Da Mặt Bị Khô Sần Và Ngứa Là Bệnh Gì? Cách Cải Thiện Tốt Nhất
Da mặt của chúng ta có thể bị khô ráp, sần sùi kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu do nhiều nguyên nhân, cả yếu tố bên trong và tác nhân bên ngoài. Tình trạng này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Vậy da mặt bị khô sần và ngứa là bệnh gì, cải thiện như thế nào? Đồng hành cùng bài viết dưới đây để có những câu trả lời chi tiết nhất.
Nguyên nhân chính khiến da mặt bị khô sần và ngứa
Da mặt bị khô sần và ngứa được hiểu là tình trạng trên mặt xuất hiện những vết mẩn đỏ giống phát ban, mề đay, lúc này bạn có thể cảm nhận được rõ sự thô ráp, sần sùi, đặc biệt vô cùng khó chịu và mất tự tin.
Những dấu hiệu nhận biết da mặt bị khô sần và ngứa đó là: Da thiếu ẩm, khô, bong tróc vảy, không căng mịn, trở nên sần sùi, thiếu sức sống. Bên cạnh đó, bạn cũng thường xuyên cảm thấy rát, ngứa trên mặt, có thể xuất hiện vết ban đỏ, mụn nước li ti hay mụn bọc.
Theo các bác sĩ da liễu, có rất nhiều nguyên nhân khiến da mặt bị khô sần và ngứa, bao gồm cả yếu tố bên trong và tác nhân từ bên ngoài, cụ thể:
- Cơ thể thiếu nước: Nước được xem là yếu tố liên kết các lớp biểu bì trên da mặt, do vậy nếu được cung cấp đủ nước, quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi thì làn da của bạn sẽ trở nên căng bóng, mịn màng đầy sức sống. Ngược lại nếu bổ sung lượng nước không đủ cho một ngày, tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn, nguồn lipid trong tế bào bị tác động và cản trở quá trình tế bào phát triển. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy da mặt bị sần sùi, ngứa ngáy.
- Thay đổi nội tiết: Các chuyên gia cho biết, nội tiết tố là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến làn da nhiều nhất. Khi nội tiết thay đổi ở giai đoạn tuổi dậy thì, mang thai hay tiền mãn kinh, làn da mất đi sự cân bằng và trở nên khô ráp, sần sùi kèm theo cảm giác ngứa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
- Thiếu dinh dưỡng: Việc bổ sung cho cơ thể đầy đủ, đa dạng nhóm dưỡng chất không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp làn da căng mịn hơn. Trong trường hợp bạn có chế độ ăn không lành mạnh khiến cơ thể thiếu hụt vitamin, khoáng chất, làn da trở nên khô ráp, sần sùi, đồng thời quá trình phục hồi tổn thương lâu hơn so với bình thường.
- Tuổi tác: Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến da mặt bị khô sần và ngứa. Thực tế, tuổi càng cao, tế bào da càng bị lão hóa, không còn phát triển nên xuất hiện tình trạng da bị khô, sần sùi. Đặc biệt khi chị em bước vào độ tuổi trên 30 hoặc giai đoạn mãn kinh, da dễ bị kích ứng, khô ngứa, sần sùi.
- Dị ứng: Rất nhiều trường hợp bị sần sùi, ngứa, khó chịu ở da mặt là do dị ứng với thực phẩm, mỹ phẩm bôi ngoài da hoặc tiếp xúc với dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, khói bụi, hóa chất độc hại. Lúc này làn da thường kích ứng, trở nên nhạy cảm hơn và biểu hiện rõ ra bên ngoài thông qua các triệu chứng như ngứa, thô ráp.
- Mắc bệnh ngoài da: Khi mắc các bệnh lý ngoài da như chàm – eczema, vảy nến khiến làn da trở nên ngứa ngáy, khô sần, thiếu sức sống. Bên cạnh đó, những đối tượng bị viêm da cơ địa, viêm da dị ứng cũng thường xuyên bị ngứa rát, khó chịu.
- Thời tiết thay đổi: Sự thay đổi thời tiết cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề bất thường trên da, bao gồm tình trạng khô, sần, ngứa. Đặc biệt vào mùa đông, nhiệt độ và độ ẩm tự nhiên giảm mạnh, không khí lạnh, khô sẽ hút độ ẩm trên da và khiến da mặt rơi vào trạng thái mất nước, dễ trở nên khô, sần kèm theo cảm giác ngứa ngáy.
- Tác dụng phụ của thuốc tân dược: Thực tế, việc sử dụng một số loại thuốc Tây không đúng cách hoặc trong thời gian dài rất dễ khiến da mặt bị khô sần và ngứa. Bởi vậy khi uống thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc chữa bệnh thận,…. bạn nên hết sức thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ để có cách điều chỉnh phù hợp nhất.
Những bệnh gì khiến da mặt bị khô sần và ngứa?
Rất nhiều người khi gặp tình trạng da mặt bị khô sần và ngứa có tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng làn da sẽ tự khỏi sau một vài ngày và không có nhiều nguy hại. Tuy nhiên các triệu chứng này có thể là cảnh báo một số bệnh lý ngoài da như:
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa chính là bệnh chàm – eczema có biểu hiện rõ ràng là da mặt bị khô, sần sùi, ngứa. Ở những vùng da bị viêm có tình trạng sần sùi, nứt nẻ, bong tróc vảy, sưng nề, vô cùng ngứa ngáy khó chịu. Trong trường hợp bạn càng gãi thì biểu bì da càng tổn thương nặng nề hơn, rất dễ mưng mủ hoặc bị bội nhiễm. Bệnh lý này mặc dù không lây nhiễm hay có yếu tố di truyền, không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ, tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Mề đay
Mề đay cũng là bệnh ngoài da phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Biểu hiện cụ thể của bệnh là da mặt bị khô sần và ngứa, ngoài ra còn một số triệu chứng khác như:
- Làn da bị khô ráp, sần sùi, bong tróc nhiều vảy, thậm chí nhiều trường hợp bị trầy xước, chảy máu nếu gãi nhiều.
- Trên da xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ, có thể ở dạng mẩn li ti như phát ban hoặc dạng phù rộng, tạo ranh giới rõ ràng với vùng da lành.
- Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy dữ dội hoặc râm ran tùy từng thời điểm khác nhau trong ngày, đặc biệt các triệu chứng biểu hiện rõ nhất vào chiều tối tới đêm.
- Mề đay thường xuất hiện nhiều ở mặt, ngực, cổ, tay, chân
Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, bao gồm cả trẻ nhỏ và người già. Khi bị viêm da tiết bã, người bệnh thường gặp những triệu chứng như:
- Da khô, đặc biệt ở phần trán, hai bên má, trong khi đó những vị trí bị sần sùi lại tiết nhiều dầu, nhất là cằm, 2 bên cánh mũi.
- Làn da bị bong vảy, ửng đỏ nhưng không bị sưng hay phù nề.
- Người bệnh có cảm giác ngứa râm ran, châm chích, không dữ dội nhưng vẫn gây khó chịu.
Vảy nến
Tình trạng da mặt bị khô sần và ngứa kèm theo hiện tượng đỏ ửng, da bong tróc vảy, có thể là biểu hiện của bệnh vảy nến. Bệnh lý này là vấn đề da liễu mãn tính, thường xảy ra ở mặt, cổ hoặc toàn thân. Vảy nến đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy dữ dội, tại vị trí tổn thương đóng vảy theo từng mảng. Khi bạn càng gãi, lớp vảy sần sùi càng dày thêm và gây tổn thương, kèm theo đó là các vùng da ửng đỏ, tạo lằn rõ ràng với da lành xung quanh. Bệnh vảy nến nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như đột quỵ, suy thận, huyết áp thấp,…
Làm thế nào khi da mặt bị khô sần và ngứa?
Tùy vào từng mức độ sần ngứa của da mà sẽ có những cách xử trí khác nhau. Trường hợp bị ngứa sần da mặt thể nhẹ, những mẹo dân gian kết hợp với các biện pháp chăm sóc da mặt tại nhà sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng này. Còn nếu bị nặng hơn, bạn sẽ phải đi khám và dùng thuốc điều trị.
Mẹo chăm sóc da mặt bị khô sần và ngứa tại nhà
Tẩy da chết, đắp mặt nạ từ những thực phẩm đơn giản như nha đam, chanh, sữa chua… là những biện pháp chăm sóc da mặt bị khô sần và ngứa đơn giản, bạn hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà:
Tẩy da chết bằng cám gạo và sữa tươi
Cám gạo và sữa tươi kết hợp với nhau sẽ tạo ra công thức loại bỏ lớp tế bào chết trên da hiệu quả. Hơn nữa, sữa tươi với hàm lượng canxi, kali, sắt, vitamin B6, A, D, protein sẽ làm dịu cảm giác ngứa ngáy, làm cho da sáng hơn, cấp thêm độ ẩm cho da. Cách thực hiện:
- Trộn đều ½ bát cám gạo, 200ml sữa không đường, 2 thìa cafe dầu oliu tạo thành hỗn hợp dạng sệt.
- Thoa đều hỗn hợp lên cả mặt rồi dùng tay massage nhẹ nhàng.
- Massage liên tục khoảng 5 – 10 phút rồi để nguyên thêm 10 – 15 phút.
- Rửa sạch lại với nước ấm.
Đắp mặt nạ nha đam
Nha đam hay còn gọi là lô hội chứa hàm lượng vitamin rất cao, rất được ưa chuộng để dưỡng da. Để cải thiện tình trạng da mặt bị khô sần và ngứa, bạn có thể làm theo cách sau:
- Rửa sạch lá nha đam, dùng dao gọt bỏ phần vỏ xanh lấy phần gel trong.
- Nhẹ nhàng thoa đều phần gel nha đam vừa lấy được lên mặt.
- Để nguyên khoảng 15 phút hoặc massage nhẹ nhàng.
- Rửa mặt lại với nước sạch.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Với những trường hợp da mặt bị khô sần và ngứa do bệnh da liễu, gần như 100% trường hợp đều phải dùng thuốc. Điều trị bằng thuốc Tây y có ưu điểm nổi bật là mang lại hiệu quả nhanh chóng, bạn sẽ thấy cảm giác ngứa giảm đi rõ rệt, da mặt đỡ căng, đỡ khô và đỡ kích ứng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng thuốc. Các loại thuốc sau đây thường được chỉ định cho các trường hợp mắc bệnh da liễu, da mặt khô, sần ngứa:
- Thuốc bôi ngoài da chứa corticoid: Loại thuốc này thường được chỉ định cho trường hợp ngứa, tróc vảy da do viêm nhiễm.
- Thuốc kháng histamin dạng uống: Thuốc này sẽ phát huy công dụng đối với các trường hợp da mặt bị khô sần và ngứa do dị ứng, mề đay…
- Kem dưỡng ẩm: Giúp cấp ẩm cho da, làm giảm tình trạng khô da, ngứa da kích ứng và không thể thiếu đối với bệnh nhân bị viêm da cơ địa.
Tốt nhất, trước khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Bởi thuốc tây thường có những tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.
Da mặt bị khô sần và ngứa cần lưu ý gì?
Trong suốt quá trình điều trị tình trạng da mặt bị khô sần và ngứa hay sau khi chữa khỏi rồi, bạn vẫn cần lưu ý những điều quan trọng sau đây:
- Vệ sinh da mặt hàng ngày, khoảng 2 lần vào sáng và tối. Nếu da đang bị tổn thương, tốt nhất hãy rửa mặt bằng nước muối sinh lý, không sử dụng sữa rửa mặt.
- Luôn nhớ bôi kem chống nắng với chỉ số spf 50+ trước khi ra đường cùng việc dùng mũ, nón, khẩu trang che chắn da mặt cẩn thận. Tránh tối đa việc để da mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Giặt chăn, gối thường xuyên, vệ sinh phòng ngủ thường xuyên đề phòng bụi bặm, nấm mốc có thể là nguyên nhân khiến da mặt bị khô ngứa.
- Nếu đang điều trị, hãy dừng việc trang điểm, sử dụng mỹ phẩm lại. Chỉ dùng mỹ phẩm khi da mặt khỏe mạnh, không bị tổn thương.
- Tăng cường rau xanh, trái cây tươi vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày
- Luôn nhớ rửa sạch tay trước và sau khi bôi thuốc lên da.
Như vậy, triệu chứng da mặt bị khô sần và ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh da liễu cần điều trị càng sớm càng tốt. Hy vọng rằng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích và có hướng xử trí đúng đắn khi gặp phải tình trạng này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!