Viêm mũi cấp: Nguyên nhân và cách trị hiệu quả, an toàn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Tai mũi họng | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Viêm mũi cấp là một bệnh lý khá phổ biến có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Bệnh thường gây ra cảm giác khó thở, mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nắm bắt được triệu chứng và các nguyên nhân sẽ giúp bạn xác định được hướng điều trị phù hợp.  

Viêm mũi cấp là gì? Triệu chứng thường gặp

Viêm mũi cấp là một bệnh lý về đường hô hấp. Đây thực chất là phản ứng của hệ miễn dịch trước các nhân tố gây hại, dẫn đến niêm mạc mũi bị viêm nhiễm. Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi.

Viêm mũi cấp là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến
Viêm mũi cấp là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến

Tình trạng viêm thường chỉ kéo dài dưới 4 tuần, nếu trên 12 tuần sẽ được xếp vào viêm mũi mạn tính. Bệnh thường xuất hiện phổ biến vào mùa lạnh và có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp.

Các triệu chứng điển hình của viêm mũi cấp

Nhìn chung, viêm mũi cấp thường có triệu chứng điển hình là nghẹt mũi, chảy nhiều dịch nhầy. Các dịch tiết ban đầu có màu trắng trong, nhầy nhớt, sau đó có thể chuyển thành mủ màu vàng đặc. Người bệnh sẽ thấy khứu giác bị suy giảm, nặng mũi và khó ngửi. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ có nhiều triệu chứng khác đi kèm.

Cụ thể, viêm mũi cấp được chia làm 3 giai đoạn với các dấu hiệu khác như sau:

  • Giai đoạn 1: Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh thường cảm thấy nóng rát và đau họng, ngạt mũi, hắt hơi liên tục. Bên cạnh đó, niêm mạc trở nên đỏ và phù, họng mũi bị khô, gây ra tình trạng khàn tiếng, khó chịu. Đôi khi, người bị viêm mũi cấp giai đoạn 1 có thể bị sốt nhẹ và đau nhức vùng mặt, trán, thái dương…
  • Giai đoạn 2: Niêm mạc bắt đầu ẩm hơn, tăng xuất tiết niêm dịch, giảm tình trạng khô căng và phù nề. Bệnh nhân ở giai đoạn 2 sẽ cảm thấy dễ chịu và ngửi khá hơn.
  • Giai đoạn 3: Vào giai đoạn này, dịch xuất tiết hòa lẫn thành phần biểu mô và bạch cầu thoái hóa, trở thành niêm dịch mủ. Từ đây, lượng dịch nhờn giảm đi nhanh chóng, các triệu chứng viêm mũi cấp lui dần rồi biến mất.
Các triệu chứng viêm mũi cấp gây khó chịu cho người bệnh
Các triệu chứng viêm mũi cấp gây khó chịu cho người bệnh

Như vậy, các dấu hiệu của viêm mũi cấp có thể được cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, một số người bị suy nhược cơ thể, sức đề kháng yếu có thể gặp tình trạng vi khuẩn bội nhiễm. Lúc này viêm nhiễm kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu như viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa hay viêm mũi mạn tính.

Nguyên nhân viêm mũi cấp

Theo các chuyên gia y tế, có đến 60-80% trường hợp viêm mũi cấp xảy ra do các loại virus. Các virus này xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số bệnh nhiễm trùng mà biểu hiện đặc trưng là chứng viêm mũi cấp. Khoảng 20% người bệnh bị viêm mũi cấp tính do các loại vi khuẩn như phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu… Và số ít trường hợp là do các dị nguyên trong môi trường.

Viêm mũi cấp do virus

Virus là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm mũi cấp. Một số loại virus như adenovirus, rhinovirus, myxovirus… sẽ làm xuất hiện một số bệnh lý nhiễm trùng. Và viêm mũi cấp có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý này. Cụ thể:

  • Viêm mũi cấp do cúm: Cúm là bệnh do virus Influenza gây ra, có khả năng lây lan nhanh và tạo thành dịch. Khi bị cúm, người bệnh sẽ gặp các dấu hiệu của viêm mũi cấp như ngứa, cay ở mũi, sổ mũi, nghẹt mũi… Tình trạng viêm thường lan nhanh xuống họng dẫn đến ho khan từng cơn và đau họng. Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng toàn thân như sốt cao, rét, đau nhức người, nôn mửa, tiêu chảy…
  • Sởi gây ra viêm mũi cấp: Viêm mũi là một trong những triệu chứng cơ bản đầu tiên của sởi. Virus sởi xâm nhập vào niêm mạc, gây nên tình trạng sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt… Một số triệu chứng đi kèm gồm sốt cao, viêm kết mạc, mi mắt phù nề, khó thở, máu lẫn dịch mũi, ban sởi…

Viêm mũi cấp do vi khuẩn

Một số loại vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, haemophilus Influenzae… cũng có thể gây nên các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó có viêm mũi cấp tính.

Một số vi khuẩn thường trú ngụ trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh. Khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh mẽ. Lúc này, chúng có thể làm xuất hiện các triệu chứng như đau nhức mặt, ngạt mũi, chảy dịch mũi màu vàng/ xanh, ho khan…

Có khoảng 20% trường hợp viêm mũi cấp do vi khuẩn gây ra
Có khoảng 20% trường hợp viêm mũi cấp do vi khuẩn gây ra

Một số yếu tố thuận lợi khác

Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm mũi cấp chính là sự xâm nhập của các dị nguyên hay các yếu tố thuận lợi. Cụ thể:

  • Thời tiết: Thời tiết trở lạnh đột ngột hay ẩm ướt kéo dài sẽ làm xuất hiện chứng viêm mũi ở một số người. Các biểu hiện phản ứng cơ thể thường gặp như chảy nước mũi trong, hắt hơi, ngạt mũi 1 hoặc 2 bên…
  • Các chất gây kích ứng: Việc tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, chất hóa học, hương liệu, thuốc lá,… sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi cấp
  • Dị vật: Viêm mũi cấp do dị vật thường xảy ra ở những trẻ từ 2-6 tuổi. Các loại hạt hay dị vật nhỏ có thể bị hít sâu vào hốc mũi trong quá trình trẻ chơi đùa. Các dị vật lâu ngày bị kẹt lại sẽ hình nên mủ mũi xanh hoặc vàng, gây ngạt mũi. Các triệu chứng đi kèm có thể kể đến như trẻ bị sốt, ớn lạnh, đau nhức mũi…

Cách điều trị viêm mũi cấp hiệu quả

Để điều trị viêm mũi cấp, người bệnh có thể lựa chọn 1 trong 3 phương pháp phổ biến gồm trị tại nhà, dùng thuốc Tây y và thuốc Đông y. Mỗi cách chữa sẽ có những đặc điểm riêng. Hiểu rõ từng phương pháp sẽ giúp bạn lựa chọn được cách điều trị phù hợp nhất cho mình.

Cách giảm viêm mũi tại nhà

Tình trạng viêm mũi cấp đa số đều tự biến mất sau 7-10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng cách trị bệnh tại nhà để đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe. Nhìn chung, có 3 cách chữa viêm mũi tại nhà an toàn và phổ biến như sau:

  • Làm sạch và thông mũi bằng nước muối: Trong nước muối có chứa thành phần kháng khuẩn cao, giúp làm sạch và giảm dịch nhầy trong mũi hiệu quả. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý cho vào dụng cụ thông mũi chuyên dụng rồi xịt trực tiếp vào mũi để làm sạch khoang mũi.
Trị viêm mũi cấp tại nhà cần chú ý thực hiện đúng cách
Trị viêm mũi cấp tại nhà cần chú ý thực hiện đúng cách
  • Xông hơi với các loại lá tự nhiên: Trong một số loại lá có chứa nhiều tinh dầu giúp cải thiện nhanh các dấu hiệu của viêm mũi cấp. Bạn có thể dùng lá chanh, lá lốt… đun sôi với nước rồi trùm chăn xông cho đến khi nước nguội. Cách làm này giúp làm tan các chất nhầy bị tắc trong mũi, giảm ngứa mũi và họng.
  • Ăn cháo thịt bò và tỏi: Ninh 60g gạo tẻ thành cháo rồi cho 100g thịt bò thái miếng, 60g tỏi tươi vào đun thêm 3 phút rồi tắt bếp. Cho thêm gia vị, rau thơm vào và ăn nóng trong ngày. Món ăn này giúp người bệnh giảm xuất tiết mũi, giúp mũi thông thoáng hơn.

Lưu ý: Do sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, biện pháp tại nhà được đánh giá là an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện. Song chúng chỉ có tác dụng cải thiện tạm thời tình trạng khó chịu của viêm mũi cấp. Với trường hợp bệnh nặng sẽ không thể điều trị tận gốc và lâu dài.

