điểm tựa. 
  • Di chuyển chân phải về phía sau hết mức có thể.
  • Hai mũi bàn chân hướng về phía trước, gót chân chạm đất, đầu gối chân trái gập nhẹ.
  • Nhún chân phía trước xuống và giữ trong vòng 30 giây cho đến khi bạn cảm thấy vùng cơ ở bắp chân hơi căng nhẹ.
  • Quay trở lại tư thế ban đầu sau đó đổi chân.
  • Tiếp tục lặp lại động tác này thêm 3-4 lần nữa cho cả hai chân.

Bài tập kéo giãn cơ đùi sau

Bài tập kéo giãn cơ đùi sau sẽ tác động tới các cơ ở phía sau đùi. Đây là nhóm cơ đóng vai trò quan trọng cho quá trình vận động của khớp gối và khớp háng. Thực hiện bài tập này có tác dụng giúp thư giãn các vùng cơ từ chân đến mông. Đây là một bài tập phục hồi chức năng khá đơn giản mà người bệnh nên áp dụng tại nhà.

Cách thực hiện: 

  • Người bệnh nằm xuống thảm tập và duỗi thẳng hai chân.
  • Nâng một chân ra khỏi sàn, đặt hai tay ở mặt sau của khớp gối.
  • Kéo đầu gối nhẹ nhàng về phía ngực cho đến khi người bệnh cảm thấy căng ở phần mặt sau của đùi.
  • Giữ nguyên tư thế này thêm khoảng 30 giây.
  • Từ từ hạ chân xuống sau đó quay trở lại tư thế ban đầu.
  • Lặp lại bài tập này với bên chân còn lại.
  • Mỗi bên chân bạn tập từ 3-4 lần liên tiếp để đạt hiệu quả tối ưu.

Bài tập squat tăng cường sức mạnh đầu gối

Bài tập squat có tác dụng cải thiện sức mạnh ở vùng cơ đùi, khớp háng và khớp gối. Từ đó giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau nhức và nâng cao khả năng vận động cho người bệnh. Hơn nữa bài tập này còn giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tăng khả năng đốt cháy mỡ thừa hiệu quả.

phuc hoi chuc nang thoai hoa khop goi
Bài tập squat tăng cường sức mạnh đầu gối

Cách thực hiện: 

  • Người bệnh đứng thẳng người trên thảm, hai chân dang rộng bằng vai.
  • Khuỵu đầu gối xuống một cách từ từ.
  • Điều chỉnh tư thế sao cho đầu gối song song với mặt sàn, lưng hơi hướng về phía trước.
  • Giữ nguyên động tác này khoảng 30 giây hoặc lâu hơn.
  • Lặp lại động tác này thêm 10 lần nữa để cải thiện sức khỏe xương khớp.

Phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh thường gặp khi chúng ta bước vào độ tuổi trung niên. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này bằng cách ghi nhớ những điều sau:

  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, tích cực sử dụng thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega 3, kali, magie, photpho,… để giúp xương khớp luôn khỏe mạnh, dẻo dai, ngăn ngừa lão hóa.
  • Hạn chế sử dụng các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, muối, đường,… vì chúng không hề tốt cho xương sụn khớp. Đồng thời chấm dứt việc sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích khác.
  • Tích cực tập luyện những bộ môn thể thao để cải thiện sức khỏe xương khớp. Một số bài tập như plank, squat, aerobic, bơi lội, đạp xe, chạy bộ,… cũng góp phần giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp.
  • Tránh chơi những môn thể thao dễ gây chấn thương xương khớp như nhảy cao, điền kinh, bóng chuyền, bóng đá,…
  • Kiểm soát cân nặng của mình bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện, nhất là với những người đang bị thừa cân béo phì.
  • Tránh các hoạt động dễ gây ảnh hưởng đến xương khớp như: Thường xuyên ngồi khoanh chân, ngồi lâu một chỗ, đi giày cao gót, bê vác nặng, ngồi xổm,…
  • Tắm nước nóng thường xuyên để thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, giúp giảm co thắt cơ bắp. Từ đó giúp người bệnh giảm đau nhức và cảm thấy thư giãn hơn.
  • Thường xuyên thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu nhận thấy xương khớp của mình có vấn đề. Không nên để bệnh tiến triển quá nặng rồi mới đi điều trị.

Như vậy bài viết trên đây đã hướng dẫn bạn các phương pháp giúp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích để quá trình tập luyện đạt được hiệu quả tốt nhất. Điều trị thoái hóa khớp cần sự chăm chỉ và kiên trì. Vì vậy bạn nên duy trì các bài tập này trong vòng ít nhất 3 tháng. Nếu sau thời gian này bệnh tình vẫn không thuyên giảm thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra lại.

Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Chat với chúng tôi
Zalo