Ngứa Lưng Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Cách Chữa, Phòng Ngừa
Ngứa lưng là triệu chứng quen thuộc, có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về hiện tượng này. Để nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng ngứa ở lưng, bạn đọc đừng bỏ qua thông tin ở bài viết dưới đây.
Ngứa lưng là bệnh gì?
Ngứa lưng là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại vì có thể xảy ra thường xuyên ở bất kỳ đối tượng nào tự khỏi sau vài giờ hoặc vài ngày xuất hiện. Tuy nhiên ngứa lưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý ngoài da cần được chú ý, đặc trưng bởi các biểu hiện như:
- Ban đầu cảm thấy ngứa nhẹ, sau một lúc sẽ hết khiến người bệnh tưởng là những cơn ngứa thông thường.
- Đa số mọi người khi cảm thấy ngứa sẽ gãi theo phản xạ tự nhiên đến khi hết ngứa.
- Càng gãi thì cảm giác ngứa ngáy càng nghiêm trọng hơn, đồng thời lúc này vùng ngứa đã phát triển mạnh, lan rộng.
- Nhiều chỗ do gãi quá nhiều và mạnh nên bị sưng tấy, có nổi vảy trắng, thậm chí tạo thành mảng.
- Tùy từng loại bệnh và mức độ khác nhau, bạn có thể gặp những dấu hiệu khác đi kèm như nổi mẩn đỏ, phát ban, bong tróc nhiều trên da, khô da, có cảm giác châm chích,….
Nguyên nhân gây ra bệnh ngứa lưng
Các chuyên gia da liễu cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ngứa lưng đó là:
Viêm da tiếp xúc
Ngứa lưng có thể là triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc – một bệnh da liễu phổ biến được đặc trưng bởi những cơn ngứa ngáy dữ dội kèm theo nhiều nốt mẩn đỏ trên bề mặt lưng. Nếu người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên, tác nhân gây hại như vi khuẩn, vi nấm, phấn hoa, hóa chất độc hại thì triệu chứng sẽ bùng phát và trở nên nghiêm trọng hơn.
Viêm da dị ứng
Một trong những nguyên nhân chính gây ngứa ở lưng là do viêm da dị ứng. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả người lớn, trẻ nhỏ, bắt đầu với biểu hiện ngứa ngáy, phát ban nổi rõ ở vùng lưng, tay, chân, mặt và những vị trí có nếp gấp.
Thông thường, những biểu hiện của viêm da dị ứng ở lưng khó kiểm soát, có xu hướng phát triển mạnh hơn vùng da khác trên cơ thể vì đây là vị trí hay ma sát với quần áo, chăn ga. Khi bị ma sát, vùng lưng có nhiều vết trầy xước, da bị tổn thương khiến tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ nghiêm trọng hơn.
Nổi mề đay
Mề đay là bệnh da liễu xảy ra khi hệ miễn dịch bị kích thích mạnh trước tác nhân gây hại như vi khuẩn, nấm mốc, phấn hóa, hóa chất, thực phẩm,…. Biểu hiện của bệnh mề đay là mẩn ngứa, vùng da bệnh nổi mẩn màu trắng hoặc hồng. Đặc biệt khi càng gãi thì mức độ ngứa càng tăng lên.
Ngoài những biểu hiện thông thường, người bệnh mề đay còn có các triệu chứng khác như: Mí mắt bị sưng phù, khó khăn khi thở, lưỡi, môi, miệng bị sưng, tụt huyết áp, cơ thể mệt mỏi, rối loạn nhịp tim,…
Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ hình thành do ký sinh trùng ghẻ, có những triệu chứng điển hình là làn da xuất hiện nhiều mụn nước, vết mẩn đỏ, tạo cảm giác ngứa ngáy dữ dội. Thông thường cơn ngứa sẽ tăng mức độ và tần suất vào ban đêm.
Ghẻ có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da nhưng phổ biến nhất là khu vực ẩm ướt nhiều như lưng, háng, kẽ tay chân, trong đầu gối,…
Mụn trứng cá xuất hiện ở lưng
Mụn trứng cá là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người, chúng dễ xuất hiện ở nhiều vùng da trên cơ thể, bao gồm mặt, lưng, ngực vì đây là vùng da đổ nhiều mô hôi, khó vệ sinh, thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây hại như khói bụi, bụi bẩn, vi khuẩn trong quần áo, chăn gối,…
Mụn trứng cá không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, đau mà còn khiến người bệnh bị ngứa ngáy, châm chích. Trong trường hợp không được điều trị từ sớm, đúng cách, tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng và lan rộng đến những vùng da lân cận.
Do bệnh lý khác trong cơ thể
Bên cạnh những bệnh da liễu thông thường, tình trạng ngứa lưng có thể do các bệnh lý bên trong cơ thể gây ra:
- Hemoglobin trong máu tăng cao: Hemoglobin trong máu có thể tăng cao khi cơ thể sản xuất ra quá nhiều hồng cầu, lúc này máu đặc hơn khoảng 15 – 25% so với bình thường. Người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ở nhiều vùng da trên cơ thể, bao gồm vùng lưng và cơn ngứa xuất hiện nhiều sau khi tắm nước ấm hoặc nước nóng.
- Bệnh cột sống: Nếu bạn bị ngứa lưng đi kèm với nốt mẩn đỏ thì có thể đây là biểu hiện của bệnh lý về cột sống như viêm tủy sống, chấn thương cột sống. Khi bị tổn thương, dây thần kinh trong và xung quanh cột sống bị chèn ép, gây ra hiện tượng ngứa râm ran. Thông thường, cảm giác ngứa lưng do bệnh về cột sống có xu hướng nghiêm trọng hơn khi người bệnh ngồi hoặc di chuyển.
- Bệnh về gan, thận: Gan, thận đóng vai trò đào thải độc tố, loại bỏ chất cặn bã ra ngoài cơ thể, hỗ trợ quá trình lọc máu, tăng cường chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nếu gan hoặc thận gặp vấn đề, thực hiện không đúng chức năng sẽ biểu hiện rõ ra bên ngoài thông qua các phản ứng đặc trưng, trong đó bao gồm ngứa lưng.
- Bệnh tuyến giáp: Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất Hormone cho cơ thể. Nếu bộ phận này gặp vấn đề bất thường sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết tố gây ngứa lưng. Bên cạnh đó, bệnh lý về tuyến giáp còn gây ra các triệu chứng như: Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, da khô, nhăn nheo, bị lão hóa sớm, suy giảm chức năng sinh lý và ham muốn tình dục, đau nhức toàn thân, đổ mồ hôi nhiều,….
Nguyên nhân khác
Ngứa lưng có thể xuất hiện do tác nhân bên ngoài như:
- Thường xuyên mặc đồ bó sát, quá chật gây bít tắc mồ hôi, không thông thoáng.
- Sự tấn công của vi khuẩn, vi nấm từ không khí, môi trường, vật dụng, quần áo đến vùng da lưng.
- Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người bị rôm sảy, ngứa lưng.
- Dùng sữa tắm, mỹ phẩm có thành phần không phù hợp, dễ gây kích ứng da.
- Không vệ sinh da lưng sạch sẽ, để vùng lưng quá bẩn.
- Tắm nước nóng nhiều khiến da bị khô ráp, ngứa ngáy.
Ngứa lưng có nguy hiểm không?
Ngứa lưng có thể là hiện tượng bình thường do tác nhân bên ngoài tác động hoặc xuất phát từ bệnh lý da liễu, bệnh từ trong cơ thể. Thông thường cảm giác ngứa ngáy chỉ xuất hiện một vài giờ đầu hoặc vài ngày và tự thuyên giảm, không gây nguy hiểm đến tính mạng nên người bệnh không cần lo lắng.
Tuy nhiên nhiều trường hợp cơn ngứa ngáy kéo dài liên tục, tăng dần về mức độ khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống. Đặc biệt các bệnh lý gây ngứa lưng nếu không được khắc phục từ sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ngoài ra, khi cào gãi nhiều, da vùng lưng bị tổn thương, bong tróc nhiều dẫn đến chảy máu hoặc tăng nguy cơ bội nhiễm.
Do đó bạn tuyệt đối không nên chủ quan, cần sớm thăm khám bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Cơn ngứa ngày tăng về mức độ, kéo dài liên tục trên 3 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, kèm theo hiện tượng sốt.
- Những tổn thương trên da ngày càng nhiều và lan rộng.
Điều trị tình trạng ngứa lưng
Điều quan trọng nhất trong điều trị ngứa lưng là phải xác định chính xác nguyên nhân gây ngứa. Tuỳ theo gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau đây:
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu tình trạng ngứa không quá nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị tại nhà. Cụ thể, để cải thiện cảm giác ngứa ngáy ở vùng da lưng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp sau đây:
- Chườm lạnh: Chườm lạnh được xem là phương pháp giảm ngứa đơn giản và hiệu quả nhất trong số các biện pháp điều trị ngứa lưng tại nhà. Đặc biệt, dưới nhiệt độ thấp của khăn lạnh, các vấn đề như đỏ da, mẩn ngứa cũng sẽ phần nào được kiểm soát. Để thực hiện phương pháp này, người bệnh chỉ cần chuẩn bị một chậu nước chứa đá lạnh và một chiếc khăn bông mềm. Sau khi ngâm khăn vào nước đá trong khoảng 5 phút, người bệnh do thể dùng khăn để chườm lên da trong khoảng 15 – 20 phút hoặc cho đến khi nào khăn hết lạnh.
- Dưỡng ẩm da: Khô da cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa da lưng và mẩn đỏ trên lưng. Chính vì thế, để giảm thiểu cơn ngứa do khô da, người bệnh nên chú ý đến việc dưỡng ẩm cho da. Người bệnh có thể dưỡng ẩm da bằng các loại kem dưỡng không chứa hương liệu, không gây kích chức và ít thành phần hoá học như Vaseline hoặc Eucerin. Đặc biệt, người bệnh nên tránh xa các loại sản phẩm dưỡng ẩm có chứa cồn và hương liệu mạnh, bởi chúng có thể khiến tình trạng viêm và kích ứng trở nên trầm trọng hơn.
Điều trị ngứa lưng bằng các phương pháp dân gian
Các phương pháp chữa ngứa lưng từ dân gian thường được khuyến khích trong giai đoạn bệnh mới khởi phát hoặc đang ở mức độ nhẹ. Để điều trị tình trạng ngứa ngáy ở lưng, người bệnh có thể sử dụng một số loại nguyên liệu thiên nhiên như nha đam hoặc dưa leo.
- Chữa ngứ bằng nha đam: Theo các nhà nghiên cứu, nhựa nha đam có tính sát khuẩn và gây tê cao, có thể dùng để sát trùng, thanh nhiệt vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, còn giúp làm giảm ngứa, làm dịu các vết thương do bỏng hoặc côn trùng cắn, thúc đẩy sự hình thành da non ở vết thương. Chính vì thể, khi bị mẩn ngứa, người bệnh có thể sử dụng phần thịt của nha đam để bôi trực tiếp lên da lưng trong khoảng 20 phút, mỗi ngày từ 1 đến 2 lần. Sau đó, người bệnh có thể dùng nước ấm để vệ sinh da thêm một lần nữa.
- Chữa ngứa bằng dưa leo: Dưa leo là một loại rau ăn quả có tính mát, giúp giảm ngứa, làm dịu và nuôi dưỡng làn da. Bên cạnh đó, loại quả này còn có độ an toàn cao, ít gây kích ứng và ngứa khi sử dụng trên da. Đối với tình trạng ngứa lưng, người bệnh có thể dùng dưa leo thái mỏng để đắp lên da trong khoảng từ 15 – 20 phút. Sau đó, người bệnh nên dùng nước ấm để làm sạch da rồi dùng khăn mềm lau khô. Để đảm bảo hiệu quả, người bệnh nên áp dụng phương pháp này trong vòng 10 – 14 ngày, mỗi ngày từ 1 – 2 lần.
Điều trị ngứa lưng bằng thuốc
Sử dụng thuốc để điều trị ngứa lưng là phương pháp thường được chỉ định khi các biện pháp tại nhà không hiệu quả hoặc khi tình trạng ngứa có xu hướng kéo dài. Thông thường, để đẩy lùi hiện tượng ngứa ngáy trên da lưng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh các loại thuốc sau đây:
- Thuốc gây tê tại chỗ: Thuốc gây tê tại chỗ thường được dùng để điều trị tình trạng ngứa lưng kèm theo mẩn đỏ hoặc ngứa lưng do viêm da tiếp xúc. Thuốc có tác dụng gây tê bề mặt da và giúp cơn ngứa thuyên giảm nhanh chóng. Các loại thuốc gây tê tại chỗ phổ biến nhất hiện nay gồm có Benzocain, Capsaicin, Doxepin…
- Kem chứa corticosteroid: Nếu ngứa và mẩn đỏ trên da được xác định là do viêm, dị ứng hoặc nhiễm khuẩn da, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh một vài loại thuốc corticosteroid dạng kem bôi. Công dụng chính của thuốc là giảm viêm và đẩy lùi cơn ngứa trên da. Tuy nhiên, corticosteroid cũng được khuyến cáo là có thể gây nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như mỏng da và teo da. Do đó, người bệnh không nên sử dụng loại thuốc này quá 10 ngày.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin là loại thuốc chuyên trị ngứa ngáy và mẩn ngứa ở lưng do dị ứng. Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa cho người bệnh một vài loại thuốc kháng histamin như Fexofenadine, Loratadine, Clorpheniramin… Loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt và buồn ngủ.
Cách phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa tình trạng ngứa lưng và nhanh chóng cải thiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên chú ý:
- Hạn chế mặc đồ bó sát, chọn quần áo rộng thoải mái, dễ thấm hút mồ hôi, nhất là vào những ngày nắng nóng.
- Giữ vệ sinh cho cơ thể, tắm rửa hàng ngày, chú ý đến vùng lưng vì đây là bộ phận khó vệ sinh, giữ cho lưng luôn khô thoáng.
- Không sử dụng sữa tắm, các sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, hương liệu, thành phần hóa học, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
- Dùng kem dưỡng phù hợp với da vùng lưng để cấp ẩm, làm mềm da.
- Hạn chế cào gãi lưng khi cơn ngứa xuất hiện, bạn chỉ nên massage nhẹ để cảm thấy thoải mái hơn.
- Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, lau dọn nhà cửa định kỳ, giặt chăn ga, gối đệm để loại bỏ tác nhân gây hại.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm giàu vitamin E, C, omega 3, không nên ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đồng thời tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,…
Ngứa lưng dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều hệ lụy nếu không được điều trị từ sớm và đúng cách. Để tránh cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, cuộc sống, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để được kiểm tra, hướng dẫn cách điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!