Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Array

Gai khớp gối là gì, có những triệu chứng thế nào và vì sao lại hình thành bệnh? Đây đều là những vấn đề được không ít người quan tâm tìm hiểu. Theo đó, bệnh lý xương khớp này gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực tới xương khớp và sức khỏe tổng thể của người bệnh, cần sớm được chữa trị để bảo toàn khớp một cách tốt nhất.

Định nghĩa gai khớp gối

Gai khớp gối là bệnh lý xương khớp hình thành với các gai xương mọc ra từ vị trí khớp gối. Đây là hệ quả của quá trình lắng đọng canxi tại xương, về lâu dài tạo ra gai xương và trực tiếp đâm vào dây chằng, gân, các mô xung quanh khiến người bệnh vô cùng đau đớn. Gai khớp gối phân chia theo 4 giai đoạn khác nhau và mức độ xếp từ nhẹ tới nghiêm trọng.

Cụ thể gồm:

  • Giai đoạn đầu: Các gai xương bắt đầu hình thành nhưng chưa có có sự phát triển mạnh. Bệnh nhân cũng không thể nhận biết dễ dàng. Thi thoảng đầu gối chỉ có cảm giác hơi đau nhẹ giống như cảm giác khi vừa vận động mạnh, khiêng đồ nặng hoặc ngồi một chỗ liên tục trong nhiều giờ.
  • Giai đoạn 2: Các gai xương lúc này đã phát triển hơn, kích thước ngày càng lớn và bắt đầu tác động tới các mô xung quanh khớp gối. Người bệnh cảm nhận được các cơn đau tương đối rõ rệt nhưng chưa làm hạn chế khả năng vận động.
  • Giai đoạn 3: Gai xương lớn hơn rất nhiều, một số phần của sụn khớp đã bị tổn thương, chịu nhiều sức ép, các dây chằng và mô bao quanh đều bị gai đâm vào. Người bệnh đau nhức thường xuyên, các cơn đau nhói khó chịu, đặc biệt khi vận động mạnh. Ngoài ra, thi thoảng sẽ có biểu hiệu sưng đầu gối, khớp gối khó cử động khi mới thức dậy.
  • Giai đoạn cuối: Khi đã phát triển tới giai đoạn này, khớp đối đã có những tổn thương khá nặng nề. Bệnh nhân không chỉ bị đau nhức dai dẳng, khả năng hoạt động của khớp bị hạn chế rất nhiều, thậm chí không thể đi lại bình thường. Khớp thường sưng đau và rất có khả năng bị biến dạng khi không chữa trị đúng cách.

Gai khớp gối tiến triển nặng qua mỗi giai đoạn
Gai khớp gối tiến triển nặng qua mỗi giai đoạn

Nguyên nhân gai khớp gối

Gai khớp gối có thể xảy ra bởi bệnh lý hoặc các thói quen sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Trong đó, những nguyên nhân tổn thương khớp phổ biến nhất gồm:

Lão hóa tự nhiên

Cơ thể khi về già sẽ khó tránh khỏi các biểu hiện lão hóa tự nhiên, trong đó khớp gối là nơi dễ xảy ra các tổn thương. Sụn khớp dần thoái hóa, khớp không còn đủ dịch bôi trơn và giảm khả năng tái tạo, phục hồi, do vậy gai xương rất dễ phát triển.

Chấn thương tại đầu gối

Đầu gối bị chấn thương là nguyên nhân gây ra gai khớp gối khá phổ biến hiện nay. Cụ thể, khi xảy ra tổn thương ở khớp, xương sẽ có quá trình hồi phục, tái tạo, nhưng nếu quá trình bù đắp canxi để sản sinh các tế bào xương mới quá mạnh, canxi sẽ bị dư thừa và lắng đọng tại khớp, từ đó tạo ra gai xương. Ngoài ra, một số chấn thương gây hư hỏng sụn và bánh chè bị trật khỏi khớp cũng là yếu tố nguy cơ.

Thừa cân béo phì

Cân nặng cơ thể quá lớn là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh lý về xương khớp, trong đó có gai khớp gối. Cụ thể, trọng lượng dồn hết xuống chân sẽ tạo ra các áp lực chèn ép lên sụn, dây chằng và bánh chè. Sau một thời gian dài, cấu trúc khớp gối bị chệch khỏi vị trí vốn có và tạo ra nhiều gai xương lớn nhỏ khác nhau.

Thừa cân béo phì dễ gây bệnh gai khớp gối
Thừa cân béo phì dễ gây bệnh gai khớp gối

Vận động cường độ mạnh

Nguyên nhân này có cơ chế tác động tương tự như thừa cân béo phì. Những người làm công việc đi lại khuân vác nhiều, người phải đứng làm việc nhiều tiếng trong ngày, các vận động viên đều sẽ chịu rất nhiều áp lực ở khớp gối và bàn chân, do vậy cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp gối sẽ gây ra các gai xương khi phát triển tới giai đoạn nặng. Bệnh nhân bị tổn thương cả đầu xương và lớp sụn chêm ở giữa, các tế bào khớp bị ăn mòn theo thời gian và không có khả năng tự phục hồi chữa lành.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp cũng là bệnh lý có sự liên quan tới quá trình hình thành của các gai xương tại khớp gối. Khi này, các tế bào miễn dịch xảy ra nhầm lẫn trong quá trình bảo vệ cơ thể, xảy ra cơ chế tự miễn khiến khớp xương bị viêm nhiễm, làm hư hại sụn và xương dưới sụn, từ đó tạo ra nhiều gai xương.

Đối tượng gai khớp gối

Gai khớp gối thường gặp nhất ở những nhóm đối tượng dưới đây:

  • Người cao tuổi.
  • Người từng hoặc đang bị chấn thương ở đầu gối.
  • Vận động viên.
  • Người làm công việc nặng nhọc hoặc phải đứng một chỗ liên tục.
  • Trường hợp thừa cân béo phì.

Triệu chứng gai khớp gối

Gai khớp gối khi đã phát triển mạnh sẽ có rất nhiều cơn đau nhức khó chịu, làm cản trở không ít hoạt động của người bệnh. Các dấu hiệu cụ thể gồm:

  • Bị đau nhức khi ngồi xuống đứng lên: Trong các thao tác ngồi xuống hoặc đứng lên hàng ngày, bệnh nhân bị đau nhức khó chịu, cơn đau buốt từ tận trong xương và rất có để có thể duy trì tư thế ngồi xổm.
  • Tê cứng khớp: Khớp gối có các gai xương sẽ thường xuyên bị  co cứng, khó cử động và phải mất một lúc xoa bóp. Tình trạng này gặp nhiều nhất khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Khớp kêu lạo xạo: Khi thực hiện các động tác co duỗi chân, bệnh nhân sẽ ngay thấy tiếng kêu lạo xạo khá rõ rệt.
  • Lên xuống cầu thang khó khăn: Bệnh nhân mắc gai khớp gối sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lên xuống cầu thang. Khớp gối đau và giảm sự linh hoạt, tầm cử động nhỏ đi đáng kể, bệnh nhân sẽ cảm giác khớp gối không thể điều khiển được như bình thường.
  • Mất cảm giác ở chân: Gai khớp gối còn gây ra tình trạng mất cảm giác ở chân, làm bệnh nhân không thể bước đi và không cảm nhận được nóng hay lạnh. Nguyên do bởi gai xương đâm vào dây thần kinh làm tê liệt.
  • Sưng khớp: Đầu gối ngày càng có biểu hiện sưng phù, đầu gối to hơn bình thường bởi gai xương đâm rách bao hoạt dịch khiến dịch khớp tràn ra ngoài.

Đau nhức làm bệnh nhân khó leo cầu thang
Đau nhức làm bệnh nhân khó leo cầu thang

Biến chứng gai khớp gối

Gai khớp gối gây ra không ít tổn thương ở phần sụn cũng như vị trí xương dưới sụn, dây thần kinh, bao hoạt dịch và các mô cơ bao quanh. Do đó, về lâu dài, bệnh nếu không được chữa trị đúng cách sẽ khiến khớp ngày càng viêm nhiễm nặng, các triệu chứng nghiêm trọng hơn, xảy ra các tổn thương không có khả năng phục hồi.

Bệnh nhân không chỉ gặp khó khăn trong việc lao động, việc đi lại bình thường cũng bị hạn chế đáng kể, thậm chí không muốn cử động khớp gối. Lúc này, khớp rất dễ biến dạng và ngày càng teo cơ, cấu trúc sai lệch gây ra biến chứng nghiêm trọng và bắt buộc phải phẫu thuật.

Chẩn đoán gai khớp gối

Gai khớp gối có thể điều trị như thế nào sẽ cần phải trải qua quá trình thăm khám với những phương pháp chẩn đoán sau đây:

  • Khám lâm sàng: Các bác sĩ đánh giá những tổn thương ở bên ngoài khớp gối, tình trạng sưng đỏ, cấu trúc cũng như ghi nhận triệu chứng đau nhức của bệnh nhân. Người bệnh cũng sẽ được yêu cầu thực hiện các thao tác co duỗi, lên xuống bậc thang để kiểm tra độ linh hoạt của gối.
  • Đo tốc độ truyền dẫn thần kinh: Nhằm đánh giá khả năng truyền dẫn của thần kinh có bị rối loạn hay không.
  • Chụp X-quang: Có thể nhận biết dễ dàng các gai xương đang phát triển ở khớp gối, đánh giá về kích thước gai và số lượng hình thành.
  • Chụp CT và MRI: Sẽ cho hình ảnh chi tiết hơn về tổn thương ở khớp gối, bao gồm cả dịch khớp, gân hay dây chằng.

Điều trị gai khớp gối

Gai khớp gối được điều trị với nhiều phương pháp khác nhau, trong đó cụ thể các hướng phục hồi khớp xương sẽ như sau:

Thuốc Tây chữa gai khớp gối

Y học hiện đại nghiên cứu nhiều loại thuốc điều trị gai khớp gối khác nhau, phổ biến nhất gồm có:

  • Thuốc giảm đau kết hợp với nhóm Tramadol: Giúp bệnh nhân có thể đẩy lùi các cơn đau nhức, giảm cảm giác khó chịu tại khớp gối.
  • Thuốc bôi ngoài da: Để làm dịu các phản ứng sưng đỏ khớp, giúp làm tê liệt tạm thời dây thần kinh để người bệnh không còn cảm giác đau nhức.
  • Thuốc chống viêm không Steroid: Giúp bệnh nhân giảm đau và viêm nhiễm, hạn chế viêm lan rộng hoặc viêm nặng hơn. Bác sĩ chủ yếu chỉ định sử dụng Meloxicam, Etoricoxib, Piroxicam, Diclofenac,...
  • Thuốc tiêm: Khi gai khớp gối phát triển quá mạnh, người bệnh sẽ được yêu cầu tiêm thuộc trực tiếp vào khớp để kiểm soát cơn đau hiệu quả.
  • Sản phẩm hỗ trợ: Ngoài các loại thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thêm một số thực phẩm chức năng để cải thiện khả năng phục hồi của khớp, bổ sung một số chất quan trọng cho quá trình loại bỏ gai xương. Những thành phần thường thấy là Chondroitin, Glucosamine sulfate, Acid hyaluronic.

Thuốc Tây y giúp kiểm soát tổn thương ở khớp gối
Thuốc Tây y giúp kiểm soát tổn thương ở khớp gối

Phẫu thuật

Sau khi sử dụng các loại thuốc nhưng không cải thiện tốt, có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật.

  • Thay khớp gối: Nếu khớp gối đã tổn thương hoàn toàn, mất chức năng hoạt động, bệnh nhân sẽ cần phải thay khớp nhân tạo để có thể tiếp tục các hoạt động sinh hoạt một cách bình thường cũng như phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
  • Nội soi khớp: Kỹ thuật mổ ít xâm lấn với chức năng cắt bỏ hết gai xương, tái tạo chức năng cho khớp gối cũng như lớp sụn khớp. Bệnh nhân cũng hồi phục nhanh hơn sau ca mổ.

Vật lý trị liệu

Để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình bình phục, bệnh nhân thường được các bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Các kỹ thuật này cho tác dụng giảm cơn đau, cải thiện chức năng hoạt động của khớp gối, gia tăng phạm vi chuyển động và tăng cường sức mạnh cho cơ nắp. Nhờ vậy bệnh nhân sẽ giảm tình trạng co cứng khớp, teo cơ hay gặp khó khăn khi lên xuống cầu thang.

Tuy nhiên, cần phải tập luyện dưới sự hướng dẫn và quan sát của các bác sĩ để đảm bảo đúng kỹ thuật, bệnh nhân không nên tự tập tại nhà khi chưa nắm được các thao tác vì rất có thể sẽ bị chấn thương.

Vật lý trị liệu cải thiện khả năng cử động của xương khớp
Vật lý trị liệu cải thiện khả năng cử động của xương khớp

Mẹo dân gian

Việc điều trị gai khớp gối bằng mẹo dân gian chủ yếu sử dụng các biện pháp làm giảm đau cũng như hạn chế sưng đỏ khớp thông qua các nguyên liệu tự nhiên quen thuộc.

Có thể thực hiện theo cách:

  • Ngải cứu: Chuẩn bị một nắm lá ngải, cho vào chậu nước muối loãng ngâm 15 phút và rửa sạch. Sau đó bỏ lá ngải vào cối giã nát, thêm nước lọc và ép phần nước cốt. Nước cốt ngải uống đều đặn vào buổi sáng và tối để cho kết quả giảm đau tốt nhất. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng lá ngải để sao vàng và chườm nóng cũng cho tác dụng tương tự.
  • Lá lốt: Lá lốt sau khi đã sơ chế sạch sẽ cần để cho ráo nước, thái nhỏ và bỏ vào hũ thủy tinh. Thêm rượu trắng ngâm cho ngập lá và đậy kín nắp bình, bảo quản nơi thoáng mát. Sau 1 tháng, lấy rượu lá lốt ra để xoa bóp lên khớp gối mỗi ngày 2 lần.
  • Tinh bột nghệ: Chuẩn bị 1 thìa tinh bột nghệ, 2 thìa dầu dừa và 1 lòng đỏ trứng gà, đem trộn đều rồi uống trực tiếp 1 lần mỗi ngày.

Dùng tinh bột nghệ là mẹo giảm đau do gai khớp gối khá tốt
Dùng tinh bột nghệ là mẹo giảm đau do gai khớp gối khá tốt

Thuốc Đông y

Đông y điều trị gai khớp gối với các bài thuốc ứng dụng nguồn dược liệu quý hiếm, tác dụng lâu dài với những bài thuốc nổi bật như:

Bài thuốc số 1:

  • Dược liệu: Kê huyết đằng, dây gắm, hy thiêm, rễ xấu hổ, ngưu tất, thổ phục linh, thiên niên kiện, dây đau xương, ngưu tất.
  • Cách dùng: Thuốc sắc chung với 1 lít nước, thu về 1 bát con nước thuốc và uống khi còn ấm sẽ có tác dụng tốt nhất.

Bài thuốc số 2:

  • Dược liệu: Ma hoàng, bạch thược, bạch truật, sinh khương, ý dĩ, cam thảo, đương quy, quế chi.
  • Cách dùng: Sắc thuốc với 5 - 6 bát con nước đến khi cạn còn khoảng 1 bát. Chia thuốc làm 2 bữa, ở bữa thứ 2 nên hâm ấm thuốc trước khi dùng.

Phòng tránh gai khớp gối

Gai khớp gối có thể hạn chế nguy cơ hình thành khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong các hoạt động ăn uống, sinh hoạt và lao động hàng ngày như sau:

  • Đảm bảo cân nặng ở chỉ số phù hợp, hạn chế để cơ thể béo phì, thừa cân sẽ gây ra gai khớp gối, thoái hóa xương khớp và nhiều bệnh lý liên quan tới đường huyết, mỡ thừa.
  • Ngồi làm việc đúng tư thế, không nên ngồi nguyên một chỗ quá lâu, nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng thường xuyên.
  • Với người lao động nặng nhọc cần có các bài massage vào cuối ngày để thư giãn xương khớp.
  • Không nên chơi thể thao cường độ mạnh, tập luyện các môn quá sức chịu đựng của cơ thể. Trước khi vào lượt chơi cần đảm bảo khởi động cơ thể cẩn thận, kỹ lưỡng.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ sớm và ngủ đủ giấc hàng ngày. Không nên thức khuya hay lạm dụng các chất kích thích gây hại cho cơ thể.
  • Có thể tập yoga, đi bộ, đạp xe là cách vận động xương khớp rất hữu ích.
  • Uống đủ 2 lít nước hàng ngày, ăn uống nhiều rau củ quả, các loại thịt cá chứa nhiều omega 3, canxi, vitamin D, collagen và các dưỡng chất thiết yếu khác. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, các thực phẩm đã bảo quản quá lâu trong tủ lạnh.
  • Nếu gặp phải các chấn thương ở đầu gối, cần nhanh chóng điều trị dứt điểm, tránh tâm lý chủ quan lơ là gây ra các biến chứng nguy hại cho khớp gối.

Gai khớp gối là bệnh lý không thể xem nhẹ, dễ gây ra các biến chứng vĩnh viễn, làm người bệnh mất khả năng vận động. Cần sớm tiến hành các biện pháp điều trị, chăm sóc cơ thể khoa học, hợp lý, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh thuyên giảm tốt. Hạn chế các thao tác vận động cường độ cao hay các hành vi có nguy cơ xảy ra chấn thương.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *