Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lô Thị Lâm Anh | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Array

Mãn kinh là giai đoạn nữ giới buộc trải qua theo quy luật tự nhiên, chính thức chấm dứt khả năng sinh sản. Tuy vậy, đây lại là giai đoạn chị em phụ nữ dễ gặp phải rất nhiều vấn đề sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống. Việc hiểu rõ về các biện pháp chăm sóc ở giai đoạn này sẽ giúp người phụ nữ hạn chế được nhiều ảnh hưởng khó chịu, tiêu cực tới sinh hoạt hàng ngày.

    Định nghĩa mãn kinh

    Mãn kinh là tình trạng gặp phải ở mọi nữ giới khi tới một thời điểm nhất định trong cuộc đời. Cụ thể, đây là giai đoạn chị em sẽ chính thức chấm dứt khả năng sinh sản, kết thúc chu kỳ kinh nguyệt một cách tự nhiên.

    Khi này, cơ thể người phụ nữ sẽ có thay đổi lớn cả về tâm sinh lý, thông thường sẽ trải qua quá trình nhiều năm với các triệu chứng diễn ra từ từ. Buồng trứng sẽ bắt đầu suy giảm, kinh nguyệt ra ít, nội tiết dần ít hơn cho tới kinh mất kinh hoàn toàn. Theo đó, cơ thể sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của mãn kinh từ khoảng 40 tuổi trở ra và thậm chí có thể diễn ra trong 20 năm.

    Các giai đoạn mãn kinh cụ thể được phân chia như sau:

    • Tiền mãn kinh: Đây là giai đoạn mở đầu của mãn kinh, chủ yếu sẽ xuất hiện từ 40 - 50 tuổi và diễn biến kéo dài bao nhiêu năm sẽ còn phục thuộc vào cơ thể của mỗi người. Khi này, kinh nguyệt sẽ không còn đều đặn như trước đó, dễ bị rong kinh hoặc chậm kinh, nguyên do bởi nội tiết tố đang dần sụt giảm.
    • Chính thức mãn kinh: Khi phụ nữ đã ngoài 50 tuổi trở ra, quá trình mãn kinh chính thức xảy ra. Lúc này, buồng trứng không còn chức năng hoạt động, Estrogen không còn sản sinh nên kinh nguyệt sẽ chấm dứt hoàn toàn.

    Ngoài ra, cũng có những trường hợp nữ giới bị mãn kinh sớm hơn hoặc muộn hơn so với quy luật tự nhiên. Cụ thể như sau:

    • Mãn kinh sớm: Là khi nữ giới bị mãn kinh dù chưa tới 40 tuổi, lúc này chị em sẽ không thể tiếp tục sinh con. Nguyên do chủ yếu là do việc lạm dụng các chất kích thích, đã cắt bỏ tử cung hoặc do mắc phải chứng bệnh rối loạn miễn dịch.
    • Mãn kinh muộn: Nữ giới được coi là mãn kinh muộn khi quá trình này xảy ra sau khoảng 55 tuổi. Các dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt hay những biểu hiện khác của mãn kinh tới khá trễ và không rõ ràng.

    man kinh
    Mãn kinh là giai đoạn mọi nữ giới phải trải qua

    Nguyên nhân mãn kinh

    Có rất nhiều yếu tố dẫn tới quá trình mãn kinh ở nữ giới, trong đó những nguyên nhân chủ yếu nhất là:

    Tuổi tác

    Tuổi tác chính là yếu tố dẫn tới việc mãn kinh theo quy luật tự nhiên, đây là điều bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ trải qua. Cũng tương tự như dậy thì, tới một thời điểm nhất định, khi độ tuổi đã cao, cơ thể sẽ ngừng một số chức năng hoạt động như ở buồng trứng, tử cung, hệ thống nội tiết tố.

    Bị hụt giảm nội tiết

    Yếu tố thứ hai tác động tới quá trình mãn kinh ở nữ giới là do nội tiết tố bị hụt giảm quá nhiều. Theo đó, hormone giảm mạnh được xác định xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau như: Giảm hoạt động tuyến yên, mắc bệnh suy thận, chế độ ăn uống thiếu chất cùng nhiều tác nhân khác. Ngoài ra, nội tiết tố cũng có sự suy giảm tự nhiên qua mỗi năm.

    Cắt bỏ tử cung và buồng trứng

    Với những trường hợp nữ giới bị bệnh phải cắt bỏ tử cung cùng cả buồng trứng, chị em sẽ ngay lập tức ở giai đoạn mãn kinh vì nang trứng không còn, kinh nguyệt sẽ dừng hẳn và không có tiền mãn kinh. Trong khi đó, nếu bỏ tử cung nhưng buồng trứng vẫn giữ lại, quá trình mãn kinh sẽ chưa xảy đến nhưng sẽ không có kinh nguyệt, chị em vẫn không còn cơ hội mang thai.

    Suy buồng trứng

    Suy buồng trứng sớm là bệnh lý gây ra tình trạng mãn kinh. Hoạt động chức năng ở buồng trứng không được duy trì sẽ không còn ổn định, từ đó việc có kinh hay mang thai đều không thể.

    Hóa trị và xạ trị

    Hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản của nữ giới. Mãn kinh tới sớm hơn so với quá trình lão hóa tự nhiên.

    man kinh
    Mãn kinh có thể đến sớm hơn do suy buồng trứng

    Đối tượng mãn kinh

    Qua việc xác định các nguyên nhân gây ra mãn kinh, có thể dễ dàng chỉ ra nhóm đối tượng gồm:

    • Những người bước sang tuổi 40 trở ra.
    • Nữ giới bị suy buồng trứng sớm, người mắc bệnh phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng.
    • Người thực hiện xạ trị và hóa trị.

    Triệu chứng mãn kinh

    Mãn kinh có thể xảy ra với nhiều biểu hiện khác nhau, mức độ còn tùy thuộc vào cơ thể và sức khỏe của mỗi người. Tâm sinh lý của nữ giới đều có sự thay đổi lớn như sau:

    Âm đạo khô hạn

    Khi thời kỳ mãn kinh xảy ra, âm đạo sẽ bắt đầu có tình trạng khô hạn, đau rát, teo âm đạo và âm hộ. Dịch âm đạo không còn tiết ra nhiều khiến quá trình quan hệ tình dục cảm thấy khó chịu, niêm mạc bị ma sát mạnh khiến chị em đau và thậm chí còn chảy máu, độ đàn hồi giảm đi rõ rệt. Ngoài ra, nữ giới còn có thể bị tiểu khó, tiểu són. Lúc này, đời sống sinh hoạt vợ chồng sẽ không còn được mặn nồng như mong muốn.

    Bốc hỏa

    Bốc hỏa là triệu chứng rất phổ biến ở người mãn kinh. Cụ thể bốc hỏa là tình trạng xuất hiện các cơn nóng trong bất ngờ, khiến cơ thể đổ lượng lớn mồ hôi, nữ giới luôn cảm thấy rất nóng, nhiệt độ cơ thể không có dấu hiệu giảm. Khi sờ lên da sẽ thấy ấm hơn rõ rệt, một số vùng có thể chuyển đỏ, tuy các đợt bốc hỏa không diễn ra quá lâu nhưng rất thường xuất hiện vào buổi đêm. Từ đó nữ giới thường sẽ bị mất ngủ, tinh thần luôn cảm thấy uể oải và khó chịu, mệt mỏi vào hôm sau.

    Giảm trí nhớ và dễ lo lắng

    Mãn kinh cũng có triệu chứng lo lắng, gia tăng sự hồi hộp, căng thẳng, dễ khiến nữ giới rơi vào trạng thái trầm cảm. Ngoài ra, cũng có không ít người bị suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung trong công việc. Hơn nữa, mãn kinh khiến giấc ngủ không được sâu, thường chập chờn dễ tỉnh giấc giữa đêm càng làm tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn.

    Mắc bệnh xương khớp

    Các bệnh xương khớp sẽ xảy ra khi phụ nữ mãn kinh. Khi này, tỷ lệ canxi trong xương giảm đi khá nhiều, nữ giới có nguy cơ bị mất xương cao hơn, nếu xảy ra các va chạm mạnh sẽ dễ bị gãy xương hơn bình thường. Hơn nữa, xương khớp cũng không có khả năng phục hồi tốt như giai đoạn nội tiết tố còn duy trì tốt.

    Sức khỏe tim mạch suy giảm

    Đến giai đoạn mãn kinh, nữ giới còn có thêm nhiều biểu hiện suy giảm sức khỏe tim mạch. Nguyên do là bởi lượng Cholesterol xấu tăng cao, trong khi đó Cholesterol tốt vẫn giữ nguyên sẽ gây ra mất cân bằng. Từ đó tạo nguy cơ xảy ra bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch cùng nhiều vấn đề khác liên quan tới huyết áp, tim mạch.

