Các loại thuốc viêm họng tốt nhất giúp giảm sưng đau cực nhanh
Thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý đường hô hấp phát triển, điển hình nhất là bệnh viêm họng. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc viêm họng khác nhau khiến người bệnh khá hoang mang khi lựa chọn. Cùng tìm hiểu các loại thuốc thông dụng nhất trong bài viết sau đây.
Viêm họng là bệnh đường hô hấp phổ biến nhất với các triệu chứng điển hình là khó nuốt, đau họng, rát họng, cổ họng sưng đỏ, ho nhiều. 40 – 80% trường hợp viêm họng là do nhiễm siêu vi, 5 – 10% là do nhiễm vi khuẩn và còn lại là do dị ứng. Bạn có thể lựa chọn thuốc viêm họng từ thảo dược, thuốc tây y hay thuốc đông y phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Chữa viêm họng bằng thuốc dân gian tại nhà
Các loại thảo dược làm theo mẹo dân gian chữa viêm họng là lựa chọn của nhiều người khi mới bắt đầu có biểu hiện bệnh. Sử dụng đúng cách các mẹo này sẽ vừa đẩy lùi nhanh chóng cảm giác đau họng, khó nuốt, ho nhẹ; vừa không lo về tác dụng phụ.
Chữa viêm họng bằng lá húng chanh
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, lá húng chanh có chứa chất cordein với tác dụng giống như kháng sinh, hoạt động tốt ở khu vực miệng họng. Lá húng chanh cũng chứa nhiều chất tác dụng tương tự chất kháng viêm nên rất hay được dùng để chữa viêm họng.
Cách chữa viêm họng bằng lá húng chanh thực hiện như sau:
- Lựa 3 – 4 lá húng chanh non, rửa sạch, vẩy ráo nước
- Cho lá húng chanh vào bát nhỏ cùng 2 – 3 quả quất bổ đôi và một ít đường phèn
- Hấp cách thủy với lửa nhỏ khoảng 20 – 30 phút.
- Chắt lấy nước cốt, dùng khi còn nóng ấm
Chữa viêm họng bằng gừng tươi
Gừng là loại củ gia vị thân thuộc, gần như không thể thiếu vắng trong căn bếp của người Việt. Gừng chứa hàm lượng lớn tinh dầu, chất kháng viêm tự nhiên nên có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. Vị cay, tính ấm của gừng sẽ làm dịu cảm giác đau rát cổ họng, giảm sưng niêm mạc họng nhanh chóng. Điểm đặc biệt là dù bạn dùng gừng tươi hay gừng khô làm thuốc viêm họng thì công dụng của nó cũng gần như không thay đổi.
Gợi ý cách chữa viêm họng bằng gừng tươi:
- Chuẩn bị 1 củ gừng tươi nhỏ, cạo vỏ và rửa sạch
- Thái gừng thành từng lát mỏng hoặc cho vào cối giã nhuyễn với một vài hạt muối
- Cho gừng đã giã ra cốc, chế thêm 100ml nước ấm rồi để khoảng 10 phút như hãm trà
- Uống từng ngụm nhỏ trà gừng muối, nên uống ngay khi còn ấm nóng

Trị viêm họng bằng chanh đào mật ong
Mỗi gia đình đều nên ngâm 1 lọ chanh đào mật ong làm thuốc viêm họng, nhất là gia đình có người già và trẻ nhỏ. Hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn trong mật ong khi kết hợp với lượng vitamin C cao trong chanh đào sẽ mang lại hiệu quả đáng kể cho người bệnh.
Cách trị viêm họng bằng mật ong ngâm chanh đào như sau:
- Rửa sạch 1 kg chanh đào, để khô hoàn toàn nước trên vỏ rồi thái thành từng khoanh mỏng 0,5cm.
- Cho lần lượt 1 lớp chanh đào rồi đến 1 lớp đường phèn liên tiếp vào lọ thủy tinh sạch
- Đổ mật ong xâm xấp mặt chanh đào đường phèn
- Đậy kín nắp và ngâm khoảng 1 tháng là dùng được
Khi bị viêm họng, bạn lấy 1 – 2 thìa nước cốt ra rồi pha với 200ml nước ấm, uống ngay khi còn ấm. Hoặc bạn có thể ngậm 1 thìa chanh đào mật ong vào mỗi buổi sáng khi vừa ngủ dậy để làm sạch cổ họng, ngăn ngừa vi khuẩn tấn công niêm mạc họng gây viêm.
Viêm họng uống thuốc gì nhanh khỏi?
Nếu muốn chữa viêm họng nhanh khỏi thì câu trả lời sẽ là dùng thuốc Tây. Với thành phần hóa học, thuốc tân dược luôn có ưu thế với tác dụng nhanh, hiệu quả tức thời. Người bệnh sẽ cần phải dùng thuốc Tây y khi bị viêm họng nặng, áp dụng các mẹo dân gian không thuyên giảm. Và thường gồm có những loại sau đây:
Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị viêm họng cấp tính với triệu chứng đau họng, khó nuốt, sốt. Viêm họng cấp thường gặp nhất ở trẻ em, trẻ có thể đau họng kèm sốt lên tới 40 độ C.
Thuốc này thường có dạng viên sủi hoặc bột sủi với thành phần chủ yếu là paracetamol hoặc ibuprofen, aspirin… Thuốc giảm đau hạ sốt dùng khi bị viêm họng cần tính toán cẩn thận liều lượng theo cân nặng thực tế. Nhất là khi sử dụng cho trẻ nhỏ vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau hạ sốt có thể làm trẻ bị suy gan cấp tính nguy hiểm tới tính mạng.

Thuốc kháng viêm
Thuốc kháng viêm cần thiết khi bệnh nhân bị viêm họng có tổn thương rõ rệt ở cổ họng, đau rát và sưng đỏ cổ họng. Thuốc kháng viêm sẽ giúp giảm nhanh tình trạng sưng đỏ họng, hạn chế viêm nhiễm lây lan. Các loại thuốc kháng viêm phổ biến được dùng cho bệnh nhân bị viêm họng như:
- Thuốc kháng viêm không có steroid: aspirin, ibuprofen, diclophenac…
- Thuốc kháng viêm corticoid: dexamethason, prednisolon, methylprednisolon…
- Thuốc kháng viêm nhóm enzyme: serratiopeptidase, alphachymotrypsin…
Các loại thuốc kháng sinh
Không phải tất cả các trường hợp bị viêm họng đều cần dùng kháng sinh. Nhưng kháng sinh rất cần thiết khi bạn bị viêm họng do nhiễm khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh sau đây thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân bị viêm họng cấp tính:
- Amoxicillin: Thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân bị viêm họng do nhiễm khuẩn, giảm nhanh triệu chứng sưng đau họng, ho nhiều. Thuốc này chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú và những người có bệnh lý nền về gan, thận.
- Penicillin: Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt nhanh vi khuẩn trong vùng miệng họng, ức chế sự lây lan của chúng. Thuốc cũng chống chỉ định với bệnh nhân bị bệnh dạ dày, gan, thận, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Cephalexin: Loại thuốc kháng sinh này cùng thuốc nhóm kháng sinh beta-lactam với penicillin và amoxicillin.
- Erythromycin: Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn, là kháng sinh thuốc nhóm macrolid. Những người có bệnh lý tim mạch không sử dụng được thuốc này.

Thuốc giảm ho, long đờm
Với những bệnh nhân bị viêm họng dài ngày, ho dai dẳng, có đờm mãi không khỏi, nhất thiết phải sử dụng thuốc giảm ho, long đờm. Mặc dù ho là phản xạ tốt của cơ thể nhằm đào thải dị vật ra khỏi cổ họng nhưng ho nhiều sẽ làm cho niêm mạc cổ họng bị tổn thương, trầy xước và khiến cho tình trạng viêm càng nặng nề hơn. Triệu chứng ho có đờm cũng khiến người bệnh vô cùng khó chịu, đờm đặc quánh trong cổ họng làm bạn khản tiếng, mất tiếng, khó khăn trong sinh hoạt.
- Với những trường hợp bị ho dai dẳng, có thể sử dụng các thuốc giảm ho như: codein, atussin, dextromethorphan,…
- Với những trường hợp ho có đờm nhiều, cần sử dụng thuốc long đờm: carbocystein, acetylcystein, bromhexin…
Các loại thuốc viêm họng theo y học hiện đại có ưu điểm nổi bật nhất là tác dụng nhanh nhạy nhưng thường đi kèm tác dụng phụ không mong muốn. Hơn nữa, lạm dụng thuốc tây chữa viêm họng bạn sẽ có nguy cơ cao bị kháng kháng sinh, tổn thương gan, thận. Vì vậy, bạn cần thận trọng khi dùng thuốc, tốt nhất nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn.

