Ngứa mông: Biết nguyên nhân để chữa bệnh đúng cách, triệt để
Ngứa ngáy là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả vùng mông. Ngứa mông kéo dài và thường xuyên tái phát có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Vậy ngứa mông xuất phát từ những nguyên nhân nào? Triệu chứng đi kèm ra sao? Làm thế nào để điều trị và phòng tránh tình trạng khó chịu này? Tất cả những thắc mắc kể trên sẽ được giải đáp thông qua bài viết sau đây.
Nguyên nhân gây ngứa mông
Ngứa mông là cảm giác khó chịu và kích thích ở vùng mông, khiến người bị ngứa phải dùng tay để gãi hoặc cào. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, bao gồm:
Các bệnh lý về da
Các bệnh lý về da có thể gây viêm, ngứa ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, kể cả da mông. Theo nghiên cứu, hiện tượng ngứa mông có thể biểu hiện của các căn bệnh sau đây:
- Bệnh vẩy nến: Vẩy nến là một căn bệnh tự miễn, được đặc trưng bằng các mảng da bong tróc màu đỏ, bạc và cảm giác ngứa ngáy. Theo thống kê, vẩy nến chiếm từ 5% đến 8% trong số các trường hợp bị ngứa ở vùng mông.
- Viêm da dị ứng: Viêm da dị ứng là một căn bệnh về da gây khô, ngứa châm chích và tróc vảy trên da. Bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến nhiều vùng da trên cơ thể, chẳng hạn như cổ, ngực, vai, tay, chân, mặt, đầu và cả mông.
- Lichen xơ hóa: Lichen xơ hoá cũng là một căn bệnh có khả năng gây ảnh hưởng đến vùng da mông. Không chỉ gây kích ứng và ngứa mông, bệnh còn có thể khiến vùng âm hộ hình thành các nếp nhăn và vết trắng.
Nhiễm giun kim
Giun kim là một loại ký sinh trùng có trong phân, thường tấn công và gây ngứa cho những vùng da nhạy cảm, ví dụ như da mông. Đặc biệt, khi người bệnh dùng tay để gãi, giun kim sẽ bám vào móng tay và xâm nhập vào cơ thể nếu người bệnh bốc thức ăn bằng tay. Theo nghiên cứu, trên da người, thức ăn, quần áo và chăn gối, loài ký sinh trùng này có thời gian sống lên đến 2 tuần.
Ngứa mông do bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là một căn bệnh da liễu phổ biến và rất dễ lây lan. Bệnh có thể gây ban ngứa và lở loét ở nhiều vùng da trên cơ thể, bao gồm cả hậu môn và cơ quan sinh dục. Khi tấn công đến vùng mông, ghẻ sẽ gây ra các vấn đề như sưng, tấy đỏ, ngứa ngáy, mụn nước…
Bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý khi các cơn ngứa ở mông chuyển dần sang đau rát, bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ hoặc tình trạng nứt hậu môn. Ngược lại, người mắc bệnh trĩ cũng thường gặp rất nhiều vấn đề ở vùng da gần búi trĩ, trong đó có da mông.
Để xác định ngứa mông có phải do bệnh trĩ và nứt hậu môn hay không, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Ngoài ra, những căn bệnh này cũng có thể được nhận biết thông qua hiện tượng sưng niêm mạc hậu môn, chảy máu khi đi đại tiện, phân lẫn máu…
Nhiễm trùng nấm men
Không chỉ tấn công âm đạo, nấm men còn có thể gây ảnh hưởng đến vùng da xung quanh hậu môn. Theo thống kê, nhiễm trùng nấm men chiếm từ 10% đến 15% trong tổng số các trường hợp ngứa mông, đặc biệt là ở những bị béo phì, người cao tuổi, người bị tổn thương hệ thống miễn dịch và người đang sử dụng kháng sinh.
Các bệnh mãn tính
Viêm và kích ứng ở mông có thể liên quan đến một vài căn bệnh tự miễn và bệnh mãn tính, ví dụ như tiểu đường. Khi mắc các căn bệnh này, người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn và nấm, làm gia tăng các cơn ngứa ở vùng da mông.