    Những biểu hiện khác

    Mãn  kinh còn có thêm một số triệu chứng như: Da xuất hiện nếp nhăn, nám, tàn nhang, vòng 1 chảy xệ, tóc rụng nhiều, móng tay và móng chân dễ gãy rụng, cơ thể tăng cân nhưng giảm khối lượng cơ,...

    man kinh
    Cơ thể thường xuyên mệt mỏi khó chịu

    Biến chứng mãn kinh

    Phụ nữ bước vào giai đoạn này sẽ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó các bệnh lý thường gặp nhất là:

    Mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa: Phụ nữ trung niên trong độ tuổi mãn kinh, lượng estrogen suy giảm, vùng kín bị khô, thiếu axit lactic để diệt khuẩn do đó nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, nấm ngứa.

    Ngoài ra còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bởi khi lượng estrogen giảm, nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng.

    Tiểu không kiểm soát: Niệu đạo, mô âm đạo khô, mất độ đàn hồi khiến chị em muốn đi tiểu, tiểu không tự nguyện.

    Loãng xương: thời điểm này, mật độ xương giảm nhanh chóng, xương giòn, yếu dễ bị gãy. Và dễ mắc các bệnh khác như đái tháo đường, béo phì, cao huyết áp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng…

    Chẩn đoán mãn kinh

    Khi tới các cơ sở y tế để thăm khám, chị em sẽ được tiến hành xác định mãn kinh dựa vào các biểu hiện lâm sàng và một số biện pháp thăm khám kết hợp khác.

    Nếu nữ giới có tình trạng mất kinh nguyệt đã được 1 năm sẽ xác định là mãn kinh, ngoài ra, dấu hiệu teo âm hộ, âm đạo cũng là cơ sở để đánh giá người bệnh đã mãn kinh hay chưa.

    Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám sàng lọc loãng xương ở nữ giới, qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe thực tế để có biện pháp chăm sóc một cách tốt nhất.

    Điều trị mãn kinh

    Hiện nay có một số liệu pháp và phương thuốc được áp dụng khá phổ biến cho người mãn kinh gồm:

    Liệu pháp Estrogen âm đạo

    Vì mãn kinh sẽ gây ra tình trạng khô, đau rát ở âm đạo, do đó nữ giới có thể áp dụng phương pháp bổ sung Estrogen vào âm đạo thông qua các loại vòng đặt, viên nén hoặc kem bôi. Với nồng độ phù hợp, âm đạo sẽ ẩm ướt hơn, trơn hơn, khi quan hệ tình dục cũng không còn gây ra cảm giác đau đớn, ngại gần gũi cho người phụ nữ.

    Liệu pháp Estrogen

    Cùng với Estrogen bổ sung trực tiếp ở âm đạo, nữ giới cũng có thể lựa chọn cách cung cấp Estrogen cho toàn cơ thể để làm giảm những triệu chứng thường gặp của mãn kinh, da bớt xuống sắc, hạn chế bốc hỏa, lo lắng, căng thẳng.
    Các bác sĩ sẽ căn cứ vào sức khỏe của người bệnh, tiến hành tính toán lượng Estrogen cần thiết để bổ sung trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài Estrogen, có thể cung cấp thêm Progestin để hỗ trợ tốt hơn nhưng với điều kiện nữ giới chưa cắt bỏ tử cung.

    Không thể phủ nhận rằng đây là phương thức cho hiệu quả rất cao nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một số nguy cơ tác dụng phụ nếu lạm dụng. Vì vậy chị em cần cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo sự tư vấn từ các bác sĩ thật chi tiết để có giải pháp tốt nhất.

    Nhóm thuốc Gabapentin

    Được sử dụng với mục đích hạn chế sự bùng phát quá mức của các cơn bốc hỏa, giúp nữ giới cảm thấy dễ chịu hơn, không còn đổ nhiều mồ hôi hay mất ngủ về đêm. Nhóm thuốc này hiện nay đang được sử dụng phổ biến nhất là Gralise, Neurontin và Horizant.

    man kinh
    Bệnh nhân có thể cần uống Gabapentin

    Thuốc chống trầm cảm

    Hiện nay, thuốc chống trầm cảm cũng đã được vận dụng khá nhiều vào việc điều trị mãn kinh, giúp giảm thiểu các cơn bốc hỏa, hạn chế căng thẳng, stress cho nữ giới khi bước vào thời kỳ này. Nhưng đây là nhóm thuốc cũng cần phải hết sức thận trọng khi dùng để không gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe của hệ thần kinh.

    Thuốc điều trị và ngừa loãng xương

    Sau khi quá trình thăm khám đánh giá mật độ xương, các bác sĩ sẽ căn cứ tình hình thực tế để kê cho bệnh nhân một số thuốc điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh loãng xương, hạn chế tình trạng mất canxi cũng như tăng cường vitamin D để xương khớp luôn được chắc khỏe.

    Thực tế, mãn kinh là quá trình tất yếu sẽ xảy đến nên sẽ không cần thiết áp dụng các biện pháp điều trị để giai đoạn này không xuất hiện. Lúc này, điều bệnh nhân cần làm là áp dụng các biện pháp chăm sóc cơ thể để có thể giảm mức độ của các biểu hiện một cách tối đa.

    Cách sinh hoạt cùng chế độ ăn uống

    Chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống hàng ngày cũng có thể hỗ trợ làm dịu các biểu hiện thường gặp của mãn kinh, giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn.

    Chế độ ăn uống:

    • Nữ giới mãn kinh cần tích cực bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể hàng ngày, các loại chất xơ, magie, vitamin D, Canxi, các chất béo có lợi. Ngoài ra cũng nên bổ sung hạt lanh, vitamin E, đậu nành, Melatonin để có thể hạn chế các cơn bốc hỏa, khô rát âm đạo cũng như bảo vệ sức khỏe xương khớp tốt hơn.
    • Tránh các chất kích thích, các loại đồ uống có cồn, đồ ăn chứa nhiều muối, đường, dầu mỡ hay các chất bảo quản.
    • Nên ăn nhiều món ăn hấp, luộc, canh hầm thay cho đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Kết hợp thêm các loại salad, nước ép hoặc sinh tố trái cây tươi đều rất có lợi cho cơ thể.

    man kinh
    Nên ăn uống nhiều rau củ tươi

    Chế độ sinh hoạt:

    • Nên tập luyện thể dục đều đặn hàng ngày, chị em có thể tập yoga, ngồi thiền, nhảy aerobic, đi bộ, đạp xe,... đây đều là những bộ môn cho tác dụng tốt với cơ thể, giúp chị em có thể dịu đi những biểu hiện mệt mỏi do mãn kinh.
    • Duy trì lối sống vui vẻ, lạc quan, thoải mái, hạn chế các căng thẳng đầu óc.
    • Nên thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, từ đó sớm các các giải pháp khắc phục tốt để sức khỏe ổn định nhất.
    • Không nên tùy ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị mãn kinh, điều này không những giúp cản trở quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, ngược lại còn dễ xảy ra nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm.

    Phòng tránh mãn kinh

    Mãn kinh không thể phòng tránh, nhưng để có thể hạn chế tối đa những rối loạn ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể khi mãn kinh, chị em nên áp dụng từ sớm những biện pháp sau đây:

    • Luôn có đời sống lành mạnh, phân chia thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, cân bằng chế độ ăn uống để cơ thể luôn ở trạng thái khỏe mạnh nhất dù tiến vào giai đoạn mãn kinh.
    • Cung cấp nhiều omega 3, 6 cùng các vitamin D và canxi để hệ xương khớp khỏe mạnh, dẻo dai, hạn chế các dấu hiệu lão hóa tác động mạnh mẽ trên cơ thể.
    • Với vấn đề chăn gối vợ chồng, có thể sử dụng một số sản phẩm bôi trơn nhưng không nên lạm dụng.
    • Mỗi năm thăm khám định kỳ 2 lần để sớm nhận biết các biểu hiện bất thường ở âm đạo và tử cung.
    • Nếu cơ thể có dấu hiệu thiếu canxi và vitamin D, nên tham khảo bác sĩ về biện pháp bổ sung phù hợp. Hiện nay trên thị trường cũng có khá nhiều loại sữa cung cấp các dưỡng chất này, phái nữ có thể tham khảo để chọn cho mình sản phẩm phù hợp.
    • Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao và dùng thêm một vài loại thực phẩm chức năng theo sự tư vấn của chuyên gia để có thể chuẩn bị sức khỏe tốt nhất khi tới mãn kinh.

    Mãn kinh là tình trạng nữ giới nào cũng sẽ gặp phải, nếu biết cách chăm sóc cơ thể, các biểu hiện sẽ dịu đi tốt hơn, hạn chế làm nữ giới cảm thấy mệt mỏi khó chịu, chất lượng cuộc sống không bị xáo trộn. Hy vọng rằng qua những chia sẻ chúng tôi đưa ra ở trên đây, phái nữ đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích để trải qua giai đoạn quan trọng này một cách nhẹ nhàng nhất.

    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *