Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Đau thần kinh tọa được biết đến là dạng đau nhức xảy ra do tổn thương dây thần kinh hông, bệnh nhân bị ảnh hưởng nhiều ở vùng thắt lưng và tác động tới cả các chi. Hiện nay, cả Y học cổ truyền và hiện đại đều có những biện pháp điều trị tích cực để người mắc có thể phục hồi tốt nhất. Do đó, cần sớm tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

    Định nghĩa đau thần kinh tọa

    Đau thần kinh tọa hay có thể gọi là đau dây thần kinh tọa, là dạng tổn thương ở dây thần kinh chạy từ vùng lưng tới hông, mông và kéo dài đến tận chân. Bệnh chủ yếu xảy ra ở một bên chân và có sự liên quan không nhỏ tới sức khỏe của cột sống.

    Vị trí khởi phát bệnh phổ biến nằm ở vùng thắt lưng dưới, sau một thời gian khu vực đốt sống, ống sống, dây thần kinh bị viêm nhiễm, tổn thương sẽ hình thành nên chứng đau thần kinh tọa.

    dau than kinh toa
    Đau thần kinh tọa là đau nhức dây thần kinh tọa chạy từ lưng tới chân

    Nguyên nhân đau thần kinh tọa

    Đối với bệnh lý này, các nguyên nhân nhìn chung đều có sự liên quan tới hoạt động chức năng của cột sống, cụ thể là đốt sống thắt lưng.

    Những yếu tố gây bệnh gồm:

    • Tuổi tác: Đây là nguyên nhân khó tránh khỏi ở những người cao tuổi. Khi về già, cơ thể có nhiều dấu hiệu lão hóa, trong đó có cột sống và các mô cơ, khớp xương, dây thần kinh tọa đều dễ dàng bị thoái hóa, mất chức năng hoạt động, gây ra nhiều bệnh lý.
    • Chấn thương cột sống: Khi cột sống thắt lưng bị chấn thương hoặc dây thần kinh tọa từ đốt sống lưng trở xuống bị tổn thương đều sẽ gây ra đau thần kinh tọa.
    • Thoát vị đĩa đệm: Hệ quả của thoát vị đĩa đệm chính là chứng đau thần kinh tọa. Bệnh sẽ không thể chấm dứt nếu không có các cách kiểm soát tình trạng thoát vị.
    • Tính chất công việc: Người làm việc nặng nhọc đều dễ tổn thương đốt sống và rễ thần kinh hơn so với người bình thường. Về lâu dài, bệnh nhân sẽ bị đau dây thần kinh tọa, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gai xương cùng nhiều bệnh lý khác.
    • Các nguyên nhân khác: Bệnh nhân có thể bị đau thần kinh tọa khi đứng trên giày cao gót quá lâu, làm các công việc tiếp tân, nhân viên đứng tư vấn bán hàng, vận động cường độ cao gây áp lực lớn lên vùng thắt lưng, trọng lượng cơ thể dư thừa nhiều...

    dau than kinh toa
    Bệnh dễ xảy ra khi ngồi sai tư thế

    Đối tượng bị đau thần kinh tọa

    Bệnh nhân bị đau thần kinh tọa chủ yếu thuộc một trong những trường hợp gồm:

    • Người cao tuổi.
    • Người thừa cân béo phì,
    • Bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp hoặc chấn thương ở cột sống.
    • Đối tượng phải đứng làm việc thường xuyên hoặc công việc nặng nhọc vất vả.

    Triệu chứng đau thần kinh tọa thường gặp nhất

    Bệnh đau thần kinh tọa có nhiều điểm đặc trưng, nhận biết dễ dàng, cụ thể là:

    Co cứng cơ

    Cơ cạnh cột sống sẽ bị các cơn co cứng khi mắc đau thần kinh tọa. Vì sự tổn thương từ bộ phận này gây cản trở quá trình máu vận chuyển, làm giảm máu tới các cơ. Do đó, khi các đợt bệnh bùng phát, bệnh nhân đều cảm thấy vùng thắt lưng khó cử động hơn, hạn chế khả năng cúi người, khom lưng, xoay người. Đặc biệt nếu vận động mạnh sẽ bị cảm giác đau nhói gây khó chịu.

    Đau lan rộng

    Từ vùng thắt lưng chạy đến chân sẽ có cảm giác đau nhức, đau mỏi rất rõ rệt. Bệnh nhân thậm chí không thể đứng lâu vì cơn đau nửa người, từ đó giảm khả năng đi đứng, vận động, ngay cả nằm một chỗ cũng làm người bị khó chịu mệt mỏi. Theo đó, càng hoạt động mạnh càng khiến cơ thể đau hơn và mức độ cũn gia tăng theo thời gian.

    Tư thế thay đổi

    Đau thần kinh tọa làm bệnh nhân bị thay đổi tư thế đứng, đi lại, ngồi vì các dây thần kinh bị tác động gây tổn thương, đau nhức cộng theo tình trạng co cứng cơ. Khi này, cấu trúc cột sống có thể bị cong vẹo, lệch đĩa đệm, lệch xương chậu vĩnh viễn.

    Cảm giác kiến bò

    Gần như các bệnh nhân đau thần kinh tọa đều xuất hiện cảm giác kiến bò ở lưng, cẳng chân, bàn chân, giảm khả năng điều khiển chân và đôi lúc xảy ra rối loạn cảm giác. Nguyên do là bởi rễ thần kinh tọa đã bị viêm nhiễm, tổn thương nghiêm trọng, không còn khả năng điều khiển hoạt động ở thắt lưng trở xuống.

    Giảm khả năng vận động

    Càng về giai đoạn nặng, bệnh nhân càng mất đi khả năng vận động, chân không còn cảm giác cử động tốt, dễ dàng mất kiểm soát dẫn tới vấp ngã. Các động tác cúi người, gập hoặc nghiêng người đều không thể thực hiện. Nếu gắng sức, người bệnh sẽ bị đau nhức dữ dội.

    dau than kinh toa
    Các cơn đau lan rộng từ vùng lưng

    Biến chứng đau thần kinh tọa

    Bệnh nhân chậm trễ đi thăm khám và chữa trị hoặc chữa sai cách bệnh đau thần kinh tọa sẽ khó tránh khỏi biến chứng gồm:

    • Tê liệt chân: Biến chứng này xảy ra sau một thời gian dài bệnh nhân không vận động, các cơ mất đi sự dẻo dai và duy trì chức năng, cơ dần teo nhỏ lại, mất sức lực dẫn tới tê, liệt chân khá nguy hiểm.
    • Chân không có cảm giác: Dây thần kinh tọa tổn thương nghiêm trọng sẽ làm cảm giác ở chân bị mất, người bệnh không nhận biết được nóng hay lạnh.
    • Giảm chức năng hoạt động của bàng quang, ruột: Về lâu dài, đau dây thần kinh tọa khiến hoạt động của ruột và phần bàng quang bị rối loạn, không thể tự chủ kiểm soát. Triệu chứng lúc này là tình trạng bí tiểu, thường táo bón, đầy bụng, thức ăn mất nhiều thời gian để tiêu hóa.

    Chẩn đoán đau thần kinh tọa

    Quá trình chẩn đoán đau thần kinh tọa của người bệnh trải qua các bước gồm:

    Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các kiểm tra tại vùng chân, thắt lưng, khả năng cử động của chân cũng như phản xạ khi có các lực tác động nhẹ từ bên ngoài. Đồng thời, các yếu tố về lối sống, công việc, bệnh lý nền cũng sẽ được đánh giá chi tiết.

    Tiếp theo, thực hiện một số kiểm tra chi tiết hơn như:

    • Chụp tủy đồ: Nhằm loại bỏ yếu tố kích thích khởi phát đau thần kinh tọa do  tổn thương đĩa đệm, đốt sống.
    • Đo điện cơ: Đưa một nguồn xung điện thích hợp chạy trên cơ thể, qua đó thu thập chỉ số truyền dẫn của dây thần kinh tọa, mức độ phản hồi thông tin của cơ tại cẳng chân.
    • Chụp X-quang: Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương ở cột sống như: Gai xương, nứt hoặc gãy đốt sống, lệch đĩa đệm, bị viêm nhiễm dẫn tới đau dây thần kinh tọa, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang.
    • Chụp CT và MRI: Các tổn thương không thể nhận biết bằng X-quang sẽ thể hiện rất rõ ràng thông qua kỹ thuật chụp CT và MRI. Phần rễ thần kinh, mô mềm, các hốc xương đều sẽ được kiểm tra để tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác nhất.

    Điều trị đau thần kinh tọa

    Đau thần kinh tọa hiện đang được chữa trị bằng các đơn thuốc Tây y, phẫu thuật, vật lý trị liệu, thuốc Đông y và mẹo dân gian.

    Thuốc Tây

    Với các phác đồ chữa trị đau thần kinh tọa, thuốc Tây sẽ có sự kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau dựa vào các đặc điểm tổn thương của bệnh nhân. Những thuốc thường gặp nhất là:

    • Nhóm thuốc giảm đau: Tramadol hydroclorid, paracetamol là thuốc giảm đau thông thường, không có khả năng chống viêm dây thần kinh và đốt sống.
    • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: Bệnh nhân đạt được cả hiệu quả giảm đau và ngăn ngừa viêm nhiễm. Đa số sẽ sử dụng piroxicam, diclofenac và celecoxib.
    • Nhóm giãn cơ: Với trường hợp người bệnh bị căng cứng cơ, thuốc giãn cơ cần phải sử dụng để khắc phục nhanh chóng, cải thiện khả năng cử động. Esperison và tolperison được kê đơn nhiều nhất.
    • Thuốc corticoid đường uống: Với các ca bệnh nặng corticoid đường uống sẽ giúp giảm đau nhanh, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn đáng kể.
    • Thuốc ức chế thần kinh: Các tín hiệu đau nhức truyền dẫn về trung ương thần kinh sẽ bị cản trở thông qua một số thuốc như: Gabapentin, carbamazepin hoặc phenytoin.
    • Thuốc tiêm: Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm thuốc vào cạnh sống hoặc ngoài màng cứng. Những thuốc này nhìn chung cho hiệu quả nhanh, công dụng mạnh mẽ, giúp làm giảm cơn đau tức thì nhưng chỉ sử dụng khi bác sĩ chỉ định và được tiêm bởi các nhân viên y tế.

    dau than kinh toa
    Thuốc Tây uống theo mức độ bệnh của từng người

    Vật lý trị liệu chữa đau thần kinh tọa

    Các bài tập vật lý trị liệu sẽ đem đến hiệu quả tốt hơn trong việc điều trị đau thần kinh tọa. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn chi tiết các bài tập tại nhà cũng như nhờ tới sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc tại trung tâm. Những kỹ thuật áp dụng phổ biến nhất là: Sóng siêu âm, chườm nhiệt nóng, xoa bóp, kéo giãn các cơ.

    Bài tập kéo giãn cơ ở đùi sau:

    • Bệnh nhân bắt đầu với tư thế đứng thẳng và lựa chọn nơi có bậc thang, bậc thềm cao hơn mặt sàn để đạt 1 chân lên.
    • Chân và ngón chân cần duỗi thẳng, sau đó từ từ ngả người ra đằng trước và vẫn duy trì lưng thẳng. Cố định tư thế trong 30 giây rồi thả lỏng cơ thể về tư thế ban đầu.
    • Đối sang bên chân còn lại và tiếp tục thực hiện động tác.

    Bài tập hình trái lê:

    • Bệnh nhân nằm trên mặt sàn phẳng, gối đầu với độ cao vừa phải, sau đó con chân trái và phần mắt cá chân phải sẽ vòng qua gối trái.
    • Dùng 2 tay ôm chặt lấy đùi chân trái rồi kéo từ từ về ngực, hông giữ thẳng vào đảm bảo phần xương cụt vẫn tiếp xúc với mặt sàn.
    • Giữ căng mông bên phải, hít thở đều trong 30 giây và thả lỏng, sau đó tiếp tục đổi bên và lặp lại bài tập.

    Phẫu thuật

    Trong trường hợp bệnh nhân không đạt được kết quả điều trị tốt khi dùng thuốc hoặc cơ thể không đáp ứng được các phương thuốc, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để tránh xảy ra các biến chứng. Thông thường, những người mắc chứng hẹp ống sống, thoái hóa, thoát vị sẽ cần phải áp dụng cách này.

    Thuốc Đông y

    Các bài thuốc Đông y chữa đau thần kinh tọa thường dùng có thể kể tới như:

    Bài thuốc số 1:

    • Vị thuốc: Quế chi, phòng phong, tang ký sinh, trần bì, ngưu tất, chi xác, xuyên khung, độc hoạt, uy linh tiên.
    • Cách dùng: Cho thuốc vào ấm sắc với 1 lít nước, nước thuốc khi cạn bớt sẽ chắt ra và uống theo 3 bữa. Khi 2 bữa thuốc sau đã nguội, trước lúc dùng cần hâm ấm.

    Bài thuốc số 2:

    • Vị thuốc: Rễ bưởi bung, trần bì, ích mẫu, tang chi, đỗ trọng, đan sâm, tần giao, kê huyết đằng, hương phụ, thổ phục linh, khởi tử.
    • Cách dùng: Mỗi ngày sắc 1 thang, uống thuốc 3 bữa trong ngày vào sáng, trưa và buổi tối.

    Bài thuốc số 3:

    • Vị thuốc: Đương quy, kinh giới, nam tục đoạn, thục địa, phòng phong, quế chi, trinh nữ, cúc tần, xuyên khung, chích cam thảo, thiên niên kiện, bạch thược.
    • Cách dùng: Cho thuốc vào ấm sắc với 800ml nước đến khi cạn còn ¼. Thuốc uống lúc ấm và đảm bảo sử dụng đều đặn hàng ngày.

    dau than kinh toa
    Sử dụng thuốc Đông y cho hiệu quả lâu dài

    Mẹo dân gian

    Các mẹo nhỏ trong dân gian có thể giúp ích khá nhiều cho bệnh nhân đau thần kinh tọa. Người bệnh tham khảo mẹo sau:

    • Chườm ngải: Dùng một lượng lá ngải vừa đủ, rửa sạch sẽ rồi để cho khô hết nước. Cho ngải cùng muối trắng lên chảo sao vàng và đổ ra khăn bông sạch. Để bọc ngải lên trực tiếp vùng lưng và chườm nhẹ nhàng, khi ngải nguội hãy sao lại và chườm lượt nữa.
    • Lá lốt ngâm giấm: Chuẩn bị lá lốt đã rửa sạch hết bụi bẩn, đợi ráo nước hoàn toàn sẽ giã hoặc xay nhuyễn. Sau đó thêm vào phần giấm trắng đã chuẩn bị, đem chưng nóng rồi đắp lên khu vực đau nhức mỗi lần 30 phút, có thể đắp 2 lần trong ngày.
    • Tắm nước ấm: Chuẩn bị nước ấm có nhiệt độ phù hợp, sau đó tắm hoặc ngâm mình trong bồn với tinh dầu gừng, sả sẽ giúp giảm cơn đau và thư giãn tinh thần.

    Phòng tránh đau thần kinh tọa

    Áp dụng các biện pháp dưới đây sẽ giúp giảm nguy cơ mắc đau thần kinh tọa khá tốt:

    • Cân nặng nên điều chỉnh ở mức độ phù hợp để tránh tạo áp lực lớn lên cột sống cũng như các khớp xương ở chân. 
    • Cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các chất béo có hại, các thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, đồ nhiều muối sẽ làm giảm canxi, hạn chế hấp thu dưỡng chất ở xương cũng như gây hại cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
    • Nên tập thể dục hàng ngày với những bộ môn phù hợp. Không tập luyện thể thao cường độ cao hoặc các môn yêu cầu kỹ thuật khó và bạn không biết cách thực hiện. Tốt nhất, nên tập yoga, đạp xe, đi bộ, bơi lội sẽ rất có lợi cho cơ thể.
    • Khi ngồi làm việc, cần giữ lưng và cổ thẳng, tránh cúi gằm mặt hoặc khom lưng. Với những người phải đi giày cao gót liên tục trong quá trình làm việc, hãy ngâm và massage chân vào cuối ngày, kết hợp các động tác xoa bóp lưng. 
    • Không kê gối quá cao khi nằm ngủ, hạn chế nằm ngủ ở trên võng vì tư thế này về lâu dài sẽ làm cong vẹo cột sống, gia tăng áp lực lên các đốt sống cũng như dây thần kinh.
    • Tránh dùng thuốc lá, thuốc lào, các loại cà phê và bia rượu. Đây là các yếu tố khiến lượng canxi trong xương hụt giảm, hạn chế khả năng vận chuyển máu tới các vị trí trên cơ thể, làm xương khớp nhanh chóng suy yếu hơn.
    • Nếu xảy ra các chấn thương, va ngã gây tổn thương xương khớp, cần nhanh chóng điều trị, phục hồi chức năng. Như vậy nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ giảm đi rất nhiều.
    • Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm giúp nhận biết sớm các bệnh lý cũng như những bất thường của cơ thể.
    • Có thể uống thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng bồi bổ sức khỏe xương khớp nhưng nên có sự tư vấn từ bác sĩ trước khi dùng.

    Đau thần kinh tọa cần được chữa trị sớm và đúng cách. Nếu bệnh nhân thấy các triệu chứng bất thường, hãy nhanh chóng đi thăm khám, thực hiện đúng chỉ dẫn điều trị, từ bỏ các thói quen xấu và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh hơn. 

    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *