Tiểu Khó
Tiểu khó là triệu chứng thường gặp ở nam giới, chứng bệnh này khiến người mắc cảm thấy bứt rứt, đau tức bụng dưới. Trong trường hợp không được điều trị sớm, bệnh có thể gây viêm nhiễm, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Để tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này, bạn đọc có thể tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.
Tiểu khó là bệnh gì?
Tiểu khó là tình trạng bệnh nhân phải dùng sức để rặn mạnh hoặc rặn rất lâu mới có thể đi tiểu. Việc này không chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu mà còn khiến việc đi tiểu kéo dài lâu, khoảng cách các lần đi tiểu rất ngắn, chỉ khoảng 15 – 30 phút. Chứng tiểu khó có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là ở nam giới trên 40 tuổi.
Theo các chuyên gia, tiểu khó có thể là triệu chứng cảnh báo của một số bệnh lý sau:
Tăng sinh tuyến tiền liệt
Nam giới lớn tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tăng sinh tuyến tiền liệt. Bệnh lý hình thành khi hàm lượng nội tiết tố dần bị suy giảm khiến các tế bào mô tại tuyến tiền liệt tăng nhanh về kích thước. Từ đó gây ra tình trạng đường tiểu bị bịt, chèn ép, khiến việc đi tiểu tiện gặp khó khăn. Nam giới càng lớn tuổi, triệu chứng tiểu khó, tiểu rắt càng biểu hiện rõ rệt và tần suất cũng dày hơn.
Viêm bàng quang
Tiểu khó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang. Ngoài ra, bệnh lý này còn có các triệu chứng kèm theo như đau tức khi tiểu, nóng rát, đau vùng xương chậu, nước tiểu đục, có mùi hôi,… Viêm bàng quang khi không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng, làm ảnh hưởng tới thận. Vì thế, ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng trên, nam giới nên chủ động thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
Viêm niệu đạo
Là bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu, hình thành do sự tấn công của vi khuẩn. Viêm niệu đạo thường có tỷ lệ mắc cao hơn ở nam giới, với các triệu chứng điển hình như tiểu rắt, tiểu khó, tiểu buốt. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm niệu đạo cũng có các dấu hiệu nhận biết khác như:
- Có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở đường tiểu.
- Bị đau, bỏng rát khi đi tiểu.
- Xuất hiện máu trong tinh dục hoặc trong nước tiểu.
- Đau khi quan hệ.
- Rất khó để đi tiểu hoặc có cảm giác buồn tiểu nhưng không thể tiểu được.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang thường rất khó nhận biết, bởi bệnh thường có những triệu chứng tương đồng với các bệnh lý khác. Song nếu thấy các triệu chứng như tiểu khó, tiểu không tự chủ, đau khi đi tiểu, nước tiểu màu sẫm, có máu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược,… thì các bạn nên thăm khám y tế ngay để xác định nguyên nhân.
Nguyên nhân gây tiểu khó
Tiểu tiện là kết quả hoạt động bình thường của bàng quang, cổ bàng quang và ống niệu đạo tới lỗ tiểu ngoài. Quá trình này diễn ra khi bàng quang co bóp nhịp nhàng, cổ bàng quang giãn nở cùng sự thông suốt của ống niệu đạo. Vì thế, khi chứng khó tiểu xảy ra, vấn đề chủ yếu xuất phát từ sự bất thường ở đường tiết niệu. Cụ thể như sau:
- Bàng quang không co bóp: Có 2 trường hợp xảy ra, một là bàng quang không co bóp được do mắc bệnh đái tháo đường, liệt bàng quang, tai biến mạch máu não, chấn thương vùng cột sống. Thứ hai là do cổ bàng quang không được giãn nở do xơ chai hoặc hẹp cổ bàng quang.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Tiền liệt tuyến là cơ quan ở nam giới có nhiệm vụ sản xuất chất nhờn và góp phần tạo nên tinh dịch. Bộ phận này sẽ lớn dần theo tuổi và ôm vòng quanh cổ bàng quang, dòng nước tiểu chảy ra sẽ đi xuyên qua tuyến. Khi tiền liệt tuyến lớn sẽ cản trở dòng nước tiểu, gây ra hiện tượng tiểu khó, tiểu nhiều lần, tia nước tiểu yếu. Thậm chí còn gây khó tiểu, nhiễm trùng đường tiểu tái lại nhiều lần dẫn tới viêm bàng quang, viêm thận, suy thận. Chưa kể, tỷ lệ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt ở Việt Nam rất cao, mức độ trầm trọng của bệnh gia tăng theo tuổi nên cần hết sức lưu ý.
- Tắc nghẽn niệu đạo: Là tình trạng xảy ra do hẹp niệu đạo hoặc do sỏi niệu đạo hình thành khiến việc tiểu tiện trở nên khó khăn.
Triệu chứng tiểu khó
Chứng tiểu khó thường biểu hiện thông qua những dấu hiệu nhận biết sau đây:
- Số lần đi tiểu nhiều hơn bình thường hoặc thường có cảm giác muốn đi tiểu trong thời gian ngắn.
- Tia nước tiểu yếu, nhỏ, đi tiểu phải rặn mạnh.
- Lượng nước tiểu mỗi lần đi khá ít, dù tiểu xong nhưng vẫn có cảm giác nặng bụng. Thậm chí, vùng bụng dưới vẫn bị đau tức.
- Bị đau, buổi khi tiểu.
- Nước tiểu kèm theo máu.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường dưới đây thì các bạn cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ. Cụ thể gồm:
- Có cảm giác căng tức vùng bụng, không tiểu được trong vòng 48 giờ.
- Sốt.
- Tiểu nhiều lần trong ngày nhưng vẫn có cảm giác không thoải mái.
- Đi tiểu ra máu.
Lúc này, bác sĩ sẽ thông tiểu bằng dụng cụ vô khuẩn chuyên dụng. Sau đó, tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Cách chẩn đoán chứng bí tiểu ở nam giới
Để chẩn đoán chứng bí tiểu ở nam giới do đâu, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu tìm PSA – chất biểu hiện đặc trưng của tuyến liệt tuyến. Nếu lượng PSA tiền liệt tuyến ở trong máu cao thì rất có thể nam giới đã bị ung thư tiền liệt tuyến.
- Chụp X-quang nhằm tìm nguyên nhân của sỏi đường tiết niệu. Trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành chụp CT, MRI để cho kết quả chẩn đoán nguyên nhân chính xác hơn.
- Siêu âm đo độ lớn của tuyến tiền liệt nhằm kiểm tra tình trạng ứ nước ở thận xuất hiện hay chưa. Siêu âm ngã trực tràng để xác định kích thước hoặc kết hợp với sinh thiết tiền liệt tuyến nếu nghi ngờ có ung thư.
Biện pháp điều trị chứng tiểu khó
Theo các chuyên gia, chứng khó tiểu cần điều trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu để lâu, nước tiểu sẽ ứ đọng kéo dài, làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm, gây căng trướng hệ tiết niệu dẫn tới suy thận.
Thông thường, việc điều trị tiểu khó sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Sau khi thăm khám, dựa theo kết quả chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được tiến hành chữa trị theo những cách sau:
- Sỏi ở niệu đạo: Sử dụng máy tán sỏi để gắp sỏi ra ngoài.
- Hẹp niệu đạo: Bác sĩ dùng máy xẻ rộng nhằm làm rộng niệu đạo, giúp bệnh nhân đi tiểu tiện dễ dàng hơn.
- Bàng quan co bóp kém: Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc kích thích co bóp bàng quang cũng như điều trị gây yếu, liệt bàng quang.
- Phì đại tiền liệt tuyến: Dùng thuốc hoặc làm phẫu thuật tùy theo từng giai đoạn mắc bệnh cụ thể.
Cách phòng tránh chứng tiểu khó
Chứng tiểu khó, bí tiểu cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm lên đường tiết niệu và các bộ phận khác. Ngoài việc tiến hành điều trị, các bạn cũng có thể chủ động hơn trong việc phòng tránh bệnh thông qua những biện pháp sau:
- Tập thể dục, thể thao với các bài tập vừa sức đều đặn hàng ngày, ưu tiên đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông, bơi lội,… Điều này sẽ giúp duy trì sức khỏe tổng thể cũng như thúc đẩy các cơ quan vận hành một cách trơn tru.
- Không nên nhịn tiểu hoặc ngồi quá lâu làm ứ đọng nước tiểu.
- Sử dụng một số mẹo dân gian giúp hạn chế tình trạng bí tiểu như uống nước râu ngô, nước bông mã đề, nước ép bí xanh, nước rau má, rễ cỏ tranh,…
- Uống nhiều nước lọc, ngày uống 1.5 – 3 lít nước, hạn chế uống nước ngọt có ga hoặc các chất kích thích có hại cho sức khỏe khác như rượu bia, thuốc lá,…
- Xây dựng thực đơn lành mạnh, giàu thành phần chất xơ để ngăn ngừa táo bón.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan tới nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, bệnh tiểu khung, bàng quang,…
- Duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì một cách mất kiểm soát.
- Tới gặp bác sĩ ngay nếu cảm thấy việc tiểu tiện trở nên khó khăn, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Chứng tiểu khó ở nam giới thường hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nên khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau tức vùng bụng, tiểu nhiều lần,…. Các bạn nên tới các bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và tiến hành điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!