Thuốc Đông y trị viêm họng
Bên cạnh thuốc Tây y, thuốc dân gian thì thuốc Đông y cũng là lựa chọn của nhiều người. Bệnh viêm họng theo quan điểm điều trị của Đông y thuộc vào chứng hầu tý, biểu hiện là đàm uất, hỏa viêm, huyết ứ, khí trệ, khí hư. Thuốc viêm họng từ Đông y không chỉ chữa triệu chứng mà còn điều trị tận gốc, căn nguyên của bệnh là hư tỳ vị, suy tổn thận dương.
Khi bị viêm họng, bạn có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y sau đây để trị bệnh:
- Bài thuốc sa sâm mạch đông thang: Các thành phần thuốc bao gồm sa sâm, mạch đông, ngọc trúc, cam thảo, thiên hoa phấn, bạch biển đậu. Có tác dụng trừ đàm, dưỡng phế, chỉ khái.
- Bài thuốc nhị trần thang: Với các thành phần: ý dĩ, thương truật, khổ hạnh nhân, ma hoàng, hậu phác, bạch tô tử, đẳng sâm, bạch tiền, bạch truật. Bài thuốc này hiệu quả nhất với bệnh nhân bị viêm họng mãn tính, lâu ngày, ho kèm nhiều đờm.
- Bài thuốc thanh hầu bổ phế: Áp dụng được với tất cả các trường hợp viêm họng, từ cấp tính tới mãn tính. Các thành phần của thuốc bao gồm bạch cương tàm, quất hồng bì, xích thược, kha tử, hoàng cầm, bạch truật, liên kiều, hoàng cầm.
Không ít người cho rằng thuốc Đông y không có hiệu quả rõ rệt, khó chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đây là quan niệm sai lầm, chủ yếu đến từ việc người bệnh nản chí bỏ thuốc giữa chừng. Vì vậy, để chữa dứt điểm viêm họng bằng thuốc Đông y, người bệnh nên kiên trì uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Những lưu ý quan trọng khi bị viêm họng
Khi bị viêm họng, người bệnh không nên lệ thuộc hoàn toàn vào việc uống thuốc mà mong muốn khỏi bệnh nhanh chóng. Vì bất cứ loại thuốc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tác dụng phụ cho cơ thể dù ít hay nhiều. Điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng thuốc đúng cách kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Có như vậy mới nhanh khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe. Sau đây là những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc viêm họng và lưu ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khi bị viêm họng:
Lưu ý khi dùng thuốc viêm họng
- Thuốc dân gian chữa viêm họng thường chỉ có tác dụng khi mới chớm có biểu hiện bệnh, hiệu quả tùy thuộc vào cơ địa từng người. Khi sử dụng quá 1 tuần mà không có hiệu quả, nên dừng sử dụng và thăm khám để được điều trị chuyên sâu kịp thời.
- Tốt nhất người bệnh nên được thăm khám hoặc tư vấn bởi những người có chuyên môn để lựa chọn loại thuốc phù hợp. Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, thầy thuốc về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.
- Liên hệ ngay với cơ sở y tế hoặc y bác sĩ khi cơ thể xuất hiện tác dụng phụ của việc dùng thuốc như: phát ban, buồn nôn, đau đầu chóng mặt….

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khi bị viêm họng
- Khi có triệu chứng viêm họng, cần vệ sinh miệng họng thường xuyên bằng cách súc họng bằng nước muối sinh lý mỗi 2 – 3 tiếng/lần
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ ngay cả khi đã khỏi bệnh để loại bỏ vi khuẩn, virus khu trú trong miệng họng dễ gây viêm họng
- Nên đeo khẩu trang thường xuyên và không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác khi bị bệnh để hạn chế lây lan
- Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C từ rau xanh, hoa quả tươi để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng, loãng đờm, giảm nguy cơ khản tiếng, mất tiếng do ho nhiều
- Kiêng thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ vì chúng vừa làm giảm tác dụng của thuốc, vừa không tốt cho sức khỏe.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc sẽ biết thêm về các loại thuốc viêm họng thông dụng hiện nay. Từ đó, bạn đọc sẽ biết xử lý đúng cách, sáng suốt khi dùng thuốc và hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!