Bệnh phong ngứa là bệnh về da thường gặp và có các triệu chứng gần giống với bệnh dị ứng khác nên nhiều người thường bị nhầm lẫn. Vì thế điều này đã làm cho bệnh tái phát và tiến triển thành mãn tính. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người nhận biết được nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh. Độc giả quan tâm có thể tham khảo.
Bệnh phong ngứa là gì?
Bệnh phong ngứa còn được gọi là nổi mề đay, đây là căn bệnh dị ứng làm da nổi các mẩn đỏ với các kích thước khác nhau kèm theo cảm giác ngứa ngáy. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ trước, sau khi sinh và trẻ nhỏ.
Dựa vào thời gian xảy ra bệnh, các bác sĩ chia bệnh phong ngứa thành 2 loại:
- Nổi mề đay cấp tính: Đây là tình trạng nổi mẩn, ngứa ngáy kéo dài dưới 6 tuần, bệnh thường xảy ra đột ngột và nhanh chóng biến mất sau vài giờ đến vài ngày.
- Nổi mề đay mãn tính: Đây là tình trạng bệnh kéo dài trên 6 tuần. Bệnh phức tạp, khó kiểm soát, thường tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và các hoạt động thường ngày.
Nguyên nhân
Tới nay y học hiện đại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây phong ngứa. Một số nhà khoa học cho rằng bệnh phong ngứa khởi phát là do hệ miễn dịch hoạt động sai cách. Cơ thể phát hiện một số tác nhân gây hại xâm nhập nhưng tiết ra một số lượng lớn kháng thể IgE vượt quá mức cho phép.
Những kháng thể này đi tới các tế bào mast giải phóng histamin. Do thiếu kháng nguyên nên histamin khi chảy vào máu sẽ khiến da bị sưng, giãn các mao mạch gây ra hiện tượng ứ máu, ngấm vào đuôi dây thần kinh cảm giác kích thích ngứa, gây ra phản xạ sợi trục làm đỏ các nốt mề đay.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, bệnh phong ngứa xảy ra chủ yếu do cơ địa cũng như thể trạng của cơ thể. Một số nguyên nhân chính có thể kể tới như:
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình từng có người bị mắc bệnh phong ngứa thì khả năng con cái cũng dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra bà bầu ăn quá nhiều đạm cũng khiến con sau khi sinh có nguy cơ bị phong ngứa cao.
- Nhiễm trùng: Do các vi khuẩn viêm gan B, C, tiêu hóa, cảm cúm gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Dị ứng thuốc: Một số loại thuốc như Penicillin, thuốc hạ nhiệt, thuốc điều trị cao huyết áp, xương khớp, thuốc ngủ, gây mê,... gây ra một số tác dụng phụ đi kèm là kích hoạt phản ứng dị ứng cơ thể.
- Ăn phải các thực phẩm gây dị ứng: Một số trường hợp khi ăn phải các thực phẩm như tôm, cá, trứng, sữa,... có tình trạng dị ứng do trong các loại thực phẩm này có những protein mang tính dị ứng như parvalbumin, casein và protein huyết thanh
- Tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng: Người bệnh thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiệt độ thay đổi bất thường, dị ứng với các chất mỹ phẩm, phấn hoa,...
- Côn trùng cắn: Nọc độc của nhện, rết, ong,... khiến cơ thể bị nổi mề đay.
- Gan giải độc kém: Chức năng gan bị suy yếu làm cơ thể không giải độc và loại bỏ các tác nhân gây hại. Các chất độc sẽ tích tụ dưới da và gây ngứa ngáy.
- Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ có thai, sau khi sinh, hoặc thiếu niên tuổi dậy thì do đây là độ tuổi có sự thay đổi hooc-mon, hệ miễn dịch suy yếu làm khả năng phòng chống và thải độc kém.
- Mắc các bệnh lý tự miễn: Những người mắc các bệnh liên quan tới rối loạn miễn dịch như: Lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp tự miễn, cryoglobulinemia,... Ngoài ra những người bị rối loạn thần kinh, rối loạn cảm xúc cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Đối tượng mắc phong ngứa
Bệnh phong ngứa là bệnh về da phổ biến và ai cũng có thể mắc bệnh nhưng những đối tượng được nhắc tới sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh phong ngứa cao hơn:
- Trẻ em: Đây là đối tượng thường bị mề đay cấp tính hơn mãn tính do dị ứng thức ăn, côn trùng cắn, nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ em khi mắc mề đay mãn tính thường sẽ bị phù mạch.
- Phụ nữ mang thai: Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn này, người mẹ thường gặp nhiều thay đổi về nội tiết tố, căng thẳng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể bị mề đay do cảm lạnh, cảm cúm, gan hoạt động quá mức, men gan bị mất cân bằng tạm thời làm chất thải tích tụ trong máu.
- Phụ nữ sau sinh: Các nguyên nhân gây bệnh phong ngứa nổi mề đay sau sinh gồm các khía cạnh thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch. Quá trình vượt cạn, chăm sóc trẻ sơ sinh làm người mẹ có thể gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có mề đay. Các nguyên nhân gây nổi mề đay sau sinh gồm: lo lắng thái quá, thiếu ngủ, chế độ ăn uống thay đổi,...
Triệu chứng
Do các triệu chứng của bệnh phong ngứa khá giống với một số bệnh lý da liễu khác nên nhiều người chủ quan, nhầm lẫn. Các bạn cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bất thường để chủ động thăm khám và điều trị kịp thời:
- Da có nhiều nốt sần mọc riêng lẻ hoặc nổi thành các mảng lớn gây ngứa ngáy. Thông thường, vùng da ở cánh tay, ngực, đùi, lưng, cổ,... dễ nổi mẩn nhất.
- Tại vùng da bị nổi mẩn có màu đỏ hoặc hồng, xuất hiện nhiều mụn nước, có thể phân biệt được rõ rệt với các vùng da khác bằng mắt thường.
- Các triệu chứng nổi mẩn, ngứa ngáy sẽ tăng lên khi gặp gió.
- Da có thể bị khô, bong tróc thành các mảng vảy trắng
- Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể bị khó thở, tụt huyết áp, loạn nhịp tim,...
- Ngứa ngáy khó chịu tại vùng mẩn đỏ, khi càng gãi, tình trạng ngứa ngáy sẽ càng nhiều hơn.
- Ngứa xuất hiện theo từng cơn, nhất là vào buổi sáng, chiều tối, về đêm. Thời gian của các cơn ngứa có thể kéo dài trong vài giờ phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh.
Nếu tình trạng phong ngứa kéo dài trên 6 tuần là bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Vì vậy bệnh nhân khi thấy xuất hiện những triệu chứng bệnh như trên thì hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Biến chứng bệnh phong ngứa
Bệnh phong ngứa không gây nguy hiểm đến tính mạng và không lây nhiễm. Nhưng người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý và hoạt động.
Hầu hết các trường hợp phong ngứa chỉ gây ra những tổn thương ở ngoài ra, nếu người bệnh chăm sóc không đúng cách có thể sẽ để lại sẹo. Cảm giác ngứa ngáy sẽ làm người bệnh mệt mỏi, khó ngủ, suy nhược cơ thể và gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc thường ngày.
Nếu không điều trị bệnh đúng cách, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính. Tình trạng ngứa ngáy càng khó chịu, nếu gãi nhiều có thể làm tổn thương da khiến virus, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Ở một số người, bệnh phong ngứa có thể gây sưng phù mao mạch khí quản và họng làm người bệnh khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí là sốc phản vệ.
Do cơ chế gây bệnh từ sự rối loạn của hệ miễn dịch nên bệnh sẽ trở nên phức tạp, khó điều trị dứt điểm nếu người bệnh không tiếp nhận điều trị từ sớm. Bệnh sẽ tái phát nhiều lần và chuyển thành mề đay mãn tính.
Chẩn đoán
Bệnh phong ngứa có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng thông thường. Khi tiếp nhận người bệnh, bác sĩ sẽ hỏi qua một số câu hỏi về tiền sử bệnh, khám triệu chứng để tìm ra nguyên nhân gây nổi mề đay. Trong một số trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để xác định người bệnh dị ứng với chất gì.
- Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám và đặt ra một số câu hỏi liên quan tới tình trạng sức khỏe, lối sống, yếu tố gia đinh, môi trường xung quanh. Bác sĩ thực hiện một số hoạt động cơ bản nhìn, sờ,... qua đó phát hiện những bất thường.
- Chẩn đoán cận lâm sàng: Phương pháp này giúp tìm ra nguyên nhân gây phong ngứa. Bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm công thức máu nhằm xác định lượng bạch cầu ái toan. Nếu bác sĩ nghi ngờ do phấn hoa, mạt bụi,... sẽ làm xét nghiệm để tìm dị nguyên bằng tìm IgE đặc hiệu trên da thông quan phản ứng kháng nguyên kháng thể giải phóng tế bào mast.
Cách điều trị bệnh phong ngứa
Với bệnh phong ngứa, khi thấy phát hiện các triệu chứng bệnh, bạn cần tránh xa ngay các tác nhân gây dị ứng. Nếu bệnh diễn tiến nặng cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, đúng cách.
Sau đây là một số cách điều trị nổi mề đay, mọi người có thể áp dụng:
Cách chữa tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian để giảm triệu chứng nổi mẩn khi bị phong ngứa. Những phương pháp sử dụng các thảo dược tự nhiên, gần gũi nên an toàn, lành tính, dễ thực hiện. Một số bài thuốc trị phong ngứa có thể thực hiện tại nhà như: :
- Tía tô trị nổi mề đay: Chuẩn bị 50g lá tía tô tươi, ngâm trong nước muối loãng, rửa sạch và để ráo. Đem xay nhuyễn, lọc lấy phần nước để uống, còn phần bã đem đắp trực tiếp lên vùng da bị phong ngứa.
