Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Thoái hóa khớp vai là bệnh lý không ít người mắc phải, gây cản trở nhiều hoạt động lao động, sinh hoạt hàng ngày. Để có thể đẩy lùi bệnh hiệu quả, cần xác định được nguyên nhân khởi phát, các cách điều trị, chăm sóc phù hợp theo sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Định nghĩa thoái hóa khớp vai

Khớp vai là bộ phận hoạt động liên tục mỗi ngày, cũng là nơi dễ chịu các tác động từ ngoại lực gây tổn thương. Theo đó, thoái hóa khớp vai là tình trạng khu vực này xảy ra các dấu hiệu bào mòn, giảm canxi, giảm mật độ xương cũng như mất tế bào sụn khớp. Từ đó bệnh nhân gặp phải các cơn đau nhức, gây cản trở vận động cũng như khả năng lao động.

Hiện nay, bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai chủ yếu ở khu vực khớp cùng - đòn và khớp ổ chảo - cánh tay.

Thoái hóa khớp vai là tình trạng mòn sụn, mất xương ở khớp
Thoái hóa khớp vai là tình trạng mòn sụn, mất xương ở khớp

Nguyên nhân thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai có thể xảy ra do các bệnh lý, vấn đề bất thường bên trong cơ thể hoặc bởi sự tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài. Cụ thể gồm:

Nguyên nhân bên trong

Bệnh nhân có thể bị thoái hóa khu vực khớp vai nếu gặp phải những nguyên nhân sau đây:

  • Tuổi tác: Khi tới độ tuổi trung niên trở ra, xương khớp sẽ dần có các dấu hiệu lão hóa theo thời gian. Càng về già, sụn khớp càng yếu và dễ bị mòn, gãy xương, giòn xương. Trong đó, thoái hóa khớp vai là bệnh lý phần lớn người cao tuổi đều gặp phải.
  • Gen di truyền: Thoái hóa khớp vai cũng là bệnh lý có khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Ngoài ra, các bệnh xương khớp nói chung đều nằm trong trường hợp này.
  • Dị tật bẩm sinh: Khớp vai có thể bị thoái hóa, viêm nhiễm khi cấu trúc xương khớp bị dị tật bẩm sinh. Các sai lệch trong cấu trúc hay xương bị khuyết thiếu sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của khớp, từ đó làm hình thành bệnh thoái hóa.
  • Thừa cân: Thừa cân béo phì có khả năng gây ra thoái hóa khớp vai ở mức nhẹ hơn so với các vị trí khớp khác. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể mắc viêm xương khớp ở nhiều vị trí cùng lúc nếu cân nặng không được kiểm soát.
  • Nội tiết tố: Nữ giới khi tới tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ dễ bị thoái hóa khớp vai hơn so với nam giới, do sự suy giảm của Estrogen làm xương khớp trở nên yếu hơn, khó hấp thụ các dưỡng chất và dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây hại.

Nguyên nhân bên ngoài

Một số nguyên nhân từ bên ngoài gây bệnh thoái hóa khớp vai thường gặp là:

  • Công việc: Những người làm công việc khuân vác nặng nhọc, vận động viên chơi các môn thể thao cần dùng nhiều lực ở tay hoặc nhân viên văn phòng ngồi làm việc sai tư thế sẽ tạo áp lực lên khớp vai, dẫn tới tổn thương sụn và chuyển thành thoái hóa.
  • Va chạm chấn thương: Các tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, va chạm, vấp ngã mạnh gây tổn thương xương vai có thể để lại biến chứng thoái hóa khớp, biến dạng khớp nếu không chữa trị dứt điểm hoặc chữa sai cách.

Tuổi cao khó tránh khỏi thoái hóa khớp
Tuổi cao khó tránh khỏi thoái hóa khớp

Đối tượng thoái hóa khớp vai

Nhóm đối tượng có nguy cơ bị thoái hóa khớp vai cao hơn người bình thường gồm những trường hợp sau:

  • Nhân viên văn phòng ngồi làm việc không đúng tư thế.
  • Người làm việc khuân vác cát đá, xi măng, chuyển vác hàng nặng trên vai.
  • Các vận động viên bóng rổ, cử tạ và các bộ môn cần nhiều sức lực ở vai.
  • Người cao tuổi, nữ giới tới thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Người thừa cân, mắc dị tật xương bẩm sinh.
  • Bệnh nhân sau tai nạn, xô ngã.

Triệu chứng thoái hóa khớp vai

Bệnh thoái hóa khớp vai sẽ có các biểu hiện đau nhức, khó cử động cùng các tiếng kêu lục cục rất rõ ràng, cụ thể gồm:

  • Khớp đau nhức: Bệnh nhân thường sẽ bị đau nhức khớp vai và có chiều hướng tăng dần về sau. Ban đầu sẽ là cảm giác đau âm ỉ, thoáng qua, khi bệnh càng nặng càng đau dữ dội, các cơn đau xuất hiện liên tục. Không chỉ khi vận động, lúc nghỉ ngơi cũng có thể bị đau nhức làm cản trở nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Khớp kêu: Các tiếng kêu lục cục từ khớp sẽ xuất hiện thường xuyên. Khi người bệnh cử động, các đầu xương bị mòn sụn sẽ cọ vào nhau và phát ra âm thanh rõ ràng, kèm theo đó là cảm giác đau mỏi.
  • Sưng tấy khớp: Bệnh nhân khó tránh khỏi tình trạng sưng đỏ khớp, ở vùng bao quanh khớp sẽ thấy da ửng hồng, sờ vào tương đối nóng. Nếu ấn vào sẽ nhận biết được bề mặt da đang sưng nhẹ và đau.
  • Giảm lực vai: Khớp vai bị thoái hóa sẽ làm giảm lực, bệnh nhân khó có thể vác vật nặng hoặc thực hiện các cử động với tay cao, nâng đỡ đồ, lực điều khiển ở vai cũng yếu đi rõ rệt.
  • Cứng vai: Thoái hóa khớp vai còn khiến cho vùng vai trở nên kém linh hoạt, khớp thường bị cứng, đặc biệt khi vừa ngủ dậy. Bệnh nhân cần xoa bóp một lúc để có thể nhấc tay, xoay vai hoặc với tay lên cao.

Bệnh nhân thường bị đau nhức và khó cử động vai
Bệnh nhân thường bị đau nhức và khó cử động vai

Biến chứng thoái hóa khớp vai

Nếu chậm trễ hoặc chữa sai cách, thoái hóa khớp vai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau đây:

  • Gai xương: Thoái hóa khớp vai gây ra tình sự bào mòn, hao hụt sụn khớp, cơ thể theo đó sẽ cung cấp dưỡng chất để có thể tái tạo, phục hồi. Những phần xương bị thoái hóa sẽ phát triển mạnh quá mức vào ta rạ gai xương, gai đâm vào dây thần kinh, mô mềm bao quanh càng làm gia tăng cơn đau nhức, thậm chí làm bệnh nhân bị tê liệt tay.
  • Teo cơ: Khớp vai đau nhức khiến bệnh nhân ngại vận động, các khớp xương ngày càng cứng, khô dẫn tới tình trạng yếu lực, cơ bị teo, làm biến dạng vai.
  • Hỏng sụn hoàn toàn: Phần sụn vai có nguy cơ bị hỏng, mất hoàn toàn, khiến các đầu xương trực tiếp va vào nhau, làm bệnh nhân đau nhức, sưng đỏ dữ dội. Khi này, chức năng vai gần như không còn khả năng duy trì.
  • Hỏng xương vai: Phần đầu xương ma sát với nhau sẽ gây ra mất xương, các tế bào xương khỏe mạnh bị thế chỗ bởi các tế bào dị tật, bất thường, làm bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn và có thể xuất hiện u.
  • Biến chứng khác: Bệnh nhân còn có thể gặp phải rối loạn trong giấc ngủ, tinh thần sa sút bởi các cơn đau xuất hiện về đêm. Mắc chứng viêm bao hoạt dịch, viêm nhiễm dây chằng, gân và cơ.

Chẩn đoán thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai có thể được chẩn đoán bằng các biện pháp thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, xét nghiệm gồm:

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân về các triệu chứng đau nhức, thời điểm bắt đầu bị đau, tần suất xuất hiện cơn đau, yếu tố công việc cũng như nghỉ ngơi, bệnh lý nền.
  • Chụp X-quang: Đánh giá tổng quát tình trạng khớp vai và gai xương nếu có.
  • Chụp CT: Thu về hình ảnh mặt cắt ngang của khớp xương vai, xác định các dị bẩm sinh hoặc tổn thương do các tác động bên ngoài gây ra.
  • Chụp MRI: Quan sát chi tiết tổn thương ở khớp, sụn, cơ, gân, dây chằng.
  • Xét nghiệm máu: Nếu có dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cần tiến hành thêm kỹ thuật xét nghiệm máu.
  • Siêu âm: Đánh giá tình trạng tổn thương ở bao hoạt dịch, mô mềm và tìm kiếm dịch dưới dây chằng.

Chụp CT cho kết quả chẩn đoán chính xác
Chụp CT cho kết quả chẩn đoán chính xác

Điều trị thoái hóa khớp vai

Bệnh nhân có thể điều trị theo các hướng Tây y, Đông y, mẹo chữa dân gian nhưng cần đảm bảo đã có sự tư vấn, hướng dẫn từ bác sĩ.

Thuốc Tây chữa trị thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai sẽ cần sử dụng một số loại thuốc quen thuộc sau đây:

  • Thuốc giãn cơ: Cải thiện tình trạng bệnh nhân bị co cứng cơ, giúp các cơ được thư giãn, tạo sự linh hoạt hơn trong cử động. Có thể dùng Diazepam hoặc Flexeril.
  • Giảm đau, chống viêm: Chấm dứt các cơn đau nhức, sưng tấy, ngăn ngừa viêm nhiễm hay các biểu hiện tổn thương lan rộng trên vai. Tùy vào từng trường hợp sẽ sử dụng Acetaminophen, Ibuprofen hay Naproxen.
  • Thuốc an thần: Cũng cho tác dụng giảm đau, hạn chế áp lực căng thẳng khó chịu cho bệnh nhân khi các đợt đau tái phát.
  • Thuốc tiêm: Khi các triệu chứng có chiều hướng nặng hơn, bệnh nhân đau nhức không dứt sẽ được chỉ định dùng thuốc tiêm liều mạnh, thông thường sẽ là Depomedrol, Hydrocortison.

Các loại thuốc giảm đau và chống viêm được dùng nhiều
Các loại thuốc giảm đau và chống viêm được dùng nhiều

Vật lý trị liệu

Trong suốt quá trình điều trị bệnh, các bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân thực hiện những bài vật lý trị liệu để hỗ trợ giảm cơn đau cũng như kích thích phục hồi chức năng sụn khớp, chức năng vận động, hạn chế teo cơ và co cứng cơ. Các bài tập sẽ được xây dựng với tình trạng bệnh lý cụ thể của bệnh nhân, tăng dần mức độ tập luyện về sau giúp cho xương khớp được cải thiện một cách tốt nhất.

Bên cạnh việc áp dụng các máy móc hỗ trợ trị liệu, bệnh nhân còn có thể thực hiện các bài tập đơn giản sau:

  • Xoay trong: Sử dụng gậy hỗ trợ đặt ở vị trí sau lưng, phần cuối gậy sẽ nắm bằng tay bên bị đau vai, tay còn lại ôm vào vai để kéo gậy sang bên tay không đau, kéo càng xa càng tốt.
  • Tập cánh tay: Dùng 1 chiếc ghế có lưng tựa, bám bên tay không đau nhức vào ghế và cúi lưng để đưa tay đau chuyển động theo hướng vòng tròn, sang ngang, trước sau.
  • Chèo thuyền: Sử dụng dây lò xo hoặc dây thun, buộc vào cột và tiến xa khỏi cột 3 bước. Nắm dây lò xo bằng tay bị đau và kéo về đằng sau từ từ, động tác tương tự như đang chèo thuyền.

Phẫu thuật

Khi quá trình chữa trị bằng thuốc không cho kết quả như mong muốn, bệnh nhân không đáp ứng thuốc, cần phải tiến hành phẫu thuật để bảo tồn khớp xương. Hiện nay đang có 2 kỹ thuật mổ thoái hóa khớp vai được ứng dụng phổ biến nhất gồm:

  • Nội soi cắt bỏ sụn: Phần sụn khớp sẽ được cắt bỏ các vị trí đã hư hỏng, viêm nhiễm, kích thích tái tạo sụn khớp để phục hồi chức năng cho khớp vai.
  • Thay khớp: Nếu khớp đã bị hư hỏng một phần hoặc hỏng hoàn toàn, bệnh nhân sẽ phải thay thế khớp vai nhân tạo nhằm duy trì các hoạt động sinh hoạt bình thường.

Khớp tổn thương nặng cần phải phẫu thuật
Khớp tổn thương nặng cần phải phẫu thuật

Thuốc Đông y

Đông y có nhiều bài thuốc cho tác dụng giảm đau xương khớp, đẩy lùi thoái hóa, viêm nhiễm khớp vai, có thể tham khảo một số thang thuốc sau:

Bài thuốc số 1:

  • Dược liệu: Cam thảo, can khương, quế chi, thương truật, ý dĩ, phục linh, xuyên khung.
  • Cách dùng: Thuốc sắc với 6- 7 bát nước, phần nước thuốc sôi cho tới khi cạn còn khoảng 2 bát sẽ lấy ra uống vào các bữa sáng, trưa, tối. Ở hai bữa còn lại trong ngày, nên hâm ấm thuốc sẽ tốt hơn.

Bài thuốc 2:

  • Dược liệu: Ngưu tất, kinh giới, độc hoạt, khương hoạt, thanh bì, đương quy, hồng hoa, đỗ trọng, ngũ gia bì, chỉ xác.
  • Cách dùng: Thuốc sắc cùng 1 lít nước để thu về 1 bát con. Uống hết thuốc trong ngày và thực hiện đều đặn đến khi hết liệu trình.

Mẹo dân gian

Trong dân gian, có khá nhiều cách giảm đau nhức do thoái hóa khớp vai gây ra, bệnh nhân có thể thực hiện những cách sau:

  • Trà gừng: Dùng gừng tươi rửa sạch và thái lát, cho gừng vào ấm pha trà, thêm nước nóng rồi đợi trong khoảng 15 phút. Sau đó lấy nước uống như uống trà hàng ngày.
  • Xương rồng: Chuẩn bị xương rồng ba chia, rửa sạch và cắt bỏ lớp gai. Nước xương rồng cho xém hết cạnh và đắp trực tiếp lên khớp vai đến khi nguội hẳn. Có thể nướng lại để đắp thêm lần nữa.
  • Ngải cứu: Lấy một nắm lá ngải cứu, rửa sạch sẽ cho hết bụi bẩn và đem rang cùng muối. Khi lá ngải đã ngả sang màu vàng úa sẽ cho hỗn hợp ra khăn bông sạch. Chườm ngải muối lên khớp vai để giảm đau ngay tức thì.

Ngải cứu hỗ trợ giảm đau hiệu quả
Ngải cứu hỗ trợ giảm đau hiệu quả

Phòng tránh thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai không còn là căn bệnh xa lạ, để có thể phòng ngừa tốt nhất, nên áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Nên đảm bảo cân nặng ở chỉ số thích hợp, không quá béo cũng không nên quá gầy.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là xương khớp. Cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D, vitamin K, Omega 3 và các loại khoáng chất khác.
  • Không nên nạp quá nhiều các thực phẩm chứa lượng purin cao vì đây là yếu tố kích thích hình thành gai xương.
  • Với người làm việc văn phòng, cần đảm bảo có tư thế ngồi chuẩn, người làm công việc bê vác nặng nhọc nên thực hiện massage đều đặn hàng ngày để giải phóng áp lực co cứng tại khớp vai.
  • Không nên tập luyện các môn thể thao quá sức, rèn luyện cường độ cao. Bạn có thể tập yoga, bơi lội, tập các bài dành riêng cho vùng khớp vai để gia tăng sự dẻo dai, linh hoạt cho khớp.
  • Nên phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho cân đối, hạn chế các căng thẳng quá mức. Cơ thể càng suy nhược càng làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất của xương khớp, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương.
  • Hạn chế các loại bia, rượu, cà phê để không làm giảm hụt canxi trong xương, tích tụ độc tố trong cơ thể gây cản trở quá trình trao đổi và hấp thụ các chất.
  • Nên điều trị từ sớm và dứt điểm các bệnh lý xương khớp giúp ngăn ngừa biến chứng thoái hóa khớp. Đặc biệt các bệnh nhân bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông gây tổn thương khớp vai.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần để kịp thời nhận biết những triệu chứng đáng ngờ ở xương khớp.

Thoái hóa khớp vai có thể gây ra nhiều cản trở trong công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân cần tới bệnh viện thăm khám, điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không tự xin đơn thuốc của người bệnh khác hay mua thuốc về chữa tùy ý tại nhà càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra biến chứng, khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Nếu nhận thấy quá trình chữa bệnh có các dấu hiệu bất thường, phải thông báo ngay với bác sĩ để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *