Array

Vôi hóa cột sống thuộc nhóm bệnh lý xương khớp khá thường gặp, làm bệnh nhân chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động hàng ngày. Để chữa trị hiệu quả cần phải xác định được các nguyên nhân và những biện pháp có thể áp dụng tốt nhất. 

    Định nghĩa vôi hóa cột sống

    Vôi hóa cột sống là bệnh lý xảy ra bởi quá trình cơ thể bị lắng đọng canxi và tạo ra các mỏm gai xương với những kích cỡ khác nhau tại đốt sống. Bệnh có thể hình thành bởi nhiều nguyên nhân tác động, không phân biệt vị trí đốt sống. Tuy nhiên, cổ và vùng lưng là nơi dễ bị vôi hóa nhất.

    • Vôi hóa đốt sống lưng: Cấu trúc cột sống lưng có thể bị thay đổi, biến dạng khi chịu áp lực lớn trong thời gian dài, lượng canxi không hấp thụ vào xương sẽ xảy ra lắng đọng và tạo ra các mỏm xương ngang đốt sống.
    • Vôi hóa đốt sống cổ: Thông thường xảy ra bởi tuổi tác cũng như tính chất công việc khi liên tục phải cúi gập, ngửa cổ, xoay cổ hoặc nằm sai tư thế,.... Đốt sống cổ suy yếu dần nhưng không thể hấp thụ canxi, từ đó các mỏm xương rất dễ phát triển.

    voi hoa cot song
    Bệnh vôi hóa cột sống thường xảy ra ở cổ hoặc lưng

    Nguyên nhân vôi hóa cột sống

    Nguyên nhân gây bệnh vôi hóa cột sống chủ yếu nhất là:

    Tuổi tác

    Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khi tuổi tác càng cao là nguyên do ở phần lớn bệnh nhân. Lượng canxi không thể hấp thụ vào xương sẽ kết hợp với nhau và tạo ra nhiều mấu ngang, mấu xương ở các đốt sống. Đặc biệt quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn ở những bệnh nhân ít khi vận động cũng như lao động nặng nhọc.

    Tư thế làm việc

    Vôi hóa cột sống cũng xảy ra do yếu tố công việc, duy trì ngồi một chỗ không thay đổi tư thế hoặc phải đứng quá lâu sẽ tạo ra nhiều tổn thương tới đốt sống. Các đĩa đệm và dây chằng chịu nhiều áp lực, cột sống có thể bị cong vẹo, biến dạng và dẫn tới vôi hóa.

    Béo phì

    Thừa cân béo phì sẽ gia tăng trọng lượng lên các đốt sống. Về lâu dài, sức ép sẽ khiến đốt sống thoái hóa, mất khả năng tự tái tạo và dẫn tới canxi lắng đọng thành các mảng vôi hóa. Bệnh nhân đồng thời cũng mắc thêm nhiều bệnh lý khác nguy hiểm, ảnh hưởng lớn sức khỏe.

    Chấn thương

    Trong công việc hoặc sinh hoạt, tham gia giao thông, có thể xảy ra một số chấn thương mạnh gây tổn thương các đốt sống. Khi quá trình chữa trị sai cách, chậm trễ, bệnh nhân có thể bị di chứng vôi hóa cột sống với các mức độ khác nhau.

    Ít vận động

    Ít khi vận động là nguyên do gây ra nhiều bệnh xương khớp, bao gồm vôi hóa. Các mạch máu dễ bị tắc nghẽn, máu lưu thông kém, cơ và các đốt xương co cứng, giảm đi sự linh hoạt sẽ gây suy giảm chức năng hoạt động ở cột sống. Vì vậy người bệnh khó tránh khỏi vôi hóa.

    Ăn uống

    Canxi là yếu tố rất quan trọng đối với xương khớp, nhưng việc bổ sung sai cách là nguyên do gây ra bệnh vôi hóa cột sống. Bệnh nhân thiếu hoặc lạm dụng nạp canxi quá mức đều đem đến nhiều tác hại cho cơ thể, vì vậy phải đảm bảo lượng canxi cung cấp hàng ngày ở mức vừa đủ.

    Cân nặng dư thừa có thể gây ra bệnh vôi hóa

    Đối tượng vôi hóa cột sống

    Các trường hợp có nguy cơ mắc vôi hóa cột sống thường là những đối tượng sau đây:

    • Người cao tuổi.
    • Các trường hợp ăn uống thiếu chất hoặc bổ sung quá nhiều canxi.
    • Thừa cân, béo phì.
    • Nhân viên làm việc văn phòng ít vận động, lái xe, lễ tân.

