Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Array

Vi khuẩn Hp là loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày, hình thành nên các bệnh dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh. Việc nắm chính xác triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị, phòng tránh nhiễm vi khuẩn Hp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm loại vi khuẩn này.

    Định nghĩa vi khuẩn Hp

    Vi khuẩn Hp tên đầy đủ là Helicobacter pylori. Đây là một loại vi khuẩn có khả năng tồn tại và gây hại trong dạ dày, có thể tồn tại ở trạng thái hoạt động và không hoạt động. Cụ thể:

    • Ở trạng thái không hoạt động, sức khỏe của người bị nhiễm Hp vẫn hoàn toàn bình thường và không gây hại cho cơ thể. 
    • Với trạng thái hoạt động, khuẩn Hp có thể gây ra các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày cùng vô số những triệu chứng khó chịu khác. 

    Vi khuẩn Hp hay còn gọi với tên đầy đủ là “Helicobacter pylori”
    Vi khuẩn Hp hay còn gọi với tên đầy đủ là “Helicobacter pylori”

    Nguyên nhân nhiễm vi khuẩn Hp

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị nhiễm khuẩn Hp, nổi bật nhất có thể kể đến những nguyên do sau:

    • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, các thành viên khác có khả năng cao bị mắc Hp so với người bình thường.  
    • Vệ sinh kém: Khu vực sinh sống, phòng ở không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm bẩn, vệ sinh răng miệng không đúng cách,... là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Hp phát triển và lây lan. 
    • Môi trường sống chật hẹp: Ký túc xá, gia đình nhiều thế hệ, doanh trại quân đội,... là nơi đông người, dễ phát tán vi khuẩn Hp khi có người bị nhiễm. 
    • Dịch vụ y tế kém: Khi tới cơ sở thăm khám bệnh không đảm bảo chất lượng. Việc dùng chung các thiết bị y tế như nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa,... chưa được sát khuẩn và xử lý tốt sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm Hp. 
    • Sống chung với người bị nhiễm Hp: Hp là loại vi khuẩn có khả năng lây lan từ người qua người thông qua đường không khí, ăn uống hoặc dùng đồ cá nhân chung. Vậy nên nếu không chú ý tự cách ly với người bị nhiễm Hp thì nguy cơ bị lây nhiễm Hp là rất cao. 

    Đối tượng nhiễm vi khuẩn Hp

    Bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp. Trong đó những trường hợp thường gặp là:

    • Người sống ở môi trường ô nhiễm.
    • Các trường hợp có chế độ ăn uống không lành mạnh.
    • Những đối tượng có thành viên trong gia đình nhiễm vi khuẩn Hp.

    Đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc khuẩn Hp, kể cả trẻ em
    Đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc khuẩn Hp, kể cả trẻ em

    Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp

    Sau khi xâm nhập và tấn công niêm mạc dạ dày, vi khuẩn Hp sẽ gây ra những tổn thương sau đây:

    • Buồn nôn, nôn mửa.
    • Đau bụng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng thường xảy ra khi bụng đói hoặc sau khi ăn no.
    • Có cảm giác chán ăn.
    • Ợ hơi, ợ nóng thường xuyên và kéo theo cảm giác đau rát từ cổ xuống bụng khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. 
    • Chướng bụng, đầy hơi thường xuất hiện ở thời điểm bệnh nhân đang đói, ngay sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Triệu chứng này sẽ càng rõ ràng hơn khi người bệnh sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, thuốc lá, bia rượu, nước ngọt có ga,... 
    • Giảm cân không rõ nguyên do.
    • Đi đại tiện ra phân đen khi có chảy máu dạ dày. 
    • Hôi miệng. 

    Ở một vài trường hợp nặng, người bị nhiễm vi khuẩn Hp còn có những triệu chứng sau:

    • Phân có lẫn máu, màu đỏ sẫm hoặc đen như bã cà phê.
    • Nôn ra máu.
    • Khó thở.
    • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chóng mặt, ngất xỉu do thiếu máu hoặc do cơn đau dạ dày quá nặng.
    • Da nhợt nhạt do thiếu máu mạn tính hoặc cấp tính vì chảy máu dạ dày. 
    • Đau bụng âm ỉ, dữ dội. 

    Biến chứng nhiễm vi khuẩn Hp

    Dương tính với khuẩn Hp có thể dẫn tới một số biến chứng như sau:

    • Gây khó tiêu: Đau hoặc nóng rát vùng thượng vị. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác ăn nhanh no, đầy bụng thượng vị sau ăn, thường bị nặng bụng, ấm ách sau ăn,... Những triệu chứng này sẽ lặp đi lặp lại ở các bữa ăn nhưng sẽ thuyên giảm sau khi ăn khoảng 30 phút - 2 giờ.
    • Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: Bệnh nhân sẽ thường xuyên có cảm giác đầy bụng, buồn nôn, chán ăn. Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày có thể tự khỏi nhưng cũng có nguy cơ chuyển sang thể mãn tính và lặp lại theo chu kỳ không xác định.
    • Viêm mãn tính niêm mạc dạ dày: Cụ thể là viêm teo vùng hang vị dạ dày, tăng bài tiết axit dẫn tới viêm loét hành tá tràng. Cũng có ca bệnh viêm teo hang vị lan lên thân vị, lâu dần làm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ hình thành ung thư dạ dày. 
    • Loét dạ dày tá tràng: Gây xuất huyết dạ dày nhiều lần, trong trường hợp xấu có thể làm thủng dạ dày. 
    • Ung thư dạ dày: Vi khuẩn chính là tác nhân hình thành các ổ viêm, sản sinh gốc tự do và tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. 
    • Bên cạnh đó, người bệnh còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng khác như giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân, đau nửa đầu, bệnh mạch vành,... 

    Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất khi nhiễm Hp
    Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất khi nhiễm Hp

    Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Hp

    Để biết chính xác người bệnh có nhiễm vi khuẩn này không, bác sĩ sau khi thăm khám lâm sàng sẽ yêu cầu tiến hành xét nghiệm một số xét nghiệm sau:

    Xét nghiệm phân

    Xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm PCR phân và xét nghiệm kháng nguyên trong phân người bệnh.

    Trong đó, xét nghiệm kháng nguyên phân được thực hiện khá phổ biến nhằm mục đích tìm kiếm các protein liên quan đến nhiễm Hp trong phân. Còn PCR phân là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase trong phân để phát hiện vi khuẩn Hp, các đột biến kháng lại thuốc kháng sinh được dùng để điều trị Hp.

    Kiểm tra hơi thở

    Kiểm tra hơi thở, test hơi thở C13 hay test hơi thở ure giúp kiểm tra chính xác và cho kết quả nhanh chóng về khuẩn Hp. Trước khi tiến hành kiểm tra hơi thở 15 - 30 phút, bệnh sẽ sẽ được cho uống thuốc viên hoặc dung dịch ure có gắn nguyên tử cacbon đồng vị C13.

    Trường hợp trong dạ dày có vi khuẩn Hp, chất này sẽ tác động lên urease, phân hủy ure thành cacbon dioxit - Co2 và amoniac - NH3. Từ đó giải phóng carbon dioxic qua hơi thở. Lúc này, bác sĩ sẽ do nồng độ carbon đã được đánh dấu bằng C13 trong hơi thở trước và sau khi uống thuốc để xác định sự có mặt và nồng độ Hp trong cơ thể. Kiểm tra hơi thở sẽ được thực hiện cho các đối tượng đủ 6 tuổi trở lên.

    Nội soi

    Là thủ thuật đưa một ống dò dài có gắn camera ở đầu vào miệng, thông qua cổ họng, thực quản tiến tới dạ dày - tá tràng. Nội soi giúp bác sĩ có thể dễ dàng xem xét tình trạng thực quản, niêm mạc bên trong dạ dày, tá tràng. Đồng thời lấy mẫu mô dạ dày để tiến hành xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp.

    Các phương pháp khác

    Sau khi xem xét tình trạng cụ thể ở từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các thủ thuật khác như chụp cắt lớp CT, xét nghiệm máu, chụp X-quang dạ dày thực quản,... Thậm chí là xét nghiệm thêm sinh thiết để chẩn đoán nguy cơ bị ung thư dạ dày.

    Điều trị nhiễm vi khuẩn Hp

    Thông thường, việc điều trị sẽ tập trung vào việc loại bỏ vi khuẩn, chữa lành niêm mạc dạ dày và ngăn tình trạng viêm loét, giảm nguy cơ hình thành ung thư. Cụ thể như sau:

    Điều trị khuẩn Hp bằng thuốc

    Sau khi được có kết quả chẩn đoán, tùy theo loại khuẩn Hp, tình trạng, mức độ tiến triển mà bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Thông thường với khuẩn Hp, có thể được điều trị bằng ít nhất 2 loại kháng sinh khác nhau cùng lúc như:

    • Thuốc Bismuth subsalicylat: Giúp bao phủ, bảo vệ vết loét khỏi axit dạ dày và sẽ được dùng cùng kháng sinh để tiêu diệt khuẩn Hp.
    • Thuốc ức chế bơm proton - PPI: Esomeprazole, Omeprazole, Pantoprazole, Lansoprazole,... là những loại thuốc được chỉ định để làm giảm sản xuất axit dạ dày.
    • Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn: Chẳng hạn như Amoxicillin, Tetracycline, Levofloxacin, Clarithromycin, Metronidazole hoặc Tinidazol.

    Thuốc cần dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

    Ngoài hướng dẫn sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ được yêu cầu quay lại kiểm tra đánh giá hiệu quả điều trị sau 4 tuần. Trường hợp vi khuẩn Hp vẫn còn tồn tại, bệnh nhân được yêu cầu tiến hành đợt điều trị thứ hai.

    Điều trị tại nhà

    Để loại bỏ vi khuẩn Hp, củng cố sức khỏe hệ tiêu hóa, người bệnh cần có lối sống lành mạnh bằng cách:

    • Kiểm soát căng thẳng, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau giờ làm, học tập.
    • Ngủ sớm và ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày.
    • Không dùng rượu bia, thuốc lá, nước ngọt - nước có ga, cà phê hay các chất kích thích khác.
    • Cần bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm có chứa lợi khuẩn như sữa chua,...
    • Tránh ăn đồ chiên rán, cay nóng, có chứa nhiều axit như cam, quýt, chanh,...

    Phòng tránh nhiễm vi khuẩn Hp

    Khuẩn Hp hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua một số biện pháp như sau:

    • Thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh ăn đồ tái, thực phẩm còn sống như tiết canh, gỏi, rau sống, không uống nước lã.
    • Sử dụng thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh và có nguồn gốc rõ ràng, không dùng thực phẩm có dấu hiệu nhiễm khuẩn, ẩm mốc, ôi thiu,...
    • Cần đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ, trong lành. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh bát đũa, dụng cụ nhà bếp, diệt trừ ruồi, gián,....
    • Tránh tiếp xúc quá gần với những trường hợp bị nhiễm khuẩn Hp và tuyệt đối không dùng chung đồ cá nhân với người khác.
    • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
    • Thăm khám đường tiêu hóa định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường nhằm có hướng xử lý bệnh sớm.

    Nhiễm vi khuẩn Hp là tác nhân của nhiều bệnh dạ dày nguy hiểm và có thể dễ dàng lây lan qua nhiều con đường khác nhau. Vậy nên việc chủ động tìm hiểu về bệnh cũng như phòng tránh bệnh là điều cần thiết để làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *