Chảy Nước Mũi

Chảy nước mũi là một triệu chứng phổ biến của đường hô hấp mà bất cứ ai cũng gặp phải. Đây là dấu hiệu của rất nhiều căn bệnh khác nhau như viêm xoang mũi, cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng, dị ứng hoặc cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề nghiêm trọng hơn như polyp mũi, u nang mũi. Bài viết sau đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng này.

Chảy nước mũi là gì?

Chảy nước mũi là một triệu chứng phổ biến của đường thở. Người bệnh sẽ có dấu hiệu chảy dịch nhầy ra phía trước của mũi hoặc phía sau vùng mũi họng. 

Hầu hết các trường hợp chảy nước mũi đều không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày điều trị. Tuy nhiên nó lại gây ra nhiều khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc, học tập, sinh hoạt và chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

Chảy nước mũi là triệu chứng phổ biến mà ai cũng gặp phải
Chảy nước mũi là triệu chứng phổ biến mà ai cũng gặp phải

Dựa vào màu sắc và tính chất của nước mũi, chúng ta có thể tự chẩn đoán được tình trạng sức khỏe mà mình đang gặp phải. Cụ thể:

  • Nước mũi trong, dày thường do dị ứng phấn hoa, khói bụi, không khí ô nhiễm…
  • Nước mũi màu trắng là dấu hiệu bị viêm nhiễm nhiễm trong mũi.
  • Nước mũi màu vàng cho thấy cơ thể đang bị virus và vi khuẩn tấn công.
  • Nước mũi màu xanh lá là dấu hiệu của vi khuẩn và một số bệnh lý nhiễm trùng.
  • Nước mũi màu hồng hoặc đỏ có thể là do mũi bị tổn thương, bị va chạm hoặc khi màng nhầy mũi bị tổn thương.
  • Nước mũi màu đen là dấu hiệu của việc nhiễm nấm, do hệ thống miễn dịch bị suy giảm.

Nguyên nhân gây chảy nước mũi

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị chảy nước mũi, bao gồm các yếu tố như:

  • Cảm cúm: Cảm cúm là căn bệnh thường gặp do virus cúm gây ra. Người bị cảm cúm sẽ có các dấu hiệu đặc trùng như sốt cao, đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi,… Bệnh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày sau đó sẽ dần thuyên giảm.
  • Cảm lạnh: Người bệnh thường bị cảm lạnh vào mùa đông do virus thuộc chủng Rhinovirus, hoặc Enterovirus gây ra. Triệu chứng cảm lạnh cũng khá giống với cảm cúm như đau họng, ho, nghẹt mũi, hắt xì, sốt nhẹ, đau nhức cơ thể, chảy nước mũi…
  • Polyp mũi: Tại niêm mạc mũi có thể hình thành các tổ chức dạng polyp. Lúc này hệ miễn dịch có thể coi khối polyp là dị vật và tăng tiết dịch nhầy để chống lại.
  • Viêm amidan: Người bị viêm amidan, viêm họng cũng sẽ có triệu chứng chảy nước mũi, kèm theo đó là các dấu hiệu như đau rát họng, sổ mũi, buồn nôn, đau đầu, nuốt vướng….
  • Dị vật trong mũi: Trẻ em là đối tượng rất dễ gặp phải tình trạng này. Vô tình trẻ thường nhét các dị vật vào bên trong mũi khiến mũi tăng tiết dịch nhầy. Nếu trẻ có các biểu hiện như mũi có mùi hôi, khó thở, đau mũi, nước mũi chảy nhiều ở một bên thì cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra.
  • Dị ứng: Tình trạng chảy nước mũi có thể do người bệnh tiếp xúc với các yếu tố dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, khói xe, lông động vật… Lúc này cơ thể sẽ phản ứng lại với các tác nhân này bằng cách hắt xì hơi, chảy dịch mũi…
  • Viêm mũi vận mạch: Người bị viêm mũi vận mạch sẽ bị chảy nhiều dịch nhầy do phản ứng của mũi với những tác nhân gây kích thích như khói bụi, đồ ăn cay, không khí ô nhiễm,…
  • Viêm xoang: Người bị viêm xoang thường bị thu hẹp đường mũi, gây nghẹt mũi, chất nhầy tích tụ lại và bắt đầu chảy ra ngoài. Một số trường hợp người bệnh có thể cảm thấy chất nhầy ở cổ họng kèm theo những cơn đau nhức vùng trán, đau đầu.
  • U nang ở mũi: U nang ở mũi có thể là u lành tính hoặc ác tính. Khi đó người bệnh sẽ có các biểu hiện như chảy dịch mũi ở một bên, đau nhức ở mũi, nghẹt mũi…
  • Nguyên nhân khác: Người bệnh có thể bị chảy nước mũi do một số yếu tố khác như: Vách ngăn mũi bị lệch bẩm sinh, ăn đồ cay nóng, bị thủy đậu hoặc đang mang thai.
Cảm cúm, cảm lạnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này
Cảm cúm, cảm lạnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này

Dấu hiệu chảy nước mũi

Người bệnh bị chảy nước mũi sẽ thường đi kèm với những triệu chứng đặc trưng như sau:

  • Nghẹt mũi, hắt hơi, khó thở, ngứa mũi.
  • Sốt, mệt mỏi, đau mỏi người, đau nhức mắt.
  • Đau rát họng, khó nuốt, vướng víu ở cổ họng.
  • Ho khan, ho có đờm.
  • Niêm mạc mũi bị sung huyết và phù nề.

Biện pháp điều trị

Có rất nhiều phương pháp giúp cải thiện tình trạng chảy nước mũi nhanh chóng, người bệnh có thể tham khảo áp dụng như sau:

Chăm sóc tại nhà

Khi có dấu hiệu chảy nước mũi, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để làm giảm bớt cảm giác khó chịu do bệnh gây ra:

  • Nghỉ ngơi, uống nhiều nước và tránh dùng các loại đồ uống dễ gây mất nước như cà phê, rượu, bia.
  • Vệ sinh mũi, rửa mũi bằng nước mũi sinh lý để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng xoang mũi.
  • Tắm nước nóng để giảm hiện tượng nghẹt mũi, chảy dịch mũi.
  • Dùng khăn mặt ẩm đặt lên mặt để giúp làm dịu cảm giác khó chịu ở vùng xoang mũi, đồng thời hỗ trợ làm loãng dịch nhầy.
  • Sử dụng máy phun sương để giúp làm ẩm không khí, giúp làm dịu niêm mạc mũi, tạo điều kiện cho dịch mũi được tống ra ngoài dễ hơn.
  • Khi bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, bạn nên kê cao đầu khi ngủ để cảm thấy dễ thở hơn.

Áp dụng mẹo dân gian

Người bệnh có thể cải thiện tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi bằng một số mẹo dân gian như:

  • Uống trà chanh mật ong.
  • Uống nước lá húng quế.
  • Ăn tỏi nướng.
  • Uống trà ấm.
  • Xoa dầu nóng vào chân.
Uống trà mật ong chanh giúp cải thiện sổ mũi, nghẹt mũi
Uống trà mật ong chanh giúp cải thiện sổ mũi, nghẹt mũi

Những phương pháp này được thực hiện rất đơn giản, giúp tăng cường sức đề kháng, loại bỏ các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi hiệu quả.

Dùng thuốc Tây y

Trường hợp đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm amdian, viêm mũi dị ứng,… thì người bệnh nên tham khảo sử dụng một số loại thuốc điều trị phổ biến như:

  • Thuốc trị chảy nước mũi dạng uống: Clorpheniramin 4mg, Hadocolcen, Cottuf.
  • Thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt: Rhinocort, Nasonex, Coldi-B, Hadocort, Flixonase.
  • Thuốc nhỏ mũi: Otrivin, Xylometazolin 0,05%, Iliadin, Cortiphenicol.
  • Thuốc rửa mũi: Natri Clorid 0,9%, Ninosat Bidiphar, XISAT.

Quá trình điều trị bằng thuốc Tây cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kê đơn. Người bệnh không được tự ý mua thuốc sử dụng để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp bị chảy nước mũi đều lành tính, không đáng lo ngại. Người bệnh chỉ cần áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà là bệnh có thể thuyên giảm. Tuy nhiên trong một số trường hợp bị chảy nước mũi do polyp, viêm xoang, dị vật hoặc có khối u thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.

Dưới đây là những dấu hiệu người bệnh nên đến gặp bác sĩ, nhất là với trẻ nhỏ:

  • Người bệnh bị chảy nước mũi kéo dài hơn 1 tuần, đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà nhưng không thuyên giảm.
  • Bị chảy dịch mũi kèm theo hiện tượng sốt cao 39 độ trong nhiều ngày liên tiếp.
  • Dịch nước mũi đặc dần, nước mũi chỉ chảy ở một bên, có mùi hôi, kèm theo chảy máu.
  • Chảy nước mũi kèm theo các triệu chứng khác như đau tai, chảy mủ tai, thở nhanh, thở khò khè, cánh mũi phập phồng, lồng ngực rút lõm.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có hiện tượng nước mũi lẫn máu
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có hiện tượng nước mũi lẫn máu

Phòng ngừa triệu chứng chảy nước mũi

Chảy nước mũi mặc dù không gây nguy hiểm nhưng nó lại làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Để phòng ngừa được tình trạng bạn cần chú ý tới những vấn đề sau:

  • Thường xuyên súc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch đường thở, loại bỏ vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh.
  • Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để ngăn ngừa khói bụi, không khí ô nhiễm, không khí lạnh.
  • Vào mùa đông nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và mũi. Nên tắm ở nơi kín gió và lau người khô rồi mới mặc quần áo để tránh cảm lạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, những người đang bị cảm cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi,…
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là phòng ngủ để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật…
  • Uống từ 2-2,5 lít nước mỗi, nên ưu tiên uống nước ấm và các loại nước ép trái cây, không sử dụng nước đá lạnh, rượu bia và các loại nước ngọt khác.
  • Ăn uống khoa học, nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin, khoáng chất, omega-3 để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Đồng thời nên hạn chế sử dụng các loại đồ ăn cay nóng, dễ gây chảy nước mũi.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, chống lại sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Tiêm vacxin phòng ngừa bệnh cúm, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ đang có ý định mang thai.

Trên đây là những thông tin về triệu chứng chảy nước mũi. Hy vọng người bệnh sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích, giúp quá trình phòng ngừa và điều trị được hiệu quả hơn. Trường hợp bệnh có chuyển biến xấu hoặc kéo dài dai dẳng thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Chat với chúng tôi
Zalo