Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng của Bộ Y tế
Áp dụng phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng phù hợp giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện và kiểm soát bệnh lý một cách hiệu quả. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cập nhật các phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng và phác đồ điều trị mới nhất của Bộ y tế. Mời các bạn theo dõi.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến trong nhóm các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong bị viêm, do người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Các phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng bao gồm:
Khai thác tiền sử dị ứng
Là bước đầu tiên trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng, giúp khoanh vùng nguyên nhân gây ra bệnh lý. Theo đó, khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh sẽ giúp bác sĩ:
- Xác định các yếu tố di truyền bệnh lý (nếu có).
- Nhận định tiền sử bệnh lý của bệnh nhân.
- Nhận định các yếu tố dị nguyên gây ra bệnh.
Khám lâm sàng
Sau khi đã khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng nhằm:
- Xác định các triệu chứng cơ năng của bệnh lý như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi,… xuất hiện vào lúc nào, tần suất. Tìm triệu chứng gây khó chịu nhất đối với người bệnh.
- Xác định các triệu chứng thực thể của người bệnh như tình trạng niêm mạc, cuống mũi, có xuất hiện polyp hay không,…
Thực hiện các loại test
Hiện nay, người bệnh khi thăm khám, chẩn đoán viêm mũi dị ứng thường sẽ được chỉ định thực hiện 2 loại test sau:
- Test da: Giúp phát hiện tích chất mẫn cảm của cơ thể bằng cách cho các dị nguyên tiếp xúc với da, sau đó đánh giá kích thước, đặc điểm các vết sần và phản ứng viêm trên da (nếu có). Dị nguyên có kết quả dương tính sau khi test da và phù hợp với việc khai thác tiểu sử dị ứng có thể được coi là yếu tố gây bệnh.
- Test kích thích: Được thực hiện khi kết quả test da còn nghi ngờ hoặc không cho kết quả phù hợp với khai thác tiền sử dị ứng. Test kích thích giúp đánh giá và chẩn đoán sinh học phản ứng dị ứng cơ sở bằng cách đưa các dị nguyên nghi ngờ vào cơ thể. Từ đó, tái tạo lại bệnh cảnh lâm sàng và các phản ứng dị ứng nếu đó là dị nguyên gây bệnh.
Xét nghiệm
Đây là những kiểm tra chuyên sâu, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng viêm mũi dị ứng của người bệnh. Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm tế bào trong dịch mũi để tìm bạch cầu Eosinophil. Kết quả chẩn đoán người bệnh mắc viêm mũi dị ứng khi tỷ lệ bạch cầu Eosinophil >1%.
- Xét nghiệm tìm ra kháng thể dị ứng IgE, với dị nguyên bụi nhà trong huyết thanh của người bệnh. Thực hiện xét nghiệm này thông qua phản ứng phân hủy Mastocyte, dựa trên phương pháp Ishimova – LM. Kết quả đánh giá mức độ dương tính của bệnh lý ở 4 mức độ, theo tỉ lệ % các tế bào Mastocyte bị phân hủy.
- Xét nghiệm định lượng kháng thể dị ứng IgE toàn phần có trong huyết thanh người bệnh với kỹ thuật miễn dịch đánh dấu.
Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng được khuyến cáo hiện nay
Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm đối với tính mạng, nhưng lại làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh khi không được khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, người bệnh cần phải thực hiện thăm khám và có phác đồ điều trị cụ thể để sớm cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Đây là phương pháp tách hoàn toàn các dị nguyên gây bệnh ra khỏi môi trường sống của bệnh nhân hoặc bệnh nhân tránh tiếp xúc với những nơi có tồn tại dị nguyên dị ứng.
Theo lý thuyết, việc loại bỏ các dị nguyên gây bệnh là phương án tối ưu nhất trong phác đồ chữa trị viêm mũi. Tuy nhiên, việc thanh toán dị nguyên là không hề đơn giản, đặc biệt là với các dị nguyên trong nhà như bụi bẩn, nấm mốc,… Mặc dù vậy, hạn chế hay giảm thiểu số lượng dị nguyên là có thể thực hiện, giúp cải thiện hiệu quả kết quả điều trị.
Phương pháp giải mẫn cảm
Phương pháp điều trị này còn khá mới ở Việt Nam. Phương pháp đòi hỏi xác định được các yếu tố gây dị ứng đối với người bệnh và mức độ phản ứng nghiêm trọng khi tiếp xúc. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành pha loãng một lượng chất gây dị ứng, tiêm dưới lớp da ở cánh tay của người bệnh, theo dõi 30 phút sau tiêm nhằm đảm bảo không có các phản ứng ngược lại. Liệu trình tiêm sẽ diễn ra khoảng 3 lần/tuần, duy trì từ 3 – 6 tháng. Sau đó, duy trì liều tiêm 1 lần/tháng trong suốt 5 năm.
Điều trị triệu chứng
Điều trị triệu chứng là biện pháp trị bệnh bằng thuốc, thường được sử dụng khi các biện pháp điều trị nguyên nhân nhân không đem lại hiệu quả hoặc không thể thực hiện.
Thuốc trị viêm mũi dị ứng thường bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng, chống ngạt và nhóm thuốc chống viêm:
Nhóm thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm chứa corticosteroid hoặc steroid dạng xịt thường được sử dụng cho người bị viêm mũi dị ứng nhằm giảm hiện tượng viêm nhiễm ở lớp niêm mạc trong của mũi. Khi cần sử dụng kéo dài, người bệnh phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả dùng thuốc. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm có Pivalone, Flixonase, Rhinocort,…
Thuốc chống ngạt
Trong phác đồ điều trị, người bệnh có thể sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc gây co mạch, chống phù nề như naphazolin, xylometazolin,… để hạn chế các cảm giác ngạt mũi. Thuốc có tác dụng nhanh chóng và ngắn hạn.
Theo khuyến cáo, người bệnh không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài, bởi tình trạng nhờn thuốc có thể xảy ra hoặc khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên nặng hơn.
Thuốc chống dị ứng
Đây là nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng, với tác dụng ức chế các hoạt chất trung gian gây bệnh, nhằm giảm dần các triệu chứng.
Nhóm thuốc có nhiều loại khác nhau, phù hợp với tình trạng, mức độ bệnh lý của từng người. Bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng.
Thuốc kháng Histamin thường được kê đơn trong phác đồ điều trị bệnh viêm mũi dị ứng có thể kể đến như: clorpheniramin, loratadin, cetirizine, fexofenadine,…
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng nhóm thuốc này để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh lý như sổ mũi, ngứa họng, nổi mề đay… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn đối với người bệnh.
Các loại thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến như: Cefuroxim, Amoxicillin, Cefadroxil,…
Phẫu thuật
Điều trị bệnh lý bằng phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp nhất định. Cụ thể như viêm mũi dị ứng xuất hiện polyp, thoái hóa cuốn mũi, người bệnh có những lệch lạc trong cấu trúc mũi như gai vách ngăn, lệch vách ngăn,… Sau phẫu thuật, người bệnh cần chú ý đến chế độ chăm sóc và vệ sinh, rửa mũi thường xuyên nhằm loại bỏ các vật thể lạ bám lại trên niêm mạc mũi gây dị ứng.
Chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ chữa bệnh của bác sĩ chuyên khoa, bạn cần có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà để kiểm soát tốt khả năng tái phát. Dưới đây là những điều cần lưu ý trong khâu chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng:
- Hạn chế sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, khói thuốc, không khí ô nhiễm, lông động vật,…
- Thường xuyên vệ sinh nhà ở, giữ không gian sống thoáng mát, sạch sẽ. Giặt giũ và thay chăn gối định kỳ.
- Giữ ấm cơ thể khi trời tiết chuyển lạnh đột ngột, nhất là vào thời điểm giao mùa.
- Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, khi đến những nơi công cộng.
- Hạn chế việc sử dụng điều hòa, thay vào đó nên sử dụng nguồn không khí tự nhiên. Nếu được, nên sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong không khí.
- Tránh ăn các loại thực phẩm có mùi tanh, chứa nhiều chất béo, các loại gia vị cay nóng, thịt đỏ,…
- Nên từ bỏ thói quen sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá…
Ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh lý, người bệnh nên tiến hành thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và tình trạng cụ thể để tìm ra phác đồ điều trị thích hợp. Thực hiện đúng phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng, kết hợp với chế độ chăm sóc – phòng ngừa khoa học có ý nghĩa quan trọng, giúp rút ngắn quá trình điều trị và kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!