Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Thoái hóa khớp gối gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đi lại của người bệnh, dẫn tới nhiều cơn đau nhức vô cùng khó chịu. Bệnh cũng có nguy cơ gây ra không ít biến chứng nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Việc tìm hiểu các nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị sẽ giúp người bệnh có thể cải thiện sức khỏe tốt nhất.

Định nghĩa thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương xảy ra ở phần sụn khớp, lớp sụn. Vì một nguyên do nào đó xuất hiện các biểu hiện bị mất sụn, mòn sụn, ngày càng lỗ chỗ và không còn khả năng bảo vệ cho đầu xương. Ngoài ra, bệnh cũng có thể kích thích hình thành nên các gai xương đâm vào các phần xung quanh, làm mất chức năng khớp, đầu gối bị đau nhức và biến dạng nặng nề.

Trên cơ thể con người, khớp gối chính là phần vô cùng quan trọng với chức năng tạo sự linh hoạt cho các vận động ở chân, nâng đỡ trọng lượng của cơ thể. Do đó, khi xảy ra thoái hóa, giữa hai đầu khớp không còn lớp sụn sẽ nhanh chóng cọ vào nhau, giảm lượng dịch tiết ra ngoài và mất đi chức năng vốn có.

Thoái hóa khớp gối là các dạng tổn thương ở sụn và xương đầu gối
Thoái hóa khớp gối là các dạng tổn thương ở sụn và xương đầu gối

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Thực tế, có rất nhiều yếu tố gây hình thành nên thoái hóa ở khớp gối, trong đó những nguyên nhân chủ yếu nhất phải kể tới gồm:

  • Giới tính: So với nam giới, nữ giới sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối nhanh hơn. Điều này xuất phát từ quá trình mãn kinh, lượng Estrogen giảm mạnh theo quy luật tự nhiên kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có sự suy giảm chức năng xương khớp và hình thành nên thoái hóa ở khớp gối.
  • Tuổi tác: Điều này gặp phải ở cả nam và nữ, khi tới tuổi trung niên trở ra, các khớp xương bắt đầu lão hóa dần, giảm khả năng hấp thụ canxi cũng như tự bổ sung mật độ xương, sụn bị mất. Cho tới khi về già, xương khớp sẽ yếu đi rất nhiều, sụn khớp không thể tự phục hồi dẫn tới thoái hóa.
  • Lười vận động: Việc ngồi hay nằm một chỗ quá lâu sẽ làm giảm linh hoạt ở khớp gối, các mô cơ ngày càng lỏng, tăng nguy cơ hình thành nhiều bệnh lý ở xương khớp.
  • Chấn thương: Trong quá trình lao động hoặc chơi thể thao hàng ngày, có thể xảy ra các chấn thương như vỡ bánh chè, gãy đầu xương, đứt dây chằng,... điều này trực tiếp làm lớp sụn ở gối bị ảnh hưởng.
  • Tính chất công việc: Những người phải lao động nặng nhọc hoặc các vận động viên thể thao luôn luyện tập và thi đấu với cường độ quá nặng đều sẽ gây áp lực lên khớp gối, dễ bị thoái hóa khớp hơn, các mô sụn nhanh bị tổn thương nhưng đều không có đủ thời gian để phục hồi.
  • Béo phì: Thừa cân béo phì cũng là yếu tố gây tổn thương sụn khớp gối. Khi trọng lượng cơ thể càng cao, áp lực dồn lên hai chân càng lớn, lớp sụn dễ bị chèn ép gây biến dạng, ảnh hưởng tới dây chằng và nhiều mô cơ khác.
  • Miễn dịch: Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, dịch khớp sẽ giảm khả năng sản sinh, từ đó khớp không có đủ dịch bôi trơn, các đầu sụn cọ sát mạnh và dần bị bào mòn, thậm chí có thể làm vỡ sụn nếu chịu sức ép lớn.
  • Lạm dụng thuốc Corticoid: Corticoid là loại thuốc dùng cho nhiều bệnh lý khác nhau. Khi người bệnh tự ý kê đơn sử dụng tại nhà hoặc cố tính dùng tăng liều so với quy định, xương khớp trực tiếp bị tổn thương, gây mất xương, mòn khớp và khô dịch khớp.
  • Cơ thể thiếu chất: Trong quá trình ăn uống hàng ngày, nếu cơ thể bị thiếu quá nhiều chất, đặc biệt là vitamin D, canxi và một số loại khoáng chất, xương sẽ không có khả năng tự phục hồi, tái tạo sau tổn thương, dịch khớp hạn chế sản sinh. Lúc này người bệnh khó tránh khỏi thoái hóa khớp.
  • Nguyên nhân khác: Thoái hóa khớp gối còn có thể xảy ra bởi một số bệnh lý như: Rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, gout, viêm khớp dạng thấp,...

