Ngứa lòng bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách xử lý nhanh khỏi
Ngứa lòng bàn chân là hiện tượng ngoài da thường gặp ở nhiều người. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe nhưng gây ra sự khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Vậy đây là dấu hiệu của bệnh gì? Cách xử lý nhanh khỏi như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết.
Ngứa lòng bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Nguyên nhân?
Lòng bàn chân là vị trí trên cơ thể thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài. Thông thường chúng ta thường không để ý hay chăm sóc kĩ vùng da này dẫn đến hiện tượng kích ứng ở lòng bàn chân. Triệu chứng này thường xuất hiện và biến mất sau vài giờ.
Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài nhiều ngày không khỏi, đôi khi xuất hiện các triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh dưới đây:
Bệnh viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng ở chân có thể xảy ra do những tác nhân kích thích từ bên ngoài môi trường như: hóa chất, kim loại, lông động vật, phấn hoa, bụi bẩn… hoặc do một số nguyên nhân khác như thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, di truyền…
Người bị viêm da dị ứng có thể nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu như: da khô từng mảng đỏ hoặc hồng nhạt, tập trung dưới lòng bàn chân, mắt cá chân. Người bệnh lúc này sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh ghẻ
Ghẻ là bệnh da liễu thường gặp ở nước ta và lây từ người sang người. Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ là một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Sarcoptes scabiei.
Người bị bệnh thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt vào ban đêm, khi ghẻ cái bắt đầu trồi lên đẻ trứng. Bệnh ghẻ tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh cũng có thể dẫn tới một số biến chứng như: nhiễm trùng da, viêm cầu thận cấp…
Bệnh chàm, tổ đỉa
Bệnh chàm (tổ đỉa) là bệnh viêm da mãn tính. Bệnh thường xuất hiện theo từng đợt trong mùa xuân, hạ và thuyên giảm khi mùa đông tới. Đặc trưng của bệnh là các nốt mụn nước gây ngứa có đường kính từ 1-2mm, mọc rải rác hoặc tập trung thành từng cụm ở lòng bàn chân và bàn tay.
Người bị bệnh tổ đỉa thường ngứa dữ dội trong lòng bàn chân dẫn đến các vết cào, gãi gây mụn mủ, sưng tấy. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra nguyên nhân dẫn đến bệnh tổ đỉa thường liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn hệ thần kinh và chức năng nội tạng.
Bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là bệnh liên quan trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Lupus ban đỏ phát triển vô cùng phức tạp, gây tổn thương nghiêm trọng các tế bào da. Nguyên nhân của bệnh lý này chủ yếu là do môi trường sống ô nhiễm hoặc do di truyền, do nội tiết tố thay đổi…
Người bị Lupus ban đỏ thường bị nổi các nốt mẩn đỏ, hồng nhạt ở các vùng da trên cơ thể như: hai bên gò má, lòng bàn chân, cánh tay… Các nốt mẩn khiến vùng da dưới lòng bàn chân người bệnh trở nên nóng rát, ngứa ngáy vô cùng khó chịu.
Bệnh xơ gan ứ mật
Bệnh xơ gan ứ mật là tình trạng các ống dẫn mật trong gan bị viêm nhiễm, làm cản trở sự lưu thông của acid trong mật. Ống dẫn mật bị hư tổn khiến các acid mật chảy vào máu, làm kích thích các dây thần kinh dưới da và gây ra tình trạng ngứa ngáy toàn thân, đặc biệt ở lòng bàn chân.
Bên cạnh triệu chứng ngứa, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, nước tiểu sẫm, khô mắt, khô miệng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này như khối u trong ống mật, nang đường mật, sỏi ở ống mật chủ, u bên ngoài chèn ép đường mật, viêm tụy….
Ngứa chân do thay đổi nội tiết tố
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai và tiền mãn kinh thường xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy ngoài da. Lúc này nồng độ hormone nội tiết tố thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và làm bùng phát hiện tượng ngứa ngáy.
Ngứa lòng bàn chân ở phụ nữ mang thai không đi kèm các dấu hiệu nổi mẩn đỏ, chảy dịch hay có những tổn thương nghiêm trọng nào. Vì vậy người bệnh không cần quá lo lắng khi gặp triệu chứng này trong thời gian mang thai và tiền mãn kinh.
Ngứa lòng bàn chân có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Ngứa lòng bàn chân là triệu chứng phổ biến ngoài da không đáng lo ngại. Thông thường triệu chứng này xuất hiện và biến mất trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi bạn áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng này khiến người bệnh mất tập trung, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh đó, đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như xơ gan ứ mật. Vì vậy khi triệu chứng này xuất hiện kéo dài, kèm theo các triệu chứng dưới đây, bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị khoa học:
- Ngứa rát dữ dội ở lòng bàn chân.
- Cơ thể mệt mỏi, khó ngủ vào ban đêm, ăn không ngon miệng.
- Nổi nhiều nốt mẩn đỏ, bội nhiễm toàn thân.
- Vùng da lòng bàn chân bị bong tróc, chảy máu.
Cách điều trị ngứa lòng bàn chân nhanh khỏi
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người bệnh có thể khắc phục triệu chứng ngứa lòng bàn chân theo ba phương pháp: đông y, tây y hoặc dùng bài thuốc dân gian. Cụ thể:
Cách giảm ngứa bằng bài thuốc dân gian
Sử dụng các bài thuốc dân gian để giảm ngứa da được đánh giá là phương pháp điều trị lành tính, tiết kiệm, không phát sinh tác dụng phụ. Một số bài thuốc dân gian phổ biến điều trị ngứa chân được dân gian áp dụng nhiều và cho thấy có hiệu quả là:
- Tắm các loại nước lá: Một số loại lá kinh giới, trầu không, sài đất, lá khế… chứa nhiều vitamin và các hoạt chất có công dụng kháng viêm, sát khuẩn, làm giảm nhanh các triệu chứng ngứa chân.
- Sử dụng nước uống tinh bột nghệ: Trong thành phần tinh bột nghệ có chứa hoạt chất Curcumin có công dụng hỗ trợ tuần hoàn máu. Sử dụng tinh bột nghệ pha loãng với nước ấm để làm dịu cảm giác ngứa ngáy, hỗ trợ giảm đau rát hiệu quả.
- Sử dụng nước uống giấm táo: Trong nước dấm táo có chứa những hoạt chất kháng viêm, diệt khuẩn giúp cân bằng nồng độ pH trong cơ thể, đẩy lùi cảm giác ngứa bàn chân hiệu quả. Tuy nhiên do nồng độ acid trong giấm táo khá cao nên người bị bệnh liên quan đến dạ dày cần lưu ý khi sử dụng.
Điều trị ngứa lòng bàn chân bằng thuốc Tây y
Sử dụng thuốc Tây y để điều trị bệnh thường được nhiều người sử dụng bởi thời gian phát huy tác dụng nhanh chóng. Các triệu chứng ngứa rát, khó chịu ở lòng bàn chân có thể biến mất chỉ sau 1 – 2 ngày dùng thuốc.
Tuy nhiên thuốc Tây y thường gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, khó chịu trong dạ dày. Vì vậy người bệnh cần hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc. Một số nhóm thuốc phổ biến dùng để điều trị triệu chứng ngứa lòng bàn chân do các bệnh lý về da gây ra là:
- Thuốc kháng Histamin: Thuốc kháng Histamin dạng uống có tác dụng làm giảm nồng độ Histamine trong máu, điều trị nhanh chóng các trường hợp ngứa lòng bàn chân, ngứa toàn thân.
- Thuốc bôi chứa Corticoid: Thành phần thuốc bôi chứa Corticoid có công dụng giảm sưng, kháng viêm, diệt khuẩn vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ như để lại sẹo lồi trên da, làm nóng da. Vì vậy, người bệnh cần cân nhắc thời gian và liều lượng thuốc khi sử dụng.
Điều trị ngứa lòng bàn chân bằng thuốc Đông y
Thuốc Đông y với đặc điểm lành tính, an toàn nên được nhiều người sử dụng để điều trị các triệu chứng ngoài da. Với những người bị ngứa chân mãn tính, có thể áp dụng các bài thuốc Đông y dưới đây để thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, nâng cao sức khỏe từ sâu bên trong:
- Bài thuốc 1: Thuyền thoái, cát cánh, ngưu bàng tử, tang diệp, phù bình, liên kiều, kim ngân, sinh địa, đơn đỏ, kinh giới… có công dụng đào thải độc tố, tiêu viêm, giảm sưng, làm mát gan, chữa ngứa ngáy.
- Bài thuốc 2: Sài hồ, kim ngân hoa, cam thảo đất, đơn mặt trời, hạ khô thảo, tang ký sinh, bồ công anh và ngải diệp, quế, thiên niên kiện có tính ấm, tán hàn đào thải các độc tố và lưu thông khí huyết, đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy khó chịu.
Một số lưu ý khi điều trị ngứa lòng bàn chân
Lòng bàn chân là vị trí mà chúng ta thường bỏ qua khi tắm rửa, vệ sinh hằng ngày. Vì vậy, bên cạnh việc dùng các loại thuốc Tây y, Đông y, các bài thuốc dân gian thì bạn nên lưu ý một số điều sau để điều trị hiệu quả tình trạng ngứa lòng bàn chân:
Chăm sóc da tại nhà đúng cách
Vùng da chân bị tổn thương có thể khiến cho việc di chuyển, sinh hoạt của bạn gặp nhiều bất tiện, khó khăn. Đặc biệt với những người thường xuyên làm việc trong môi trường đất cát, bụi bẩn, cần thực hiện một số biện pháp sau để điều trị chứng ngứa lòng bàn chân hiệu quả:
- Ngâm chân bằng nước muối: Ngâm chân trong nước muối ấm có hiệu quả rất tốt trong việc làm sạch, sát trùng các chất bẩn và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ngứa lan, bội nhiễm các nốt mẩn, mụn nhọt sang các vùng da xung quanh.
- Sử dụng kem dưỡng chứa Vitamin B và kẽm: Kem dưỡng có chứa thành phần vitamin B giúp làm mềm mô da bị tổn thương, hạn chế tình trạng da khô bong tróc. Ngoài ra hoạt chất có trong kẽm có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm vô cùng hiệu quả.
- Đi tất, mang giày bảo hộ: Lòng bàn chân tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên chính là một trong những nguyên nhân khiến vùng da này bị kích ứng và gây ngứa. Bảo vệ lòng bàn chân bằng việc đi tất, mang giày bảo hộ không chỉ có tác dụng ngăn chặn các tác nhân tấn công mà còn hạn chế tình trạng da khô do thoát nước.
- Tẩy da chết: Vùng da dưới lòng bàn chân, đặc biệt là phần gót chân thường là nơi tập trung nhiều mảng da chết, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển. Bạn có thể sử dụng vỏ chanh, bã cà phê, miếng bọt biển để làm sạch vùng da này một cách hiệu quả, nhanh chóng tại nhà.
Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể chúng ta. Vì vậy để hỗ trợ quá trình điều trị triệu chứng ngứa lòng bàn chân, người bệnh nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý dưới đây:
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Không nên làm việc quá 10 tiếng một ngày, hạn chế lo lắng, căng thẳng để cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước mỗi ngày để da được cung cấp đủ các chất khoáng, chất điện giải, hỗ trợ quá trình hô hấp trên da.
- Lựa chọn những loại rau, củ, quả, trái cây chứa nhiều vitamin C và khoáng chất như cam, bưởi, súp lơ, cà rốt… tăng sức đề kháng cho da, giúp cơ thể giải độc hiệu quả.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm cay nóng, có nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền giúp cơ thể vận động, vùng da dưới lòng bàn chân được thoát mồ hôi, giảm nhanh các triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn.
Nhìn chung, ngứa lòng bàn chân không ảnh hưởng nghiêm trọng hay gây nguy hiểm đến sức khỏe tổng quan. Tuy nhiên để triệu chứng này không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, người bệnh nên đi khám, tìm hiểu nguyên nhân và có các phương pháp điều trị phù hợp, dứt điểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!