Điều trị viêm mũi bằng thuốc tây y

Thuốc Tây y là một trong những phương pháp điều trị viêm mũi cấp hiệu quả mà nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải dựa trên sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi bị viêm mũi cấp, bạn có thể được chỉ định một số loại thuốc sau:

  • Thuốc co mạch dạng nhỏ hoặc bôi mũi: Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như Ephedrin 2%, Napthasolin 0,1% để giảm nhanh tình trạng tịt mũi, phù nề, nhiều dịch…
  • Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc này có khả năng ức chế sự hoạt động của các tuyến dịch nhầy. Bên cạnh đó còn có tác dụng cải thiện nhanh các dấu hiệu dị ứng khác.
  • Thuốc chống xung huyết: Thuốc chống xung huyết là loại thuốc thường được sử dụng trong một thời gian ngắn. Thuốc có tác dụng trị nghẹt mũi, sổ mũi, sưng mắt…do viêm mũi gây ra.
  • Xông khí dung mũi bằng dung dịch chứa corticoid: Thuốc xông chứa corticoid có tác dụng chống phù nề, sung huyết và giảm nhanh các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi… Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân cần tránh lạm dụng để không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh thường được chỉ định cho các trường hợp viêm mũi cấp xuất hiện nhiều mủ. Một số loại thuốc phổ rộng thường dùng là augmentin, doncef…
Thuốc Tây y giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh
Thuốc Tây y giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh

Lưu ý: Thuốc tân dược mang lại hiệu quả cao, đẩy lùi các triệu chứng bệnh nhanh chóng. Nhưng chúng chỉ có khả năng làm thuyên giảm các dấu hiệu bên ngoài mà không trị được tận gốc. Nếu sử dụng thuốc Tây, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngưng sử dụng hay chuyển sang các loại thuốc khác mà chưa hỏi ý kiến chuyên gia.

Dùng thuốc đông y chữa viêm mũi

Theo Đông y, viêm mũi cấp thuộc chứng thực, hình thành nên do ngoại tà xâm nhập, chính khí bị thương tổn. Để trị bệnh, các bài thuốc tập trung vào thông kinh hoạt lạc, giải độc, thanh nhiệt, tăng chức năng tạng phủ.

Nhờ đó, thuốc Đông y có khả năng chữa bệnh từ sâu bên trong, ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, để phương pháp này phát huy hiệu quả cao, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của lương y. Bên cạnh đó phải kiên trì áp dụng đều đặn trong một khoảng thời gian dài.

Bạn có thể áp dụng bài thuốc sau:

  • Chuẩn bị: Tang bạch bì 10g, quế chi 8g, bạch chi 12g, bạch truật 12g, cam thảo 4g, ké đầu ngựa 16g, tế tân 6g, xuyên khung 16g, gừng 4g, hoài sơn 16g.
  • Thực hiện: Sắc các thảo dược trên, lấy nước cốt rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Thực hiện hằng ngày và uống sau ăn 1 giờ để có hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý chăm sóc và phòng tránh bệnh viêm mũi cấp

Người bị viêm mũi cấp cần có lối sống khoa học và các biện pháp chăm sóc đúng cách để giảm nhanh chứng bệnh. Đồng thời có thể hạn chế khả năng tái phát. Cụ thể:

Các biện pháp chăm sóc đúng cách giúp cải thiện nhanh các triệu chứng bệnh
Các biện pháp chăm sóc đúng cách giúp cải thiện nhanh các triệu chứng bệnh
  • Vệ sinh mũi họng thường xuyên để giảm tình trạng tắc niêm mạc, ngạt mũi, tích tụ vi khuẩn
  • Luôn giữ không gian xung quanh, môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát để không làm tích tụ vi khuẩn, dị nguyên…
  • Luôn trang bị đầy đủ khẩu trang, vật che chắn khi ra ngoài nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, chất hóa học, chất kích thích…
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vào lúc giao mùa, thời tiết trở lạnh
  • Bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể để cân bằng điện giải, giảm xuất tiết dịch quá mức
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung rau xanh và các loại hoa quả giàu vitamin.
  • Rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thường xuyên và điều độ. Việc làm này giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ chức năng hệ tim mạch và cơ quan hô hấp

Viêm mũi cấp sẽ không còn là nỗi lo nếu bạn hiểu rõ bệnh và có phương pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về chứng bệnh này.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi
Zalo