Viêm VA cấp: Bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ mẹ cần cảnh giác
Viêm VA cấp là một bệnh lý phổ biến ở trẻ từ 6 tháng – 6 tuổi. Bệnh dễ lây lan và làm ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Dù vậy, nhiều mẹ vẫn thường chủ quan do không hiểu rõ bệnh, dẫn đến trẻ gặp phải nhiều biến chứng xấu. Vậy viêm VA cấp là gì? Nguyên nhân do đâu và có những phương pháp điều trị nào an toàn, hiệu quả? Tất cả thông tin nhằm giải đáp thắc mắc của bạn đọc sẽ có trong bài viết sau.
Viêm va cấp là gì?
VA là một tổ chức Lympho (gồm nhiều tế bào bạch cầu) nằm ở phía sau cửa mũi sau. Chúng xuất hiện từ khi trẻ lọt lòng, có cấu tạo nhỏ, mỏng và phát triển lớn hơn khi trẻ được 6 tháng tuổi. VA có chức năng tạo kháng thể, tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường thở. Tuy nhiên khi khả năng miễn dịch yếu đi, vi khuẩn có thể tấn công VA, gây viêm nhiễm và làm xuất hiện 1 số triệu chứng về hô hấp. Đây chính là tình trạng viêm VA.

Viêm VA cấp chỉ tình trạng viêm nhẹ ở những lần đầu, chưa quá phát thành các khối to. Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi. Ở người lớn rất ít khi thấy viêm VA do lúc này VA đã teo lại chỉ còn vết mờ.
Triệu chứng thường gặp
Khi trẻ bị viêm VA cấp thường gặp phải các triệu chứng như sau:
- Ngạt mũi thường xuyên: Tình trạng ngạt mũi nặng dần, ngạt 1 bên hoặc cả 2 bên khiến trẻ thở khó khăn. Mẹ có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu này khi trẻ bú. Trẻ thường bú ngắt quãng hoặc nhả hẳn đầu ti ra để thở.
- Chảy nhiều nước mũi: Ban đầu dịch mũi tiết ra có màu trắng trong và nhầy. Khi tình trạng nặng hơn, chúng sẽ có màu vàng hoặc xanh, đặc như mủ.
- Sốt: Trẻ bị sốt cao đột ngột 38-39 độ C, có khi lên đến hơn 40 độ C.
- Ho nhiều: Sau 2-3 ngày bệnh xuất hiện, tình trạng nghẹt mũi khiến trẻ phải thở bằng miệng thường xuyên. Điều này làm họng bé trở nên khô, ngứa và ho liên tục.
- Rối loạn tiêu hóa: Dịch mũi chảy xuống họng vào bụng khiến trẻ bị tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu…
- Các biểu hiện khác: Trẻ còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, hay quấy khóc, ngủ ngáy, đau tai…

Một số triệu chứng viêm VA cấp thường giống với các dấu hiệu đặc trưng của cảm cúm, cảm lạnh thông thường… Điều này dễ làm mẹ chủ quan hoặc áp dụng sai phương pháp chữa trị.
Nguyên nhân viêm va cấp?
VA được xem là cửa ngõ đường thở. Không khí đi qua mũi để vào khí quản và phổi sẽ phải tiếp xúc với VA. Tổ chức Lympho này lại có cấu trúc xếp theo hình lá, rất dễ bị vi khuẩn trong không khí bám vào. Khi chúng tụ lại ngày càng nhiều, sức đề kháng của trẻ yếu, bạch cầu không đủ sức để tiêu diệt hết vi khuẩn sẽ gây ra viêm VA. Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP), có đến 20-30% trường hợp trẻ bị viêm VA là do vi khuẩn gây nên.
Ngoài ra có thể kể đến 1 số nguyên nhân khác như:
- Cơ thể gặp lạnh đột ngột sẽ tạo cơ hội cho các virus, vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, trong đường hô hấp hoạt động mạnh hơn, gây viêm nhiễm. Do đó, trẻ bị nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi có thể bị viêm VA.
- Viêm Va cấp có thể xuất hiện sau khi trẻ bị mắc các bệnh lý đường hô hấp trên như sởi, cúm, ho gà,…
- Trẻ bị lây từ các trẻ khác đang bị viêm VA thông qua đường hô hấp
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi hay vô tình hít phải các chất kích thích như khói thuốc lá, thuốc lào…
- Trào ngược dạ dày thực quản kéo dài cũng có thể làm khởi phát viêm VA cấp

Viêm va cấp có nguy hiểm không?
Thực chất, viêm VA cấp thường làm trẻ cảm thấy khó chịu nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bệnh có thể được kiểm soát dễ dàng nếu mẹ áp dụng phương pháp chữa trị sớm và phù hợp. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn viêm VA với cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Dẫn tới chủ quan khiến tình trạng bệnh của trẻ diễn biến phức tạp hơn.
Viêm VA kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cụ thể, tình trạng thiếu oxy xảy ra thường xuyên dễ khiến trẻ gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra còn làm trẻ bị thiếu ngủ, chậm phát triển, kém linh hoạt. Nghiêm trọng hơn, bệnh có thể làm biến dạng khối xương mặt như chóp mũi nhỏ, hàm trên vẩu, mặt dài, mũi tẹt… Một số biến chứng khác có thể kể đến như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm xoang…
Chẩn đoán viêm VA cấp
Để việc điều trị được hiệu quả hơn, cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám. Bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp kiểm tra lâm sàng để xác định rõ tình trạng bệnh của trẻ. Bao gồm những biện pháp sau:
- Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ chuyên khoa có thể nắm được tình trạng hoạt động của tế bào máu. Từ đó xác định được tình trạng viêm nhiễm của trẻ.
- Nội soi: Dùng ống nội soi qua đường miệng hoặc mũi là một cách phổ biến để nắm bắt được tình trạng bệnh. Qua phương pháp này, bác sĩ sẽ biết được kích thước và mức độ sưng viêm của VA.
- Chụp X quang vùng đầu và cổ: Chụp X quang giúp bác sĩ chẩn đoán được kích thước VA cũng như khả năng lây lan bệnh.
Sau khi đã xác định được mức độ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng và đề xuất phương án chữa trị phù hợp cho trẻ.

Điều trị viêm va cấp bằng cách nào hiệu quả
Viêm va cấp cần phải được phát hiện và xử lý sớm. Nếu để bệnh kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp cũng rất quan trọng. Do đó, mẹ nên tìm hiểu kỹ từng biện pháp trước khi áp dụng cho con. Dưới đây là gợi ý 3 phương pháp điều trị viêm va cấp cho trẻ mẹ có thể tham khảo:
Biện pháp cải thiện viêm va cho trẻ tại nhà
Các biện pháp tại nhà sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục cho trẻ. Mẹ có thể áp dụng 3 cách sau:
- Dùng nước muối sinh lý: Các thành phần trong nước muối loãng có tác dụng sát khuẩn cao, se niêm mạc và giảm ngạt mũi. Dùng nước muối rửa lần lượt 2 bên mũi trẻ và cho trẻ súc miệng hằng ngày vào mỗi buổi sáng sẽ giúp cải thiện nhanh các triệu chứng bệnh.
- Dùng nước ấm pha nghệ vàng: Nghệ không chỉ được dùng để làm đẹp, nấu ăn mà còn có thể sát khuẩn, giảm nhiễm trùng. Cho trẻ súc miệng hằng ngày bằng nước nghệ ấm để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ: Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cơ thể trẻ chống lại được các nhân tố gây bệnh. Mẹ nên tăng cường bổ sung các loại rau xanh và trái cây chứa nhiều Vitamin A, C, E cho trẻ. Các sản phẩm từ sữa giàu canxi, vitamin D, protein cũng là nguồn dưỡng chất cần thiết của cơ thể. Chúng giảm tình trạng viêm nhiễm, khó chịu mà bệnh viêm VA gây ra. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ lượng nước cho trẻ để làm loãng dịch mũi, giảm khô họng và ngạt mũi.
Điều trị viêm VA bằng phương pháp Tây y
Để tình trạng bệnh của trẻ được kiểm soát nhanh chóng, tốt nhất cần có sự can thiệp y tế. Dựa theo mức độ bệnh và thể trạng cơ thể trẻ bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chuyên sâu.
Nhìn chung, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc hạ sốt: Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, mẹ có thể dùng thuốc chế phẩm chứa paracetamol để hạ sốt hoặc dùng thuốc nhét hậu môn.
- Thuốc sát trùng nhẹ: Mẹ có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng thuốc ephedrin 1% hoặc argyron 1%. Chúng có khả năng làm sạch mũi, sát khuẩn và loại bỏ bớt lượng dịch nhầy tích tụ trong niêm mạc.
- Thuốc làm loãng đờm: Một số loại thuốc có tác dụng làm loãng dịch mũi, giảm nghẹt mũi và chữa ho thường dùng như rhinathiol, mucomyst…

- Khí dung mũi bằng dung dịch chứa corticoid: Phương pháp này giúp giảm sưng viêm, cải thiện nhanh các triệu chứng khó chịu như sổ mũi, ngạt mũi,… Nên thận trọng khi dùng thuốc chứa Corticoid để tránh làm xuất hiện nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp viêm VA do vi khuẩn gây nên và đang có xu hướng nặng hơn. Cần tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ khi uống thuốc kháng sinh.
Trong trường hợp các loại thuốc không thể kiểm soát được tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật nạo VA.
Lưu ý: Phương pháp Tây y có khả năng chữa bệnh hiệu quả, nhanh chóng nhờ dược tính mạnh. Nhưng chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ điển hình như táo bón, buồn ngủ, chóng mặt, dạ dày…. Để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, mẹ cần tuân theo các chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian, tần suất. Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, mẹ cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc đông y chữa bệnh viêm VA
Các bài thuốc Đông y vốn nổi tiếng với độ an toàn cao, có khả năng mang lại hiệu quả sâu và toàn diện.Thuốc dùng các loại thảo dược để giải độc, thông kinh hoạt lạc, tăng cường chức năng tạng phụ. Do đó, phương pháp này có khả năng tác động từ sâu bên trong cơ thể, đẩy lùi các nhân tố gây hại. Mẹ có thể lựa chọn dùng thuốc Đông y để giúp trẻ đẩy lùi chứng bệnh từ căn nguyên gốc rễ.
Sau đây là 3 bài thuốc phổ biến thường được áp dụng trong chữa viêm VA cấp:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị tô bạc hà 7g, tân di hương 9g, hoàng bá 15g, hương bạch chỉ 10g. Sắc các loại thảo dược trên để lấy 500ml nước cốt và chia làm 2 lần cho trẻ uống trong ngày.
- Bài thuốc 2: Sắc 16g thục địa, 8g cao ban long, 8g mạch môn, 8g hoài sơn, 8g sơn thù, 8g ngưu tất, 6g ngũ vị, 4g đơn bì, 4g bạch phục linh để lấy 500ml nước cốt. Cho trẻ uống 2 lần trong ngày trong vài tuần.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị bạc hà, hoàng liên, xuyên khung mỗi loại 4g, phòng phong, khương hoạt mỗi loại 12g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g. Sắc các loại thảo dược đã chuẩn bị với nước sạch. Lấy 500ml nước cốt chia làm 2 lần uống trong ngày trong vòng 1 tháng.

Lưu ý: Thuốc Đông y tuy không gây ra tác dụng phụ như thuốc tân dược nhưng mẹ vẫn cần tuân theo mọi hướng dẫn của lương y. Không nên tự ý dùng thuốc hay đổi sang phương pháp Tây y mà chưa hỏi ý kiến của chuyên gia. Đồng thời, khi sử dụng các bài thuốc Đông y, mẹ nên kiên trì áp dụng cho trẻ trong vòng ít nhất 1 tháng. Ngoài ra, hiệu quả mà thuốc mang lại còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như cơ địa của trẻ.
Phòng ngừa và chăm sóc trẻ bị viêm VA cấp
Khi trẻ bị viêm VA cấp, cơ thể trở nên đặc biệt nhạy cảm. Một số thói quen chăm sóc trẻ hằng ngày không đúng cách có thể ngăn cản quá trình hồi phục bệnh. Do đó, để phòng ngừa viêm VA cấp phát triển, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hạn chế lượng đường và muối trong khẩu phần ăn của trẻ bởi chúng có thể làm gia tăng khả năng kích ứng
- Vệ sinh cơ thể, đặc biệt vùng họng, mũi cho trẻ hằng ngày nhằm loại bỏ các vi khuẩn, bụi bẩn bám trên da
- Khi cho trẻ ra ngoài cần chuẩn bị khẩu trang, mũ, áo che đầy đủ để ngăn ngừa vi khuẩn và các dị nguyên xâm nhập
- Tránh cho trẻ đến nơi đông người, đặc biệt không nên để người khác thơm má, ho hay hắt xì gần trẻ
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là vùng tai, bàn chân, cổ và tránh để gió lùa vào nơi trẻ nằm
- Giữ nhà cửa sạch sẽ. Đồng thời vệ sinh định kỳ chăn ga, gối cho trẻ để tránh vi khuẩn tích tụ
- Dạy trẻ cách xì mũi lần lượt từng bên một, đồng thời không cắn móng tay hay ngoáy mũi để không làm tổn thương niêm mạc
- Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc. Nên kê gối cao hơn thường ngày 1 chút để bé dễ thở hơn
- Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để tránh các bệnh lý về đường hô hấp
Mẹ tuyệt đối không được chủ quan với bệnh viêm VA cấp. Khi thấy các triệu chứng của bệnh như đã đề cập ở trên, mẹ nên chủ động cho trẻ thăm khám. Ngoài ra, bạn cần chú ý xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học cho bé. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục và đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm:
XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!