    Triệu chứng vôi hóa cột sống

    Vôi hóa cột sống sẽ gây ra 2 biểu hiện chính là đau cột sống và bị rối loạn cảm giác.

    Đau cột sống: Tình trạng này xảy ra ở mọi đối tượng bệnh nhân, các đốt sống bị vôi hóa, mỏm xương phát triển đâm vào các mô cơ, dây chằng, dây thần kinh khiến những phần này tổn thương, giảm khả năng hoạt động.

    Cơn đau có thể tăng dần từ mức độ nhẹ tới nặng, đặc biệt khi bệnh nhân gắng sức làm việc nặng hoặc ngồi quá lâu. Ngoài ra, không ít người sẽ bị giảm biên độ vận động của cột sống, lưng thường cảm giác căng cứng, khó xoay người cũng như đứng thẳng lưng.

    Rối loạn cảm giác: Tình trạng này xảy ra đồng thời ở nhiều bộ phận liên quan tới đốt sống. Bệnh càng nặng càng làm rối loạn cảm giác nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân sẽ thấy lưng mất cảm giác, chân tay thường xuyên tê bì, không có lực cầm nắm, cổ căng cứng và khó cử động.

    Ở một số thời điểm, bệnh nhân sẽ thấy chân tay nóng ran và bứt dứa, khó chịu từ sâu bên trong.

    voi hoa cot song
    Bệnh nhân đau nhức cột sống liên tục

    Biến chứng vôi hóa cột sống

    Điều trị chậm trễ và áp dụng sai phương pháp khiến bệnh ngày càng nặng hơn, từ đó xảy ra các biến chứng nguy hiểm gồm:

    • Cột sống bị cong vẹo: Các mỏm xương vôi hóa ở cột sống khi càng phát triển mạnh càng làm thay đổi cấu trúc của cột sống. Lúc này trục xương bị chệch khỏi vị trí ban đầu, dần cong vẹo và làm bệnh nhưng bị gù lưng.
    • Thiểu năng động mạch phân liệt: Xảy ra khi phần cột sống cổ bị thoái hóa quá nghiêm trọng, các mỏm ngang trên đốt sống tạo sức ép lên dây thần kinh. Bệnh nhân bị giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, thường xuyên hoa mắt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
    • Rối loạn tiền đình: Tương tự như tình trạng thiểu năng động mạch phân liệt. Biến chứng này sẽ ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều và nặng hơn.
    • Thoát vị đĩa đệm: Bệnh vôi hóa cột sống có nguy cơ gây ra thoát vị đĩa đệm do các mỏm xương gây áp lực, làm biến dạng cấu trúc đốt sống, đĩa đệm bị đẩy ra ngoài và thậm chí có thể vỡ bao hoạt dịch.
    • Mất điều khiển tứ chi: Các rễ thần kinh trên đốt sống sẽ có chức năng điều khiển hoạt động ở tứ chi. Nếu xảy ra tổn thương, bệnh nhân khó tránh khỏi rối loạn cảm giác và bị tê liệt chân tay.
    • Hẹp tủy sống: Khi vôi hóa hình thành, các khoảng trống ở trong ống sống sẽ bị thu hẹp lại, làm hẹp tủy sống và xảy ra nhiều tổn thương nghiêm trọng.

    Chẩn đoán vôi hóa cột sống

    Quá trình chẩn đoán vôi hóa cột sống chi tiết giúp bệnh nhân có được liệu trình điều trị phù hợp. Cách thực hiện như sau:

    Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng về các biểu hiện đau bệnh nhân đang gặp phải, cần xét cả yếu tố công việc, các thói quen nghỉ ngơi và ăn uống. Nếu có các bệnh lý nền, bệnh nhân cũng cần thông báo với người phụ trách. Sau khi đã có được thông tin sơ lược, người bệnh tiếp tục làm các kiểm tra xét nghiệm gồm:

    • X-quang: Đưa ra hình dáng cấu trúc của đốt sống, có thể nhận biết rõ rệt các dấu hiệu cong vẹo.
    • Chụp CT: Hình ảnh cắt lớp giúp bác sĩ quan sát dễ dàng tình trạng hiện tại của dây chằng, các đốt sống, đĩa đệm và mỏm xương.
    • Chụp MRI: Xác định ống sống có tổn thương hay không, đánh giá rễ thần kinh và nhiều biểu hiện hư hại khác trong đốt sống.

    Điều trị vôi hóa cột sống

    Vôi hóa cột sống điều trị theo các liệu trình gồm:

    Tây y chữa vôi hóa cột sống

    Thuốc Tây có khá nhiều loại khác nhau, tùy theo tình trạng bệnh, người bị sẽ cần sử dụng những thuốc như:

    • Thuốc giãn cơ: Cyclobenzaprine, Mydocalm, Metaxalone, Baclofen cho tác dụng giảm co cứng cơ, hạn chế áp lực lên các mô cơ và ức chế quá trình co thắt, cơn đau nhức dịu đi đáng kể.
    • Giảm đau chống viêm: Bệnh nhân sử dụng Meloxicam, Piroxicam, Diclofenac, Aspirin, Paracetamol, Acetaminophen, Naproxen. Thuốc giảm đau tương đối nhanh và hỗ trợ ngăn ngừa viêm nhiễm tại các đốt sống.
    • Thuốc tái tạo sụn khớp: Nhằm phục hồi chức năng cho các đốt sống và đĩa đệm, thuốc tái tạo sụn khớp sẽ kích thích mô sụn tăng sinh, lấp đầy các khoảng trống bị thiếu hụt ở sụn thông qua Chondroitin, Glucosamine.
    • Thuốc tiêm: Steroid dạng tiêm dùng khi bệnh nhân ở giai đoạn nặng, các cơn đau không thể dùng những loại thuốc thông thường. Tác dụng mạnh mẽ nhưng bệnh nhân lưu ý có thể xảy ra một số tác dụng phụ.

    voi hoa cot song
    Thuốc Tây y chữa trị vôi hóa cột sống sẽ tác động nhanh chóng tới cơ thể

    Vật lý trị liệu

    Các bài tập kết hợp với sự hỗ trợ từ máy móc thiết bị giúp bệnh nhân tăng cường khả năng phục hồi. Những bài tập trị vôi hóa được áp dụng nhiều nhất là:

    Nghiêng xương chậu:

    • Bệnh nhân nằm trên mặt phẳng, co cả 2 gối và lòng bàn chân tiếp xúc toàn bộ với mặt sàn.
    • Đặt 2 tay chéo lên ngực, sau đó dùng sức gồng cơ bụng nhưng vẫn phải đảm bảo lưng chạm đất. Hít sâu rồi thở ra nhẹ nhàng và thả lỏng cơ.
    • Sau đó bắt đầu với tư thế cơ bụng, ấn lưng nhưng cần đẩy mông lên cao khỏi mặt sàn, hít sâu rồi hạ mông xuống từ từ cho tới khi chạm đất, kết hợp thở đều.

    Kéo giãn cột sống:

    • Bệnh nhân ngồi trên sàn, từ từ cúi gập cổ về đằng trước để có thể chạm phần cằm vào ngực. Duy trì tư thế trong 30 giây, có thể dùng tay cố định đầu dễ hơn.
    • Sau đó quay trở về tư thế chuẩn bị và ngửa cổ ra sau hết mức có thể, cũng thực hiện trong 30 giây và lặp lại luân phiên thao tác.

    Kéo giãn cơ lưng:

    • Bắt đầu với tư thế ngồi trên hai gót chân, người cúi về đằng trước và cúi sát đầu xuống mặt sàn.
    • Để 2 tay trượt thẳng nền và giữ trong khoảng 30 giây sẽ thấy cơ lưng cảm giác căng mỏi. Sau đó thu về tư thế chuẩn bị và tiếp tục lặp lại.

    Phẫu thuật

    Bệnh nhân chỉ phẫu thuật khi đốt sống bị tổn thương quá nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, các dây thần kinh rối loạn chức năng. Ngoài ra, cũng cần phải đảm bảo tiêu chí về sức khỏe để có thể thực hiện ca mổ.

    Hiện nay, chủ yếu sẽ áp dụng phương pháp cắt bỏ mỏm xương, giải phóng sức ép tại đĩa đệm, dây chằng, mô cơ và rễ thần. Về cách mổ hở hay mổ nội soi, các bác sĩ sẽ tiến hành phân tích đánh giá và tư vấn chi tiết với người bệnh.

    Thuốc Đông y

    Vôi hóa cột sống khi điều trị bằng thuốc Đông y sẽ có một số liệu trình tham khảo sau đây:

    Bài thuốc 1:

    • Dược liệu: Trạch tả, sơn thù, phục linh, thục địa, đơn bì, hoài sơn.
    • Cách sắc: Cho thuốc sắc với 1l nước, đợi sôi cạn còn ⅓ sẽ lấy nước thuốc uống thành các bữa nhỏ trong ngày.

    Bài thuốc 2:

    • Dược liệu: Xuyên khung, phòng phong, quế tâm, tang ký sinh, đẳng sâm, tần giao, đương quy, bạch thược, ngưu tất, độc hoạt, sinh địa, cam thảo, đỗ trọng, tế tân.
    • Cách sắc: Thuốc sắc cùng 5 bát nước, phần thuốc cạn còn 1 bát sẽ chia 3 bữa, trước lúc uống hâm ấm thuốc sẽ tốt nhất.

    Bài thuốc 3:

    • Dược liệu: Đương quy, đại táo, phòng phong, gừng, khương hoàng, cam thảo, xích thược, hoàng kỳ.
    • Cách sắc: Cho thuốc vào ấm cùng 6 bát nước, sắc cạn còn 1 bát để sử dụng vào sáng, trưa và buổi tối.

    Mẹo dân gian

    Với những bệnh nhân mới chớm khởi phát vôi hóa cột sống, có thể tham khảo sử dụng một số cách dưới đây giúp giảm cơn đau nhức, co cứng cơ:

    • Ngải cứu: Chuẩn bị 100g ngải, nhặt rửa sạch rồi xay nhuyễn để lấy nước cốt. Phần nước hòa cùng 1 thìa mật ong và uống mỗi ngày 1 cốc.
    • Lá lốt: Lấy 0,5kg lá lốt, rửa hết bụi bẩn và đợi cho ráo nước hoàn toàn. Cho lá lốt vào bình thủy tinh ngâm cùng rượu trắng. Sau 1 tháng sẽ lấy rượu xoa bóp lên vùng đốt sống đang bị vôi hóa.
    • Gừng: Chuẩn bị lượng gừng vừa đủ, rửa sạch và không cần gọt vỏ. Thái hoặc đập dập gừng rồi cho vào bình ngâm cùng rượu. Sau 30 ngày, lấy rượu gừng ra để xoa bóp tương tự như rượu lá lốt.

    voi hoa cot song
    Lá ngải được nhiều người sử dụng để giảm cơn đau

    Ngoài các bài thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng thêm phương thức châm cứu bấm huyệt. Cách chữa này sẽ tác động lên các huyệt đạo giúp kích thích quá trình vận chuyển máu, đưa máu tới các cơ quan suôn sẻ hơn, giảm các cơn đau và biểu hiện viêm nhiễm, từ đó người bệnh cũng nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên cần tới các cơ sở điều trị uy tín, có đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho cơ thể.

    Phòng tránh vôi hóa cột sống

    Vôi hóa cột sống sẽ giảm nguy cơ hình thành khi áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa như:

    • Tập luyện thể dục, thể thao với các bộ môn phù hợp, nên đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, yoga. Tránh các bộ môn đòi hỏi kỹ thuật cao, cường độ mạnh và không tập luyện quá sức.
    • Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác cho cơ thể. Nhưng không vì vậy lạm dụng các khoáng chất khiến dư thừa và lắng đọng canxi.
    • Nên ngồi làm việc với tư thế lưng thẳng, đầu và cổ không bị cúi gằm hoặc ngửa cổ theo dõi màn hình vi tính sẽ dễ tạo áp lực lên các đốt sống. Không nên ngồi hoặc đứng ở một chỗ, một tư thế quá lâu, hãy đi lại, vận động thường xuyên để xương khớp được thư giãn và máu lưu thông tốt hơn.
    • Không thực hiện các thao tác vặn, xoay lưng và cổ đột ngột hoặc dùng lực mạnh.
    • Nếu bị chấn thương tại đốt sống, cần điều trị tích cực theo chỉ dẫn của các bác sĩ để không xảy ra các di chứng nghiêm trọng.
    • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, hạn chế đồ ăn dầu mỡ nhiều, các thực phẩm có hại hoặc chất kích thích, đồ uống có cồn. Những yếu tố này đều gây tác động tiêu cực tới sức khỏe xương khớp, gây gia tăng áp lực chèn ép lên đốt sống, làm xương bị thiếu hụt lượng canxi cần có.
    • Việc thăm khám sức khỏe thường xuyên cũng rất cần thiết để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường, các bệnh lý có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của đốt sống.

    Vôi hóa cột sống là bệnh lý không còn xa lạ, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng. Bệnh nhân không nên chủ quan chậm trễ điều trị hoặc tự ý mua các loại thuốc về dùng tại nhà. Tuân thủ theo chỉ dẫn từ các bác sĩ, kết hợp ăn uống, sinh hoạt lành mạnh sẽ là yếu tố quyết định tới khả năng phục hồi của xương khớp.

    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *