Cha mẹ chớ nên coi thường khi trẻ bị viêm mũi kéo dài
Viêm mũi là bệnh lý phổ biến thường xảy ra với những trẻ từ 6 tuần đến 8 tuổi. Bệnh nếu kéo dài, không được xử lý sớm sẽ dẫn tới tình trạng khó chữa và có thể xuất hiện nhiều biến chứng xấu. Vậy trẻ bị viêm mũi kéo dài sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Cha mẹ cần làm gì để giúp con khắc phục nhanh chóng. Các thông tin nhằm giải đáp thắc mắc của bạn đọc sẽ có trong bài viết sau.
Trẻ bị viêm mũi kéo dài là do đâu?
Viêm mũi là bệnh lý về đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Những nhân tố chính gây ra tình trạng này có thể kể đến là thời tiết thay đổi, dị nguyên, vi khuẩn, virus… Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần nếu không được xử lý đúng cách. Lúc này, những đợt tái phát sau sẽ trở nên dai dẳng và khó điều trị dứt điểm hơn. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu dễ khiến tình trạng viêm mũi bị kéo dài.
Ngoài ra, khi trẻ bị viêm mũi, dịch xuất tiết nhiều gây ra tình trạng ngạt mũi, sổ mũi. Trẻ lại không biết xì mũi đúng cách, dẫn đến dịch ứ đọng ngày càng nhiều, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Từ đây, vi khuẩn có thể tấn công sang các vùng khác, khiến bệnh viêm mũi ở trẻ em trở nên phức tạp và dẫn đến nhiều hệ quả xấu.
Ngoài ra, viêm VA hay amidan… cũng là 1 nguyên nhân làm trẻ bị viêm mũi kéo dài.
Triệu chứng viêm mũi kéo dài
Khi bắt đầu bị viêm mũi, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng điển hình như ngạt mũi, chảy dịch nhầy, hắt hơi liên tục… Nếu tình trạng viêm kéo dài, chức năng sinh lý của mũi thuyên giảm có thể làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Lúc này, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng đi kèm. Cụ thể:
- Niêm mạc phù nề: Niêm mạc mũi bị phù nề, xuất huyết đỏ, cuốn mũi sưng to làm đường thở hẹp lại. Tình trạng này khiến trẻ bị ngạt 1 hoặc 2 bên mũi thường xuyên.
- Khứu giác thuyên giảm: Ngạt mũi kéo dài khiến trẻ ngửi kém hơn, đôi khi là mất ngửi
- Dịch tiết nhiều: Dịch nhầy tiết ngày càng nhiều với màu sắc khác nhau tùy theo mức độ tiến triển của bệnh. Dịch mũi có thể có màu trắng đục, vàng, xanh hoặc gỉ sắt.
- Ho nhiều: Dịch tiết nhiều sẽ chảy xuống cổ họng, gây ngứa họng làm trẻ bị ho. Ho thường đi kèm với đờm có màu giống dịch mũi.
- Các biểu hiện khác: Cha mẹ có thể thấy một số triệu chứng khác ở trẻ như sốt, mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy…
Các triệu chứng viêm mũi kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bệnh không chỉ khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Lúc này, trẻ có thể gặp phải các biến chứng như viêm xoang nhiễm trùng, viêm thanh quản, viêm tai giữa…Do đó, cha mẹ nên cho con thăm khám càng sớm càng tốt để điều trị bệnh dứt điểm.
Cách chữa trị hiểu quả cho trẻ bị viêm mũi kéo dài
Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, rất dễ bị tác động dẫn đến các phản ứng quá mẫn của cơ thể. Do đó, việc điều trị viêm mũi kéo dài ở trẻ cũng cần thận trọng. Nếu không áp dụng không đúng cách, mẹ có thể làm tình trạng của trẻ nặng hơn. Dưới đây là 3 phương pháp chữa viêm mũi an toàn cho trẻ, mẹ có thể tham khảo:
Cách giảm viêm mũi kéo dài cho trẻ tại nhà
Khi trẻ bị viêm mũi kéo dài, mẹ có thể áp dụng 2 cách sau đây để làm giảm các triệu chứng:
- Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối loãng: Nước muối có tính kháng khuẩn cao, có tác dụng giảm bớt các dịch nhầy ứ đọng. Bạn dùng nước muối sinh lý 0,9% rửa mũi cho trẻ bằng cách cho trẻ nằm nghiêng, dùng bơm tiêm không có kim rửa nhẹ và đều tay từng bên một. Tuy nhiên không nên sục rửa quá nhiều. Lý do bởi chúng có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên trong niêm mạc mũi làm giảm khả năng ngăn chặn vi khuẩn.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Mẹ cần chú ý xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho trẻ. Cung cấp đủ chất dinh dưỡng gồm chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin. Việc làm này giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, loại bỏ tác nhân gây bệnh trong cơ thể. Ngoài ra, mẹ nên bổ sung đủ lượng nước hằng ngày cho trẻ. Nước có tác dụng làm loãng các chất dịch nhầy, hạn chế tình trạng ứ đọng niêm mạc. Từ đó giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng viêm mũi ở trẻ em.
Điều trị viêm mũi cho trẻ bằng phương pháp Tây y
Trẻ nhỏ thường không được khuyến khích dùng thuốc Tân dược chữa bệnh. Tuy nhiên, khi trẻ viêm mũi kéo dài mà không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, mẹ nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nhìn chung, các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc chống xung huyết, giảm phù niêm mạc: Loại thuốc phổ biến nhất có thể sử dụng được cho cả trẻ sơ sinh là xylomethazolin 0,05%. Thuốc có khả năng giảm xuất huyết và sưng niêm mạc, hạn chế tiết dịch mủ. Ngoài ra còn có một số loại thuốc khác cũng được dùng nhiều như adrénaline 0,01%, ephedrine 0,1-0,3%…
- Thuốc làm săn khô niêm mạc: Loại thuốc thường dùng là nhóm muối bạc Argyrol. Thuốc có tác dụng giảm sưng, khô niêm mạc, giúp loại bỏ bớt dịch mủ ứ đọng trong xoang mũi. Argyrol thường được dùng dưới 10 ngày.
- Thuốc tăng cường khả năng miễn dịch: Đây là loại thuốc thường được chỉ định dùng kèm với một số loại thuốc khác. Hoạt động trên cơ chế kích thích sự phát triển của tế bào Lympho T và Lympho B, thuốc giúp tăng cường miễn dịch, loại bỏ các tác nhân gây bệnh trong cơ thể.
- Thuốc chống viêm chứa corticoid dạng nhỏ: Một số loại thuốc được sử dụng nhiều là polydexa, collydexa… Thuốc có khả năng trị viêm mũi ở trẻ em hiệu quả và ngăn tình trạng viêm lan rộng. Tuy nhiên chúng thường chỉ được dùng dưới 7 ngày để không làm ảnh hưởng sự phát triển bình thường của trẻ.
- Thuốc kháng sinh: Nuôi cấy dịch mũi để làm kháng sinh đồ cũng là một phương pháp chữa viêm mũi hiệu quả. Thuốc được dùng cho những trẻ bị viêm mũi do vi khuẩn và đang ở mức độ nặng. Việc sử dụng kháng sinh phải tuân theo mọi chỉ định của bác sĩ để tránh trẻ bị nhờn thuốc.
Lưu ý: Thuốc Tây có dược tính cao, mang lại hiệu quả tức thì. Những nếu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Do đó, khi cho trẻ dùng thuốc, mẹ cần thực hiện đúng liều lượng, tần suất mà bác sĩ đã chỉ định. Không tự ý cho trẻ ngưng dùng thuốc hay đổi loại thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Ngoài ra nên mua thuốc ở những địa chỉ uy tín để tránh mua phải thuốc giả.
Trị viêm mũi ở trẻ bằng thuốc Đông y
Điều trị viêm mũi ở trẻ bằng thuốc Đông y là phương pháp được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Theo Đông y, chứng viêm mũi xảy ra khi có ngoại tà xâm nhập làm phế khí hoặc nguyên khí của cơ thể bị suy hư. Bên cạnh đó, khí của tạng phế, thận, tỳ bị suy yếu cũng dẫn đến bệnh viêm mũi ở trẻ.
Hiểu được nguyên nhân gây bệnh, Đông y chữa bệnh theo nguyên tắc tăng cường chức năng tạng phủ, nâng cao sức đề kháng cơ thể, thông kinh hoạt lạc. Từ đó, thuốc có khả năng trị bệnh dứt điểm, tránh tái phát nhiều lần.
Các bài thuốc Đông y bào chế dược liệu từ các loại thảo dược quý, và kết hợp theo một tỷ lệ phù hợp. Do đó, thuốc có khả năng tương thích với thể trạng trẻ nhỏ, không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc đòi hỏi người bệnh phải áp dụng 1 thời gian dài mới có hiệu quả tốt nhất.
Những lưu ý khi trẻ bị viêm mũi kéo dài
Khi trẻ bị viêm mũi kéo dài, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý chăm sóc con đúng cách. Cụ thể:
- Vệ sinh cơ thể trẻ hằng ngày bằng nước ấm vừa thân nhiệt, đặc biệt chú ý vùng tai mũi họng của trẻ
- Hướng dẫn trẻ xì mũi đúng cách và không được ngoáy mũi để không làm tổn thương niêm mạc
- Kê gối cho đầu bé nằm cao hơn thường ngày một chút để trẻ dễ thở hơn
- Tránh việc hút mũi cho trẻ bằng miệng của người lớn bởi vi khuẩn có thể lây lan dễ dàng
- Giữ không gian xung quanh trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát để vi khuẩn, nấm mốc không bị tích tụ nhiều
- Khi cho bé ra ngoài, cần chuẩn bị khẩu trang và dụng cụ che chắn cẩn thận. Việc làm này giúp trẻ tránh được việc tiếp xúc với các dị nguyên trong môi trường
- Vệ sinh định kỳ chăn gối, đệm, ga giường cho trẻ để loại bỏ vi khuẩn, dị nguyên…
- Chú ý thường xuyên theo dõi sát sao nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu thấy trẻ bị sốt cao, mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất
Trẻ bị viêm mũi kéo dài thường là hệ quả của việc chữa trị không kịp thời và mẹ chăm sóc chưa đúng cách. Bệnh dễ dẫn tới biến chứng hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, mẹ cần chủ động cho con thăm khám càng sớm càng tốt để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ. Hy vọng bài viết trên có thể đưa đến những thông tin hữu ích, giúp mẹ có thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ.
Bài viết cùng chủ đề:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!