Viêm VA quá phát: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Tai mũi họng | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Viêm VA quá phát là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, hình thành qua nhiều lần tái phát của viêm VA cấp tính. Bệnh gây ra các triệu chứng tương đối đặc trưng và có xu hướng nghiêm trọng dần nếu không được điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để nhận biết viêm VA quá phát?

Viêm VA quá phát là gì? Nguyên nhân gây bệnh?

VA (Végétations Adénoides) là tổ chức bao gồm nhiều tế bào bạch cầu, có nhiệm vụ nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể chống lại khi chúng tái xâm nhập. Khi thở, không khí sẽ vào mũi, qua VA rồi mới vào đến phổi. 

Viêm VA quá phát còn được gọi là viêm VA mãn tính, là tình trạng các tổ chức VA bị xơ hóa sau nhiều lần viêm cấp. Căn bệnh này thường phổ biến ở trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Viêm VA quá phát thường xảy ra với trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi
Viêm VA quá phát thường xảy ra với trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi

Sự xâm nhập của vi khuẩn và virus là những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm VA quá phát. VA có chức năng tạo ra kháng thể cho cơ thể khi bị viêm nhiễm. Tuy nhiên, nơi đây cũng có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn nếu sức đề kháng của cơ thể suy giảm đột ngột. Ngoài ra, viêm amidan, viêm họng và các vấn đề về tai mũi họng cũng có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ khiến trẻ mắc căn bệnh này.  

Triệu chứng của viêm VA quá phát

Khi bị viêm VA quá phát, trẻ thường bị chảy nước mũi mãn tính. Nước mũi thường trong suốt hoặc đặc và nhầy. Bên cạnh đó, trẻ cũng thường xuyên bị nghẹt mũi, đặc biệt là vào ban đêm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể bị nghẹt mũi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. 

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thường phụ thuộc vào sự tiến triển của bệnh. Nói cách khác, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể các triệu chứng nghiêm trọng hơn như thở bằng miệng, tắc mũi hoàn toàn… 

Trong trường hợp viêm kéo dài, trẻ có thể đối mặt với tình trạng thiếu oxy não trầm trọng, gây ra các vấn đề như: 

  • Chậm phát triển cả về mặt thể chất và tinh thần. So với các trẻ khác, trẻ thường kém hoạt bát và năng động hơn.
  • Khó ngủ và thường giật mình trong lúc ngủ. 
  • Nghiến răng, ngủ ngáy hoặc ngừng thở khi ngủ.
  • Đái dầm trong lúc ngủ.  
  • Chóp mũi nhỏ, mũi tẹt và trán dô hơn so với bình thường do thường xuyên dùng miệng để thở.
  • Gương mặt dài, hàm trên vẩu, răng hàm trên mọc không đều, hàm dưới hẹp và luôn hở miệng. Đây là hậu quả của việc thở bằng miệng kéo dài trong lúc khuôn mặt chưa phát triển toàn diện. 

Bệnh viêm VA quá phát có nguy hiểm không?

Viêm VA quá phát kéo dài và không được điều trị có thể gây ra gây ra các biến chứng nguy hiểm như: 

  • Viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mủ và thủng nhĩ do bít tắc lỗ thông khí vào tai giữa.
  • Viêm mũi xoang. 
  • Áp xe thành sau họng. 
  • Viêm họng, viêm mũi họng cấp tính và mãn tính. 
  • Viêm thanh quản cơ rít. Căn bệnh này thường phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. 
  • Viêm đường hô hấp dưới, viêm khí quản và viêm khí phế. 
  • Viêm phổi hoặc viêm thanh quản co thắt. 
Viêm VA quá phát có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp
Viêm VA quá phát có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp
  • Rối loạn tiêu hóa hoặc suy dinh dưỡng do kén ăn và nôn trớ thường xuyên.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến bệnh suy tim.
  • Chậm nói và chậm phát triển trí não, kém tập trung. 
  • Suy giảm thị lực và thính lực. 

Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm va

Chẩn đoán viêm VA quá phát sẽ trải qua 2 bước bao gồm thăm khám lâm sàng và khám thực thể. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bố mẹ các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh lý và các triệu chứng hiện tại của trẻ. Bố mẹ cần khai báo chính xác để bác sĩ có thể xác định tình trạng mà trẻ đang gặp phải có phải là viêm VA quá phát hay không. 

Để chẩn đoán một cách chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành các bước khám thực thể, gồm có: 

  • Soi mũi trước: Nếu bị viêm VA quá phát thì khi nhìn dọc theo sàn mũi ra phía sau, bác sĩ sẽ phát hiện một khối sùi có màu hồng nhạt và mềm nhô lên. Đây chính là khối VA bị viêm. Khối VA bị viêm này sẽ bị đẩy lên trên và có thể nhìn được rõ ràng hơn khi trẻ có phản xạ nuốt. 
  • Soi mũi sau: Bằng gương hoặc phương pháp nội soi, bác sĩ có thể xác định được kích thước và hình dạng của khối VA. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện với người lớn hoặc trẻ lớn. Thông thường, VA sẽ là một khối sùi mềm, có màu hồng nhạt, nằm ở vòm và che lấp một phần lỗ mũi sau. Đồng thời, khối VA cũng sẽ lấn tới 1 hoặc cả 2 bên loa vòi Eustachi. 
  • Khám tai: Khám tai cũng là một trong những bước cần thiết để chẩn đoán viêm VA quá phát. Đối với trẻ bị viêm VA quá phát, màng nhĩ thường đục và mất bóng sáng do vòi nhĩ không được thông thoáng.
  • Khám họng: Khi khám họng, bác sĩ có thể phát hiện thành sau họng không nhẵn và có các hạt lympho. Đồng thời, khi trẻ nói hoặc khóc, lưỡi gà và màn hầu sẽ không thể bít hết vòm và sát đến thành sau.
Khám tai để chẩn đoán viêm VA ở trẻ
Khám tai để chẩn đoán viêm VA ở trẻ

Điều trị viêm VA quá phát

Khác với viêm VA cấp tính, viêm VA thứ phát không thể điều trị bằng các phương pháp nội khoa đơn thuần. Ngược lại, trẻ sẽ được cân nhắc để điều trị bằng phương pháp ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa bằng cách nạo VA có thể giúp điều trị dứt điểm viêm VA quá phát. Nạo V.A sẽ được thực hiện bằng cách gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Thời gian thực hiện tiểu phẫu thường khá ngắn, do đó, trẻ có thể về nhà ngay mà không cần điều trị nội trú tại bệnh viện. 

Tất nhiên, không phải trường hợp nào trẻ cũng cần phải làm phẫu thuật nạo VA. Bởi viêm VA không biến chứng ở trẻ em chính là quá trình có lợi để cơ thể trẻ hình thành miễn dịch. Viêm VA chỉ trở thành bệnh khi nó tái phát thường xuyên hoặc gây ra biến chứng, đặc biệt là biến chứng viêm tai giữa.

Phẫu thuật nạo VA phải được chỉ định và thực hiện theo đúng quy trình bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Quyết định phẫu thuật sẽ được cân nhắc kỹ lượng dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi. Ngay cả trong trường hợp trẻ có đầy đủ tiêu chí để phẫu thuật nạo VA, bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi trong vòng 1 tháng trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật. Nếu tình trạng bệnh của trẻ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm sau 1 tháng, bác sĩ sẽ tiến hành làm phẫu thuật nạo VA. 

Cách chăm sóc khi trẻ khi bị bệnh

Chăm sóc của trẻ mắc viêm VA quá phát là công việc không đơn giản, đòi hỏi bố mẹ phải chú ý đến các vấn đề sau đây:

  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng và sức khỏe. Bố mẹ nên bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, các loại rau xanh và trái cây giàu chất chống oxy hóa như dâu tây, bông cải xanh, rau bina, cà rốt… cũng được khuyến khích cho các bé mắc viêm VA quá phát. 
  • Uống thật nhiều nước. So với người bình thường, trẻ bị viêm VA quá phát thường dễ bị mất nước hơn. Do đó, uống nhiều nước sẽ giúp làm giảm tình trạng viêm và khô họng.
  • Không cho trẻ ăn các loại thức quá mặn để tránh hiện tượng tích nước, gia tăng dịch nhầy và ảnh hưởng xấu tới tình trạng viêm phế quản. 
  • Hạn chế đồ ngọt và các món ăn có tính chất cay, nóng như tiêu, ớt… Những món ăn này có thể gây kích thích niêm mạc phế quản, sinh ra ho.
  • Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và đưa trẻ đi tái khám thường xuyên, đặc biệt là khi trẻ có các biểu hiện lạ. 
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước muối hoặc nước nghệ ấm vào mỗi buổi sáng sau thức dậy. Không chỉ có tính sát khuẩn mạnh, nghệ vàng còn có tác dụng giảm đau vô cùng hiệu quả. 
Hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt
Hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt

Trong trường hợp trẻ phải làm phẫu thuật nạo VA, để chăm sóc tốt cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý các vấn đề sau: 

  • Cho trẻ uống nước và ăn thức ăn dạng lỏng.
  • Cho trẻ dùng các loại thuốc giảm đau hoặc chườm nóng cải thiện các cơn đau. Trẻ nhỏ chỉ nên dùng paracetamol, tuyệt đối không sử dụng ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid. Bố mẹ không nên cho trẻ dùng thuốc giảm đau một cách bừa bãi. Việc dùng thuốc giảm đau cần phải thông qua ý kiến của các bác sĩ. 
  • Không cho trẻ che miệng khi hắt hơi và xì mũi trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật. Bởi điều này có thể khiến vi khuẩn phát triển và viêm VA tái phát.
  • Cải thiện tình trạng khô họng bằng các loại máy phun sương, tạo độ ẩm.
  • Không cho trẻ hoạt động mạnh và tiếp xúc với những người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường như sốt trên 39 độ C, không ăn uống được, nôn mửa, chảy máu và không thể nói chuyện trong vòng 24 giờ. 

Viêm VA quá phát kéo dài và không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. 

Bài viết cùng chủ đề:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi
Zalo