Ngứa Bụng Là Bệnh Gì? Tìm Hiểu Nguyên Nhân, Cách Xử Lý
Ngứa bụng là phản ứng của cơ thể khi bị tác động bởi yếu tố bên trong hoặc bên ngoài. Hiện tượng này thường không đáng lo ngại vì có thể tự khỏi sau một vài ngày khỏi phát. Tuy nhiên nhiều trường hợp cơn ngứa ngáy kéo dài không giảm, thậm chí đi kèm một số triệu chứng bất thường khác. Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây để nắm rõ nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa bệnh lý.
Ngứa bụng là bệnh lý gì?
Ngứa bụng thường là triệu chứng phổ biến của một số bệnh ngoài da, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, lứa tuổi từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Đa số những trường hợp bị ngứa bụng sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn sau một vài ngày, tuy nhiên một số đối tượng khác lại phải chịu cảm giác ngứa ngáy khó chịu kéo dài không giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ngứa bụng thường đi kèm một số biểu hiện như:
- Vùng bụng ngứa khiến người bệnh liên tục muốn gãi.
- Khi cào gãi, da bụng nổi đỏ, có thể theo từng vùng nhỏ hoặc tạo thành mảng lớn.
- Nếu gãi, chà xát nhiều, vùng da này bị trầy xước nghiêm trọng, chảy máu, thậm chí bị bội nhiễm.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngứa bụng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngứa bụng, bao gồm bệnh da liễu và các tác nhân có hại bên ngoài:
Viêm da tiếp xúc
Một trong những nguyên nhân đầu tiên có thể gây ngứa bụng là do viêm da tiếp xúc. Bệnh lý này xuất hiện khi cơ thể bị tác động bởi dị nguyên như mỹ phẩm, hóa chất chứa thành phần độc hại, xà phòng, mủ cao su,…
Cơ chế hình thành bệnh viêm da tiếp xúc là chất gây hại kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể histamin. Histamin khi được tiết ra sẽ đi thẳng vào da, tạo ra chuỗi phản ứng khiến làn da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy dữ dội. Tuy nhiên bệnh lý này không đáng lo ngại vì các triệu chứng có thể biến mất sau một vài ngày.
Bệnh vảy nến
Vảy nến là một dạng bệnh da liễu tự miễn, có khả năng làm tăng tốc độ sinh sản của tế bào da trong cơ thể. Khi tế bào da thừa chết đi sẽ bong ra, tạo thành lớp vảy màu trắng bạc tích tụ trên da, gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là vùng bụng. Lúc này người bệnh còn có triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ hoặc nổi mụn nước, da ửng đỏ, có hiện tượng bong tróc, cảm giác nóng rát, châm chích, xuất hiện vết nứt trên da gây chảy máu,…
Ngứa bụng khi mang thai
Đa số phụ nữ trong giai đoạn mang thai sẽ bị ngứa bụng. Tình trạng ngứa da bụng phổ biến do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, nồng độ hormone tăng lên, bên cạnh đó da bụng cũng căng hơn nhiều so với bình thường.
Nhiều trường hợp bị ngứa bụng khi mang thai có thể là dấu hiệu của tình trạng ứ mật trong giai đoạn thai kỳ (ICP), xảy ra khi mật và dịch tiêu hóa không thể đào thải ra khỏi gan. Chị em bị ngứa bụng do ICP chủ yếu vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Lúc này người bệnh sẽ có một số triệu chứng như: Nước tiểu sẫm màu, phân sáng màu, vàng da, vàng mặt, buồn nôn, ăn không ngon,…
Do mãn kinh
Giai đoạn mãn kinh có thể gây ngứa bụng vì đây là thời điểm chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ hoàn toàn kết thúc, cơ thể giảm estrogen khiến da bụng khô ráp, sần sùi, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy khó chịu từ mức độ nhẹ đến dữ dội. Tuy nhiên cảm giác này chỉ xuất hiện thời gian đầu và biến mất hoàn toàn sau đó nên bạn không cần lo lắng.
Côn trùng cắn gây ngứa bụng
Nếu bị ngứa bụng kèm theo sự xuất hiện của các nốt mụn đỏ trên da thì có khả năng cao đây là biểu hiện của tình trạng côn trùng tấn công. Những loại côn trùng như ong, kiến, bọ chét, muỗi, rệp có chứa nọc độc, nếu nọc độc tiếp xúc với da vùng bụng thì da sẽ ngay lập tức ửng đỏ và ngứa ngáy.
Những con ngứa do côn trùng cắn có thể tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách, dùng thuốc đúng loại, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp do cơ địa nên cơn ngứa không những không hết mà còn xuất hiện thêm triệu chứng như sốt, lở loét,….
Tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc Tây có thể gây dị ứng trên da do có chứa hoạt chất dễ kích ứng hoặc người bệnh dùng sai cách, sai đối tượng, lạm dụng quá nhiều. Tác dụng phụ của thuốc Tây khiến người bệnh ngứa da bụng, phát ban, nổi mẩn đỏ, thậm chí tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, cần được can thiệp biện pháp Y tế kịp thời.
Nguyên nhân khác
Hiện tượng ngứa da bụng có thể xuất hiện thường xuyên do một số nguyên nhân sau đây:
- Khô da: Thời tiết thay đổi, chuyển mùa hoặc hanh khô hay khi tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa mạnh sẽ gây khô da và xuất hiện cảm giác ngứa ngáy, căng tức da hay nứt nẻ.
- Bị suy giáp: Suy giáp hình thành khi tuyến giáp hoạt động không đúng chức năng, không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết để cơ thể thực hiện quá trình trao đổi chất và bảo vệ da. Lúc này người bệnh sẽ thấy da khô, ngứa ngáy kèm theo triệu chứng mệt mỏi, ớn lạnh, tăng cân không kiểm soát, nhịp tim chậm, giảm tập trung,…
- Thủy đậu: Bệnh lý này do virus truyền nhiễm gây ra, phổ biến ở trẻ nhỏ và gây ra hiện tượng nổi phát ban, ngứa da, nhất là da vùng bụng. Bên cạnh những nốt ban đỏ, thủy đậu còn gây ra hiện tượng đau đầu, mệt mỏi, sốt, ăn không ngon,…
- Ung thư: Đây là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi có các tế bào bất thường trong cơ thể phân chia một cách mất kiểm soát. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại ung thư có thể khiến da bị khô sần, ngứa ngáy. Ngoài ra, các phương pháp được ứng dụng trong quá trình điều trị ung thư cũng gây ngứa da.
Bị ngứa bụng có nguy hiểm không?
Về bản chất, ngứa bụng chỉ gây ra cảm giác khó chịu ở trên da, không gây nguy hiểm cho tính mạng nên người bệnh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy như:
- Cơn ngứa ngáy liên tục, có thể chuyển từ mức độ nhẹ đến nặng khiến người bệnh khó chịu, muốn cào gãi, chà xát nhiều.
- Gây ra tâm lý căng thẳng, stress, cơ thể mệt mỏi, ngủ không ngon, chán ăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.
- Nếu cào gãi nhiều, da bị trầy xước, chảy máu, có nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm.
- Nhiều trường hợp có tổn thương da nghiêm trọng dẫn đến hình thành sẹo gây mất thẩm mỹ.
Nếu ngứa ở bụng kèm theo những biểu hiện dưới đây, người bệnh nên thăm khám sớm:
- Da chuyển màu vàng, cơn ngứa lan ra toàn thân với mức độ tăng dần.
- Bị viêm nhiễm, sưng phù, có nguy cơ nhiễm trùng, lở loét.
- Người bệnh bị sốt phát ban, mệt mỏi, cơ thể nóng ran, không thể làm việc hay sinh hoạt.
