Ngứa Hai Ống Chân Nguy Hiểm Không, Làm Thế Nào Để Xử Lý?
Hiện tượng ngứa hai ống chân kéo dài dai dẳng, thường xuyên tái phát khiến nhiều người lo lắng, tuy nhiên lại không biết cách xử lý như thế nào. Theo chia sẻ của các chuyên gia, đây có thể là cảnh báo của một số bệnh lý da liễu đáng ngại. Để nắm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như cách xử lý và phòng ngừa, bạn đọc hãy cùng tham khảo ở bài viết dưới đây.
Ngứa hai ống chân là bệnh lý gì?
Ngứa hai ống chân hay ngứa hai cẳng chân là phản ứng của cơ thể ở ống chân khi chịu tác nhân gây kích ứng da từ bên trong hoặc bên ngoài. Hiện tượng này khiến người bệnh vô cùng khó chịu, luôn muốn gãi, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống cùng nhiều vấn đề liên quan khác.
Thông thường, những vấn đề về da liễu ở mức độ nhẹ gây ngứa hai ống chân có thể tự khỏi sau một vài ngày nên người bệnh không lo lắng. Tuy nhiên không ít trường hợp cơn ngứa ngáy dữ dội, dai dẳng nhiều ngày không khỏi, thậm chí còn tăng dần về mức độ. Đây có thể là những cảnh báo về bệnh lý tiềm ẩn đang tiến triển nhanh chóng.
Nguyên nhân chính dẫn đến ngứa hai ống chân
Ngứa hai ống chân có thể hình thành do các tác nhân từ môi trường bên ngoài và cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý ngoài da:
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có triệu chứng điển hình là các nốt mẩn nhỏ li ti nổi rõ trên bề mặt da. Những nốt này có màu hồng hoặc đỏ, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy dữ dội, nhất là vào ban đêm. Nếu người bệnh càng gãi thì cơn ngứa càng tăng về mức độ và vùng da bệnh bị tổn thương, đặc biệt khi các nốt mụn vỡ ra gây phù nề, tiết dịch và lan rộng. Bệnh nhân viêm da cơ địa không chỉ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu mà còn bị đau nhức và rát da.
Nguyên nhân của bệnh là do khả năng tự miễn của da suy giảm, dễ bị tác động bởi tác nhân gây hại từ bên ngoài. Viêm da cơ địa xuất hiện ở mọi lứa tuổi, có do yếu tố di truyền.
Nấm da
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngứa hai ống chân là do nấm da. Được biết hai cẳng chân, bàn chân và kẽ ngón chân là những vị trí dễ bị nấm bởi khu vực da này khá bí bách, dễ cọ xát với quần, tất hoặc do mang giày dép thường xuyên.
Khi bị bệnh nấm da, hoạt động bài tiết của da diễn ra thường xuyên, đồng thời bị nhiễm sợi nấm, nấm hạt men gây ra tình trạng ngứa da, mọc mụn mủ, mụn nước. Nếu người bệnh càng gãi hay vô tình cọ vào nốt mụn khiến chúng vỡ ra, chảy mủ, chảy dịch gây lây lan diện rộng, kèm theo cảm giác đau nhức.
Viêm nang lông
Viêm nang lông là bệnh da liễu phổ biến, thường xảy ra ở tay, chân, lưng, nách. Bệnh hình thành do sự tấn công của vi nấm, vi khuẩn, rối loạn tuyến dầu, cạo lông sai cách hoặc do tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Khi bị bệnh, lỗ chân lông sẽ bị tắc nghẽn khiến da có nhiều lớp sừng, ửng đỏ, bong tróc, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, đau rát. Nếu không cẩn thận, người bệnh viêm nang lông rất dễ nhiễm trùng.
Mề đay
Ngứa hai ống chân có khả năng cao là dấu hiệu của bệnh mề đay. Khi mắc bệnh lý này, người bệnh sẽ thấy ngứa ngáy với các tổn thương thành từng mảng, sần sùi, phù nề, ửng đỏ, có ranh giới rõ ràng với vùng da lành xung quanh.
Đa số người bệnh mề đay ngứa hai ống chân có thể tự khỏi mà không cần can thiệp Y tế. Tuy nhiên nhiều trường hợp mắc bệnh mãn tính sẽ kéo dài dai dẳng không dứt, dễ tái phát. Mề đay sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu bạn tiếp xúc với xà phòng, hóa chất tẩy rửa hoặc bị côn trùng cắn.
Bệnh chàm gây ngứa hai ống chân
Bệnh chàm – Eczema có đặc trưng là tình trạng ngứa ngáy, da khô, nứt nẻ, bong tróc thành từng mảng. Tất cả mọi đối tượng ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh chàm, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi.
Chàm xuất hiện nhiều nhất ở da mặt, da ngực, da chân và da tay. Do đó người bệnh có thể cảm thấy ngứa râm ran hoặc dữ dội, châm chích, da nứt nẻ và bong tróc ở da chân.
Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 là vi chất vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển, tăng trưởng của cơ thể, là yếu tố chính tạo DNA di truyền của tế bào, đồng thời có thể kiểm soát cholesterol trong máu. Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B12 có khả năng cao gây ra tình trạng ngứa hai ống chân.
Biểu hiện rõ nhất của việc thiếu vitamin B12 đó là suy nhược, mệt mỏi, uể oải, hoa mắt chóng mặt, đặc biệt gây suy thoái myelin – chất béo trong tế bào thần kinh khiến một số tế bào chết đi, gây phù nề, ngứa rát da.
Bệnh thận hoặc gan
Nhiều trường hợp có thể bị ngứa hai ống chân do mắc bệnh lý về gan hoặc thận. Cơn ngứa có thể diễn ra râm ran, xuất hiện nhiều về chiều tối và đêm.
Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho biết, gan và thận và hai bộ quận quan trọng đảm nhiệm chức năng lọc, đào thải độc tố ra bên ngoài cơ thể. Nếu gan hay thận bị bệnh, chức năng suy giảm, không thể thanh lọc độc tố bình thường. Lúc này độc tố sẽ tích tụ lại bên dưới da, gây ra cảm giác ngứa ngáy, châm chích.
Nguyên nhân khác
Nếu ngứa hai ống chân không phải do một trong các nguyên nhân kể trên, bạn có thể xem xét các yếu tố dễ có khả năng gây bệnh như:
- Bị suy giáp: Ngứa hai ống chân có thể là triệu chứng của bệnh suy giáp. Người bệnh có cảm giác tức ngực, khó thở, rụng tóc, tăng chân nhanh, khô da, ngứa ống chân.
- Vệ sinh không sạch sẽ: Việc không tắm rửa sạch sẽ hàng ngày khiến vi khuẩn, khói bụi, bụi bẩn tích tụ trên da, về lâu dài gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu, thậm chí gây bít tắc lỗ chân lông. Đặc biệt lúc này vi khuẩn, vi nấm dễ phát triển, tấn công gây bệnh da liễu.
- Mặc đồ bó sát: Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ngứa hai ống chân vì làn da thường xuyên bị cọ xát trong quá trình di chuyển, hoạt động. Ngoài ra, mặc đồ bó sát gây đổ mồ hôi, bí bách da, tạo điều kiện để vi khuẩn, vi nấm tấn công gây ngứa ngáy khó chịu.
- Nhiễm ký sinh trùng: Vùng cẳng chân rất dễ bị nhiễm vi nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng khi tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn. Đây là lý do nông dân phải lội ruộng thường xuyên sẽ ngứa ngáy khó chịu.
- Môi trường ô nhiễm: Nếu phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại sẽ khiến vi khuẩn phát triển, gây ngứa, ghẻ lở ở da.
- Mất cân bằng nội tiết: Ở phụ nữ đang mang thai, sau sinh hoặc trẻ trong độ tuổi dậy thì có nội tiết tố thay đổi, bị mất cân bằng dẫn đến khả năng thải độc kém, độc tố dễ tích tụ gây kích ứng da, ngứa ngáy toàn thân.
- Tác dụng phụ của thuốc: Bị ngứa hai ống chân cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc Tây khi sử dụng sai cách, sai liều lượng và sai đối tượng.
Bị ngứa hai ống chân có nguy hiểm hay không?
Không ít người khi bị ngứa hai ống chân cho rằng đó là hiện tượng bình thường, ai cũng mắc phải nên có tâm lý chủ quan. Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào nguyên nhân mà ngứa cẳng chân có mức độ nguy hiểm khác nhau.
Về bản chất, ngứa ở chân không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng cơn ngứa ngáy dai dẳng và liên tục sẽ gây khó chịu, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt nếu không kiểm soát bệnh tốt, mức độ ngứa tăng lên, người bệnh gãi nhiều gây tổn thương nghiêm trọng, thậm chí là nhiễm trùng và để lại sẹo vĩnh viễn.
Trong trường hợp bệnh nhẹ, hiện tượng ngứa ống chân có thể xuất hiện và biến mất chỉ sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị Y khoa. Tuy nhiên nếu bệnh kéo dài không thuyên giảm hoặc rơi vào những tình huống sau, nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ:
- Ngứa nhiều, tái phát liên tục, xuất hiện vết sưng, nổi mẩn, đau kéo dài khiến người bệnh vô cùng khó chịu, không thể làm việc, học tập, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
- Nhiễm trùng da, xuất hiện các nốt phát ban, mụn mủ, mụn nước, mụn đỏ lan rộng ra nhiều vùng khác trên cơ thể.
- Có triệu chứng bất thường ngoài cảm giác ngứa ngáy như sốt, vàng da, choáng váng, sụt cân,….
- Khi không tìm được nguyên nhân gây bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay.
Cách điều trị bệnh
Tùy từng trường hợp với nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh lý khác nhau mà cách điều trị cũng không giống nhau như áp dụng mẹo dân gian, dùng thuốc Tây y, thuốc Đông y.
Mẹo dân gian
Nếu bị ngứa hai ống chân mức độ nhẹ, cơn ngứa không quá dữ dội, có thể xử lý bằng mẹo dân gian. Các nguyên liệu quen thuộc tại nhà sẽ hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng, đặc biệt đảm bảo an toàn với cơ thể, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, công sức:
- Lá trà xanh chữa ngứa da: Lá trà xanh có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm, có thể làm chậm quá trình lão hóa da, giảm ngứa ngáy và phục hồi tổn thương trên da. Bạn lấy 1 nắm lá trà xanh rửa sạch, vò hơi nát rồi cho vào nồi, thêm ít muối hạt và khoảng 2 lít nước để đun sôi trong vòng 10 – 15 phút. Sau đó cho nước ra chậu, pha thêm nước để nguội bớt rồi dùng để tắm mỗi ngày 1 – 2 lần, kiên trì khoảng 1 tuần để giảm ngứa và làm lành da.
- Dùng nha đam: Bạn có thể dùng nha đam chữa ngứa ống chân vì nguyên liệu này chứa nhiều nước, hàm lượng vitamin, axit amin dồi dào, hỗ trợ giảm ngứa, ức chế sự hình thành và tấn công của vi khuẩn, đồng thời sát trùng tốt. Đầu tiên lấy 1 nhánh nha đam rửa sạch, cắt khúc và bỏ vỏ. Sau khi vệ sinh sạch hai chân, bạn dùng gel nha đam bôi trực tiếp lên da, để trong 15 phút rồi rửa sạch.
