Các Giai Đoạn Thoái Hóa Khớp Gối Và Hướng Điều Trị Phù Hợp
Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh xương khớp nghiêm trọng mà người bệnh cần sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu để lâu, bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu, không chỉ gây đau đớn mà còn làm ảnh hưởng tới vận động, sinh hoạt của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về các giai đoạn thoái hóa khớp gối và hướng điều trị phù hợp cho từng giai đoạn.
Các giai đoạn thoái hóa khớp gối và giải pháp điều trị
Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh xương khớp thường gặp ở những người ngoài 40 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tuổi tác, béo phì, thường xuyên bê vác nặng, chất thương trong lao động, tai nạn hoặc do những căn bệnh viêm khớp gây ra.
Biểu hiện thường thấy ở những người bị thoái hóa khớp đó là đau nhức xương khớp, cứng khớp, mất dần khả năng đi lại, vận động nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên bệnh thoái hóa khớp gối thường không xảy ra đột ngột mà chúng diễn biến một cách âm ỉ theo thời gian khiến người bệnh khó phát hiện.
Dựa theo mức độ tổn thương của khớp, các chuyên gia đã chia bệnh thoái hóa khớp gối thành 4 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng. Bác sĩ thông qua đó cũng đưa ra được những chẩn đoán và cách điều trị phù hợp cho từng giai đoạn của bệnh.
Cụ thể, dưới đây là các giai đoạn thoái hóa khớp gối người bệnh cần nắm rõ:
Thoái hóa khớp gối giai đoạn 1
Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ không có biểu hiện rõ ràng, đôi khi bạn sẽ cảm thấy đau và khó chịu ở vùng khớp do quá trình mài mòn bắt đầu diễn ra. Các khe khớp chưa có dấu hiệu thu hẹp nhưng các gai xương đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên những dấu hiệu này chỉ xảy ra chớp nhoáng và không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt và vận động của người bệnh.
Do không có triệu chứng rõ ràng nên hầu hết các trường hợp này bác sĩ sẽ không chỉ định phương án điều trị cụ thể. Tuy nhiên lời khuyên cho người bệnh là cần tích cực rèn luyện thể dục thể thao, thực hiện các bài tập phù hợp để cải thiện triệu chứng, làm chậm quá trình thoái hóa và ngăn không cho bệnh tiến triển nặng.
Bên cạnh đó người bệnh cũng cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống khoa học. Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương khớp để giúp bệnh tình được kiểm soát hiệu quả.
Thoái hóa khớp gối giai đoạn 2
Khi bệnh đã diễn biến tới giai đoạn 2, người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau rõ ràng hơn. Nguyên nhân là bởi các gai xương đã hình thành ngày một rõ ràng. Tuy nhiên các khe khớp vẫn chưa hẹp lại khiến các đầu xương cọ sát vào nhau và lượng dịch bao quanh khớp vẫn đủ để khớp hoạt động. Quan sát bên ngoài đầu gối sẽ không nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Người bệnh chỉ nhận thấy sự thay đổi của khớp thông qua phim chụp X-quang.
Triệu chứng thường gặp ở giai đoạn này sẽ bao gồm:
- Đau nhức đầu gối vào buổi tối và ban đêm.
- Khớp gối bị cứng nếu người bệnh không vận động trong vài trờ.
- Người bệnh bị đau và khó chịu ở khớp nếu thực hiện các động tác như quỳ gối, khuỵu gối, ngồi khoanh chân, cúi người.
- Xương khớp bị đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi.
Ở giai đoạn này, việc điều trị cần được tiến hành từ sớm để ngăn không cho bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên quá trình điều trị sẽ chủ yếu là thay đổi lối sống, sinh hoạt và hạn chế việc dùng thuốc.
- Duy trì cân nặng phù hợp để giảm bớt áp lực cho khớp gối.
- Hạn chế thực hiện các động tác gây ảnh hưởng đến khớp gối như quỳ, ngồi xổm, khoanh chân, bật cao,…
- Tập các bài thể dục thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, thái cực quyền để tăng cường sức khỏe xương khớp.
- Nên sử dụng nẹp đầu gối để cố định và bảo vệ khớp gối trong trường hợp cần thiết.
- Có thể dùng thêm một số loại thuốc giảm đau không kê toa như paracetamol, NSAIDs… để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng vì thuốc có thể gây ra nhiều ảnh hưởng gan, thận, dạ dày và tim mạch.
Thoái hóa khớp gối giai đoạn 3
Người bệnh bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 3 sẽ có những biểu hiện như đau nhức ở đầu gối. Cơn đau nghiêm trọng hơn khi vận động, cúi người hoặc quỳ gối. Bên cạnh đó, người bệnh còn có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng hoặc cảm thấy khó vận động nếu ngồi quá lâu.
Ở giai đoạn này, thông qua phim chụp X-quang, các bác sĩ có thể thấy được dấu hiệu sụn khớp bị bào mòn và tổn thương một cách rõ rệt. Các khe khớp bắt đầu thu hẹp một cách đáng kể, gai xương cũng xuất hiện nhiều hơn, mô mềm bao quanh khớp có dấu hiệu bị viêm khiến đầu gối của người bệnh bị sưng nóng.
Để điều trị bệnh ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê toa. Trong trường hợp những loại thuốc này không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc có dược lực mạnh hơn như glucocorticoid hay tramadol. Tuy nhiên những loại thuốc này không được bác sĩ khuyến khích sử dụng lâu dài. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi xuất hiện những cơn đau vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
Bên cạnh đó người bệnh cũng có thể áp dụng thêm những phương pháp điều trị như sau:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao với những bộ môn vận động nhẹ nhàng, phù hợp.
- Ăn uống khoa học, kiêng thực phẩm mặn, cay nóng, nhiều dầu mỡ và chất béo.
- Tập vật lý trị liệu.
- Hạn chế vận động mạnh hoặc dồn lực vào đầu gối quá nhiều.
- Điều chỉnh cân nặng về mức phù hợp để tránh gây áp lực cho khớp.
- Can thiệp phẫu thuật.
Thoái hóa khớp gối giai đoạn 4
So với các giai đoạn thoái hóa khớp gối bên trên, ở giai đoạn 4 người bệnh có thể cảm nhận được những cơn đau đớn, sưng viêm vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ làm ảnh hưởng tới việc đi lại mà còn khiến sức khỏe của người bệnh bị suy giảm.
Nguyên nhân là bởi các khe khớp của người bệnh đã hẹp đi rất nhiều, kèm theo đó là tình trạng xương dưới sụn bị xơ hóa. Thông qua kết quả chụp phim X-quang, bác sĩ có thể nhận thấy khớp sụn khớp của người bệnh gần như bị bào mòn hoàn toàn, gai xương nhiều, có kích thước lớn, một số trường hợp đầu xương còn bị biến dạng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lượng dịch bôi trơn ở khớp cũng bị suy giảm khiến các đầu xương cọ sát với nhau, gây đau nhức mỗi khi chuyển động. Tình trạng này nếu không được khắc phục kịp thời và đúng cách có thể khiến người bệnh bị mất khả năng vận động, thậm chí là tàn phế suốt đời.
Đối với những người bệnh đang bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 4, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật như nội soi khớp, thay khớp,… Tùy vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một phương án điều trị phù hợp.
- Phẫu thuật đục xương chỉnh trục: Phương pháp này giúp thay đổi trọng tâm chịu lực của khớp gối. Từ đó giúp giảm đau và làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Người bệnh vẫn giữ lại được khớp thật của mình, khả năng đi đứng và biên độ vận động khớp hoàn toàn bình thường sau điều trị.
- Phẫu thuật nội soi khớp gối: Điều trị ít xâm lấn, giúp chữa lành những tổn thương bên trong khớp một cách an toàn, hạn chế rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật nhanh và phục hồi nhanh nên được rất nhiều người lựa chọn.
- Phẫu thuật thay khớp gối: Người bệnh được loại bỏ phần khớp gối bị hư tổn và thay thế bằng khớp nhân tạo, có thể sử dụng các thiết bị bằng nhựa hoặc kim loại. Phẫu thuật này giúp người bệnh giảm đau đớn hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, hình thành máu đông, tổn thương tim mạch và hệ thần kinh, cứng khớp.
Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối tại nhà hiệu quả
Các bác sĩ chuyên khoa xương khớp cho biết, việc phòng ngừa tình trạng thoái hóa khớp là điều vô cùng quan trọng. Bởi thoái hóa khớp là một bệnh lý rất khó để điều trị dứt điểm. Vì vậy để phòng tránh căn bệnh này, ngay từ hôm nay bạn cần chú ý tới những vấn đề sau:
- Duy trì cân nặng phù hợp bởi việc thừa cân béo phì sẽ làm tăng áp lực cho các khớp, khiến sụn khớp bị mòn nhanh hơn.
- Kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột.
- Thường xuyên tập thể dục để xương khớp luôn dẻo dai, tăng chức năng vận động và phòng tránh tình trạng đau khớp, cứng khớp.
- Trong quá trình sinh hoạt, vận động, đi lại, cần hết sức cẩn thận để tránh bị chấn thương.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế ăn những thực phẩm nhiều đường, muối, dầu mỡ, cay nóng, thịt đỏ, nội tạng động vật,…
- Thay vào đó người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, uống nhiều nước, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như canxi, magie, vitamin D, photpho, kali,…
- Không nên bỏ qua các triệu chứng nhận biết của thoái hóa khớp gối. Nếu nghi ngờ có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
- Nên đi khám bác sĩ định kỳ 6 tháng một lần, đặc biệt là những người trung niên và người cao tuổi có dấu hiệu bị các bệnh về xương khớp. Từ đó có thể đưa ra được phương án điều trị bệnh phù hợp, kịp thời.
Như vậy, thông qua những chia sẻ trên đây, người bệnh đã biết được các giai đoạn thoái hóa khớp gối cùng với những biểu hiện đặc trưng. Ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời, phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!