Sốt xuất huyết bị ngứa là bình thường hay nguy hiểm? Cách điều trị?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Sốt xuất huyết bị ngứa là triệu chứng khiến nhiều người lo lắng không biết có nguy hiểm không. Người bệnh thường mệt mỏi và khó chịu, muốn tìm cách đỡ ngứa khi bị sốt xuất huyết. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử trí trong bài viết sau đây.

Sốt xuất huyết có bị ngứa không? Nguyên nhân?

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến, thường xuất hiện vào mùa mưa ở nước ta. Bệnh truyền nhiễm từ người sang người qua trung gian là muỗi vằn mang virus dengue gây ra. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thể nhẹ sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì bệnh có thể biến chứng và dẫn tới tử vong.

Muỗi vằn gây sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây nguy hiểm tới tính mạng

Bệnh này có triệu chứng điển hình là sốt cao liên tục và đau nhức cơ bắp. Một số người khác khi mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ bị ngứa lòng bàn tay, bàn chân hoặc ngứa khắp người. Mặc dù ngứa da khi bị sốt xuất huyết không phổ biến nhưng chúng vẫn có thể xảy ra. Thông thường, người bệnh có thể bị ngứa khi ở ngày thứ 6, thứ 7 mắc bệnh, tức là với những người bệnh thể nhẹ thì có thể bị ngứa khi gần khỏi bệnh.

Hiện tượng ngứa da khi bị sốt xuất huyết có thể kèm theo biểu hiện nổi mẩn đỏ dạng xuất huyết dưới da. Thông thường những người không có nhiều hiểu biết về căn bệnh này tỏ ra khá lo lắng, không biết tại sao mình lại bị ngứa. Nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngứa khi sốt xuất huyết đã được các chuyên gia nghiên cứu và tìm ra lời giải đáp:

Ngứa da khi bị sốt xuất huyết do biến chứng tại gan

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Tuyết Lan – Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết: Khi virus Dengue – tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết tấn công cơ thể, bên cạnh các triệu chứng bệnh như sốt cao, xuất huyết, đau nhức cơ… người bệnh còn có thể bị viêm gan cấp.

Gan to lên hoặc teo lại, chỉ số men gan tăng cao, bilirubin tăng cao khiến bệnh nhân bị vàng da, rối loạn đông máu kèm cảm giác ngứa da khó chịu. Cảm giác ngứa đặc biệt rõ rệt ở phần lòng bàn tay và bàn chân người bệnh. Nếu bạn bị ngứa lòng bàn tay, chân hoặc toàn thân khi bị sốt xuất huyết thì hãy cảnh giác vì rất có thể bạn cũng bị viêm gan, dễ biến chứng nặng, cần được điều trị tích cực ngay.

Nổi mẩn ngứa sốt xuất huyết
Nổi mẩn ngứa khắp người khi bị sốt xuất huyết có thể do biến chứng suy gan

Bị ngứa do sử dụng thuốc hạ sốt quá liều

Paracetamol là thuốc hạ sốt được dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Sử dụng đúng liều paracetamol sẽ giúp giảm sốt và ít gặp hệ quả nghiêm trọng. Nhưng với những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng thì dùng thuốc hạ sốt liên tục trong 4 – 5 ngày khiến cơ thể phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, người bệnh có thể bị suy gan cấp do dùng quá liều thuốc hạ sốt. Suy gan, tăng sắc tố mật là nguyên nhân khiến người bệnh bị ngứa.

Bị ngứa khắp người do cơ chế tự nhiên

Đa phần các trường hợp ngứa do sốt xuất huyết sẽ xảy ra vào ngày thứ 6, thứ 7 mắc bệnh là báo hiệu sắp khỏi bệnh. Lúc này cơ thể ở giai đoạn tái hấp thu dịch ngoại bào vào máu và các vết xuất huyết dưới da đang phục hồi mô da. Quá trình này sẽ khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy.

Sốt xuất huyết bị ngứa có nguy hiểm không? Bị ngứa trong bao lâu?

Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết bị ngứa đều tỏ ra khá lo lắng không biết liệu rằng đây có phải dấu hiệu biến chứng nguy hiểm không. Câu trả lời là không, thực tế ngứa da khi bị sốt xuất huyết còn là một tín hiệu đáng mừng. Bởi ngứa là dấu hiệu cơ thể đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe, những triệu chứng cấp tính của bệnh đã thuyên giảm.

Sốt xuất huyết ngứa trong bao lâu
Sốt xuất huyết ngứa thường chỉ diễn ra trong vài ngày

Thông thường mắc sốt xuất huyết ngày thứ 7 bị ngứa nhưng có nhiều trường hợp bắt đầu ngứa từ ngày thứ 5 mắc bệnh. Tùy vào cơ địa và sức khỏe từng người mà thời gian bị ngứa sẽ dài hay ngắn. Tình trạng ngứa ở mỗi người cũng sẽ khác nhau.

Có người chỉ bị ngứa nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Triệu chứng ngứa ngáy có thể chỉ xảy ra từ 2 – 3 ngày. Nhưng có những trường hợp bị ngứa cả tuần liền, thậm chí cả tháng sau mới hết hẳn. Tình trạng này khiến cho người bệnh khó chịu đến mức “mất ăn mất ngủ”.

Cách trị ngứa khi bị sốt xuất huyết

Nếu triệu chứng ngứa ngáy do sốt xuất huyết nằm trong ngưỡng chịu đựng được của cơ thể và chỉ xảy ra khoảng 1 – 2 ngày thì bạn không cần quá lo lắng. Vì nó sẽ qua đi rất nhanh, thậm chí có nhiều người không cần dùng biện pháp điều trị gì cả đã khỏi ngứa hoàn toàn.

Nhưng với những người bị ngứa ngáy nhiều, cảm thấy khó chịu, bức bối thì cần tìm cách điều trị hoặc thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa đưa ra phương pháp phù hợp.

Cách xử lý ngứa do sốt xuất huyết tại nhà

Những trường hợp sốt xuất huyết bị ngứa thể nhẹ có thể áp dụng một số biện pháp làm giảm cảm giác ngứa ngay tại nhà sau đây:

Tắm nước muối và dầu ô liu

Trường hợp ngứa toàn thân thể nhẹ, bạn có thể áp dụng cách tắm bằng nước muối và dầu ô liu để giảm bớt cảm giác ngứa ngáy, làm sạch da, ngăn ngừa viêm nhiễm. Muối có tác dụng sát khuẩn, thường được pha loãng ra làm dùng dịch khử trùng, làm sạch da, ngăn ngừa viêm nhiễm. Dầu ô liu có tác dụng làm mềm da, dưỡng da, giảm bớt tình trạng ngứa và khô da.

Tắm nước muối và dầu ô liu
Pha nước muỗi loãng và nhỏ thêm vài giọt dầu ô liu đẻ tắm có thể giảm bớt cảm giác ngứa ngáy

Cách thực hiện:

  • Pha 1 chậu hoặc bồn nước ấm để chuẩn bị tắm.
  • Cho khoảng 1 bát con muối (tùy theo lượng nước tắm) và hòa tan trong nước.
  • Cho khoảng 1 – 2 thìa dầu ô liu vào nước rồi tiếp tục khuấy nhẹ cho đều.
  • Tắm bằng hỗn hợp nước muối ấm dầu ô liu trong khoảng 10’, chà sát da nhẹ nhàng để làm giảm cảm giác ngứa.
  • Thực hiện khoảng 3 lần/tuần vừa giảm ngứa, sạch da và dưỡng ẩm rất tốt.

Bôi dầu dừa

Trong dầu dừa có chứa các loại vitamin, acid amin tốt cho da như: vitamin E, omega-3,… Các hoạt chất này có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, dưỡng ẩm rất tốt. Khi bị ngứa do sốt xuất huyết, bạn có thể áp dụng cách này để làm giảm nhẹ cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Cách thực hiện:

  • Tắm rửa sạch sẽ hoặc làm sạch vùng da bị ngứa, sau đó thấm hết nước cho khô.
  • Lấy 1 lượng dầu dừa vừa đủ với diện tích da bị ngứa, thoa nhẹ nhàng lên da rồi massage khoảng 5 – 10 phút.
  • Sau đó bạn nên rửa lại với nước để da không bị bết dính hoặc có thể để qua đêm để tăng khả năng thẩm thấu của dầu dừa vào da.

Bôi gel nha đam

Nha đam – lô hội có thành phần acid gamma linolenic được đánh giá cao về hiệu quả giảm bớt dị ứng, làm dịu da, giúp tổn thương trên da nhanh chóng lành lặn. Dùng gel nha đam bôi lên da cũng là biện pháp làm đỡ ngứa khi bị sốt xuất huyết.

Bôi gel nha đam giảm ngứa
Bôi gel nha đam làm giảm cảm giác ngứa khi bị sốt xuất huyết

Cách thực hiện như sau:

  • Trước khi áp dụng cách chữa này, bạn cần tắm rửa trước hoặc làm sạch rồi lau khô vùng da bị ngứa.
  • Lựa chọn nhánh nha đam tươi mọng, rửa qua rồi gọt bỏ phần vỏ xanh.
  • Dùng miếng nha đam mới gọt còn nguyên gel tươi bôi lên vùng da bị ngứa.
  • Dùng ngón tay nhẹ nhàng massage vùng da ngứa sẽ cảm thấy dịu bớt đi nhiều.
  • Mỗi ngày nên thực hiện khoảng 1 – 2 lần để đạt được hiệu quả.

Các biện pháp kể trên thường được thực hiện khi mắc sốt xuất huyết ngày thứ 7 bị ngứa và bị ngứa nhẹ. Ngoài nước muối, dầu dừa và nha đam, bạn có thể sử dụng mật ong, chanh cũng cho hiệu quả không kém.

Dùng thuốc Tây

Nếu tình trạng ngứa ngáy khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, thậm chí bị mất ngủ về đêm thì có thể sử dụng một số loại thuốc chống dị ứng để giảm ngứa. Một số loại thuốc thường được sử dụng cho các bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu ngứa ngáy khắp người như: Clorpheniramin, Telfast Loratadine,… Thuốc có tác dụng giảm ngứa nhanh chóng, giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Tuy hiệu quả nhanh nhưng các thuốc này tiềm ẩn tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh như: dễ gây buồn ngủ, giảm khả năng tập trung và có thể gây chóng mặt nhẹ.

uống thuốc tây giảm ngứa
Khi cảm giác ngứa quá khó chịu, bạn có thể đi khám để được bác sĩ kê các loại thuốc giảm ngứa nhanh chóng

Trong trường hợp sốt xuất huyết bị ngứa lòng bàn chân, tay hoặc toàn thân kèm theo triệu chứng cấp tính như chảy dịch, mưng mủ, tái sốt… thì cần nhập viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu tình trạng ngứa dai dẳng không dứt sau khoảng 1 tuần thì bạn cũng cần đi khám.

Phần lớn các loại thuốc được chỉ định điều trị ngứa da khi bị sốt xuất huyết đều không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Nếu con bạn dưới 2 tuổi và bị ngứa do sốt xuất huyết thì cần đi khám ngay.

Dùng thuốc Đông y

Thuốc Đông y có ưu điểm nổi bật là lành tính, không gây tác dụng phụ nên được nhiều người lựa chọn để giảm thiểu tình trạng ngứa ngáy khi bị sốt xuất huyết. Bên cạnh tác dụng điều trị ngứa, thuốc đông y còn có khả năng bồi bổ sức khỏe cho người bệnh. Một số bài thuốc Đông y chữa ngứa do sốt xuất huyết là:

  • Bài thuốc 1: Trầu không, ích nhĩ tử, xuyên tâm liên, hoàng liên, sài đất. Bài thuốc này có tác dụng sát khuẩn vùng da bị ngứa.
  • Bài thuốc 2: Hồng hoa, đương quy, bí đao, tang bạch bì, mật ong, kim ngân hoa… Bài thuốc này có tác dụng làm dịu da, kháng viêm, giảm ngứa, phục hồi tổn thương trên da.
  • Bài thuốc 3: Bạch linh, sa sâm, dạ dao trắng, huyết đằng, kim ngân hoa, hồng hoa, bồ công anh, tang bạch bì, đan sâm, đơn đỏ. Bài thuốc này có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc, giảm ngứa, cải thiện chức năng gan thận.
Ngâm chân thảo dược
Thuốc Đông y giảm ngứa an toàn, lành tính

Những lưu ý khi sốt xuất huyết bị ngứa

Người bệnh sốt xuất huyết ngoài việc thực hiện điều trị bằng một trong các biện pháp kể trên thì còn cần lưu ý những điều sau:

Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ

Không ít bệnh nhân có tư tưởng kiêng tắm khi bị sốt xuất huyết. Người bệnh chỉ cần kiêng tắm trong khoảng thời gian bị sốt, khi đã hết sốt, sang ngày thứ 5, thứ 6 bị bệnh thì nên tắm nhanh bằng nước ấm.

Cơ thể không sạch sẽ, nhiều mồ hôi, da chết bít tắc lỗ chân lông khiến tình trạng ngứa da khi bị sốt xuất huyết càng thêm nặng nề. Vì vậy, bệnh nhân nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nếu không tắm được cũng nên lau người bằng nước ấm khoảng 1 – 2 lần/ngày để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn trên da.

Uống đủ nước và vitamin C

Khi bị virus dengue tấn công, hệ miễn dịch cơ thể bị suy yếu. Tổn thương trên da lâu phục hồi cũng là do miễn dịch kém, sốt cao nhiều ngày khiến bạn bị mất nước, da khô cảm giác ngứa càng khó chịu hơn. Vì vậy, để cải thiện tình trạng ngứa ngáy do sốt xuất huyết, người bệnh cần bổ sung đầy đủ vitamin C, uống để tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát

Da cọ xát với quần áo có thể làm tăng cảm giác ngứa ngáy. Vì vậy, khi sốt xuất huyết ngày thứ 7 bị ngứa và sắp khỏi, bạn nên lựa chọn quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để da đỡ bị kích ứng thêm.

Hạn chế gãi hoặc chạm vào vùng da bị ngứa

Khi bị ngứa, bạn thường rất muốn gãi. Nhưng việc gãi chỉ càng làm cho tình trạng ngứa ngáy trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn hãy cố gắng không gãi và áp dụng các biện pháp giảm ngứa tại nhà để phòng tránh việc làm cho vết ngứa bị viêm loét nhiễm trùng nhé.

Như vậy, sốt xuất huyết bị ngứa không phải là dấu hiệu nguy hiểm mà là báo hiệu cơ thể đang trong quá trình hồi phục, sắp khỏi bệnh. Người bệnh có thể tham khảo những gợi ý trong bài để làm giảm bớt cảm giác ngứa hiệu quả hơn.

4.2/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Chat với chúng tôi