Viêm Mũi Mủ Ở Trẻ Em: Cách Xử Lý Nhanh Chóng, An Toàn Cho Bé
Trẻ em có sức đề kháng yếu, rất dễ bị các yếu tố bên trong và ngoài cơ thể tác động, dẫn đến các phản ứng quá mẫn. Một trong những vấn đề sức khỏe trẻ thường gặp phải là viêm mũi mủ. Bệnh có thể gây ra nhiều hệ quả xấu hoặc tái phát nhiều lần nếu không được xử lý sớm. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra viêm mũi mủ ở trẻ em? Và có những phương pháp điều trị nào an toàn cho trẻ. Hãy cùng tìm hiểu toàn bộ thông tin liên quan trong bài viết sau đây.
Viêm mũi mủ ở trẻ em là như thế nào? Triệu chứng nhận biết.
Viêm mũi mủ là một bệnh lý về đường hô hấp thường xảy ra ở trẻ em. Đây là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm, sung huyết đỏ và tiết ra nhiều dịch nhầy có mùi hôi.
Bệnh được chia làm 2 dạng gồm cấp tính và mãn tính. Viêm mũi mủ cấp tính xảy ra do các tác nhân đột ngột. Ngược lại, dạng mãn tính thường hình thành nên dưới sự tác động từ từ của các yếu tố gây hại, khiến bệnh khó chữa hơn.
Trẻ em bị viêm mũi mủ có thể gặp các triệu chứng điển hình sau:
- Ngạt mũi: Trẻ thường xuyên bị tắc 1 hoặc cả 2 bên mũi, phải thở bằng miệng, khò khè, ngáy khi ngủ
- Chảy dịch mũi: Mũi chảy nhiều dịch nhầy đặc, màu trắng đục hoặc xanh, vàng. Dịch có thể lẫn ít tia máu khi xì mạnh và gây đau nhức xoang mũi
- Hơi thở: Miệng và hơi thở của bé có mùi hôi lạ do dịch mủ gây nên
- Đau vùng mặt: Trẻ bị đau nhức đầu và trán thường xuyên. Các dấu hiệu này đặc biệt xảy ra vào lúc gần sáng do ban đêm dịch tiết ứ đọng nhiều
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ bị nôn mửa và có thể bị tiêu chảy trong 2-3 ngày
- Các biểu hiện khác: Ngoài các triệu chứng trên, trẻ còn có thể bị sốt, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc…
Nguyên nhân viêm mũi mủ ở trẻ em
Cha mẹ thường rất dễ nhầm lẫn giữa viêm mũi mủ với viêm mũi dị ứng, cảm cúm hay cảm lạnh… Bởi nhìn chung, các bệnh lý này đều có triệu chứng cơ bản là chảy nước mũi, nghẹt mũi, phải thở bằng miệng… Điều này khiến nhiều mẹ chủ quan dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn. Do đó, để nắm được tình trạng của con, mẹ nên cho con thăm khám sớm, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
Nhìn chung thường có 4 nhóm nguyên nhân chính sau đây:
- Nhiễm khuẩn mũi: Nhiễm khuẩn mũi có thể xảy ra khi trẻ bị viêm mũi, viêm xoang cấp hay viêm họng cấp nhưng không được xử lý kịp thời. Khi đó, tình trạng viêm kéo dài làm xuất hiện mủ mũi đặc, vàng, có mùi hôi. Ngoài ra, viêm mủ mũi có thể là hệ quả của một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp.
- Tổn thương niêm mạc: Khi trẻ gặp phải các chấn thương cơ học, tình trạng viêm mủ mũi có thể xuất hiện. Lúc này, niêm mạc mũi bị tổn thương, xuất huyết đỏ, phù nề, gây ắc tắc dịch tiết và tạo mủ…
- Các yếu tố môi trường: Một số yếu tố của môi trường có thể khiến trẻ mắc viêm mũi mủ có thể kể đến như không khí lạnh, khói bụi, lông động vật… Các tác nhân này khiến cơ thể trẻ sinh ra kháng thể igE, kích thích tiết histamin tự do. Từ đó sẽ gây ra phản ứng dị ứng và xuất tiết dịch mủ.
- Các bệnh lý cơ thể: Trẻ bị suy nhược cơ thể hay đái tháo đường cũng có nguy cơ cao bị viêm mũi mủ.
Viêm mũi mủ ở trẻ em có nguy hiểm không?
Về bản chất, viêm mũi mủ không gây nguy hiểm khi bệnh được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khuyến cáo, nếu không xử lý kịp thời cho trẻ, viêm mũi mủ làm ảnh hưởng chức năng sinh lý mũi sẽ gây ra nhiều biến chứng xấu.
Cụ thể, viêm mũi mủ dai dẳng dễ dẫn đến biến chứng hô hấp dưới như viêm phế quản mạn tính, hen phế quản… Tình trạng viêm có thể lây lan sang các khu vực khác như mắt, não…. Từ đó sẽ gây ra chứng viêm kết mạc, viêm màng não, áp-xe não…
Ngoài ra, tình trạng hô hấp khó khăn kéo dài có thể kích hoạt hội chứng ngưng thở khi ngủ, phì đại cuống mũi, tăng nguy cơ tim mạch. Một số biến chứng nguy hiểm khác có thể kể đến như viêm phổi, viêm xoang cấp, viêm tai hay viêm tai giữa cấp… Do đó, cha mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua các dấu hiệu viêm mũi mủ ở trẻ. Nếu tình trạng bệnh kéo dài trên 5 ngày, bạn cần chủ động cho trẻ thăm khám để điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị viêm mũi mủ cho trẻ em
Có rất nhiều cách điều trị viêm mũi mủ cho trẻ mang lại hiệu quả cao. Mẹ có thể tham khảo 3 phương pháp chính sau đây:
Cải thiện các triệu chứng viêm mũi mủ cho trẻ tại nhà
Việc chữa trị tại nhà thường có hiệu quả cao đối với các trường hợp khởi phát, khi triệu chứng viêm mũi chưa nghiêm trọng. Sau đây là 3 gợi ý cách chữa viêm mũi mủ tại nhà an toàn cho trẻ:
- Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối loãng: Nước muối có tính sát trùng, kháng khuẩn cao, có tác dụng loại bỏ dịch nhầy, hạn chế viêm nhiễm lan rộng. Bạn nên dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ thường xuyên để làm giảm triệu chứng viêm mũi mủ nhanh chóng.
- Massage và ấn huyệt cho trẻ: Nếu am hiểu về các thủ thuật bấm huyệt, đây sẽ là một phương pháp mang lại hiệu quả bất ngờ. Việc làm này giúp lưu thông khí huyết và hỗ trợ làm mềm dịch mủ trong hốc mũi. Dùng tay ấn nhẹ vào huyệt đường và huyệt nghinh hương, kết hợp massage vùng cánh mũi để giảm bớt khó chịu cho trẻ.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Để hỗ trợ chữa viêm mũi mủ, mẹ nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đủ vitamin và các dưỡng chất cho trẻ. Bên cạnh đó, cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết để giúp làm loãng các dịch mủ, giảm sưng niêm mạc.
Điều trị viêm mũi mủ ở trẻ bằng phương pháp Tây y
Viêm mũi mủ khiến trẻ luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, biếng ăn. Để giảm nhanh các triệu chứng bệnh, mẹ có thể lựa chọn sử dụng thuốc Tân dược. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, trẻ em sẽ được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc chống xung huyết: Loại thuốc này có tác dụng giảm phù nề niêm mạc, hạn chế xuất tiết dịch, cải thiện nhanh tình trạng viêm mũi mủ ở trẻ. Xylometazolin 0,05% là loại thuốc thông dụng nhất, có thể được chỉ định cho cả trẻ sơ sinh. Ngoài ra còn có một số loại thuốc khác như naphazolin 0,05-0,1%, ephedrine 0,1-0,3%… Thuốc chỉ nên dùng trong khoảng 1 tuần để tránh bị nhờn và gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Thuốc làm săn khô niêm mạc mũi: Loại thuốc thường dùng là Argyrol nhóm muối bạc. Thuốc giúp giảm sưng viêm, se niêm mạc và giảm lượng dịch mủ ứ đọng trong khoang mũi. Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc dưới 10 ngày.