- Bị ngứa nhiều vào ban đêm, có cảm giác khó thở, tim đập nhanh.
- Ngứa bụng dưới và vùng kín, đồng thời chị em thấy nóng rát ở âm đạo.
Chẩn đoán bệnh
Ngứa bụng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh da liễu khác nhau hoặc do sự tác động của các yếu tố môi trường. Vì thế để xác định chính xác bệnh lý, mức độ, nguyên nhân gây bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế chẩn đoán.
Thông thường để chẩn đoán tình trạng ngứa bụng, bác sĩ sẽ quan sát bằng mắt thường, điều tra bệnh sử, kiểm tra thể chất cần thiết và hỏi người bệnh một số câu hỏi liên quan như:
- Cơn ngứa ngáy bắt đầu xuất hiện khi nào?
- Bệnh nhân có giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ không?
- Các sản phẩm chăm sóc da đang sử dụng có phù hợp không?
- Người bệnh có dị ứng với hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa nào không?
- Có triệu chứng nào khác đi kèm tình trạng ngứa bụng không?
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm liên quan như:
- Xét nghiệm dị ứng: Nếu ngứa bụng do dị ứng, người bệnh được yêu cầu xét nghiệm dị ứng để tìm ra tác nhân gây hại.
- Sinh thiết da: Lấy một mẫu da nhỏ từ bụng để kiểm tra thông qua kính hiển vi, xác định các bất thường cũng như tác nhân gây ngứa.
- Xét nghiệm máu: Giúp xác định nồng độ hormone tuyến giáp và chức năng gan của người bệnh.
Phương pháp điều trị ngứa bụng
Cùng một hiện tượng ngứa bụng nhưng nguyên nhân gây bệnh và mức độ khác nhau thì cách điều trị sẽ không giống nhau. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ để áp dụng phương pháp chữa phù hợp, an toàn.
Mẹo dân gian
Rất nhiều người bị ngứa da bụng lựa chọn xử lý bằng mẹo dân gian. Do dùng nguyên liệu tự nhiên sẵn có tại nhà nên không gây nguy hiểm, khá lành tính với cơ thể, tuy nhiên chỉ phù hợp với tình trạng bệnh nhẹ.
- Dùng lá khế: Lá khế chứa thành phần kháng viêm, diệt khuẩn, giảm ngứa ngáy rất tốt nên được dùng cho những trường hợp bị bệnh da liễu. Bạn chuẩn bị 1 nắm lá khế rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, tạp chất. Tiếp đó vò nát lá khế để đắp lên bụng, giữ trong khoảng 20 phút thì rửa sạch. Ngoài ra người bệnh có thể đun lá khế cùng 2 lít nước để tắm hàng ngày, kiên trì trong 2 tuần sẽ thấy hiệu quả.
- Dùng nha đam: Những trường hợp ngứa da mức độ nhẹ có thể dùng nha đam để cải thiện. Thành phần trong nguyên liệu này giúp cấp ẩm, diệt khuẩn, kháng viêm, giảm sưng phù và đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương. Chuẩn bị 1 nhánh nha đam rửa sạch, bỏ vỏ và lấy phần gel bên trong để chà nhẹ lên vùng da bị ngứa, để trong khoảng 15 phút cho nhựa khô, hoạt chất thấm vào trong da thì rửa lại với nước ấm.
- Uống nước rau diếp cá: Đây là loại lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đào thải độc tố rất tốt, đồng thời còn cung cấp vitamin, khoáng chất cho da nên rất phù hợp để chữa bệnh mẩn ngứa do tích tụ độc tố, nóng trong. Bạn lấy một nắm lá diếp cá rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng rồi để ráo. Cho diếp cá vào máy xay sinh tố để ép lấy nước cốt và uống trực tiếp hàng ngày, kiên trì đến khi các triệu chứng được loại bỏ.
Thuốc Tây y
Tây y có rất nhiều loại thuốc chữa ngứa bụng, cho hiệu quả nhanh chóng, hỗ trợ điều trị dứt điểm các triệu chứng. Tuy nhiên thuốc tân dược có thể gây ra tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách, không đúng liều lượng hoặc đối tượng. Do đó bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Có 2 nhóm thuốc phổ biến để điều trị ngứa bụng:
- Thuốc bôi ngoài da: Sản phẩm bôi ngoài da trong trường hợp này thường chứa thành phần corticoid hoặc menthol, có thể thấm nhanh qua các tần bì của da, tác động sâu để loại bỏ các yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, thuốc bôi cũng hỗ trợ kháng viêm, làm se vết thương, đẩy nhanh quá trình sản xuất tế bào da mới.
- Thuốc uống trị bên trong: Nếu thuốc bôi không cho hiệu quả như mong đợi, người bệnh mẩn ngứa sẽ được chỉ định dùng thuốc uống hoặc kết hợp cả thuốc bôi ngoài, uống trong để gia tăng hiệu quả. Đa số thuốc uống chữa mẩn ngứa là sản phẩm kháng histamin hoặc kháng sinh, thuốc ức chế hệ miễn dịch.
Thuốc Đông y
Tình trạng ngứa bụng do bệnh da liễu có thể được cải thiện bằng các biện pháp Đông y nếu lo ngại tác dụng phụ của thuốc Tây y. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc chữa ngứa ngáy, sử dụng 100% dược liệu tự nhiên nên lành tính, không gây hại cho cơ thể. Đặc biệt thuốc Đông y có thể tác động đến tận căn nguyên gây bệnh thay vì chỉ xử lý bên ngoài, điều trị dứt điểm bệnh lý. Tùy từng loại bệnh, mức độ khác nhau mà thầy thuốc sẽ bốc thang thuốc riêng cho mỗi trường hợp
Chú ý ngăn ngừa và cải thiện ngứa bụng
Để có thể ngăn ngừa và hỗ trợ cải thiện tình trạng ngứa bụng, bạn nên chú ý các vấn đề sau:
- Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, khói bụi,….
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày, nhất là sau khi tiếp xúc với tác nhân gây hại.
- Không dùng xà phòng, chất tẩy, mỹ phẩm có nhiều hóa chất, hương liệu, thay vào đó bạn nên ưu tiên sử dụng sản phẩm chứa thành phần tự nhiên lành tính để tránh gây kích ứng, ảnh hưởng đến da.
- Vào thời điểm chuyển mùa hoặc thời tiết hanh khô, bạn nên dùng máy tạo ẩm không khí cho không gian sống.
- Không tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh vì da dễ kích ứng và ngứa ngáy nhiều hơn.
- Nên chọn trang phục có chất liệu mềm, thoáng khí như cotton, lụa để mặc, tránh để làn da bị bí bách, không thấm mồ hôi.
- Uống khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất từ trái cây, rau củ quả, sữa chua để tăng sức đề kháng, tăng cường trao đổi chất, đào thải độc tố ra ngoài và ngăn ngừa bệnh.
- Không nên ăn thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn vì chúng khiến cơ thể tích tụ độc tố và gây hại cho da, đặc biệt cần thận trọng nếu bạn có cơ địa dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào.
- Khi cơn ngứa ngáy dai dẳng không khỏi, kèm theo nhiều triệu chứng bất thường, nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để được xử lý.
Ngứa bụng khá phổ biến nên nhiều người có tâm lý chủ quan không tìm biện pháp chữa trị. Đa số các trường hợp có thể tự khỏi sau một vài ngày nhưng một số khác phải chịu cơn ngứa ngáy dữ dội, dai dẳng kéo dài. Đây có thể là cảnh báo một số bệnh da liễu đáng lo ngại và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, vì thế bạn nên tìm gặp bác sĩ để có cách xử lý tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!