- Sử dụng lá khế chua: Tương tự như lá trà xanh, lá khế cũng có tác dụng kháng viêm, sát trùng, diệt khuẩn rất tốt. Người bệnh dùng đúng cách sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng ngứa ngáy khó chịu. Khi thực hiện bạn cũng lấy 1 nắm lá khế rửa sạch, cho vào nồi cùng ít muối và 2 lít nước, đun sôi. Cho nước ra chậu chờ nguội bớt hoặc pha cùng nước lạnh và dùng để tắm mỗi ngày 2 lần.
Thuốc Tây y
Nếu ngứa ống chân ở mức độ nặng, bác sĩ thường kê thuốc Tây y dạng uống và bôi để đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng, giảm ngứa và tránh gặp biến chứng. Một số loại thuốc chữa ngứa hai ống chân đó là:
- Thuốc kháng viêm chứa corticoid: Đây là nhóm thuốc có chứa thành phần corticoid như Fluticasone, triamcinolone. Thuốc có khả năng kháng viêm, giảm ngứa ngáy, chống dị ứng. Chú ý loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ, do đó chỉ dùng trong trường hợp bị ngứa chân do chàm, vảy nến, viêm da cơ địa mức độ nặng.
- Thuốc kháng histamin: Là thuốc dạng uống, được bác sĩ chỉ định cho trường hợp ngứa hai ống chân bị dị ứng, có thể đi kèm hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Tuy nhiên thuốc kháng histamin thường hiệu quả hơn với trường hợp ngứa ngáy toàn thân.
- Thuốc kháng sinh: Thích hợp để sử dụng với bệnh nhân bị ngứa do nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng, có hiện tượng bị bội nhiễm hoặc nhiễm trùng da gây lở loét.
Thuốc Đông y
Ngoài 2 biện pháp kể trên, người bệnh ngứa hai ống chân có thể dùng thuốc Đông y để cải thiện. Y học cổ truyền sử dụng các thảo dược tự nhiên lành tính, ít gây tác dụng phụ cho cơ thể, không chỉ đẩy lùi triệu chứng mà còn điều trị tận căn nguyên gây bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dùng. Thông thường bệnh nhân sẽ tìm đến thầy thuốc, đơn vị chữa bệnh uy tín bằng Y học cổ truyền để bác sĩ thăm khám, bốc thuốc theo đúng tình trạng bệnh.
Lưu ý phòng ngừa và cải thiện ngứa hai ống chân
Để phòng ngừa và đẩy nhanh quá trình cải thiện tình trạng ngứa hai ống chân, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:
- Giữ làn da sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày hoặc vệ sinh da ngay khi tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ môi trường.
- Hạn chế làm việc ở nơi có nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, có hóa chất độc hại, trong trường hợp bắt buộc, bạn cần dùng dụng cụ bảo vệ.
- Không dùng xà phòng, sữa tắm, mỹ phẩm có khả năng gây kích ứng da, thay vào đó ưu tiên sản phẩm có thành phần tự nhiên, lành tính.
- Không nên mặc quần bó sát, nhất là quần jean ống bó để chân thoát mồ hôi tốt, thoáng đãng, tránh ngứa ngáy.
- Hạn chế gãi, cào xát lên da khi bị ngứa vì điều này làm tăng nguy cơ bội nhiễm, lở loét da, bạn có thể massage nhẹ nhàng để giảm kích ứng.
- Làm chủ tâm trạng của bản thân, tránh căng thẳng, stress vì đây là yếu tố khiến bệnh trở nên nặng hơn.
- Nên bổ sung cho cơ thể nhiều nước, đầy đủ vitamin và khoáng chất từ rau xanh, trái cây, các loại thịt, sữa, ngũ cốc để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
- Tránh thực phẩm cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, không dùng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích khác.
- Hãy thăm khám khi cơn ngứa kéo dài liên tục không khỏi, mức độ trở nên nghiêm trọng hoặc kèm theo nhiều triệu chứng bất thường.
Ngứa hai ống chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt có không ít yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát, do đó bạn cần hết sức thận trọng. Nên thăm khám bác sĩ để tìm biện pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra biến chứng nghiêm trọng về sau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!