Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Đau dây thần kinh liên sườn ngày càng trở thành bệnh lý phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người mắc. Để hạn chế nguy cơ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn, người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị từ sớm.

    Định nghĩa bệnh đau dây thần kinh liên sườn

    Theo cấu trúc giải phẫu trên cơ thể người, vị trí của dây thần kinh liên sườn là nằm ở tủy sống và dưới mỗi xương sườn. Cụ thể hệ thống động mạch tĩnh mạch của các dây thần kinh liên sườn xuất phát từ đốt sống D1 - D2 (đoạn tủy ngực – lưng), sau đó tách ra và di chuyển ngay dưới khung xương sườn.

    Bởi vậy, đau dây thần kinh liên sườn (tên tiếng anh là Intercostal Neuralgia) chính là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn. Với bất kỳ tác động nào đến hệ thống khung xương, tủy sống và thành ngực đều tiềm ẩn nguy cơ gây đau nhức hệ thống dây thần kinh liên sườn.

    là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn
    là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn

    Tùy vào vị trí cụ thể và nguyên nhân gây đau nhức, đau dây thần kinh liên sườn có thể chia thành 3 loại như sau:

    • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Tình trạng đau nhức xảy ra khi người bệnh bê vác vật nặng, hoạt động sai tư thế, chấn thương tại vùng xương sườn hai bên hoặc thay đổi thời tiết.
    • Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát: Triệu chứng đau xuất hiện không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cơn đau hoàn toàn có thể tự cải thiện mà không cần áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào.
    • Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát: Các bệnh lý nền như thoái hóa cột sống, đau nhức cột sống thắt lưng, hoặc những bệnh lý khác liên quan đến thần kinh,... đều có thể là nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn.

    Nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn

    Đau dây thần kinh liên sườn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó điển hình là các nhóm yếu tố nguy cơ dưới đây:

    • Nhiễm khuẩn: Một số bệnh lý do nhiễm khuẩn, điển hình như zona thần kinh sẽ làm người bệnh đau nhức hệ thống dây thần kinh liên quan, trong đó có dây thần kinh liên sườn.
    • Thói quen hoạt động: Một số hoạt động sai tư thế lặp lại thường xuyên như bê vác vật nặng, ngồi làm việc sai tư thế, lười vận động,... đều có thể dẫn đến đau nhức dây thần kinh.
    • Thay đổi thời tiết: Người bệnh hoàn toàn có thể bị đau nhức dây thần kinh do thời tiết thay đổi. Tùy vào cơ địa từng người mà tính chất cơ đau ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Nếu do nguyên nhân này thì bạn chỉ cần xoa bóp và áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà, không cần dùng thuốc.
    • Chấn thương trong lao động: Một số tác nhân bên ngoài có thể khiến xương khớp chấn thương. Nếu không kịp thời điều trị dứt điểm sẽ gây ra những di chứng nghiêm trọng, khiến người bệnh đau nhức thường xuyên.
    • Thoái hóa cột sống: Đây là bệnh lý xương khớp liên quan đến yếu tố lão hóa theo thời gian, đặc biệt phổ biến ở những người trung niên và cao tuổi. Thoái hóa cột sống cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn và tình trạng này rất khó để điều trị dứt điểm, thường chỉ áp dụng biện pháp cải thiện triệu chứng.
    • Bệnh lý tại tủy sống: Các triệu chứng bệnh gây ra bởi nguyên nhân này thường không đặc trưng, khá hiếm gặp và khó nhận biết. Cụ thể thường chỉ gây đau 1 bên, dễ nhầm lẫn với các tình trạng đau nhức thông thường, hơn nữa khi chụp chiếu kết quả cũng không quá rõ ràng.
    • Lao cột sống, ung thư cột sống: Đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng phổ biến ở những người bị lao cột sống hoặc ung thư cột sống. Thời gian đầu, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức cục bộ tại cột sống, sau đó nghiêm trọng hơn bệnh sẽ lan rộng sang các khu vực xung quanh và đau dữ dội hai bên mạn sườn.
    • Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân phía trên, đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường do rối loạn chuyển hóa, người bị suy giảm sức đề kháng, người lạm dụng thuốc corticoid trong thời gian dài,...

    Thoái hóa cột sống cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn
    Thoái hóa cột sống cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn

    Đối tượng đau dây thần kinh liên sườn

    Dựa theo nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau dây thần kinh liên sườn, các bạn có thể nhận thấy một số đối tượng dễ gặp phải tình trạng này là:

    • Người mang sẵn bệnh lý nền hoặc yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
    • Những người thường xuyên tham gia các môn thể thao tốc độ cao, đòi hỏi nhiều sức mạnh của cơ như đấu vật, trượt tuyết, bóng đá,...
    • Lái xe không an toàn, xảy ra tai nạn ô tô có thể dẫn đến những chấn thương dây thần kinh liên sườn và xương sườn.
    • Nhiễm virus varicella-zoster, virus gây bệnh zona và thủy đậu.
    • Xuất hiện những tình trạng có thể gây viêm hệ thống, điển hình như viêm khớp.
    • Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng dễ bị đau dây thần kinh liên sườn do sự thay đổi hormone trong cơ thể, cùng với sự phát hiện của thai nhi chèn ép lên ngực.

    Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn

    Đau dây thần kinh liên sườn bên phải hay bên trái đều có những triệu chứng tương tự nhau. Người bệnh có thể dựa vào các biểu hiện sau đây để nhận biết:

    • Xuất hiện cơn đau âm ỉ, kéo dài cả ngày và đêm, cường độ đau tăng lên khi người bệnh hít thở sâu, thay đổi tư thế nằm/ngồi, họ và hắt hơi.
    • Các cơn đau mỏi thường khởi phát ở vùng cạnh sống lưng hoặc vùng liên sống - bả vai. Cảm giác này xuất hiện ở một bên hoặc đồng thời cả hai bên, sau đó lan theo khoang liên sườn ra phía trước ngực và khu vực thượng vị.
    • Cảm giác đau thường xuất hiện dọc theo đường đi dây thần kinh liên sườn. Trong đó vị trí đau nhất là khu vực rễ sau lưng, đường nách giữa và sụn ức đòn. Tại các vị trí này, mỗi khi người bệnh ho hoặc thở đều cảm thấy đau mỏi vô cùng khó chịu.
    • Bên cạnh đó, nếu người bệnh bị đau dây thần kinh liên sườn do bệnh zona thì sẽ xuất hiện kèm biểu hiện đau rát ở vùng tổn thương. Các cơn đau có thể tái phát nhiều lần trong ngày, đồng thời da cũng xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti, sau đó lan rộng dần theo sự phân bố của dây thần kinh liên sườn.

    Biến chứng bệnh đau dây thần kinh liên sườn

    Các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn khi mới khởi phát chỉ gây đau nhức nhẹ, chưa có nhiều ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu không chữa trị kịp thời để bệnh tiến triển, có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

    Tình trạng này có thế gây ra nhiều nguy hiểm với sức khỏe
    Tình trạng này có thế gây ra nhiều nguy hiểm với sức khỏe

    • Tình trạng đau nhức gây mất ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc, dễ bị tỉnh. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ngày hôm sau khi thức dậy.
    • Đau đầu, chóng mặt do tình trạng đau nhức kéo dài, sức khỏe và tinh thần của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó không thể làm việc hết năng suất.
    • Suy giảm sức đề kháng, nguy cơ khiến cơ thể mắc các bệnh lý khác.
    • Ảnh hưởng đến tinh thần, sa sút trí tuệ, hay quên, thậm chí mất trí nhớ tạm thời.
    • Nguy hiểm nhất là tình trạng này kéo dài khiến người bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm.

    Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn

    Khi tới bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để kiểm tra tình trạng đau dây thần kinh liên sườn, người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện 2 phương pháp chẩn đoán sau:

    Chẩn đoán lâm sàng

    • Hỏi các triệu chứng bất thường mà người bệnh có thể gặp phải như: Bạn có thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt không? Tính chất cơn đau như thế nào, đau âm ỉ, đau nhói hay đau dữ dội? Triệu chứng đi kèm ở vị trí nào bả vai, chân tay và vùng lưng?
    • Bác sĩ sẽ ấn vào vùng xương sườn hoặc yêu cầu người bệnh hít một hơi thật sâu. Nếu 1 trong 2 động tác trên khiến người bệnh bị đau thì tình trạng đau dây thần kinh liên sườn có thể liên quan đến yếu tố bệnh lý.

    Chẩn đoán cận lâm sàng

    • Chụp X - quang: Thông qua hình ảnh chụp X quang thu được, bác sĩ có thể đánh giá sơ bộ được vị trí tổn thương của cột sống. Tuy nhiên, chưa thể nhận định được mức độ tổn thương cụ thể.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Từ kết quả chẩn đoán bằng phương pháp này, bác sĩ có thể nhận định được mức độ tổn thương và sự ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Tuy nhiên, chi phí bỏ ra khi thực hiện phương pháp này tương đối cao. 
    • Xét nghiệm sinh hóa thông thường: Người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, nước tiểu và các chỉ số ALT, AST, creatinin, ure,… để chẩn đoán chính xác bệnh, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
    • Xét nghiệm cơ bản: Các xét nghiệm cơ bản khác cũng cần thực hiện để chẩn đoán bệnh gồm xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm tốc độ máu lắng và xét nghiệm nước tiểu toàn phần.

    Điều trị bệnh đau dây thần kinh liên sườn

    Tùy vào mức độ diễn biến và tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường sẽ gồm các cách chữa sau:

    Sử dụng thuốc Tây

    Phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn bằng thuốc Tây mang đến hiệu quả nhanh chóng, cải thiện các triệu chứng đau nhức hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc tân dược cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tác dụng phụ nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

    Một số loại thuốc được chỉ định phổ biến trong điều trị gồm:

    • Thuốc giảm đau thần kinh: Nhóm thuốc phổ biến nhất được chỉ định trong điều trị tình trạng đau nhức dây thần kinh là Gabapentin. Thực chất loại thuốc này thuộc nhóm thuốc chống co giật, kích ứng lên hệ thần kinh trung ương và cải thiện biểu hiện chóng mặt, đau đầu. Một số tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này phải kể đến là đau đầu, chóng mặt,...
    • Thuốc giãn cơ: Gồm Mydocalm, Myonal,… Nhóm thuốc giãn cơ được chỉ định trong trường hợp gặp phải cơn đau nhức dữ dội kèm theo triệu chứng đau nhức tại vùng xương sườn. Người có sẵn bệnh lý dạ dày cần cẩn trọng, tốt nhất nên sử dụng thuốc vào sau bữa ăn.
    • Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol, Diclofenac,… là các loại thuốc được sử dụng với mục đích giảm đau. Chú ý khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần sử dụng thuốc và tuân thủ liều dùng, hướng dẫn sử dụng thuốc, hoặc xin ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ.
    • Thuốc bổ, vitamin: Ngoài các loại thuốc điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc bổ, vitamin nhóm B (B1,B6,B12). Việc bổ sung thêm nhóm vitamin này nhằm giúp nâng cao sức đề kháng cho người bệnh và phòng ngừa bệnh lý xương khớp, đau dây thần kinh.

    Sử dụng thuốc Tây trị bệnh
    Sử dụng thuốc Tây trị bệnh

    Vật lý trị liệu

    Đây là phương pháp được sử dụng với mục đích giãn cơ, thúc đẩy lưu thông khí huyết. Nhờ đó giảm cảm giác đau nhức và đẩy nhanh quá trình phục hồi các tổn thương. Một số phương pháp vật lý trị liệu thường được dùng trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn là xoa bóp - bấm huyệt, châm cứu, hoặc sử dụng xung điện tác động lên dây thần kinh.

    Can thiệp gây tê

    Can thiệp gây tê là phương pháp điều trị giảm nhẹ, giúp phong bế dây thần kinh liên sườn, được chỉ định trong trường hợp dùng thuốc không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bác sĩ sẽ gây tê phần xương sườn, sau đó sử dụng tia X hướng dẫn để tìm vị trí đâm kim và bơm thuốc giảm đau steroid.

    Hiệu quả của phương pháp can thiệp trên có thể kéo dài trong vài tháng. Sau đó tùy trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên có nên tiêm thuốc định kỳ không. Cách gây tê chữa đau dây thần kinh liên sườn đặc biệt phù hợp với trường hợp đau sau phẫu thuật hoặc bệnh zona.

    Phương pháp phẫu thuật

    Điều trị đau dây thần kinh liên sườn bằng phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp các bộ phận như thành ngực, xương sườn, đốt sống, cột sống,... gặp phải chấn thương. Sau khi can thiệp sẽ giúp giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh liên sườn, nhờ đó người bệnh sẽ không bị các cơn đau hành hạ nữa.

    Phòng tránh bệnh đau dây thần kinh liên sườn

    Để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn và phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn, các bạn chú ý một số vấn đề như sau:

    • Không nên bê vác quá nặng, ngồi sai tư thế trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đau nhức và dẫn đến các bệnh lý xương khớp.
    • Luôn giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vào những ngày gió mùa, thay đổi thời tiết.
    • Thực hiện tiêm phòng đầy đủ bệnh lao cho trẻ nhỏ, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm - yếu tố nguy cơ gây đau nhức dây thần kinh.
    • Trong trường hợp có chấn thương hoặc va chạm đến xương sống, cần đi khám và có biện pháp điều trị dứt điểm, tránh gây ra biến chứng nguy hiểm và gây đau nhức thường xuyên.
    • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa các bệnh lý thông thường.
    • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, trong đó chú ý bổ sung đầy đủ nhóm khoáng chất tốt cho xương khớp và nguồn thực phẩm giàu vitamin.
    • Chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện các triệu chứng bệnh ở giai đoạn khởi phát, từ đó có phương án điều trị kịp thời. 

    Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh đau dây thần kinh liên sườn, hy vọng hữu ích với bạn đọc. Để điều trị bệnh hiệu quả và dứt điểm, người bệnh nên đi thăm khám càng sớm càng tốt khi thấy các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống phù hợp để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh nhanh đạt được kết quả như mong muốn.

    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *