Ho Khan

Ho khan là một triệu chứng thường gặp của đường hô hấp. Đây là phản ứng cho thấy bên trong đường thở đang có dị vật, cơn ho sẽ có nhiệm vụ đẩy dị vật ra bên ngoài, giúp làm thông thoáng vùng hầu họng. Tình trạng ho khan không gây nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị tích cực sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Ho khan là gì?

Ho khan là tình trạng ho không có đờm và chất nhầy. Những cơn ho có thể xuất hiện bất chợt trong thời gian ngắn rồi ngừng hoặc có thể ho kéo dài, ho rũ rượi khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.

Ho là một phản xạ bình thường của cơ thể, giúp loại bỏ các chất kích ứng ra khỏi đường hô hấp như khói bụi, phấn hoa, lông động vật,…. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của các căn bệnh như: Viêm phế quản, viêm phổi, ho gà, viêm họng, cảm cúm,…

Ho khan là tình trạng ho không có đờm
Ho khan là tình trạng ho không có đờm

Việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng ho khan khó hơn so với ho có đờm. Bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu hoặc thăm dò chức năng phổi để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cụ thể.

Nguyên nhân gây ho khan

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho khan, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, cụ thể như:

  • Viêm mũi dị ứng, viêm xoang: Khi người bệnh hít phải các chất gây dị ứng, mũi và cổ họng sẽ bị kích thích dẫn đến các triệu chứng như chảy nước mũi, sổ mũi, hắt hơi, ho khan, khó thở.
  • Cảm cúm, cảm lạnh: Người bị cảm lạnh sẽ có triệu chứng thường gặp như ho, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau cơ, chảy nước mắt, sốt nhẹ, mất vị giác, khó thở, khó chịu trong người. Ban đầu người bệnh sẽ có hiện tượng ho khan, sau đó sẽ chuyển thành ho có đờm.
  • Viêm họng, viêm amidan: Ho là dấu hiệu đặc trưng của người bị viêm họng và viêm amidan. Cơn ho khan sẽ kéo dài khoảng 2-3 ngày kèm theo các triệu chứng như hôi miệng, giọng nói bị nghẹt, có hạch ở cổ, sốt,…
  • Viêm thanh quản: Những người bị viêm thanh quản cấp và mãn tính sẽ có dấu hiệu ngứa rát cổ họng, ho khan kéo dài.
  • Hen phế quản: Hen phế quản xảy ra khi cơ thể bị kích thích bởi các dị nguyên. Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, bị ho khan nhiều về đêm. Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng và mỗi khi thời tiết thay đổi.
  • Trào ngược dạ dày: Dịch axit trong dạ dày khi trào ngược lên cổ họng sẽ kích thích niêm mạc, làm tăng phản ứng viêm và gây ho khan kéo dài.
  • Ho gà: Ho gà là căn bệnh do trực khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Người bệnh sẽ có biểu hiện ho khan, mệt mỏi, khó chịu, nôn ói. Bệnh này thường xuất hiện rất nhiều ở trẻ nhỏ.
  • Lao phổi: Lao phổi do vi khuẩn Koch gây ra và rất dễ bị lây nhiễm giữa người với người. Triệu chứng ban đầu của bệnh là ho khan kéo dài, ho có đờm, ho ra máu, đau ngực, sốt nhẹ, chán ăn, khó thở,…
  • Bệnh tim: Ho khan cũng có thể là triệu chứng của bệnh tim. Các bệnh về tim khiến cho tim bị suy và gây ứ trệ tuần hoàn tại phổi, dẫn đến những cơn ho kéo dài.
  • Ung thư phổi: Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ho khan. Nếu người bệnh bị ho kéo dài không khỏi kèm theo hiện tượng sụt cân, ho ra máu, đau đầu, khàn tiếng, khó thở,… thì cần nhanh chóng đến bệnh viện ngay để được kiểm tra.
  • Hút thuốc lá nhiều: Những người thường xuyên hút thuốc lá sẽ dễ bị ho khan bởi trong thành phần của thuốc lá có nhiều chất độc hại. Các chất này đi vào cổ họng và thanh quản sẽ làm yếu phổi, dẫn tới ho khan.
Cảm cúm, cảm lạnh là nguyên nhân chính gây ho khan
Cảm cúm, cảm lạnh là nguyên nhân chính gây ho khan

Dấu hiệu ho khan

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà người bị ho khan sẽ có những triệu chứng đi kèm khác nhau:

  • Ho khan từng cơn hoặc kéo dài.
  • Đau hoặc ngứa ở cổ họng.
  • Đau tức ngực.
  • Khô cổ họng, khô miệng.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Sốt.
  • Chảy nước mắt.
  • Mệt mỏi, đau đầu.
  • Khó nuốt.
  • Bị sặc khi ăn.
  • Thở khò khè.
  • Hay bị sặc khi ăn.
  • Ợ hơi, ợ chua.
  • Hay khạc nhổ.