- Lá trầu không trị phong ngứa: Rửa sạch 10 lá trầu không tươi và đun cùng 1,5 lít nước. Hòa nước trầu không cùng với nước và tắm hàng ngày.
- Trị nổi mề đay bằng lá khế: Rửa sạch 200g lá khế tươi bằng nước muối, để ráo rồi đem rang nóng, để nguội bớt và đắp trực tiếp lên da, cố định bằng gạc hoặc vải mềm trong 15 phút.
- Mẹo chữa phong ngứa bằng lá hẹ: Rửa sạch một nắm hẹ tươi, để ráo nước. Cắt lá hẹ thành từng khúc từ 2 - 3 cm và cho lá hẹ vào nồi nước và đun sôi. Để nguội và dùng khăn sạch thấm nước lau lên vùng da nổi mẩn sẽ giúp giảm ngứa, rát hiệu quả.
Những mẹo dân gian tôi đề cập trên đây mặc dù giúp cải thiện các triệu chứng bệnh nhưng chỉ nên áp dụng với các trường hợp phong ngứa ở mức độ nhẹ, cấp tính, không có tác dụng chữa khỏi bệnh. Để điều trị tận gốc bệnh, mọi người cần kết hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu.
Dùng thuốc Tây
Sử dụng thuốc tây y trị mẩn ngứa thường là phương pháp mọi người ưu tiên lựa chọn sử dụng đầu tiên. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định, kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh. Một số loại thuốc thường được chỉ định đó là:
- Thuốc kháng Histamin: Phổ biến là các loại Loratadine (Claritin), Cetirizine (zyrtec), Astemizole (Hismanal), Acrivastine (Semprex),…giúp ngăn chặn quá trình giải phóng chất gây dị ứng histamine.
- Thuốc chứa corticoid: Bác sĩ chỉ định Mometason, Fluorometholon, Prenisolon, Fluticason, Budesoinide, Flucina,… có tác dụng giảm viêm, sưng tây, ngứa ngáy.
- Thuốc kháng sinh: Bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp da bị chảy dịch mủ, viêm nhiễm.
- Thuốc chống mẫn cảm: Có thể kể tới thuốc kháng kháng Cytokine, Thromboxane A2, IgE,…giúp giảm nồng độ kháng thể trong máu, kìm hãm sản sinh dị ứng.
- Thuốc bổ trợ khác: Bao gồm các vitamin, thuốc bổ gan thận,...
Tuy thuốc tây cho hiệu quả cao nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là bà bầu, trẻ em,... Do vậy, mọi người không nên tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà nếu chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc đông y
Theo các tài liệu YHCT, nguyên nhân gây ra phong ngứa là do hàn nhiệt xâm nhập, chức năng tạng phủ suy giảm. Và để điều trị tình trạng này, đông y tập trung giải quyết các tình trạng bệnh từ bên trong cơ thể. Ngoài ra, thuốc không chỉ giải quyết các triệu chứng ngoài da mà còn tập trung bồi bổ cơ thể, thanh nhiệt giải độc, tăng cường sức đề kháng.
Một số bài thuốc Đông y, mọi người có thể áp dụng đó là:
- Bài thuốc 1: Bài thuốc này có tác dụng trị các triệu chứng mẩn đỏ, cảm giác ngứa ngáy, tăng cường sức đề kháng từ sâu bên trong cơ thể. Các nguyên liệu gồm có: Thục địa (12g), cỏ nhọ nồi và dây kim ngân (mỗi loại 10g). Sắc các nguyên liệu trên cùng 500ml nước ở lửa vừa tới khi cạn còn 200ml nước. Chia thuốc thành 2 phần bằng nhau và uống hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị các nguyên liệu: Vỏ núc nác, kim ngân hoa (mỗi loại 12g), lá đơn đỏ (6g). Mỗi ngày sắc một thang thuốc, uống tới khi bệnh khỏi hẳn.
Do thuốc Đông y có tác dụng chậm nên bạn cần kiên trì sử dụng thuốc trong một thời gian, tránh bỏ dở giữa chừng.
Phòng ngừa
Để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi hơn, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Bị bệnh phong ngứa kiêng ăn gì? Người bị bệnh phong ngứa cần kiêng ăn các món ăn, thực phẩm dễ gây kích ứng, dị ứng như hải sản, đậu phộng, nhộng tằm, măng,... hạn chế các món nhiều chất đạm như sữa, trứng, thịt bò, nội tạng động vật, các món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, chất kích thích,...
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, ăn nhiều rau xanh và trái cây.
- Bảo vệ cơ thể trước những tác động của sự thay đổi thời tiết.
- Không nên gãi ngứa để tránh trầy xước và tổn thương da.
- Tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, các tác nhân, dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật,...
- Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, không được tắm quá lâu
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, luôn giữ tinh thần thoải mái.
- Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh bụi bẩn, nấm mốc.