- Thuốc chống xuất tiết: Trẻ có thể được chỉ định nhóm thuốc kháng histamin H1 như Loratidin, desloratidin… Các loại thuốc này hoạt động dựa trên sự ức chế các hoạt chất histamin, phong bế thụ thể H1 ở ngoại biên. Từ đó làm giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi mủ ở trẻ.
- Thuốc giảm phù nề, kháng viêm: Một số loại thuốc phổ biến gồm amitase, alphachymotrypsine, corticoid… Các loại thuốc này có chứa enzym ức chế quá trình viêm nhiễm giúp ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Cha mẹ không nên cho trẻ lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc chứa corticoid. Lý do bởi chúng có thể gây ra các tác dụng phụ như loãng xương, loét dạ dày, suy thận…
Lưu ý: Thuốc tân dược được kê đơn dựa trên tình trạng sức khỏe, cơ địa, mức độ bệnh, độ tuổi hoặc cân nặng của trẻ. Do đó, việc sử dụng thuốc Tây cần tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về chữa cho trẻ. Trong quá trình dùng thuốc theo chỉ định, nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, mẹ cần báo ngay cho các chuyên gia biết. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ vận động nhiều khi vừa uống thuốc xong, ít nhất là 30 phút- 1 tiếng.
Chữa viêm mũi mủ cho trẻ bằng Đông y
Nếu lo sợ thuốc tân dược gây ra nhiều tác dụng phụ cho trẻ, bạn có thể lựa chọn điều trị theo Đông y. Biện pháp này dùng các loại thảo dược như cây nhọ nồi, hạ khô thảo, cây hoa ngũ sắc, bạc hà, bách bộ, kim ngân cành,… bào chế và kết hợp với nhau theo 1 tỷ lệ nhất định, phù hợp với thể trạng của trẻ. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ tạng phủ, thông kinh hoạt lạc. Từ đó giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh từ bên trong cơ thể.
So với điều trị tại nhà hoặc dùng thuốc Tây, phương pháp này được đánh giá cao hơn về tính an toàn và hiệu quả sâu. Các bài thuốc Đông y có khả năng chữa bệnh từ căn nguyên, có tác dụng lâu dài, toàn diện. Đồng thời còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa bệnh tái phát.
Biện pháp phòng ngừa viêm mũi mủ cho trẻ mẹ cần biết
Viêm mũi mủ ở trẻ không quá nguy hiểm nhưng lại khó có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Bệnh có thể tái phát nhiều lần nếu mẹ không có phương pháp phòng ngừa đúng cách cho trẻ. Việc để bệnh tái diễn thường xuyên sẽ làm xuất hiện các biến chứng xấu và tốn thời gian chữa trị. Do đó, mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hằng ngày, đặc biệt chú ý vệ sinh vùng mũi họng và răng miệng
- Giữ ấm cơ thể trẻ, nhất là vào lúc giao mùa, trời trở lạnh. Chú ý phần cổ, mũi và tai trẻ bởi đây là khu vực nhạy cảm dễ nhiễm lạnh
- Luôn tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ cho trẻ. Thường xuyên giặt giũ chăn gối, rèm cửa để tránh vi khuẩn, nấm mốc tích tụ nhiều
- Khi cho trẻ ra ngoài, cần chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, dụng cụ che chắn để tránh các dị nguyên xâm nhập vào cơ thể trẻ
- Có thể dùng máy lọc không khí hoặc máy tạo ẩm, hạn chế dùng điều hòa, máy lạnh cho trẻ
- Tập cho trẻ các bài thể dục nhẹ nhàng giúp tăng sức đề kháng cơ thể
Viêm mũi mủ ở trẻ em cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, mẹ luôn phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp mẹ có thêm các kiến thức hữu ích để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con trẻ.
Bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!