Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Array

Thoái hóa khớp háng chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, gây ra không ít hạn chế trong đời sống hàng ngày của người bệnh. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân hoàn toàn có nguy cơ bị biến chứng và mất khả năng phục hồi khớp.

Định nghĩa thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng là bệnh tổn thương xương khớp do khớp bị bào mòn, hỏng cấu trúc, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh gây ra các cơn đau nhức nặng, hạn chế khả năng vận động, dễ làm thay đổi cấu trúc của khớp háng và thậm chí có thể bị liệt.

Hiện nay, bệnh được chia thành 2 loại gồm nguyên phát và thứ phát. Trong đó chủ yếu hơn nửa số bệnh nhân nằm ở nhóm thoái hóa khớp nguyên phát và nhóm thứ phát thường do các chấn thương, biến dạng hoặc dị dạng trên cơ thể gây ra.

Thoái hóa khớp háng là bệnh lý ngày càng phổ biến
Thoái hóa khớp háng là bệnh lý ngày càng phổ biến

Nguyên nhân thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng được xác định xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó những yếu tố tác động lớn nhất gồm có:

  • Tuổi tác: Đây là nguyên do chủ yếu của bệnh thoái hóa khớp háng. Khi tuổi càng cao, xương khớp càng lão hóa nhiều hơn, giảm khả năng tự bù đắp mật độ xương, canxi giảm mạnh nên khó tránh khỏi thoái hóa.
  • Thừa cân béo phì: Khớp háng sẽ chịu nhiều áp lực từ cơ thể, đặc biệt ở các trường hợp thừa cân béo phì, khớp không đủ khả năng nâng đỡ, trong thời gian dài nhanh chóng xảy ra thoái hóa.
  • Bị chấn thương: Hiện nay có không ít bệnh nhân mắc thoái hóa khớp háng do trước đó xảy ra các chấn thương trong quá trình chơi thể thao, lao động hoặc tai nạn giao thông.
  • Mắc các bệnh về xương khớp: Với những bệnh nhân có bệnh nền về xương khớp như trật khớp háng, mắc chứng viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp sẽ dễ xảy ra thoái hóa hơn do quá trình xương khớp bị tổn thương gây ra không ít biến chứng.
  • Nguyên nhân khác: Bệnh thoái hóa khớp háng còn có thể xảy ra bởi dị tật bẩm sinh, bệnh nhân bị đái tháo đường, huyết sắc tố và một số bệnh lý khác.

Thừa cân béo phì dễ gây thoái hóa khớp háng
Thừa cân béo phì dễ gây thoái hóa khớp háng

Đối tượng thoái hóa khớp háng

Bệnh thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, trong đó những người có nguy cơ mắc cao nhất gồm:

  • Người cao tuổi.
  • Người bị thừa cân béo phì.
  • Các trường hợp xảy ra tai nạn, chấn thương ở khớp háng.
  • Bệnh nhân bị dị tật khớp háng bẩm sinh.

Triệu chứng thoái hóa khớp háng

Bệnh thoái hóa khớp háng sẽ có nhiều biểu hiện đau nhức và hạn chế khả năng vận động như sau:

  • Người bệnh bị các cơn đau kéo từ khu vực bẹn đến đùi. Nếu trường hợp nghiêm trọng, đau nhức có thể lan cả xuống mông, càng di chuyển hoặc đứng một chỗ quá lâu càng thấy đau nhức nặng hơn.
  • Khi bệnh đã chuyển nặng, người bệnh sẽ khó tránh khỏi những cơn đau vào lúc thức dậy mỗi sáng. Hơn nữa, cuối ngày cũng sẽ có cảm giác đau khó chịu hơn.
  • Ngay cả khi người bệnh ngồi hay nằm một chỗ, cơn đau vẫn có thể xảy đến.
  • Thoái hóa khớp háng làm người bệnh thay đổi dáng đi, thường bước đi khập khiễng, khó lên xuống cầu thang. Các khớp dễ bị tê cứng khiến bệnh nhân ngày càng ngại vận động hơn.
  • Những thao tác như ngồi xổm, đi vệ sinh đều sẽ bị cản trở vì lúc này khớp xương cứng và đã bị tổn thương, các thao tác trở nên kém linh hoạt, không thể đạt được khả năng cử động như mong muốn.

Các cơn đau nhức diễn ra thường xuyên
Các cơn đau nhức diễn ra thường xuyên

Biến chứng thoái hóa khớp háng

Bệnh thoái hóa khớp háng nếu không chữa đúng cách và kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau đây:

  • Lệch trục khớp: Phần khớp bị tổn thương sẽ nhanh chóng đẩy ra khỏi vị trí trục ban đầu, điều này cũng khiến cho dáng đi của người bệnh bị thay đổi.
  • Xuất hiện gai xương: Khớp càng thoái hóa nghiêm trọng càng gia tăng nguy cơ hình thành các gai xương. Khi này, gai sẽ đâm vào các dây thần kinh, dây chằng, mô bao quanh khiến người bệnh đau dữ dội hơn, thậm chí không thể đi đứng bình thường.
  • Thoát vị hoạt dịch: Thoát vị hoạt dịch là tình trạng dịch ở khớp háng bị tràn ra ngoài vị khớp thoái hóa, gây vỡ rách bao hoạt dịch. Từ đây khớp không có đủ chất bôi trong nên sẽ cứng và dễ bị bào mòn hơn.
  • Liệt hoàn toàn: Biến chứng nguy hiểm nhất của thoái hóa khớp. Các đầu xương cọ xát vào nhau, khớp bị khô, cứng, hình thành không ít gai xương và biến dạng sẽ dễ làm bệnh nhân bị tê liệt hoàn toàn, vĩnh viễn mất đi khả năng vận động.

Chẩn đoán thoái hóa khớp háng

Khớp háng bị thoái hóa sẽ cần phải chẩn đoán chi tiết để đưa ra được hướng điều trị phù hợp. Hiện nay các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm những kiểm tra sau đây:

Thăm khám lâm sàng: Bệnh nhân được ghi lại các thông tin về cơn đau xuất hiện từ khi nào, có các biểu hiện ra sao, thời gian mỗi đợt đau nhức diễn ra cũng như khả năng vận động hàng ngày. Sau đó sẽ chuyển qua làm một số kiểm tra đánh giá lực cơ của vùng bẹn, dấu hiệu sưng đau ở háng và biên độ sải chân, co duỗi chân, đứng lên ngồi xuống.

Chụp chiếu: Từ kết quả thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm các cách chiếu chụp bằng X-quang, MRI, CT nhằm đánh giá mức độ hẹp khớp, tình trạng mài mòn khớp, có xuất hiện gai xương hay không, xương có biểu hiện khuyết các dấu hiệu dị tật khác.

Xét nghiệm: Nhằm chẩn đoán chi tiết hơn về tình trạng bệnh lý và sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm gồm có:

  • Xét nghiệm công thức máu để kiểm tra các chỉ số liên quan, đánh giá men gan, creatinin.
  • Làm điện tâm đồ, điện giải đồ.
  • Thu thập chỉ số định lượng đường trong máu.
  • Làm động mạch đồ và siêu âm các mạch máu.

Điều trị thoái hóa khớp háng

Bệnh thoái hóa khớp háng cần được điều trị nhanh chóng, kịp thời để bảo toàn sức khỏe xương khớp. Những phương pháp có thể áp dụng gồm:

Thuốc Tây trị thoái hóa khớp háng

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng có thể được chỉ định uống những loại thuốc Tây sau đây:

  • Kháng viêm không Steroid: Thuốc dùng phổ biến trong mọi trường hợp bệnh lý xương khớp hiện nay. Hiệu quả giảm đau nhanh, chống viêm, ngừa viêm nhiễm lan rộng ra khớp xương và không gây nghiện. Bệnh nhân có thể cảm nhận rõ các cơn đau dịu đi và ít xuất hiện hơn rất nhiều. Một số loại thuốc quen thuộc của nhóm này gồm: Naproxen, Diclofenac hoặc Ibuprofen.
  • Thuốc giảm đau thông thường: Đẩy lùi các cơn đau tức thì và liều dùng thường cách nhau 4 - 6 giờ. Nhóm thuốc này hoàn toàn có thể tự mua tại các hiệu thuốc ngoài nhưng để đảm bảo đúng liều lượng, cần phải được bác sĩ kê đơn. Bệnh nhân thường sẽ dùng Aspirin hoặc Paracetamol.
  • Nhóm thuốc chẹn thần kinh: Khi bệnh nhân xảy ra các đau nhức tổn thương trong thời gian dài, mức độ nặng và xuất hiện tình trạng cứng cơ, dây thần kinh bị gai xương làm tổn thương sẽ dùng thuốc chẹn thần kinh. Ngoài ra sẽ kết hợp thêm thuốc giãn cơ để người bệnh dễ dàng hơn trong các cử động đơn giản. Thuốc dùng nhiều là Nouvo-baclofen, Decontractyl và Sirdalud.
  • Thuốc bôi: Bên cạnh thuốc uống, bệnh nhân có thể được kê đơn một số thuốc bôi ngoài da với công dụng giảm triệu chứng sưng tấy, viêm đỏ và làm dịu các cơn đau. Nhưng hiệu quả sẽ không cao như thuốc uống và cũng chỉ có tác dụng tạm thời. Các bác sĩ sẽ cân nhắc cho người bệnh dùng những thuốc sau: Voltaren Emulgel, Golden hoặc Profenid gel.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thêm các thực phẩm chức năng theo sự hỗ trợ tư vấn từ các bác sĩ. Những sản phẩm này sẽ cung cấp, bổ sung thêm nhiều chất có lợi cho xương khớp, kích thích khả năng tái tạo. bảo vệ xương trước các yếu tố có hại và giúp xương khớp chắc khỏe hơn.

Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau được dùng nhiều
Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau được dùng nhiều

Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ được cân nhắc thực hiện khi người bệnh có các dấu hiệu mất khả năng vận động, khớp xương tổn thương không thể phục hồi, cơ thể không đáp ứng thuốc, dùng nhiều liệu trình thuốc khác nhau nhưng bệnh không có tiến triển tốt. Những kỹ thuật thường dùng nhất sẽ là:

  • Thay một phần khớp: Khi khớp háng chỉ bị tổn thương ở một phần, lớp sụn chưa hư hại hoàn toàn, bệnh nhân sẽ chỉ cần thực hiện thay một phần ở khớp.
  • Thay toàn bộ khớp: Khớp mất vĩnh viễn chức năng, các phần sụn và đầu khớp không còn khả năng phục hồi sẽ cần thay toàn bộ khớp nhân tạo.
  • Cắt bỏ gai xương: Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ gai xương để các dây thần kinh, mô, mạch máu quanh khớp háng không bị tổn thương.

Vật lý trị liệu

Với các bệnh nhân thoái hóa khớp háng, vật lý trị liệu sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục cơ thể, cải thiện khả năng vận động. Hiện nay, bệnh nhân sẽ được tiến hành trị liệu với các phương pháp gồm:

  • Máy điện xung giao thoa: Có tác dụng kích thích lên các dây thần kinh, giúp bệnh nhân giảm cảm giác đau nhức, vùng khớp háng không còn co cứng khó chịu, quá trình chuyển hóa được thúc đẩy hoạt động tốt hơn.
  • Nhiệt sóng ngắn: Nguồn nhiệt từ bước sóng ngắn trên các thiết bị chuyên dụng sẽ tác động lên khớp háng, giảm tình trạng đau nhức và viêm sưng, làm ấm cơ, giảm phù nề. Bệnh nhân qua đó cử động dễ dàng hơn.
  • Siêu âm xung: Là kỹ thuật vật lý trị liệu có tác dụng đẩy lùi cơn đau, phòng ngừa viêm nhiễm, kích thích quá trình sụn khớp tái tạo.

Đồng thời, những bài tập vận động với các thao tác đơn giản sẽ được hướng dẫn cho bệnh nhân để có thể cho hiệu quả tốt nhất. Bệnh nhân chú ý không tự tập luyện tại nhà khi chưa nắm rõ kỹ thuật cũng như được bác sĩ tư vấn liệu trình để không xảy ra biến chứng.

Vật lý trị liệu hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị
Vật lý trị liệu hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị

Thuốc Đông y

Đông y sử dụng các dược liệu quý kết hợp thành những bài thuốc giúp bệnh nhân có thể đẩy lùi cơn đau do thoái hóa khớp háng gây ra như sau:

Bài thuốc số 1:

  • Dược liệu: Phòng phong, chi mẫu,quế chi, hoàng cầm, ngưu tất, độc hoạt, cẩu tích, xuyên quy, vương cốt đằng, thạch cao, đỗ trọng, hy thiêm.
  • Cách dùng: Thuốc sắc cùng 6 bát nước, chờ nước thuốc cạn còn ⅓ sẽ dừng và chắt ra chia làm 3 bữa. Uống thuốc ấm sẽ tốt nhất, vì vậy khi các bữa thuốc còn lại trong ngày đã nguội, hãy hâm lại trước khi dùng.

Bài thuốc số 2: 

  • Dược liệu: Phòng phong, xuyên khung, xích thược, hoàng cầm, vương cốt đằng, hoàng bá, uy tinh tiên, quế chi, đương quy, phỏng kỷ, ngưu tất, bạch linh.
  • Cách dùng: Bệnh nhân cho thuốc vào ấm sắc với 1 lít nước để thu về 2 bát con. Nước thuốc uống 3 bữa trong ngày và uống thuốc ấm để có tác dụng cao nhất.

Bài thuốc số 3:

  • Dược liệu: Thược dược, ma hoàng, quế chi, thương truật, đương quy, ý dĩ nhân, hoàng bá, cam thảo.
  • Cách dùng: Sắc thuốc với 6 bát nước con, đợi thuốc sôi cạn sẽ lấy thuốc uống vào các buổi sáng, trưa và tối đều đặn cho tới hết liệu trình.

Mẹo dân gian

Mẹo dân gian có các công thức giảm đau khá tốt cho bệnh nhân như sau:

  • Cỏ xước: Chuẩn bị một nắm cỏ xước vừa đủ, đem ngâm nước muối và rửa sạch sẽ, sau đó thái thành các khúc nhỏ để đem phơi hoặc sấy khô. Sau khi cỏ đã khô, lấy ra mỗi lần 10g đem nấu nước uống. Nước cỏ xước uống thay cho nước trà hàng ngày.
  • Ngải cứu: Bệnh nhân lấy lá ngải cứu rửa sạch, cho lên chảo và sao nóng cùng một ít muối trắng đến khi lá ngả màu. Bọc hỗn hợp bằng khăn bông sạch và chườm trực tiếp lên khớp háng cho tới khi nguội hẳn. Có thể sao lại lá ngải và chườm thêm lần nữa.
  • Rượu tỏi: Chuẩn bị 3 - 4 củ tỏi, bóc vỏ và rửa sạch sẽ, sau đó để cho ráo nước. Đem tỏi bỏ vào bình thủy tinh, thêm rượu ngâm ngập tỏi trong khoảng 10 ngày ở nơi thoáng mát, khô ráo. Hàng ngày, bệnh nhân lấy rượu tỏi đem xoa bóp trực tiếp ở khớp háng mỗi ngày 1 - 2 lần.

Lá ngải cứu hỗ trợ giảm đau tốt
Lá ngải cứu hỗ trợ giảm đau tốt

Phòng tránh thoái hóa khớp háng

Để phòng tránh thoái hóa khớp háng một cách tốt nhất, nên áp dụng các biện pháp chăm sóc cơ thể như sau:

  • Duy trì cân nặng với chỉ số phù hợp, tránh để thừa cân béo phì sẽ tạo ra sức ép lớn lên khớp háng, khớp gối và bàn chân, gia tăng thoái hóa, viêm khớp và gout.
  • Có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt người cao tuổi cần bổ sung thêm canxi, vitamin D và các khoáng chất giúp xương luôn chắc khỏe. Có thể nạp thông qua sữa hay các thực phẩm chức năng theo sự tư vấn từ các chuyên gia.
  • Kiểm soát chỉ số đường huyết, tránh để lượng đường quá cao vì đây là yếu tố kích thích tới sự chắc khỏe của sụn khớp, dễ làm xương và các khớp yếu hơn.
  • Nên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên để đảm bảo xương khớp luôn có sự dẻo dai, linh hoạt, kích thích tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng căng cứng cơ và khớp cũng như giảm thiểu nguy cơ khô khớp.
  • Không dùng chất các kích thích như bia, rượu, cà phê, các thức uống có cồn, đồ ăn chứa nhiều muối, đường, các chất bảo quản. Đây là những chất dễ gây mất canxi trong xương, làm cơ thể mất nước và tích tụ thêm không ít độc tố nguy hại, gia tăng khả năng loãng xương.
  • Nên thăm khám sức khỏe định ít ít nhất 2 lần mỗi năm. Ngoài ra, nếu xảy ra các chấn thương, các bệnh lý về xương khớp khác, cần sớm tiến hành chữa trị dứt điểm để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng.
  • Không nên sử dụng các dòng thuốc bổ xương khớp trôi nổi ngoài thị trường để tránh gây ra các tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe.

Thoái hóa khớp háng có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng vận động, lao động của người bệnh, gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy bệnh nhân cần điều trị từ sớm, thực hiện đúng các phác đồ, sử dụng thuốc và các sản phẩm hỗ trợ hợp lý để xương khớp có thể phục hồi tốt. Không nên chủ quan chậm trễ trong thăm khám sẽ dễ xảy ra nhiều biến chứng không thể chữa trị.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *