Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tăng sinh các mô và tế bào niêm mạc trong tuyến tiền liệt. Từ đó gây ra các rối loạn trong hoạt động sinh hoạt, đặc biệt vấn đề tiểu tiện của nam giới. Ngay khi nhận biết những dấu hiệu sức khỏe bất thường, cần sớm tới bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và giải pháp điều trị sao cho kịp thời.
Định nghĩa phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng các tế bào ở tuyến tiền liệt tăng sinh quá mạnh, mất kiểm soát khiến cơ quan này bị phình to. Không gian giữa các cơ quan lân cận bị chèn ép, đặc biệt là niệu đạo. Tuyến tiền liệt phì đại khiến dòng chảy nước tiểu bị tắc nghẽn, khó lưu thông và dễ xảy ra nhiều biến chứng xảy hưởng xấu tới sức khỏe.
Nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt xảy ra bởi nhiều yếu tố tác động, bao gồm cả sự lão hóa tự nhiên của cơ thể cũng như khu vực tinh hoàn có những bất thường.
- Lão hóa tự nhiên: Khi tuổi tác càng cao, nam giới sẽ có các dấu hiệu lão hóa rất rõ ràng. Đặc biệt lượng hormone testosterone sẽ giảm đi rõ rệt, không còn sản xuất đủ cho các hoạt động của cơ thể. Trong khi đó, lượng estrogen lại bị chênh leehcj cao hơn khiến phát sinh nhiều vấn đề sức khỏe sinh lý, đặc biệt phì đại tuyến tiền liệt.
- Tinh hoàn bất thường: Các dị tật bẩm sinh hoặc những bất thường xảy ra ở tinh hoàn trong quá trình trưởng thành cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh phì đại.
Đối tượng phì đại tuyến tiền liệt
Những đối tượng dễ mắc phì đại tuyến tiền liệt nhất gồm có:
- Nam giới ít vận động, cơ thể béo phì.
- Người trên 50 tuổi.
- Các đối tượng sử dụng bia rượu nhiều, lạm dụng chất kích thích, chế độ ăn nhiều chất béo gây hại.
- Trong gia đình có tiền sử về phì đại tuyến tiền liệt.
Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt có khá nhiều triệu chứng, chủ yếu liên quan tới vấn đề tiểu tiện. Chi tiết biểu hiện như sau:
- Tiểu đứt quãng: Nam giới thường bị đi tiểu ngắt quãng, tia nước thoát ra từng chút một, không thể chảy thành dòng liên tục.
- Khó tiểu: Bệnh nhân buồn đi tiểu nhưng không thể đi ngay, phải cố rặn hoặc chờ một lúc cho nước tiểu thật sự có thể chảy ra ngoài. Hơn nữa lượng nước tiểu cũng khá ít và dễ có thêm triệu chứng đau buốt.
- Tiểu són: Nước tiểu có thể tự són ra ở mọi thời điểm trong ngày. Ngay cả khi bệnh nhân vừa đi tiểu trước đó.
- Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân phải đi tiểu rất nhiều lần trong ngày dù uống ít nước. Đặc biệt số lần tiểu sẽ tăng nhiều vào ban đêm và rạng sáng.
- Dấu hiệu khác: Người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu, cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ liên tục.
Đặc biệt các triệu chứng này sẽ có thiên hướng tăng mạnh hơn khi nam giới di chuyển bằng xe máy, xe đạp quãng đường dài.
Biến chứng phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra nhiều biến chứng tổn thương cho cơ thể do quá trình tiểu tiện gặp nhiều khó khăn. Việc chậm trễ chữa trị sẽ dễ gây ra nhiều tác động tiêu cực như sau:
- Tiểu ra máu: Nam giới sẽ đi tiểu ra máu, bị bí tiểu, không thể đi tiểu và kèm theo tình trạng đau vùng bụng dưới rất nghiêm trọng.
- Bị sỏi bàng quang: Nước tiểu khi bị tích tụ trong thận sẽ và bàng quang sẽ dễ gây ra nhiễm khuẩn, hình thành sỏi thận, sỏi bàng quang, làm cản trở đường thoát của nước tiểu.
- Niệu đạo bị nhiễm khuẩn: Do lượng nước tiểu sót lại trong niệu đạo nên các vi khuẩn có thể tấn công dễ dàng, gây nhiễm trùng và kéo theo tình trạng nước tiểu đục màu.
- Suy thận: Do bệnh nhân bị tiểu khó, tiểu són làm nước tiểu bị tích tụ, từ đây gây tăng áp lực lên thận và dẫn tới viêm thận, giãn bể thận, viêm cầu thận và nặng nhất là suy thận mãn tính.
Chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt có được chẩn đoán bằng cả khám lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ tìm hiểu các thông tin về những triệu chứng bệnh nhân đang mắc phải, thăm khám qua trực tràng để nhận định về kích thước ở tuyến tiền liệt, ranh giới, bề mặt và các cảm giác của bệnh nhân khi có lực tác động.
Sau đó, các kỹ thuật xét nghiệm, chụp chiếu được tiến hành như sau:
- Siêu âm: Đánh giá tình trạng thể tích của tuyến tiền liệt, xác định khối u xơ, lượng nước tiểu tồn đọng, đánh giá về giai đoạn của bệnh phì đại cũng như những tổn thương khác tại niệu quản, thận, bàng quang,...
- Chụp X-quang: Nhận biết sự thay đổi của đường tiểu, mức độ lồi của khối u cũng như chức năng hoạt động tại thận và niệu đạo. Nhận biết sỏi và các dị tật nếu có.
- Thăm dò niệu động học: Chủ yếu sử dụng với mục đích kiểm tra chức năng của bàng quang, mức độ co bóp cũng như các bất thường. Khi này bác sĩ chủ yếu đánh giá về các định lượng PSA và PAP, xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn hoặc triệu chứng hẹp niệu đạo.
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt cần được điều trị từ sớm để tránh tối đa các tổn thương nguy hại cho sức khỏe nam giới. Một số biện pháp thường dùng gồm có:
Thuốc Tây y
Tây y bào chế nhiều loại thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt cho tác dụng theo từng mức độ bệnh và sức khỏe của nam giới. Trong đó, những thuốc chữa phì đại thường dùng phải kể tới như:
- Thuốc ức chế phosphodiesterase-5: Có công dụng làm dịu những biểu hiện phổ biến của bệnh phì đại tuyến tiền liệt, giãn cơ trơn đường tiểu dưới. Qua đó, có thể hạn chế các vấn đề liên quan tới tiểu tiện. Hiện nay, thuốc chứa chất này thường là tadalafil, thuốc cũng được dùng cho những bệnh nhân bị rối loạn cương dương.
- Thuốc ức chế alpha: Cũng cho công dụng giãn cơ trơn ở bàng quang cũng như tuyến tiền liệt. Đa số bệnh nhân sẽ được chỉ định tamsulosin hoặc alfuzosin.
- Chất ức chế 5-alpha reductase: Có tác dụng cản trở sản sinh DHT tích tụ trong tuyến tiền liệt. Chủ yếu sẽ dùng dutasteride và finasteride, liều lượng tùy theo chỉ dẫn riêng của các bác sĩ.
- Các thuốc khác: Trong quá trình điều trị phì đại tuyến tiền liệt, bệnh nhân có thể cần kết hợp dùng một số thuốc khác nhau để đạt được tác dụng như mong muốn. Hiện nay, bệnh nhân chủ yếu dùng thuốc dutasteride và tamsulosin, finasteride và doxazosin, ức chế alpha và antimuscarinic.
Phẫu thuật chữa phì đại tuyến tiền liệt
Nếu sử dụng các loại thuốc không đạt hiệu quả hoặc bệnh nhân có các bất thường trong cấu trúc bàng quang, tinh hoàn hoặc đã có biến chứng, sẽ cần thực hiện phẫu thuật.
Những kỹ thuật mổ phì đại tuyến tiền liệt được áp dụng hiện nay là:
Phẫu thuật mở:
Thường áp dụng khi bệnh nhân xuất hiện khối u xơ tuyến tiền liệt lớn hơn 70g, xuất hiện túi thừa bàng quang hoặc sỏi. Vết mổ này sẽ có diện tích xâm lấn lớn, bệnh nhân chảy nhiều máu, có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hoặc hẹp cổ bàng quang, tiểu không tự chủ. Đồng thời thời gian hồi phục cũng sẽ lâu hơn.
Nội soi tuyến tiền liệt:
Phương pháp nội soi tuyến tiền liệt được áp dụng rất phổ biến, thường dùng khi bệnh nhân có khối u xơ từ 60 - 70g. Nội soi sẽ có mức độ xâm lấn ít, thời gian bình phục tương đối nhanh và người bệnh có thể đi tiểu theo cách thông thường sớm hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng là rối loạn cương dương, áp xe bàng quang hoặc hẹp niệu đạo,...
Tiêu hủy u xơ qua niệu đạo:
Thông qua nguồn tần số sóng vô tuyến được cài đặt phù hợp, bệnh nhân sẽ được loại bỏ mô tuyến tiền liệt dư thừa, từ đó làm thông thoáng dòng nước tiểu. Bệnh nhân khi phẫu thuật sẽ phải gây mê toàn thân, nhưng thời gian hồi phục cũng khá nhanh và không có nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng.
Phẫu thuật rạch tuyến tiền liệt:
Thông thường rạch tuyến tiền liệt sẽ áp dụng khi bệnh nhân không đảm bảo điều kiện sức khỏe để áp dụng các cách mổ khác, người bệnh có tuyến tiền liệt nhỏ. Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi để vào niệu đạo, tạo ra rãnh nhỏ tại khu vực cổ bằng quang. Qua đó nước tiểu sẽ dễ dàng mở rộng đường lưu thông, chấm dứt tình trạng ứ đọng. Nhưng bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng là phóng tinh ngược.
Bắn laser:
Tia laser được ứng dụng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt một cách nhanh chóng. Laser sẽ loại bỏ những mô bất thường dễ dàng, hạn chế chảy máu cũng như ít nguy cơ biến chứng. Bệnh nhân cũng được xuất viện sớm hơn và không gây nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt bình thường.
Thuốc Đông y
Đông y cũng có khá nhiều bài thuốc được đánh giá cao khi điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Theo đó, bệnh nhân có thể tham khảo các liệu trình dược liệu như sau:
Bài thuốc số 1:
- Dược liệu: Sa tiền tử, ngưu tất, sừng hương, thỏ ty tử.
- Cách thực hiện: Cho thuốc vào ấm, sắc trong khoảng 1.5h, phần nước thu được nên uống hết trong ngày. Nếu khi thuốc nguội, hãy hâm ấm lại trước lúc uống.
Bài thuốc số 2:
- Dược liệu: Cam thảo, đại hoàng, mộc thông, hoàng bá, ngưu tất, xích linh, hoàng cầm, ngân hoa, địa đinh, xa tiền, hoạt thạch, biển súc, hoàng liên.
- Cách thực hiện: Thuốc sắc cùng 2 lít nước, đến khi cạn còn 3 bát sẽ chắc ra uống theo các bữa sáng, trưa, tối hàng ngày. Cần uống thuốc cho tới khi kết thúc liệu trình theo bác sĩ hướng dẫn.
Bài thuốc số 3:
- Dược liệu: Long cốt, hoài sơn, thục địa, ngưu tất, lộc giác, nhục quế, kỷ tử, khiếm thực, liên tu, quy đầu, mẫu lệ, quy giao, đỗ trọng.
- Cách sử dụng: Cho thuốc vào ấm sắc cùng với 7 bát nước, đợi đến khi nước thuốc cạn còn khoảng 2 bát con sẽ dùng lại và chắt ra để sử dụng. Lưu ý không để thuốc qua ngày hôm sau dùng tiếp sẽ dễ bị biến chất.
Các cách chăm sóc khác
Ngoài việc sử dụng các phương thuốc của Tây y và Đông y, bệnh nhân cũng cần chú ý tới các cách chăm sóc cơ thể hàng ngày để có thể đẩy lùi bệnh hiệu quả. Một số các được áp dụng như sau:
- Bổ sung các thực phẩm có lợi cho cơ thể. Nam giới nên ăn nhiều rau củ quả có màu xanh đậm, các loại quả mọng và hạt. Ví dụ như: Rau cải bina, rau chân vịt, rong biển, đậu bắp, cà chua, bông cải xanh, việt quất, dâu tây, hạt hạnh nhân, óc chó,... Qua đó có thể cung cấp cho cơ thể lượng chất chống oxy hóa dồi dào, hạn chế tác động từ các gốc tự do tới tuyến tiền liệt.
- Tránh dùng các đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, những chất béo có hại hoặc các chất kích thích. Những nhóm chất có trong các loại thực phẩm này dễ tác động tới sức khỏe tổng thể và tuyến tiền liệt, làm bệnh nghiêm trọng hơn, dễ hình thành sỏi hơn.
- Nên tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày với các bộ môn thích hợp. Bơi lội, cầu lông, bóng bàn, đi bộ,... đều giúp cơ thể kích thích tăng cơ, sản sinh được nhiều testosterone tự nhiên và hạn chế các phản ứng viêm nhiễm một cách rõ ràng.
- Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt không nên uống nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt trước lúc đi ngủ khoảng 2 tiếng. Các loại trà hoặc cà phê đều cần hạn chế vì chúng có khả năng kích thích thận hoạt động liên tục, gây đi tiểu nhiều, tiểu đêm nặng hơn.
- Duy trì tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạn chế căng thẳng lo lắng khiến các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt càng trở nên trầm trọng hơn.
Phòng tránh phì đại tuyến tiền liệt
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt, nam giới nên chú ý tới các biện pháp bảo vệ sức khỏe như sau:
- Nên bỏ hút thuốc lá, thuốc lào hoặc thuốc điện tử. Đây là yếu tố gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe bởi vô số chất độc có trong thành phần của thuốc.
- Mỗi lần đi tiểu, hãy cố gắng đi sạch hoàn toàn, tránh đi không hết khiến nước tiểu ứ đọng lại trong cơ thể, từ đó gây ra viêm nhiễm và nhiều vấn đề tiêu cực khác.
- Vào buổi tối, không nên uống nhiều nước. Tránh uống bia, rượu, cà phê hay các thức uống có khả năng gây buồn tiểu nhiều. Đồng thời, việc sử dụng những thức uống này vào ban ngày cũng nên hạn chế.
- Nên tập thể dục với các bài tập có lợi cho hoạt động của bàng quang và cơ quan sàn chậu. Ngoài ra, cũng cần chú ý tăng cường sức khỏe tổng thể để hạn chế các yếu tố gây bệnh thường gặp hiện nay.
- Trong chế độ ăn uống hàng ngày, ưu tiên dùng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Nên ăn nhiều rau củ và thịt cá tươi, các loại trái cây và hạt. Với những nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, hãy hạn chế một cách tối đa.
- Không nên thức khuya liên tục hoặc tinh thần luôn lo lắng, căng thẳng, stress. Đây là yếu tố dễ khiến suy giảm miễn dịch và đề kháng, ảnh hưởng tới nội tiết tố, tác động nhiều tới cả sức khỏe và sinh lý của nam giới.
- Nếu sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị bệnh nào, đặc biệt thuốc có liên quan tới chức năng hoạt động của thận, cần đảm bảo thực hiện đúng chỉ dẫn từ các bác sĩ. Tránh lạm dụng hoặc dùng sai cách sẽ dễ gây ra biến chứng ở thận, gan.
Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nam giới, gây giảm sút chất lượng đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nam giới chú ý phải tới bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, việc điều trị cũng cần tuân thủ theo phác đồ từ các bác sĩ, tránh tự ý thay đổi liệu trình sẽ dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Kết hợp thêm chế độ ăn uống, chăm sóc phù hợp sẽ giúp bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!