Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Array

Mật độ xương suy giảm là yếu tố dẫn tới tình trạng loãng xương ở những người trung và cao tuổi. Bệnh lý khiến người bệnh gặp không ít phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt cũng như công việc. Để biết chính xác nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị cụ thể, người bệnh có thể tham khảo ngay tại bài viết dưới đây.

Bệnh loãng xương là gì?

Loãng xương hay xốp xương, giòn xương là tình trạng xương có dấu hiệu mỏng dần theo thời gian. Mật độ xương giảm khiến xương giòn, dễ bị tổn thương hoặc gãy dù chỉ gặp chấn thương nhẹ. Tình trạng giòn xương có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào, tuy nhiên phổ biến nhất là xương đùi, xương cột sống, xương cẳng tay và chân. 

Loãng xương là bệnh lý xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi
Loãng xương là bệnh lý xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi

Trong đó, một số xương khi gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương đùi, xương cột sống. Nếu không may rơi vào tình trạng này, người bệnh bắt buộc phải tiến hành làm phẫu thuật để cải thiện khả năng vận động. 

Xốp xương, giòn xương thường tiến triển âm thầm. Vậy nên không ít trường hợp phát hiện ra khi bệnh đã trở nặng, thậm chí đã có dấu hiệu gãy xương. Tuổi càng cao, tình trạng giòn xương càng đáng báo động. Bởi tuổi lớn, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi, từ đó gây rối loạn quá trình tạo xương, hủy xương và làm giảm mật độ xương. 

Nguyên nhân gây loãng xương

Ngoài yếu tố tuổi tác, loãng xương còn xuất hiện do những tác nhân sau đây:

  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không đảm bảo chất dinh dưỡng, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn omega - 3, vitamin D, canxi,...
  • Sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài gây ra tác dụng phụ, thường là thuốc có chứa corticosteroid, heparin,... hoặc dùng thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 
  • Nồng độ estrogen ở nữ và testosterone ở nam thấp hoặc không ổn định cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng xốp xương. 
  • Lối sống lười vận động, ngồi nhiều, không luyện tập thể dục - thể thao khiến tình trạng xương khớp suy yếu. 
  • Thường xuyên sử dụng chất kích thích có hại cho cơ thể như thuốc lá, rượu, bia,...
  • Lao động nặng, thường xuyên phải khuân vác đồ nặng sẽ có nguy cơ bị xốp xương cao hơn các đối tượng khác. 
  • Trường hợp không được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành, phát triển hệ xương khớp. 

Loãng xương có thể do chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu dưỡng chất
Loãng xương có thể do chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu dưỡng chất

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tình trạng loãng xương, một số yếu tố có thể cải thiện được, còn lại thì không. Cụ thể, yếu tố không thể cải thiện được như giới tính, tuổi tác, kích thước cơ thể, phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi, tiền sử gia đình, mắc bệnh lý khác, chủng người da trắng - người châu Á,... Những yếu tố có thể thay đổi được như nội tiết tố giới tính, chế độ ăn uống, chán ăn tâm thần, mức độ hoạt động, tác dụng phụ của thuốc, thói quen sử dụng chất kích thích,...

Đối tượng bị loãng xương

Đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương phải kể tới những trường hợp sau:

  • Cơ thể bị thiếu hụt hormone sinh dục do hệ quả từ các cuộc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để điều trị bệnh hay mắc bệnh nội tiết, tình trạng phụ nữ mãn kinh sớm,... 
  • Trường hợp bị suy giảm chức năng hoạt động của các tuyến sinh dục ở cả nam và nữ. 
  • Nhóm đối tượng đang phải điều trị bệnh lý khác yêu cầu không được rời khỏi giường bệnh trong thời gian dài. 
  • Người mắc bệnh xương khớp mãn tính. 
  • Bệnh nhân mắc bệnh nặng về thận như suy thận mãn tính, sử dụng thận nhân tạo,... 
  • Tuổi càng cao, càng có nguy cơ bị xốp xương.
  • Người có kích thích cơ thể gầy, nhỏ con. 
  • Trường hợp mắc bệnh nội tiết, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Cushing. 
  • Gia đình có tiền sử bị loãng xương hoặc gãy xương hông. 
  • Nhóm người thường xuyên phải dùng thuốc tân dược để điều trị bệnh lý. Đặc biệt là thuốc Corticoid, thuốc điều hòa thần kinh, thuốc chống động kinh trong thời gian dài. 
  • Người có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, không đảm bảo chất dinh dưỡng, lười vận động. 
  • Mãn kinh trước 45 tuổi. 
  • Trường hợp hay sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn. 
  • Đã từng bị gãy xương. 
  • Chủng người da trắng - người châu Á.

Triệu chứng gây loãng xương

Bệnh loãng xương thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng không rõ ràng. Người bệnh thường không hay biết về bệnh lý cho tới khi xương trở nên yếu và gãy sau các chấn thương nhỏ. Theo đó, xốp xương sẽ có những biểu hiện như:

  • Đau nhức đầu xương: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi mật độ xương giảm. Lúc này, bệnh nhân sẽ có cảm giác mỏi dọc các xương dài, nhiều trường hợp bị đau nhức toàn thân như kim chích. 
  • Giảm mật độ xương: Khi mật độ xương giảm, xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún kèm theo các cơn đau lưng cấp, chiều cao giảm, dáng đi lom khom, lưng gù,... 
  • Có cảm giác đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể: Xương thắt lưng, xương cột sống, xương hông, xương chậu, xương đầu gối là những vị trí chịu sức nặng của cơ thể. Tại những khu vực này, bạn sẽ thấy các cơn đau tái phát nhiều lần sau các chấn thương. Cơn đau tăng dần khi di chuyển, vận động, đứng - ngồi lâu và giảm dần khi được nghỉ ngơi. 
  • Đau xương cột sống, thắt lưng, hai bên sườn: Gây ảnh hưởng tới dây thần kinh đùi, thần kinh liên sườn và thần kinh tọa. Những cơn đau ở lưng sẽ trở nặng khi mọi người vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Việc cúi gập, quay hẳn người cũng trở nên khó khăn hơn.  
  • Dấu hiệu khác: Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên còn kèm theo các dấu hiệu của bệnh cao huyết áp, thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch,...

Người bệnh luôn có cảm giác đau nhức xương khớp, đặc biệt là khi vận động
Người bệnh luôn có cảm giác đau nhức xương khớp, đặc biệt là khi vận động

Phân loại bệnh loãng xương

Loãng xương được chia thành 2 loại theo nguyên nhân gây bệnh. Từng phân loại sẽ cho thấy sự tiến triển cũng như mức độ nghiêm trọng ở mỗi người. Cụ thể như sau:

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát có liên quan trực tiếp tới yếu tố tuổi tác hoặc hiện tượng mãn kinh ở nữ giới. Cơ chế gây bệnh thường bắt đầu từ dấu hiệu lão hóa, sự mất cân bằng giữa số lượng tế bào xương mới được hình thành và các mô xương bị hủy. Từ đó dẫn tới tình trạng giảm mật độ xương gây xốp xương. 

Loãng xương type 1 - Sau mãn kinh

Ngoài yếu tố suy giảm nội tiết tố estrogen, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ở nữ giới sau mãn kinh còn do sự thiếu hụt sản xuất hormon tuyến cận giáp trạng, tăng thải canxi niệu.  Loãng xương type 1 thường xuất hiện chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi từ 50 - 55 và đã mãn kinh. Các triệu chứng đặc trưng gồm có gãy xương, xương xốp, lún đốt sống,... 

Loãng xương type 2 - Do tuổi già

Càng lớn tuổi, nguy cơ loãng xương càng gia tăng do chức năng chuyển hóa canxi, chất dinh dưỡng dần suy yếu. Tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ làm mất cân bằng tạo xương, hủy xương ở cả nam và nữ giới, nhất là người trên 70 tuổi. Mất khoáng chất toàn thể - xương xốp lẫn xương đặc,... là những đặc điểm nhận dạng ở người bị loãng xương type 2. Loãng xương ở người lớn tuổi dễ gặp biến chứng hơn so với người trẻ, phổ biến nhất chính là tình trạng gãy cổ xương đùi. 

Loãng xương thứ phát

Trường hợp này chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng loãng xương khởi phát chủ yếu liên quan tới bệnh mãn tính trong cơ thể, thói quen sử dụng thuốc sai cách hoặc do chế độ dinh dưỡng chưa đảm bảo. 

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị xốp xương có thể kể đến như bệnh đái tháo đường, bệnh cường giáp, bệnh to đầu chi, bệnh gan mạn tính, có tiền sử cắt dạ dày, nhiễm sắc tố sắt, bệnh di truyền, cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, sử dụng thuốc tây trong thời gian dài, người bị mắc bệnh lý cột sống, viêm khớp dạng thấp hoặc đa u tủy xương, ung thư,...

Biến chứng bệnh loãng xương

Nếu chủ quan không điều trị hoặc điều trị sai cách, người bị loãng xương có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Gãy xương: Loãng xương khiến mật độ xương giảm, xương yếu, giòn và dễ gãy. Do đó mới xảy ra tình trạng chỉ với va chạm nhẹ, cúi gập người, hắt hơi, ho cũng có thể khiến xương bị gãy. Do xương cột sống, xương cẳng tay, cánh tay, xương đùi, xương cẳng chân chịu tác động nhiều nhất từ trọng lượng cơ thể. Vậy nên chúng cũng là nhóm xương dễ gặp vấn đề khi bước vào độ tuổi trung niên trở đi. 
  • Lún xẹp đốt sống: Khi hiện tượng này xảy ra, bệnh nhân có thể bị tàn phế vĩnh viễn. Số ít còn lại có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây ra những cơn đau nhức kéo dài. Được biết, số lượng đốt sống bị tổn thương càng nhiều thì nguy cơ bị thoái hóa cột sống càng lớn.
  • Bị suy giảm và mất khả năng vận động: Đây là trường hợp nghiêm trọng, bởi bạn có thể bị tàn phế vĩnh viễn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Đồng thời là nguyên nhân dẫn tới các biến chứng khác như hoại tử, viêm phổi, tắc mạch chi,... do phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài. 

Chẩn đoán bệnh loãng xương

Chẩn đoán bệnh loãng xương sẽ được tiến hành ở bệnh viện. Sau khi tới thăm khám, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thực hiện chẩn đoán theo các phương pháp sau:

Đo mật độ xương

Đo loãng xương hay đo mật độ xương là kỹ thuật dùng tia X năng lượng kép hoặc chụp CT nhằm xác định hàm lượng khoáng chất, lượng canxi trong xương. Thông thường, bác sĩ sẽ đo mật độ xương ở hông, cột sống, xương cẳng tay. Phương pháp sẽ cho biết các vấn đề mà xương đang gặp phải như độ mỏng, yếu hoặc có bị mất xương hay không.

X-quang thường quy

X-quang xương sẽ cho hình ảnh tăng thấu quang hay mất cấu trúc bè xương ở những trường hợp bị mất xương khoảng 30%. Trong đó:

  • Giảm chiều cao thân đốt sống, tăng độ lõm của mặt trên và mặt dưới thân đốt là hiện tượng đặc trưng khi bị gãy lún thân đốt sống. 
  • Mặt khác, gãy xương đốt sống lưng có thể gây ra đốt sống hình chêm. 
  • Nếu gãy lún thân đốt sống ở đốt sống lưng thứ 4 hoặc cao hơn thường do ung thư hơn là loãng xương nguyên phát. 

X-quang thường quy để phát hiện các dấu hiệu bất thường
X-quang thường quy để phát hiện các dấu hiệu bất thường

Nhìn chung, khi xem xét chụp X-quang cột sống thường quy sẽ được áp dụng để tìm kiếm các vết nứt do gãy xương đốt sống không có triệu chứng ở những bệnh nhân cao tuổi bị đau lưng dữ dội. Khi ấn đau vùng gai đốt sống và ở những bệnh nhân bị giảm chiều cao (giảm khoảng 3cm). 

Kiểm tra khác

Ngoài việc đo loãng xương, X-quang thường quy, để chẩn đoán bệnh một cách chính xác ở bệnh nhân có Z-score, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các kiểm tra khác như:

  • Nồng độ 25 OH vitamin D.
  • Canxi huyết thanh, photpho, magie.
  • Xét nghiệm gan.
  • Kiểm tra nồng độ intact PTH để chẩn đoán cường cận giáp. 
  • Testosterone huyết thanh ở nam nhằm chẩn đoán suy sinh dục. 
  • Định lượng canxi, creatinin trong nước tiểu 24 giờ để kiểm tra dấu hiệu tăng canxi niệu. 

Bên cạnh đó còn có xét nghiệm TSH, thyroxine tự do nhằm phát hiện cường giáp, định hướng cortisol tự do trong nước tiểu. Công thức máu, các xét nghiệm khác nhằm loại trừ khả năng bị ung thư, nhất là đa u tủy xương. Các xét nghiệm sẽ được xem xét tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng cụ thể ở mỗi bệnh nhân. 

Nếu bệnh nhân đang giảm cân, cần kiểm tra sàng lọc bệnh tiêu hóa cũng như ung thư. Sinh thiết xương chỉ được áp dụng cho những trường hợp bất thường như người trẻ bị gãy xương do loãng xương hay không có nguyên nhân rõ ràng,... Do đó, bạn cần tới các bệnh viện lớn, uy tín để tiến hành thăm khám, kiểm tra. 

Điều trị bệnh loãng xương

Loãng xương là bệnh lý cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần đảm bảo chế độ sinh hoạt, ăn uống đầy đủ, khoa học. 

Biện pháp điều trị không dùng thuốc

Để hỗ trợ cải thiện bệnh loãng xương, mọi người cần chủ động thực hiện theo phương pháp điều trị dưới đây:

  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể, tránh hút thuốc lá, uống rượu bia. Đồng thời nên kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Nên vận động cơ thể thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, cẩn trọng trong sinh hoạt để phòng tránh té ngã.
  • Dùng dụng cụ, nẹp chỉnh hình làm giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông. 

Phương pháp dùng thuốc

Bên cạnh phương pháp bổ trợ nêu trên, người bị loãng xương cần được bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D thiết yếu mỗi ngày. Kèm theo đó là các loại thuốc chống hủy xương như:

  • Alendronate: Fosamax plus - Fosamax 5600 với liều lượng 1 viên/tuần.
  • Dùng Calcitonin cho những trường hợp bị gãy xương, bị đau do loãng xương với liều lượng 50 - 100IU/ngày và dùng kết hợp với nhóm Bisphosphonate. 
  • Thuốc Zoledronic acid được truyền tĩnh mạch với liều lượng 5mg/100ml mỗi năm. Không dùng Zoledronic acid cho người bị suy thận nặng hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Các chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERM), Raloxifene (Evista) trong trường hợp nữ giới sau mãn kinh bị loãng xương với liều lượng khuyến cáo 60mg/ngày. 
  • Strontium ranelate (Protelos) hay Deca-Durabolin và Durabolin cũng là nhóm thuốc thường được chỉ định trong điều trị loãng xương.

Dùng thuốc trị loãng xương theo chỉ định của bác sĩ
Dùng thuốc trị loãng xương theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị biến chứng

Khi bệnh loãng xương đã chuyển qua giai đoạn có biến chứng gây đau, gãy xương. Bệnh nhân cần được tiến hành điều trị biến chứng theo những cách sau:

  • Điều trị đau dựa vào bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới WHO kết hợp với Calcitonin. 
  • Điều trị gãy xương với biện pháp đeo nẹp, bơi xi măng vào thân đốt sống hoặc thay đốt sống nhân tạo. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật thay xương, thay khớp. 

Điều trị lâu dài

Để đảm bảo và nâng cao hiệu quả điều trị loãng xương, bệnh nhân cần thực hiện việc điều trị lâu dài theo các cách như:

  • Kiểm tra mật độ xương định kỳ để bác sĩ có thể đánh giá kết quả điều trị.
  • Theo dõi, tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong suốt thời gian tiến hành điều trị.
  • Nên kiên trì điều trị loãng xương trong khoảng 3 - 5 năm và tiếp tục theo dõi, đánh giá lại tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả hơn. 

Phòng tránh bệnh loãng xương

Ngoài nguyên nhân loãng xương nguyên phát, tình trạng xương giòn, xốp xương hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bạn tuân thủ theo đúng những khuyến cáo sau đây:

  • Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh để kiểm soát cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển. Bạn có thể bổ sung vitamin D, canxi thông qua chế độ ăn uống hàng ngày hoặc dùng viên uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi sạch, với người bệnh lớn tuổi nên nghiền nhỏ thức ăn, chia nhỏ phần ăn trong ngày để giúp việc hấp thu dưỡng chất được diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. 
  • Trường hợp nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ bị loãng xương nên tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. 
  • Tích cực rèn luyện thể dục, thể thao với cường độ phù hợp để xây dựng hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp.
  • Không dùng chất kích thích, thức uống có cồn hay lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid. 
  • Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường liên quan tới xương khớp cần tới bệnh viện thăm khám và điều trị sớm.
  • Cần thận trọng khi làm việc, sinh hoạt để tránh các tai nạn đáng tiếc.

Loãng xương là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng cách ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Đừng quên thăm khám định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Đồng thời tiến hành xử lý, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *