Nổi Mẩn Đỏ Trên Đầu Ở Trẻ Em Là Bệnh Gì? Nguyên nhân & Cách Chữa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Tình trạng nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em là dấu hiệu thường gặp. Nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng biết rõ  được nguyên nhân. Điều này khiến cho họ cảm thấy lo lắng vì không biết làm thế nào để giúp con chữa khỏi bệnh. Nếu bạn cũng đang trong hoàn cảnh đó thì hãy đọc bài viết dưới đây để làm sáng tỏ vấn đề. 

Nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em?

Nổi mẩn đỏ trên đầu thường khiến cho các bé hay quấy khóc vì ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng này thường xảy ra với các trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Theo chia sẻ của các chuyên gia, nổi mẩn đỏ xuất hiện trên đầu ở trẻ em có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể phân ra thành 2 nhóm như sau:

 nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em
Nổi mẩn đỏ trên đầu thường khiến cho các bé hay quấy khóc vì ngứa ngáy, khó chịu

Nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em do nguyên nhân bệnh lý

Hiện tượng trẻ bị nổi mẩn đỏ trên đầu có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là các bệnh ngoài da. Ngoài xuất hiện trên đầu, những nốt mẩn đỏ do bệnh da liễu còn có thể lan rộng xuống vùng mặt, cổ, vai,… Dưới đây là thông tin cơ bản về những bệnh lý thường gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em:

  • Rôm sảy: Rôm sảy là bệnh da liễu thường xuyên xảy ra vào mùa hè. Lúc này thời tiết nóng và khô khiến da trẻ đổ nhiều mồ hôi. Các vi khuẩn trong không khí dễ dàng xâm nhập vào các nang lông gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ trên đầu.
  • Nấm da đầu: Là bệnh viêm da dị ứng. Nấm da đầu ở trẻ em có dấu hiệu như trên đầu nổi các nốt mẩn đỏ, tróc vảy từng mảng kèm theo hiện tượng ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Nấm da đầu thường gặp ở trẻ em bởi da đầu của các bé lúc này đổ nhiều mồ hôi hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, vật nuôi .
  • Tăng tiết bã nhờn: Tăng tiết bã nhờn là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ em. Dấu hiệu của bệnh là những nốt mẩn đỏ có nhọt như mụn trứng cá. Các bã nhờn bài tiết trên da, đóng vảy thành từng lớp như gàu. Nếu bố mẹ không điều trị nhanh chóng,  hiện tượng nổi mẩn có thể lan nhanh từ da đầu xuống các vùng da khác trên cơ thể.
  • Phát ban đỏ: Phát ban đỏ là bệnh da liễu lành tính với đặc trưng là các nốt mẩn đỏ như muỗi chích, nổi lấm tấm trên da đầu. Sau khi trẻ sốt cao và hạ nhiệt, các nốt mẩn đỏ bắt đầu xuất hiện trên da đầu và gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ.

Nổi mẩn đỏ do nguyên nhân khách quan bên ngoài

Ngoài nhóm nguyên nhân bệnh lý, các triệu chứng nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ còn thể xảy ra do một vài tác động từ bên ngoài như:

  • Thời tiết: Thời tiết nóng nảy sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở và gây ra hiện tượng  nổi mẩn ngứa ngáy trên da đầu.
  • Thức ăn: Trẻ em có hệ tiêu hóa còn yếu, không thể hấp thu các loại thức ăn dễ kích ứng hệ tiêu hóa như: hải sản, trứng, sữa bò, lúa mạch, rau muống. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở đầu có thể do dị ứng với sữa mẹ khi người mẹ ăn những loại thực phẩm trên
  • Do gãi, chà xát mạnh khi gội đầu: Nhiều bố mẹ không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Khi gội đầu thường không cắt sạch móng tay và gãi, chà xát mạnh gây ra những vết xước nhỏ trên da đầu, tạo cơ hội cho các vi khuẩn xâm nhập và gây nổi mẩn đỏ trên đầu.
  • Do dị ứng dầu gội: Da đầu của trẻ em thường mỏng và ít tóc. Việc bố mẹ sử dụng những loại dầu gội người lớn chứa nhiều hóa chất tạo mùi, tạo bọt sẽ khiến da đầu của con bị tổn thương làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ ngứa nhẹ.
  • Do chấy, chí: Một số trẻ nhỏ đi nhà trẻ sớm thường bị lây chí, chấy từ bạn. Các con vật ký sinh này hút máu trên lớp da mỏng khiến trẻ nổi mẩn ngứa.
Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ do tăng tiết bã nhờn, dị ứng dầu gội đầu, …

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ?

Nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em là hiện tượng ngoài da khá phổ biến. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng. Chỉ một số ít trường hợp nghiêm trọng mà bố mẹ cần cho trẻ đi khám chữa ngay. Đó là khi trẻ vừa bị nổi mẩn đỏ, vừa có những triệu chứng khác như:

  • Sốt cao từ 38,5 độ trở lên kèm theo hiện tượng co giật.
  • Tình trạng sốt kéo dài liên tục trên 3 ngày dù bố mẹ đã cho con uống thuốc giảm sốt.
  • Trẻ ngủ nhiều, đôi lúc rơi vào trạng thái hôn mê.
  • Các nốt mẩn đỏ trên đầu khô lại, bong vảy và chảy máu.
  • Tình trạng nổi mẩn đỏ có dấu hiệu bội nhiễm toàn thân.

Thông thường, các nốt mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em là dấu hiệu của bệnh da liễu lành tính có thể tự khỏi được. Trong một số trường hợp, nổi mẩn đỏ trên đầu có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh bên trong như bệnh về gan, mật. Lúc này bố mẹ đưa con đi khám để được bác sĩ xét nghiệm chính xác nguyên nhân bệnh và đưa ra cách điều trị an toàn, hiệu quả.

Cách chữa nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em

Trẻ em thường chưa nhận thức được đầy đủ các tình trạng bệnh của mình. Do đó các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao các biểu hiện của con để có hướng xử lý kịp thời. Nếu bé chỉ bị phát ban đỏ và không có các triệu chứng đi kèm như nóng sốt, tăng tiết bã nhờn… thì phụ huynh chỉ cần chú ý chăm sóc và vệ sinh tốt cho bé là bệnh có thể tự khỏi. Hoặc mẹ cũng có thể tham khảo một số biện pháp sau đây để giúp tình trạng nổi mẩn đỏ trên đầu trẻ chóng lành:

Biện pháp chăm sóc và bảo vệ da đầu cho bé

Khi bé gặp các vấn đề về da, việc đầu tiên phụ huynh nên làm là chú ý chăm sóc da cho trẻ. Theo đó, để giúp bảo vệ làn da đang bị tổn thương và khá nhạy cảm của trẻ, cha mẹ cần thực hiện những điều sau đây:

  • Tắm và gội đầu hàng ngày cho bé bằng các sữa tắm chuyên dụng có độ pH phù hợp.
  • Sau khi tắm xong cần lau khô đầu cho bé bằng khăn bông. Không sử dụng máy sấy để làm khô tóc, do da đầu bé chưa cứng cáp.
  • Khi trẻ bị nổi mẩn không nên cho trẻ đội các loại mũ len hay mũ tròn gây bí ẩm da đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào da.
  • Trẻ bị nổi mẩn sẽ kèm theo các triệu chứng ngứa ngáy. Bố mẹ cần trông chừng không cho con gãi hay chà mạnh vào da đầu gây nhiễm trùng da.
  • Không cho trẻ ra đường vào những ngày thời tiết thay đổi hay có nắng gắt.
Mẹ cần chú ý chăm sóc và bảo vệ da đầu cho bé khi đang bị bệnh để tránh tổn thương nặng hơn

Sử dụng thảo dược thiên nhiên gội đầu cho trẻ

Sử dụng thảo dược thiên nhiên để gội đầu cho trẻ là một biện pháp khá an toàn, lành tính giúp xoa dịu các nốt mẩn đỏ trên da. Cách chữa này có hiệu quả tương đối tốt. Vì vậy phụ huynh có thể thử áp dụng để giúp con cải thiện các triệu chứng. Một số mẹo chữa từ thiên nhiên bố mẹ có thể tham khảo là:

  • Dùng chanh muối gội: Muối có khả năng chống viêm, sát khuẩn. Còn chanh có nhiều axit, vitamin C có tác dụng sát trùng. Dùng chanh và muối làm “dầu gội đầu” cho trẻ có thể giúp loại bỏ nhanh các vi khuẩn trên da đầu, đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy khó chịu. Lưu ý khi sử dụng bố mẹ nên pha loãng hỗn hợp, tránh làm da đầu con bị xót.
  • Tinh dầu trà: Tinh dầu trà chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu có công dụng chống nấm, kháng viêm, điều trị nhanh chóng các triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa ngáy trên da. Bố mẹ nên nhỏ vài giọt tinh dầu trà và pha loãng với nước rồi dùng gội đầu cho trẻ để loại bỏ tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ trên da đầu.
  • Bồ kết: Trong bồ kết có chứa chất saponin có tác dụng chống nhiễm khuẩn, tẩy sạch, điều trị các chứng viêm da tiết bã vô cùng hiệu quả. Dầu gội từ bồ kết không chỉ giúp tóc bé mượt mà còn điều trị hiệu quả tình trạng nổi mẩn nhẹ.

Dùng thuốc bôi ngoài da chữa nổi mẩn đỏ trên đâu ở trẻ em

Khi các triệu chứng nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em diễn ra liên tục trong nhiều ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ nên cân nhắc đến việc sử dụng thuốc bôi ngoài da.  Một số loại thuốc bôi ngoài da có công dụng điều trị nhanh các triệu chứng nổi mẩn đỏ phổ biến là:

  • Thuốc Eosin: Thuốc chứa 2% Eosin có công dụng sát trùng, diệt khuẩn hiệu quả, làm khô vùng da đầu nổi mẩn, hạn chế tình trạng bội nhiễm.
  • Thuốc AtoPalm: Thuốc bôi AtoPalm có tác dụng dưỡng ẩm, hạn chế tình trạng khô da tróc vảy trên đầu và làm dịu cảm giác ngứa ngáy cho trẻ.
  • Thuốc Bactroban: Là thuốc kháng sinh chứa hoạt chất Mupirocin có tác dụng hạn chế những tổn thương do các nốt mẩn đỏ gây ra trên đầu, ngăn ngừa hiệu quả các triệu chứng viêm da, nhiễm trùng.

Lưu ý: Cơ địa trẻ em thường nhạy cảm, dễ bị tổn thương, sức đề kháng chưa cao. Do đó, khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào mẹ cũng cần lưu ý chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng sử dụng phải theo hướng dẫn. Trong quá trình chữa trị, nếu có bất thường cần ngừng bôi thuốc và báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được xử lý.

Chỉ sử dụng thuốc bôi trị mẩn đỏ trên đầu cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ

Triệu chứng nổi mẩn đỏ trên đầu ở trẻ em tuy không quá nguy hiểm nhưng để bảo đảm an toàn cho con, bố mẹ nên theo dõi sát sao để khi có bất thường sẽ kịp thời chữa trị.

Xem thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Chat với chúng tôi