Đau Họng
Đau họng là hiện tượng thường gặp và đa phần là lành tính. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do bị viêm họng, viêm amidan, cảm lạnh hoặc cảm cúm. Tuy nhiên trong một số trường hợp nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị ung thư vòm họng hoặc ung thư hạ họng. Để tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng này, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây của Đỗ Minh Đường.
Đau họng là gì?
Đau họng là tình trạng cổ họng cảm thấy bị đau, rát, ngứa ngáy khó chịu. Đây là một triệu chứng phổ biến mà bất cứ ai cũng từng gặp phải, thậm chí là bị rất nhiều lần. Người bệnh có thể bị đau họng kèm theo nhiều triệu chứng khác như sốt, sổ mũi, hắt hơi, khàn tiếng, hôi miệng,…
Tình trạng đau họng thường kéo dài một tuần và sẽ tự khỏi khi niêm mạc họng được hồi phục. Đa phần triệu chứng này đều an toàn, lành tính, không gây nguy hiểm và có thể thuyên giảm sớm nếu được điều trị tích cực. Mặc dù vậy cơn đau họng vẫn gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đau họng có liên quan đến rất nhiều căn bệnh khác nhau. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây đau họng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau họng, bao gồm:
- Do vi khuẩn: Đau họng do vi khuẩn Streptococcus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Không chỉ gây ra những cơn đau rát họng mà loại vi khuẩn này còn hình thành lớp mủ trắng ở trong niêm mạc miệng.
- Cảm lạnh, cảm cúm: Người bệnh bị cảm lạnh hoặc cảm cúm đều có triệu chứng là đau họng, hắt hơi, sổ mũi, ho. Tình trạng này thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh hoặc do người bệnh bị lây từ những đối tượng mắc bệnh khác.
- Do môi trường: Không khí nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú nuôi, độ ẩm không khí giảm, thời tiết hanh khô,… cũng là những yếu tố gây ra tình trạng đau họng, ngứa họng. Nếu là do nguyên nhân này thì bệnh sẽ tự thuyên giảm mà không cần dùng thuốc.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày là một rối loạn của hệ thống tiêu hóa. Khi đó thức ăn sẽ bị đẩy ngược lên thực quản và cổ họng. Điều này gây ra tình trạng ợ chua, ợ hơi, khàn tiếng, đau họng.
- Nhiễm HIV: Những người bị nhiễm HIV đôi khi cũng xuất hiện triệu chứng giống như cảm cúm, viêm họng mãn tính hoặc nhiễm nấm miệng. Lý do là bởi người bệnh bị suy giảm miễn dịch khiến cho vi khuẩn, virus và nấm tấn công.
- Do có khối u: Các khối u ở lưỡi, thanh quản hoặc cổ họng có thể gây ra tình trạng đau họng. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác như khàn giọng, khó nuốt, thở khò khè, nổi cục ở cổ, có máu lẫn trong nước bọt hoặc đờm.
- Căng cơ: La hét, nói to, nói nhiều làm cho các khối cơ ở cổ họng và dây thanh quản bị căng. Vì vậy những người làm nghề MC, giáo viên, ca sĩ,… là những đối tượng thường xuyên gặp phải tình trạng đau họng.
- Thói quen xấu: Thường xuyên uống nước đá, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ăn đồ ăn cay nóng… cũng là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến triệu chứng đau họng.
Dấu hiệu nhận biết
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
- Cảm cúm, cảm lạnh: Đau họng, sốt, ho khan, ho có đờm, hôi miệng, sổ mũi, nghẹt mũi, cơ thể mệt mỏi, chảy nước mắt, ù tai, đau đầu.
- Viêm họng, viêm amidan: Đau rát họng, khó nuốt, amidan sưng to, ngứa cổ, hôi miệng, ăn không ngon, khó nói, giọng khàn, xuất hiện dịch mủ trong cổ họng.
- Lao phổi: Đau họng, ho nhiều, ho có đờm, ho ra máu.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Đau họng, nóng rát họng, ho nhiều về đêm, ợ nóng, ợ hơi.
- Bệnh tuyến giáp: Đau họng, cổ sưng to, nuốt vướng, khó nuốt.
- Ung thư vòm họng: Đau họng kéo dài, nổi hạch ở cổ, cơ thể mệt mỏi, giọng nói thay đổi, sụt cân, ho ra máu.
Biện pháp điều trị đau họng
Có rất nhiều biện pháp giúp cải thiện tình trạng viêm họng tại nhà, người bệnh có thể tham khảo áp dụng như sau:
Sử dụng nguyên liệu tự nhiên
Dân gian có rất nhiều nguyên liệu tự nhiên có thể dùng để cải thiện tình trạng đau họng như muối, gừng, chanh, mật ong…. Trong thành phần của chúng đều có chứa các hoạt chất giúp kháng viêm, diệt khuẩn và chữa lành những tổn thương ở niêm mạc họng. Đây là một phương pháp điều trị an toàn, dùng được cho mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người bị dị ứng thuốc.
Ngoài ra, việc điều trị bằng mẹo dân gian còn giúp người bệnh hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, giảm nguy cơ bị nhờn thuốc, kháng thuốc hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số phương pháp người bệnh có thể thực hiện tại nhà như:
- Súc miệng bằng nước muối.
- Uống trà gừng mật ong.
- Uống nước củ cải trắng.
- Uống nước lá húng chanh hấp đường phèn.
- Ngậm 1 lát chanh đào ngâm với mật ong….
Điều trị cơn đau họng bằng thuốc Tây
Thuốc Tây được sử dụng nhằm giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh tại vùng hầu họng. Rất nhiều người bệnh có xu hướng lựa chọn thuốc Tây bởi nó mang lại hiệu quả nhanh, sử dụng tiện lợi, giúp sớm chấm dứt tình trạng đau họng.
Một số loại thuốc Tây được dùng để điều trị tình trạng đau họng như:
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Paracetamol và aspirin.
- Thuốc kháng viêm NSAID: Ibuprofene và diclophenac.
- Thuốc kháng viêm corticosteroid: Prednisolon, betamethason, dexamthason.
- Thuốc kháng sinh beta-lactamin: Amoxicillin, clavulanic, cephalexin, ceftriaxone.
- Thuốc kháng sinh macrolid: Clarithromycin, erythromycin, azithromycin…
- Nhóm thuốc khác: Dung dịch súc miệng, viên ngậm trị đau họng, xịt họng,…
Tuy nhiên người bệnh không được tùy tiện mua thuốc về dùng hoặc thay đổi liều lượng mà bác sĩ đã kê đơn. Toàn bộ quá trình dùng thuốc cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Không được tự ý bỏ dở giữa chừng ngay cả khi triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm. Bởi hành động này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhờn thuốc, khiến quá trình chữa trị sau này gặp nhiều khó khăn hơn.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp bị đau họng đều không gây nguy hiểm và hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên trong một vài trường hợp đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy bạn không nên chủ quan khi thấy có các triệu chứng dưới đây.
Đối với trẻ em: Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu như:
- Khó thở.
- Khó nuốt.
- Chảy dãi bất thường.
- Không có khả năng nuốt.
Đối với người lớn: Bạn cần đến bệnh viện nếu bị đau họng kèm theo các dấu hiệu sau:
- Đau họng kéo dài trên 2 tuần không khỏi.
- Khó nuốt.
- Khó thở.
- Khó mở miệng.
- Đau khớp.
- Đau tai.
- Phát ban.
- Sốt cao hơn 38,3 C.
- Đờm hoặc nước bọt có lẫn máu.
- Bệnh tái phát nhiều lần.
- Trong cổ họng xuất hiện cục u.
- Khàn giọng, mất tiếng kéo dài nhiều hơn 2 tuần.
- Sưng ở cổ hoặc mặt.
Phòng ngừa tình trạng đau họng
Đau họng rất dễ điều trị tuy nhiên nó vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Để phòng ngừa triệu chứng đau họng không quá khó, bạn chỉ cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là vùng mũi, miệng, cổ bằng cách mặc áo ấm, choàng khăn, đeo khẩu trang.
- Không uống nước lạnh, nên uống nước mát vào mùa hè và nước ấm vào mùa đông.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nên súc miệng bằng nước muối thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng.
- Hạn chế ăn các thực phẩm cay, nóng, chua, vì dễ gây kích ứng niêm mạc, gây ho, đau họng.
- Từ bỏ rượu, bia và thuốc lá.
- Không hò hét hoặc nói quá to sẽ gây tổn thương dây thanh quản, gây đau họng.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với các đồ vật nơi công cộng.
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để tránh hít phải khói bụi, không khí ô nhiễm.
- Dọn dẹp không gian sống sạch sẽ nhằm loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, lông động vật,…
- Tiêm phòng vacxin bệnh cúm, ho gà…
- Hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng và tiêm vacxin phòng ngừa virus HPV. Vì đây là một trong các tác nhân gây bệnh ung thư vòm họng.
Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng đau họng. Đây là một triệu chứng phổ biến và không quá nghiêm trọng. Vì vậy bạn có thể tự điều trị tại nhà, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Tuy nhiên nếu bệnh kéo dài dai dẳng và thường xuyên tái phát thì bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!