Các môn thể thao cường độ mạnh dễ gây áp lực lên khớp gối
Các môn thể thao cường độ mạnh dễ gây áp lực lên khớp gối

Đối tượng thoái hóa khớp gối

Khớp gối có thể khởi phát ở mọi độ tuổi và đối tượng nhưng chủ yếu nhất vẫn là các trường hợp sau:

  • Người cao tuổi.
  • Người bị thừa cân, béo phì đã lâu.
  • Các trường hợp xảy ra chấn thương, tai nạn ở đầu gối.
  • Vận động viên, người lao động nặng nhọc hoặc nhân viên văn phòng ít khi vận động.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối không có biểu hiện rõ rệt ngay từ khi mới khởi phát, chúng sẽ phát triển khá âm thầm theo từng giai đoạn với những triệu chứng sau đây:

Giai đoạn đầu: 

Khi bệnh bắt đầu xuất hiện, gần như không xảy ra các cơn đau nhức, tê mỏi ở khớp, phần sụn chỉ mới xuất hiện một số biểu hiện mòn khá nhỏ, khó để có thể nhận biết.

Giai đoạn số 2:

Bệnh nhân dần cảm thấy thi thoảng có các cơn đau nhức nhẹ ở phần đầu gối, tuy nhiên cơn đau không đáng kể, không xuất hiện thường xuyên khiến người bệnh lầm tưởng là triệu chứng đau mỏi do vận động thông thường. Ngoài ra, giữa các đầu sụn vẫn chưa có sự ma sát hay bị thu hẹp khoảng cách, khả năng vận động chưa chịu ảnh hưởng.

Giai đoạn số 3:

Người bệnh bị các cơn đau tái phát khá thường xuyên, ngay cả khi vận động nhẹ nhàng cũng cảm thấy đau nhức khó chịu khá rõ rệt. Lúc này, phần sụn đã bị bào mòn rõ rệt, các đầu xương dần cọ vào nhau và giảm lượng dịch khớp. Thi thoảng, bệnh nhân còn có thể bị sưng đỏ khớp ở mức độ nhẹ nếu vận động quá sức.

Giai đoạn số 4:

Đây là mức độ nguy hiểm nhất của thoái hóa khớp gối, người bệnh bị đau khớp, khớp sưng đỏ kéo dài dai dẳng. Khả năng lao động, vận động bị hạn chế nhiều, sụn bị mòn và không thể tự phục hồi, các đầu xương cũng có ma sát rất lớn, gần như khoảng cách giữa hai phần đầu xương đã không còn. Ngay cả khi người bệnh co gối hay đi bộ nhẹ nhàng, cơn đau khá nghiêm trọng.

Các cơn đau càng về sau càng nặng
Các cơn đau càng về sau càng nặng

Biến chứng thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối có nguy cơ gây ra không ít biến chứng nếu không điều trị kịp thời, cụ thể là:

  • Bệnh nhân bị hạn chế khả năng vận động, đi lại, dù chỉ đi vài bước cũng thấy đau đớn khó chịu.
  • Khớp gối ngày càng cứng hơn, giảm khả năng linh hoạt và dễ bị teo cơ, dễ vôi hóa sụn khớp.
  • Một số trường hợp bệnh nhân sẽ biến dạng khớp, đầu gối con vẹo, lệch khỏi trục xương so với vị trí ban đầu.
  • Giấc ngủ bị rối loạn do các cơn đau gây ra, lâu ngày khiến tinh thần người bệnh sa sút, thường xuyên mệt mỏi, chán nản và kém tập trung.
  • Thoái hóa khớp gối cũng có khả năng gây ra biến chứng ở tim mạch.
  • Nặng nhất là tình trạng bạt liệt, tàn phế vĩnh viễn.

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối được chẩn đoán bằng các kỹ thuật thăm khám thể chất và xét nghiệm, chiếu chụp.

Đánh giá dấu hiệu bên ngoài:

Các bác sĩ sẽ tiến hành quan sát các biểu hiện sưng đỏ ở khớp, kiểm tra tầm chuyển động của đầu gối, thăm hỏi bệnh nhân về cơn đau cụ thể hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được kiểm tra dáng đi bộ để đánh giá độ cong vẹo đầu gối.

Chiếu chụp:

  • X-quang: Cho hình ảnh tổng quan về khớp gối. Lúc này có thể nhận thấy phần khoảng cách giữa đầu xương bị thu hẹp, các gai xương và một số sự thay đổi bất thường khác.
  • Cộng hưởng từ MRI và CT: Để quan sát chi tiết hơn các tổn thương ở khớp gối, bao gồm cả phần mô mềm và tình trạng bào mòn của lớp sụn.

Xét nghiệm: Bao gồm xét nghiệm máu, sinh hóa, xét nghiệm dịch khớp để đánh giá được các yếu tố tổn thương tại khớp gối.

Điều trị thoái hóa khớp gối

Y học hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, bao gồm thuốc Tây y, phẫu thuật, vật lý trị liệu, các mẹo dân gian và thuốc Đông y.

Thuốc Tây

Tây y có nhiều phương thuốc khác nhau để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, tùy theo từng người sẽ có những sự kết hợp các loại riêng. Một số thuốc phổ biến nhất phải kể tới gồm:

Các loại thuốc Tây được kết hợp để điều trị thoái hóa khớp gối
Các loại thuốc Tây được kết hợp để điều trị thoái hóa khớp gối

  • Chống viêm không Steroid: Cho tác dụng giảm đau, hạn chế tình trạng viêm sưng khớp xương. Có thể bệnh nhân sẽ dùng Ibuprofen hoặc Naproxen.
  • Thuốc giảm đau: Có tác dụng đẩy lùi các cơn đau gối từ nhẹ tới nặng, việc sử dụng loại thuốc giảm đau nào sẽ do các bác sĩ chỉ định cụ thể.
  • Thuốc làm chậm thoái hóa: Để cản trở quá trình thoái hóa khớp phát triển mạnh hơn, bệnh nhân sẽ được kê đơn sử dụng thuốc Diacerein, Glucosamine, Chondroitin,...
  • Thuốc bôi: Nhằm giảm sưng đau tại chỗ, có thể sử dụng nhiều lần trong ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc tiêm: Khi các loại thuốc giảm đau thông thường không cho hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm thuốc để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh.

Phẫu thuật

Thông thường, phẫu thuật sẽ được chỉ định khi việc dùng thuốc không cho kết quả như ý muốn. Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một trong những kỹ thuật mổ sau:

  • Cắt xương: Nhằm điều chỉnh hình dáng của xương nhằm giảm ma sát cũng như giúp khối sụn khớp bền chặt hơn. Tuy nhiên cách phẫu thuật này chưa thể điều trị hoàn toàn bệnh thoái hóa.
  • Thay khớp: Với những trường hợp khớp gối đã tổn thương nặng nề, mất hoàn toàn khả năng phục hồi sẽ cần phải thay thế khớp. Khớp được làm bằng chất liệu nhân tạo hoặc nhựa và có tuổi thọ khá lâu.
  • Nội soi khớp: Kỹ thuật này ít xâm lấn nhất, thông qua thiết bị nội soi siêu nhỏ, các tổn thương ở khớp sẽ được loại bỏ, khớp lành lại tốt hơn, bệnh nhân phục hồi chức năng vận động.

Vật lý trị liệu chữa trị thoái hóa khớp gối

Ngoài việc dùng thuốc, vật lý trị liệu cũng là giải pháp tốt để bệnh nhân giảm cơn đau, phục hồi chức năng cho khớp gối. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập trị liệu ngay từ đầu phác đồ chữa trị, bao gồm các kỹ thuật: Kéo căng, vận động cơ, xoa bóp, co - gập khớp, cố định bên khớp bị biến dạng, chườm nóng, chiếu hồng ngoại, kỹ thuật PNF,...

Quá trình thực hiện cần phải có sự giám sát bởi các bác sĩ, các kỹ thuật viên vật lý trị liệu để đảm bảo đúng thao tác. Ngoài ra, phương pháp này cũng chỉ áp dụng cho một số trường hợp bệnh nhân nhất định.

Vật lý trị liệu hỗ trợ tốt cho quá trình hồi phục
Vật lý trị liệu hỗ trợ tốt cho quá trình hồi phục

Thuốc Đông y

Với Đông y, có rất nhiều bài thuốc có thể vận dụng để điều trị thoái hóa khớp gối. Thuốc được kết hợp từ nhiều loại dược liệu quý, có thể tham khảo những thang thuốc sau:

Bài thuốc số 1:

  • Dược liệu: Độc hoạt, phòng phong, đương quy, xích thược, thục địa, đỗ trọng, ngưu tất, tần giao, tang ký sinh, xuyên khung, đảng sâm, phục linh.
  • Cách dùng: Sắc thuốc mỗi ngày 1 thang với lượng nước vừa đủ, thuốc uống khi ấm sẽ dễ dàng hấp thu nhất.

Bài thuốc số 2:

  • Dược liệu: Ý dĩ nhân, cam thảo, bạch truật, hoàng bá, thược dược, thương truật, quế chi, đương quy, ma hoàng.
  • Cách dùng: Thuốc sắc cùng khoảng 5 bát con nước, đến khi sôi cạn còn 1 bát sẽ dừng sắc và lấy ra uống hết trong ngày.

Bài thuốc số 3:

  • Dược liệu: Kê huyết đằng, ngưu tất, cốt toái bổ, can khương, hy thiêm, thổ phục linh, xuyên khung, đương quy, đẳng sâm, kim ngân hoa, đỗ trọng.
  • Cách dùng: Cho thuốc vào ấm sắc với 1 lít nước, khi nước sôi cạn bớt, cho thuốc ra chia làm 3 bữa uống đều đặn hàng ngày.

Mẹo dân gian

Không ít nguyên liệu quen thuộc trong dân gian có thể sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối. Ví dụ như:

  • Lá lốt: Dùng 200 - 300g lá lốt, ngâm nước muối và rửa sạch, cho lá lốt vào nồi nấu sôi với nước để chắt nước cốt uống sau khi ăn sáng, tối.
  • Rễ đinh lăng: Dùng 30g rễ đinh lăng ngâm rửa sạch, thái miếng nhỏ và sao vàng. Sau đó sắc rễ với nước lọc, uống mỗi ngày cho tới khi bệnh thuyên giảm.
  • Dây đau xương: Dây đau xương rửa sạch rồi đem đi sao vàng, sắc dược liệu với 1 lít nước và uống mỗi ngày để giảm các cơn đau hiệu quả.

Lá lốt giúp giảm cơn đau và sưng viêm
Lá lốt giúp giảm cơn đau và sưng viêm

Phòng tránh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối có thể phòng ngừa với các biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả tốt dưới đây:

  • Nên đảm bảo cân nặng luôn ở mức phù hợp, tránh để thừa cân béo phì sẽ gây ra nhiều áp lực lên các khớp xương, đặc biệt là khớp gối và bàn chân.
  • Nên tập thể dục đều đặn với các bộ môn phù hợp, tránh tập luyện quá sức chịu đựng của cơ thể ngược lại sẽ gây ra tổn thương ở khớp gối.
  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các chất, đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho xương khớp. Ngoài ra, cũng cần hạn chế các loại bia rượu, chất kích, đồ uống có cồn hay các thực phẩm đóng hộp, bảo quản đông lạnh.
  • Nghỉ ngơi và làm việc khoa học, phân chia thời gian hợp lý. Nếu phải làm các công việc nặng nhọc, nên dành thời gian buổi tối để xoa bóp thư giãn gân cốt. Bạn có thể sử dụng thêm các máy massage cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giảm tê mỏi chân.
  • Nhân viên làm việc văn phòng cần hạn chế ngồi ở một tư thế quá lâu, hãy đứng dậy đi lại thường xuyên để khớp xương luôn được đảm bảo linh hoạt.
  • Nếu xảy ra các chấn thương ở xương khớp, cần nhanh chóng điều trị, áp dụng đúng phác đồ bác sĩ hướng dẫn để tránh để lại di chứng ở khớp gối.
  • Mỗi năm cần thăm khám sức khỏe tổng quát 2 lần để kịp thời phát hiện những bất thường ở khớp.

Thoái hóa khớp gối sẽ tiến triển âm thầm theo thời gian, không bộc lộ các biểu hiện rõ rệt ngay từ đầu nên người bệnh rất khó để phát hiện. Theo đó, ngay khi thấy các triệu chứng đau nhức bất thường, cần nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng, kết hợp thêm chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp phục hồi khớp xương một cách hiệu quả nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *