Viêm mũi dị ứng thời tiết: Nguyên nhân và cách chữa hiệu quả

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Tai mũi họng | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh lý nhiều người gặp phải với những biểu hiện rất dễ nhận biết. Vậy nguyên nhân và cách chữa trị viêm mũi dị ứng thời tiết ra sao? Có thể phòng ngừa bệnh lý bằng những phương pháp nào? Những thông tin được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.

Viêm mũi dị ứng thời tiết
Viêm mũi dị ứng thời tiết thường phát triển mạnh khi thời tiết trở lạnh hay các thời điểm giao mùa

Viêm mũi dị ứng thời tiết là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Viêm mũi dị ứng thời tiết là một dạng bệnh lý gây viêm nhiễm niêm mạc bên trong của mũi, do người bệnh có sự tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng liên quan đến thời tiết. Ví dụ như:

  • Sự xuất hiện của phấn hoa, không khí, nấm mốc,…
  • Nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng sang này hoặc ngược lại.

Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều phổ biến là khi thời tiết chuyển lạnh. Viêm mũi dị ứng do thời tiết có thể gặp phải ở mọi đối tượng, tuy nhiên thường gặp nhất là ở người trưởng thành và trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

Theo các chuyên gia, viêm mũi dị ứng thời tiết có mối liên quan mật thiết với hiện tượng dị ứng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu xuất phát từ phản ứng của cơ thể khi phải chịu sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, thời tiết. Lúc này, các phản ứng dị ứng tức thời sẽ diễn ra ngay tại niêm mạc của mũi, gây viêm và kích thích niêm mạc của người bệnh.

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra với trẻ nhỏ và người có cơ địa dễ bị dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường xảy ra với trẻ nhỏ và người có cơ địa dễ bị dị ứng

Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như:

  • Người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém, dễ bị dị ứng.
  • Người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh lý dị ứng.
  • Người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như hen suyễn, xoang, viêm phế quản.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết

Ngay khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, hệ miễn dịch cơ thể sẽ giải phóng hoạt chất trung gian Histmine nhằm chống lại chúng. Đây cũng chính là nhân tố gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng do thời tiết thường xuất hiện theo từng đợt, bao gồm:

  • Ngứa mũi: Người bệnh thường cảm thấy ngứa hai bên hốc mũi. Đôi khi, cảm giác ngứa lan rộng vào xoang hàm, xuống họng và lên tới mặt. Mức độ ngứa phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người.
  • Hắt hơi: Đây là triệu chứng cơ bản mà người bệnh gặp phải. Các cơn hắt hơi kéo dài liên tục và rất khó có thể kiềm chế. Đây cũng là phản xạ nhanh chóng nhất của cơ thể phản ứng lại với các dị nguyên, nhằm mục đích loại bỏ chúng ra khỏi niêm mạc.
  • Chảy nước mũi: Xuất hiện sau các triệu chứng hắt hơi, ngứa mũi. Nước mũi thường loãng, trong và không có mùi. Thường chảy nhiều hơn vào sáng sớm và tối muộn, có khi chảy thành các giọt.
  • Tắc mũi: người bệnh có thể cảm thấy tắc mũi theo từng đợt hoặc kéo dài liên tục. Có thể tắc một bên hoặc cả hai bên mũi, gây các cảm giác khó chịu.
  • Ngạt mũi, ù tai, đau đầu: Thường gặp với trường hợp bệnh lý đã chuyển sang giai đoạn mãn tính.
  • Các triệu khác: Ngủ ngáy, rối loạn khứu giác, mệt mỏi kéo dài,…
Hắt hơi, ngạt mũi là những triệu chứng cơ bản mà người bệnh gặp phải
Hắt hơi, ngạt mũi là những triệu chứng cơ bản mà người bệnh gặp phải

Cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiết

Viêm mũi dị ứng thời tiết không gây nguy hiểm đối với tính mạng người bệnh, nhưng thường kéo dài, gây cảm giác khó chịu và phiền toái. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác như viêm xoang, hen suyễn, polyp mũi,… Do đó, việc triển khai điều trị sớm là thực sự cần thiết.

Mẹo chữa viêm mũi thời tiết tại nhà

Ở giai đoạn khởi phát với những triệu chứng nhẹ, bệnh có thể được cải thiện bằng một số phương pháp đơn giản, thực hiện ngay tại nhà như:

  • Dùng nước muối sinh lý: Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ dịch nhầy gây viêm nhiễm niêm mạc mũi. Ngoài ra, bạn cũng nên súc miệng bằng nước muối hàng ngày để ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
  • Xông hơi cho mũi: Người bệnh có thể thực hiện xông hơi cho mũi nhằm loại bỏ dịch nhầy, chất bẩn giúp khoang mũi thông thoáng và dễ chịu hơn. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng một vài giọt tinh dầu thơm như bạc hà, hoa hồng… cho vào chậu nước nóng. Sau đó, đưa mũi tới gần và vẫn hít thở bình thường.
  • Dùng giấm táo: Giấm táo có chứa các chất kháng histamin và hỗ trợ hệ miễn dịch cho cơ thể. Bạn có thể dùng giấm táo chữa viêm mũi dị ứng bằng cách hòa tan 2 muỗng giấm táo nguyên chất, 1 ít mật ong, vài giọt nước chanh với một ly nước ấm và dùng uống hàng ngày.
  • Sử dụng gừng tươi: Dùng hỗn hợp bột gừng, quế, đinh hương và nước lọc đun sôi, thêm mật ong, nước cốt chanh để tạo thành một hỗn hợp dùng để uống hàng ngày. Gừng có tác dụng như một dạng kháng sinh tự nhiên, giúp tăng cường hệ miễn dịch, kháng viêm và cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh lý.
Gừng tươi là mẹo chữa viêm mũi dị ứng tại nhà khá hiệu quả
Gừng tươi là mẹo chữa viêm mũi dị ứng tại nhà khá hiệu quả