Biện pháp điều trị ho khan

Có rất nhiều phương pháp điều trị ho khan tại nhà hiệu quả, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp như sau:

Áp dụng các mẹo dân gian

Những người bị ho khan có thể sử dụng các bài thuốc dân gian tự nhiên để cải thiện bệnh. Một số nguyên liệu được dùng phổ biến bao gồm: Gừng, mật ong, chanh, quất, đường phèn, quả lê, húng chanh, hoa hồng bạch, lá bạc hà,… 

Phương pháp này được người bệnh và chuyên gia  đánh giá là an toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ và có thể dùng được cho cả trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người bị dị ứng với thuốc Tây y.

Điều trị bằng thuốc Tây

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc phổ biến như: Thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho, siro ho, viên ngậm, thuốc hít, thuốc kháng histamin,… Những loại thuốc này có tác dụng ức chế cơn ho, đồng thời cải thiện các triệu chứng khác như sổ mũi, dị ứng, nghẹt mũi, rát họng.

Người bệnh có thể dùng thuốc Tây y để cải thiện ho khan
Người bệnh có thể dùng thuốc Tây y để cải thiện ho khan

Người bệnh cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là với các loại thuốc kháng sinh để tránh gây ra tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc. Đặc biệt không nên dùng các loại thuốc Tây y trong thời gian dài vì nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Điều trị ho khan bằng thuốc Đông y

Trường hợp người bệnh bị ho khan dai dẳng và thường xuyên tái phát nhiều lần trong năm có thể tham khảo sử dụng các bài thuốc Đông y. Theo Y học cổ truyền, ho khan mãn tính liên quan đến những bất thường của phủ tạng. Vì vậy người bệnh cần áp dụng phương pháp bổ Tỳ, Thận, dưỡng Phế, bình Can để để điều trừ thấp, hóa đàm, làm dịu cổ họng.

Một số vị thuốc Đông y được dùng phổ biến trong điều trị ho khan bao gồm: Trần bì, cam thảo, phục linh, bán hạ, bạch tiền, tang bạch bì, xuyên bối mẫu, qua lâu nhân, cáp xác, hoàng cầm, địa cốt bì,… Người bệnh cần lựa chọn địa chỉ bốc thuốc Đông y uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ho khan thường là dấu hiệu lành tính, các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau một vài ngày điều trị tại nhà. Thậm chí nếu bạn không sử dụng thuốc thì các cơn ho cũng sẽ tự khỏi tuy nhiên với thời gian lâu hơn. 

Mặc dù vậy người bệnh cũng không nên chủ quan trong việc thăm khám và điều trị. Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường dưới đây thì cần nhanh  chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm:

  • Ho kèm theo dấu hiệu tức ngực, khó thở, hụt hơi, thở khò khè.
  • Ho đờm vàng đặc.
  • Ho ra máu.
  • Ho khan dai dẳng kéo dài trên 2 tuần.
  • Cơn ho không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã được điều trị tích cực bằng thuốc hoặc mẹo dân gian.
  • Cơ thể mệt mỏi, sốt, sụt cân, đau nhức.
  • Ho nhiều vào ban đêm.
  • Huyết áp tăng cao hoặc giảm xuống một cách thất thường.
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu có hiện tượng ho ra máu
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu có hiện tượng ho ra máu

Phòng ngừa ho khan hiệu quả

Ho khan và một triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường. Vì vậy để phòng ngừa tình trạng này bạn cần chú ý tới những vấn đề sau:

  • Nên uống từ 2 đến 2,5 lít nước trong ngày. Việc bổ sung nước sẽ giúp niêm mạc họng không bị khô, cải thiện tình trạng ho khan, ngứa rát họng. Tuy nhiên bạn nên sử dụng nước ấm thay vì uống nước đá lạnh.
  • Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi để giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể, giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Nên nghỉ ngơi hợp lý, đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng stress kéo dài sẽ khiến sức đề kháng suy giảm, cơ thể ốm yếu, dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi và cổ họng bằng cách quàng khăn, đeo khẩu trang khi thời tiết lạnh.
  • Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá và sử dụng chất kích thích vì chúng vừa gây suy giảm miễn dịch và gây ra các vấn đề về đường hô hấp.
  • Tránh tiếp xúc những nơi có nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm.
  • Điều trị nhanh chóng và hiệu quả các vấn đề về tai mũi họng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan,…
  • Đánh răng và súc miệng hàng ngày với nước muối loãng là cách để bảo vệ khoang miệng và vùng hầu họng khỏi vi khuẩn, virus.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi chạm vào các đồ vật ở nơi công cộng.
  • Tập luyện thể thao mỗi ngày cũng là cách giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể, phòng ngừa ốm vặt và các bệnh thường gặp ở đường hô hấp.

Trên đây là những thông tin về tình trạng ho khan. Bạn nên tham khảo để biết cách xử lý khi gặp phải hiện tượng này. Trường hợp gặp phải bất kỳ triệu chứng nào bất thường của sức khỏe, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn nhanh chóng hồi phục sức khỏe. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Chat với chúng tôi
Zalo