Viêm Mào Tinh Hoàn: Biểu Hiện, Nguyên Nhân, Cách Điều Trị

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng khá phổ biến ở nam giới trong độ tuổi từ 18 – 35. Khi bị bệnh, cánh mày râu sẽ bị sưng tấy ở bìu, gây ra những cơn đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, chức năng sinh lý. Hiện tượng này không thể tự khỏi, thay vào đó cần dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu đang tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh lý này, bạn đọc đừng bỏ qua những nội dung được chia sẻ ở bài viết dưới đây. 

Viêm mào tinh hoàn là bệnh gì?

Mào tinh hoàn với kích thước từ 5 – 6 cm, có cấu tạo gồm 3 phần là đầu, thân, đuôi, hình ống thon dài, nằm ở phần trên của tinh hoàn. Bộ phận này đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh sản của nam giới, thực hiện chức năng lưu trữ, cung cấp dinh dưỡng cho tinh trùng trước khi chuyển đến ống dẫn tinh.

Viêm mào tinh hoàn được hiểu là tình trạng viêm nhiễm ở ống tinh hoàn – ống cuộn kết nối tinh hoàn với ống dẫn tinh, gây sưng viêm, đau nhức. Bệnh lý này thường xuất hiện đột ngột và có thể biến mất sau một thời gian ngắn, tuy nhiên có nhiều trường hợp tiến triển sang giai đoạn mãn tính, kéo dài dai dẳng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Viêm mào tinh hoàn được hiểu là tình trạng viêm nhiễm ở ống tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn được hiểu là tình trạng viêm nhiễm ở ống tinh hoàn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nam giới ở độ tuổi từ 18 – 35 có nguy cơ cao bị viêm mào tinh hoàn hơn những đối tượng khác. Đặc biệt những trường hợp quan hệ qua đường hậu môn hoặc thường xuyên không sử dụng bao cao su khi giao hợp, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng thuộc nhóm có tỷ lệ cao mắc bệnh.

Dựa vào giai đoạn tiến triển và các triệu chứng, hiện tượng này được chia thành 2 loại như sau:

  • Giai đoạn cấp tính: Là tình trạng viêm nhiễm xảy ra một cách bất ngờ, các triệu chứng đột ngột, đồng thời phát triển nhanh, tuy nhiên bệnh cũng nhanh chóng thuyên giảm trong vòng 6 tuần. Trường hợp cấp tính thường do các bệnh về tuyến tiền liệt hay nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra.
  • Giai đoạn mãn tính: Ở giai đoạn mãn tính, bệnh có tiến triển chậm nhưng dai dẳng trong thời gian dài, khoảng 1 – 2 năm, sau đó mới có những triệu chứng rõ rệt. Thể bệnh mạn tính khó xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng thường do viêm mào tinh hoàn cấp phát triển khi không được thăm khám, điều trị từ sớm.

Biểu hiện cụ thể

Khi mới xuất hiện bệnh viêm mào tinh hoàn, nam giới thường khó phát hiện hoặc dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh nam khoa khác. Các chuyên gia cho biết khi mào tinh hoàn bị viêm có triệu chứng cụ thể như sau:

Viêm mào tinh hoàn khiến anh em bị đau ở bìu
Viêm mào tinh hoàn khiến anh em bị đau ở bìu
  • Phần bìu căng, đau, sưng đỏ, có thể ở một hoặc hai bên tinh hoàn.
  • Tần suất tiểu tiện nhiều hơn bình thường, đồng thời tiểu tiện bị đau.
  • Dương vật có mủ hoặc dịch chảy ra.
  • Khi xuất tinh, anh em sẽ thấy tinh dịch có lẫn máu.
  • Người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu ở vùng xung quanh xương chậu.
  • Bị sưng hạch bạch huyết ở vùng bẹn của cánh mày râu.
  • Nhiều trường hợp bị sốt cao trên 39 độ kèm theo cảm giác ớn lạnh.

Đây đều là những biểu hiện phổ biến nhất của bệnh lý này, tuy nhiên tùy thuộc nguyên nhân, mức độ bệnh mà cánh mày râu có thể gặp một số triệu chứng khác.

Nguyên nhân gây bệnh

Mào tinh hoàn bị viêm có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự tấn công của vi khuẩn hoặc một số yếu tố khác tác động, cụ thể:

Do vi khuẩn

Thực tế, có rất nhiều cánh mày râu bị viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn tấn công dẫn đến nhiễm trùng. Theo nghiên cứu, những loại vi khuẩn và virus có thể gây bệnh như:

  • Nhóm vi khuẩn chính gây bệnh: Klebsiella pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus, Ecoli, Ureaplasma urealyticum, Proteus mirabilis, Pseudomonas aeruginosa,…
  • Vi khuẩn đặc hiệu như: Song cầu gram âm, trực khuẩn lao, xoắn khuẩn giang mai.
  • Tác nhân gây bệnh không phải là vi khuẩn: Ký sinh trùng, nấm, Rickettsia và cytomegalovirus.
  • Virus quai bị.
Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh
Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh

Do bệnh lý

Nam giới mắc các bệnh lý dưới đây có khả năng cao bị viêm mào tinh hoàn:

  • Bệnh lây qua đường tình dục: Cánh mày râu nếu đang bị các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia thường bị viêm mào tinh hoàn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Không ít trường hợp có mào tinh hoàn bị viêm do nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Bệnh lý khác: Anh em có thể có mào tinh hoàn bị viêm khi gặp một số bệnh lý như: Quai bị, bệnh lao, chấn thương ở vùng háng, vấn đề bẩm sinh ở thận và bàng quang, bệnh behcet.

Nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân chính kể trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ nam giới bị viêm mào tinh hoàn đó là:

  • Có tiền sử bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc gặp vấn đề với bộ phận này.
  • Quan hệ tình dục không an toàn hoặc giao hợp với bạn tình mắc bệnh lây qua đường tình dục.
  • Từng được can thiệp thủ thuật y khoa đưa ống thông tiểu hoặc ống nội soi vào dương vật.

Mào tinh hoàn bị viêm có nguy hiểm hay không?

Mào tinh hoàn bị viêm là bệnh lý nam khoa khá phổ biến, ở giai đoạn đầu bệnh không quá nguy hiểm, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tình dục, sinh hoạt. Đặc biệt nếu tình trạng viêm tiến triển ở mức độ nghiêm trọng hơn và kéo dài dai dẳng có thể gây ra nhiều biến chứng, hậu quả như sau:

  • Áp xe bìu: Là hiện tượng có ổ áp xe ở bìu, khiến bộ phận này bị viêm nhiễm, hoại tử, thậm chí là vỡ tinh hoàn, dịch tràn tới nhiều cơ quan lân cận, có thể đe dọa tính mạng.
  • Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng không chỉ xuất hiện ở mào tinh hoàn mà còn lây sang ống dẫn tinh, đường tiết niệu hay tuyến tiền liệt.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: Mào tinh hoàn bị viêm khiến dương vật nhạy cảm hơn, đồng thời việc thường xuyên đau nhức, khó chịu khiến cánh mày râu gặp nhiều khó khăn trong quá trình quan hệ. Về lâu dài, anh em có thể gặp tình trạng suy giảm ham muốn tình dục, yếu sinh lý, rối loạn cương dương.
  • Vô sinh, hiếm muộn: Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm mào tinh hoàn là vô sinh, hiếm muộn. Khi mắc bệnh, nam giới có khả năng teo tinh hoàn, số lượng và chất lượng tinh trùng đều bị suy giảm, khó có thể đậu thai.
Bệnh lý này ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Bệnh lý này ảnh hưởng đến đời sống tình dục

Cách điều trị viêm mào tinh hoàn

Việc điều trị mào tinh hoàn bị viêm sẽ dựa theo nguyên tắc:

  • Dựa vào phân loại nguyên nhân gây bệnh để áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
  • Với trường hợp mào tinh hoàn bị viêm do nhiễm khuẩn dựa trên kết quả của kháng sinh đồ để đưa ra liệu trình điều trị.
  • Trong lúc chờ đợi kết quả của kháng sinh đồ hoặc không có kháng sinh đồ sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc kháng sinh dựa trên dự đoán vi khuẩn gây bệnh và độ tuổi mắc bệnh.

Sử dụng thuốc Tây

Nam giới ở độ tuổi 15 – 35 tuổi nếu nghi ngờ lây nhiễm vi khuẩn qua đường tình dục có thể được chỉ định thuốc ceftriaxone, tiêm một liều duy nhất, kết hợp với thuốc doxyciline 200mg/ngày sử dụng trong  10 ngày. Hoặc có thể dùng thuốc kháng sinh Azithromycine 1viên/ngày, uống liều duy nhất.

Điều trị viêm mào tinh hoàn bằng thuốc Tây
Điều trị mào tinh hoàn bị viêm bằng thuốc Tây

Người bệnh ở độ tuổi 15 – 35 tuổi nếu nghi ngờ mào tinh hoàn bị viêm do các vi khuẩn đường ruột như E. Coli… thì sẽ được chỉ định dùng nhóm thuốc quinolon như thuốc ofloxacine 300mg liều uống ngày 2 lần trong vòng 10 ngày, hoặc thuốc norfloxacine 400mg liều 2 lần/ngày uống trong 10 ngày, hoặc thuốc levofloxacine 500mg  1 lần/ngày trong vòng 10 ngày.

Ngoài ra, có thể kết hợp điều trị nâng đỡ, cụ thể là thuốc giảm đau nonsteroid. Vấn đề sử dụng corticoid cần phải có chỉ dẫn đặc biệt của bác sỹ.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bằng thuốc Tây y người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Khi bệnh nhân muốn ngưng sử dụng thuốc hoặc đổi loại thuốc cũng cần có sự tư vấn từ bác sĩ.

Phương pháp phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật dẫn lưu được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đã xuất hiện áp-xe. Lúc này bệnh nhân buộc phải cắt bỏ mào tinh hoàn. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cũng được bác sĩ chỉ định với người bệnh có bất thường về thể chất.

Ngoài ra, người đặt ống thông tiểu trong thời gian dài cần áp dụng kỹ thuật đặt ống thông tiểu lên xương mu. Khi bệnh nhân bị tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật thắt ống dẫn tinh.

Một số trường hợp nặng bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật
Một số trường hợp nặng bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật

Lời khuyên sau điều trị bệnh

Để quá trình điều trị và hồi phục sau điều trị viêm mào tinh hoàn diễn ra thuận lợi, nam giới cần lưu ý một số điều sau:

  • Không lạm dụng hoặc tự bỏ thuốc khi chưa kết thúc liệu trình điều trị. Hãy đảm bảo uống thuốc đủ liều và đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiêng quan hệ tình dục và thủ dâm trong quá trình điều trị để tránh tình trạng sưng, đau nhức và tránh bệnh viêm nhiễm trầm trọng hơn hoặc có thể lây cho bạn tình.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
  • Hạn chế sử dụng đồ ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, các loại thịt đỏ,… vì chúng khiến tình trạng viêm nhiễm mào tinh hoàn nặng hơn và gây nặng mùi ở bộ phận sinh dục.
  • Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu bởi điều này sẽ tạo áp lực lên tinh hoàn, dẫn đến sưng phù và đau đớn nghiêm trọng. Đặc biệt có thể lan đau đớn sang vùng bẹn, đùi và vụng dưới.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh viêm mào tinh hoàn. Nếu thấy những triệu chứng lạ, người bệnh hãy tới ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Chat với chúng tôi
Zalo