Dùng thuốc chữa bệnh

Nếu các triệu chứng viêm mũi dị ứng có hiện tượng tăng nặng, gây ra sự khó chịu thì người bệnh cần phải sử dụng một số loại thuốc đặc trị, ví dụ như:

Thuốc kháng histamine

Thông thường, người bị viêm mũi dị ứng thời tiết thường được bác sĩ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc kháng histamin dạng uống hoặc dạng xịt. Thuốc có tác dụng ức chế quá trình sản sinh ra hoạt chất histamin, gây các triệu chứng khó chịu của bệnh lý. Nhóm thuốc kháng histamin thường dùng có:

  • Cetirizine
  • Desloratadine
  • Levocetirizine
  • Fexofenadine
  • Diphenhydramine
  • Loratadine

Nhóm thuốc kháng histamin có thể gây ra các tác dụng phụ khi sử dụng như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, bí tiểu,… Do đó, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc trị viêm mũi dị ứng theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Chỉ nên sử dụng các loại thuốc kháng histamin khi có sự chỉ định của bác sĩ
Chỉ nên sử dụng các loại thuốc kháng histamin khi có sự chỉ định của bác sĩ

Nhóm thuốc có chứa Decongestant

Thuốc chứa decongestant được dùng trong điều trị các triệu chứng bệnh lý của viêm mũi dị ứng như thông xoang, giảm nghẹt – tắc mũi. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng thuốc quá 3 ngày hay quá lạm dụng thuốc. Bởi điều này có thể gây ra các tác dụng không mong muốn hoặc gây các tác động xấu nên sức khỏe, khiến bệnh trở nặng.

Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định dành cho người bệnh như:

  • Phenylephrine
  • Thuốc xịt Oxymetazoline
  • Pseudoephedrine
  • Cetirizine

Phòng ngừa hiệu quả viêm mũi dị ứng thời tiết

Cùng với việc thực hiện các phương pháp điều trị, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học để quá trình điều trị hiệu quả nhanh chóng hơn. Đồng thời, phòng ngừa hữu hiệu nguy cơ tái phát của bệnh lý.

Người bị viêm mũi dị ứng do thời tiết ăn gì tốt nhất?

  • Các loại rau củ, hoa quả tươi có chứa nhiều vitamin C, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng và củng cố hệ miễn dịch cho cơ thể. Ví dụ như: ớt chuông, bưởi, cà rốt, cherry, khế, rau cải xanh,…
  • Thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá mòi, đậu nành, hạt lanh, đậu lăng, rau chân vịt,… Nhóm thực phẩm này giúp ngăn ngừa hiệu quả các phản ứng gây sưng tấy đường hô hấp, nên rất tốt cho người bệnh.
  • Các thực phẩm hay gia vị có tính ấm và tinh dầu như hành, tỏi, gừng, rau mùi, bạc hà, rau ngổ,… Nhờ việc chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên, chúng có khả năng ngăn ngừa hiệu quả viêm mũi dị ứng.

Người bị viêm mũi dị ứng do thời tiết cần tránh ăn gì?

  • Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tránh:
  • Các loại thực phẩm có tính lạnh, tanh và chứa nhiều chất béo no như thịt gà, ốc, tôm, cua, hải sâm, thịt mỡ,…
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng như dâu tây, đậu phộng, nấm, nhộng tằm,… hay các loại thực phẩm chứa nhiều protein có bản chất gần giống với các tác nhân gây dị ứng như thịt bò, dưa hấu, lê, cần tây, đào,…
  • Đồ uống lạnh như kem, nước đá,…
  • Sữa và sản phẩm được làm từ sữa.
  • Thực phẩm, gia vị có tính chất cay nóng như ớt, hạt tiêu,…
  • Các thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia, hương liệu. Thức ăn được chế biến sẵn và đóng hộp.

Chế độ sinh hoạt đối với người bệnh

Để chủ động trong việc phòng ngừa bệnh lý, người bệnh nên:

Người bệnh nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường sống
Người bệnh nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường sống
  • Khi thời tiết chuyển lạnh cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, tay và chân.
  • Thực hiện vệ sinh tai – mũi – họng đúng cách và thường xuyên.
  • Giữ vệ sinh môi trường sống. Thường xuyên dọn dẹp, giặt giũ chăn gối, đảm bảo không gian luôn thoáng mát, sạch sẽ.
  • Với người có tiền sử hoặc cơ địa dễ bị dị ứng, nên tránh xa các tác nhân gây bệnh như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật.
  • Tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và những đồ uống có cồn hay các chất kích thích.
  • Thăm khám – chẩn đoán bệnh lý khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh.

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý xảy ra khi thời tiết thay đổi bất thường, đặc biệt là đối với người có cơ địa dễ bị dị ứng. Chính vì vậy, người bệnh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh và thực hiện điều trị bệnh lý nhằm hạn chế các biến chứng tiêu cực có thể xảy ra.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi
Zalo