Viêm họng hạt mãn tính
Viêm họng hạt mãn tính không có các dấu hiệu đặc trưng mà khá giống với các bệnh lý đường hô hấp cấp thông thường. Do đó, người bệnh thường chủ quan với tình trạng quá phát này mà không biết nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Để hiểu hơn về bệnh lý viêm họng hạt mãn tính nhằm chủ động trong việc phòng và chữa bệnh, mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau.
Viêm họng hạt mãn tính là gì?
Khi bệnh viêm họng kéo dài, các tế bào lympho phải làm việc liên tục để thực hiện chức năng tiêu diệt vi khuẩn, bảo vệ vùng họng. Lúc này, tổ chức bạch huyết trở nên suy yếu và bị vi khuẩn, vi rút tấn công ngược trở lại, dẫn đến tạo thành ổ nhiễm trùng và hình thành các hạt có kích thước khác nhau nằm phía sau thành họng. Tình trạng này được gọi là viêm họng hạt và được xếp vào 1 dạng quá phát của viêm họng.
Viêm họng hạt trải qua thể cấp tính và không được điều trị dứt điểm sẽ chuyển sang dạng mãn tính. Lúc này, bệnh dễ gây ra các biến chứng xấu nếu không được kiểm soát tốt.
Nguyên nhân của viêm họng hạt mãn tính
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm họng hạt mãn tính là virus, vi khuẩn và nấm. Khi cơ thể suy yếu, virus sẽ thừa cơ xâm nhập vào niêm mạc họng, phá hủy thành tế bào và tạo ra các ổ viêm, làm xuất hiện tình trạng viêm họng hạt. Lúc này, vi khuẩn và nấm mốc cũng tấn công vào và lây lan ra khắp các vùng xung quanh, khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng và khó chữa hơn. Cụ thể, các yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc,… tấn công niêm mạc họng gồm:
- Viêm xoang: Lượng dịch nhầy tiết ra quá nhiều trong các xoang mũi sẽ bị tích tụ lại và tràn xuống vùng họng. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố gây bệnh tấn công làm phù nề, viêm nhiễm niêm mạc họng. Từ đó dẫn đến viêm họng hạt quá phát.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh trào ngược dạ dày khiến dịch axit và thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản. Lúc này, lượng vi khuẩn tồn tại trong axit dạ dày sẽ kích thích và tấn công niêm mạc họng, gây ra các triệu chứng đau rát, sưng tấy ở vòm họng. Đồng thời các tế bào lympho hoạt động quá mức nhằm tiêu diệt vi khuẩn sẽ bị phình to, hình thành nên bệnh lý viêm họng hạt.
- Vệ sinh răng miệng sai cách: Việc không vệ sinh răng miệng thường xuyên hoặc đánh răng không kỹ sẽ khiến các tác nhân gây bệnh tích tụ ngày càng nhiều mà không được loại bỏ. Cùng với đó, nhiều người có thói quen dùng bàn chải cứng hoặc đánh răng mạnh. Điều này làm rách các mô mềm, tạo điều kiện để nấm và vi khuẩn xâm nhập vào vùng nhiễm khuẩn. Từ đó khiến vùng họng ngày càng bị tổn thương sâu và khó chữa lành.
- Các yếu tố khác: Một số yếu tố khác như thời tiết lạnh, thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, lối sống thiếu khoa học,… cũng có thể khiến các triệu chứng của viêm họng hạt trở nên phức tạp hơn, làm bệnh chuyển sang dạng quá phát.
Triệu chứng của bệnh viêm họng hạt mãn tính
Viêm họng hạt mãn tính thường có các triệu chứng tương tự như viêm họng, viêm họng hạt cấp, viêm amidan,… Tuy nhiên, các dấu hiệu thường biểu hiện rõ hơn sau nhiều lần tái phát. Chúng gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người bệnh. Các triệu chứng điển hình gồm:
- Ngứa, rát cổ họng: Viêm họng hạt mãn tính thường gây ra những cơn ngứa họng dữ dội và khiến người bệnh luôn có cảm giác như có dị vật trong họng. Do đó, người bệnh thường xuyên có biểu hiện muốn khạc nhổ, khi nói cũng phải hắng giọng.
- Cổ sưng đỏ và nổi hạch: Tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc kéo dài khiến các mô lympho ở họng ngày càng phình to, dẫn đến hình thành nên các hạt nhỏ liên kết với nhau bằng các mạch máu. Các triệu chứng này biểu hiện ra bên ngoài và làm cổ họng bị sưng tấy, đỏ ửng, đặc biệt là nổi hạch cứng, sờ vào sẽ thấy đau.
- Đau họng: Các cơn đau họng thường kéo dài âm ỉ và gây khó chịu cho người bệnh, khiến quá trình ăn uống, nói chuyện gặp khó khăn.
- Ho có đờm: Khác với các dấu hiệu ho khan ở dạng cấp tính, viêm họng hạt mãn tính làm xuất hiện những đợt ho dai dẳng kèm đờm đặc có màu trắng.Triệu chứng này thường xuất hiện về đêm khiến người bệnh bị mất ngủ và ngủ không sâu giấc.
- Sốt cao: Khi bị viêm họng hạt quá phát, người bệnh có thể bị sốt cao lên đến 39- 40 độ kèm đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nhức mỏi người,…
- Các biểu hiện khác: Viêm họng hạt mãn tính còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như khô họng, mất tiếng, hắt hơi sổ mũi, chán ăn, suy nhược cơ thể,…
Biến chứng của viêm họng hạt mãn tính
Viêm họng hạt mãn tính rất khó chữa và dễ gây ra nhiều biến chứng do ổ viêm lúc này đang lây lan nhanh và phát triển mạnh. Vi khuẩn, vi rút và các yếu tố gây bệnh từ vòm họng có thể tấn công sang các khu vực xung quanh, dẫn đến một số biến chứng bệnh lý như:
- Viêm tai giữa
- Viêm xoang mãn tính
- Viêm phổi
- Viêm phế quản
- Áp xe thành họng
Đặc biệt, nếu không cảnh giác, viêm họng hạt quá phát có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm như viêm cầu thận, ung thư vòm họng, nhiễm trùng máu, viêm màng bên ngoài tim,…
Nhìn chung, viêm họng hạt mãn tính là bệnh lý phức tạp và khá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh thực hiện theo 1 pháp đồ hoàn chỉnh và xây dựng 1 lối sống khoa học, bệnh vẫn có thể được điều trị dứt điểm.
Điều trị viêm họng hạt mãn tính
Để thực hiện điều trị viêm họng hạt mãn tính, trước tiên người bệnh cần tránh xa các tác nhân dễ gây kích ứng như khói bụi, rượu bia, thuốc lá, chất hóa học,… Điều này sẽ giúp bảo vệ được niêm mạc họng, tránh tổn thương lan rộng. Sau đó, việc điều trị sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc loại bỏ ổ viêm xung quanh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh cụ thể hoặc cải thiện nhanh các triệu chứng ngừa biến chứng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cụ thể, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:
Chữa viêm họng hạt mãn tính bằng bài thuốc dân gian
Trong dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc chữa viêm họng hạt được thực hiện từ các loại thảo dược tự nhiên như khoai tây, mật ong, tỏi, hành tây, lá bạc hà,… Các thành phần có trong những nguyên liệu này được chứng minh có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn, nấm men, virus gây bệnh ở người. Đồng thời giúp làm long đờm, thông cổ họng, trị khàn tiếng và giảm đau rát họng hiệu quả. Các bài thuốc được áp dụng phổ biến gồm:
- Nước ép khoai tây: Đầu tiên, gọt vỏ khoai tây và rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó cắt nhỏ và cho vào máy say để say nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Người bệnh dùng nước cốt này để súc miệng 2-3 lần mỗi ngày trong vòng khoảng 10 ngày sẽ giúp giảm sưng viêm và ngứa rát họng hiệu quả.
- Trà mật ong: Gừng đem cạo vỏ, rửa sạch rồi giã nát để lấy nước cốt. Sau đó hòa tan 1 thìa mật ong với nước cốt gừng và thực hiện uống mỗi ngày 2 lần. Áp dụng đều đặn từ 7- 10 ngày, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng của viêm họng hạt thuyên giảm rõ rệt.
- Bài thuốc từ hành tây: Thái lát mỏng ½ củ hành tây và hấp cách thủy cùng 1 ít đường phèn dạng nghiền. Thực hiện chưng trong khoảng 5 phút thì tắt bếp, để nguội và ăn cả nước cả cái.
- Xông mũi với tỏi: Đập dập vài tép tỏi tươi rồi thả vào 1 nồi nước sôi. Sau đó xông mũi họng cho đến khi nước nguội hẳn. Cách này sẽ giúp làm loãng dịch đờm, tiêu viêm kháng khuẩn và giảm ngứa rát vòm họng.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Các loại thuốc Tây y giúp cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh như sốt cao, đau đầu, ho có đờm, sưng viêm niêm mạc, đau rát họng,… Đồng thời ngăn ngừa kịp thời các biến chứng của viêm họng hạt mãn tính. Tuy nhiên, để quá trình điều trị bằng thuốc Tây đạt hiệu quả cao, người bệnh nên kết hợp với lối sống khoa học và các biện pháp giúp cải thiện sức đề kháng cơ thể. Bên cạnh đó cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Một số loại thuốc thường được chỉ định gồm:
- Dung dịch súc họng: Thuốc súc họng giúp ức chế các vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đường thở và giảm ngứa rát họng nhanh chóng. Một số loại thuốc thường dùng có nước muối sinh lý, BBM… Thuốc chỉ nên được sử dụng dưới 10 ngày bởi lạm dụng có thể gây ra các tác dụng phụ như phồng rộp môi, phát ban, mặt đỏ, thậm chí là sốc phản vệ,…
- Thuốc chống viêm, giảm đau: Thuốc có tác dụng ức chế các chất trung gian gây viêm nhiễm. Đồng thời giúp hạ sốt, giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc được khuyến cáo không sử dụng trong thời gian dài do có thể gây kích ứng dạ dày hoặc làm xuất hiện các vấn đề về tim mạch. Một số loại thuốc phổ biến gồm: Diclophenac, Ibuprofen, Aspirin,…
- Thuốc chống viêm Steroid: Thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm mạnh nhờ khả năng ức chế sản xuất chất gây viêm cytokine và giảm hoạt động của bạch cầu trong cơ thể. Người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc không quá 2 tuần để tránh gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm như loãng xương, tăng đường huyết, loét dạ dày, đục thủy tinh thể,… Các loại thuốc thường dùng là Dexamethason, Prednisolon, Betamethason, Methylprednisolon, …
- Thuốc chống viêm giảm phù nề nhóm enzym: Một số loại thuốc thường dùng có thể kể đến như Alphachymotrypsin, Serratiopeptidase… Nhóm thuốc này có khả năng làm tan các khu vực bị phù, tấy, giảm viêm nhiễm. Từ đó giúp hạn chế sự xung huyết ở niêm mạc họng, cải thiện hiệu quả các triệu chứng của viêm họng hạt.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp nguyên nhân gây ra viêm họng hạt là các chủng vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn một số nhóm thuốc kháng sinh như Nhóm Penicillin (penicillin, amoxicillin, ..), nhóm Macrolid (clarithromycin, erythromycin, roxithromycin… ), nhóm Cephalosporin (cephalexin, cefixim…),… Thuốc kháng sinh giúp loại bỏ hết các vi khuẩn gây bệnh và làm giảm phản ứng viêm ở vùng niêm mạc. Tuy nhiên, một liệu trình thuốc thường không kéo dài quá 7 ngày để tránh tình trạng người bệnh bị nhờn kháng sinh.
Chữa viêm họng hạt mãn tính bằng thuốc Đông y
Theo Y học cổ truyền, viêm họng hạt là bệnh lý thuộc chứng tý. Sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể khiến phế phổi suy yếu, tỳ vị hư nhược, dẫn đến viêm nhiễm và ứ khí gây bệnh. Để chữa trị, các bài thuốc Đông y sẽ dựa vào nguyên tắc tập trung giải độc thanh nhiệt cơ thể, tán ứ, long đờm, tiêu viêm, nhuận phế. Đồng thời tăng cường bồi bổ lục phủ ngũ tạng để nâng cao hiệu quả phòng và chữa bệnh.
Tuy nhiên, thời gian phát huy tác dụng của các bài thuốc sẽ phụ thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người. Do đó, người bệnh cần kiên trì áp dụng và luôn thực hiện theo đúng các chỉ dẫn của lương y mới đạt được hiệu quả tốt.
Lời khuyên của bác sĩ khi bị viêm họng hạt mãn tính
Trên đây là tất cả những vấn đề liên quan đến bệnh lý viêm họng hạt mãn tính. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích, giúp bản thân chủ động hơn trong việc phòng và chữa bệnh. Lưu ý, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không có khả năng thay thế bất cứ chẩn đoán và chỉ định nào của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!