Bên cạnh đó, vùng da quanh hậu môn cũng dễ bị kích ứng hơn ở người mắc các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hoá. Trong đó, bệnh Crohn có thể gây tiêu chảy và rò rỉ phân, khiến da mông bị kích ứng và ngứa ngáy dữ dội. Ngoài ra, theo tạp chí Da liễu lâm sàng Hoa Kỳ (American Journal of Clinical Dermatology), thiếu máu do thiếu sắt, bệnh gan, thận và một số loại bệnh ung thư cũng có thể gây ngứa ở mông nói riêng và toàn cơ thể nói chung.
Ngứa mông do tổn thương thần kinh
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý kể trên, ngứa mông cũng có thể xuất phát từ các yếu tố liên quan đến thần kinh. Cụ thể, người bị chấn thương lưng dưới hoặc có các tổn thương nhẹ ở thần kinh ở dây thần kinh tủy sống có thể bị kích ứng ở quanh mông hoặc hậu môn. Trong một số trường hợp, các tổn thương thần kinh này còn khiến cho người bệnh có cảm giác đau đớn dữ dội.
Ngứa mông do vấn đề vệ sinh
Sau khi đi vệ sinh, một lượng chất bẩn và hơi ẩm sẽ bám lại trên mông nếu vùng da này không được vệ sinh sạch sẽ. Sau một thời gian, các chất bẩn này sẽ khiến cho phần da tại đây ngứa ngáy và khó chịu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngứa mông thường gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người già gặp vấn đề vận động, không thể tự mình vệ sinh cơ thể.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng xà phòng hoặc khăn giấy ướt có mùi hương để làm sạch vùng kín cũng là tác nhân gây kích ứng vùng mông. Mông là vùng da khá nhạy cảm, nên việc dùng các sản phẩm có chứa hoá chất tạo mùi để vệ sinh sẽ khiến cho da bị kích ứng, dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu.
Ngứa mông do chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống hàng ngày và sức khoẻ có mối liên quan mật thiết với nhau, đặc biệt là sức khỏe của làn da. Nói cách khác, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, có tính axit cao có thể khiến da bị ảnh hưởng, trong đó có cả vùng da quanh mông.
Mặt khác, một vài loại thực phẩm cũng có thể nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy, rò rỉ hậu môn… Điểm chung của những căn bệnh này là đều khiến cho da mông dễ nhiễm bẩn, kích ứng và sinh ra ngứa ngáy.
Ngứa mông do quần áo
Việc mặc các loại trang phục bó sát, không thấm hút mồ hôi có thể khiến da mông bị kích ứng, gây ngứa ngáy dữ dội. Đồng thời, dư lượng của bột giặt và màu nhuộm còn tồn đọng trên quần áo cũng có thể là tác nhân gây ra dị ứng.
Ngoài ra, mặc đồ bó sát trong thời gian dài còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông. Ở phụ nữ, viêm nang lông thường hình thành ở khu vực âm đạo – hậu môn, được đặc trưng bằng các triệu chứng như ngứa ngáy, sưng đỏ và mụn nhọt.
Các triệu chứng đi kèm với ngứa mông
Tuỳ theo nguyên nhân gây ngứa mà tình trạng này có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Da mông hoặc vùng da quanh hậu môn có hiện tượng đỏ hoặc kích ứng.
- Xuất hiện mụn trứng cá trên mông.
- Nổi mẩn đỏ hoặc phát ban.
- Da mông bong tróc thành từng mảng.
- Có cảm giác đau rát ở quanh mông hoặc gần hậu môn.
- Da phồng rộp hoặc mưng mủ.
Điều trị tình trạng ngứa da mông
Cảm giác ngứa ngáy ở mông có thể được cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của cơn ngứa mà người bệnh có thể lựa chọn một trong các biện pháp sau đây:
Điều trị ngứa mông bằng mẹo dân gian
Bên cạnh điều trị bằng Tây y, các mẹo dân gian cũng là phương pháp mang lại hiệu quả cao và an toàn. Người bệnh có thể tham khảo các mẹo nhỏ sau:
- Trị ngứa bằng tỏi: Với tính kháng khuẩn, tiêu viêm và chống sưng ngứa tự nhiên, tỏi là phương pháp trị ngứa mông mà người bệnh không nên bỏ qua. Để giảm thiểu cơn ngứa ở vùng mông, người bệnh giã nát tỏi là chà xát lên mông trong khoảng 3 – 5 phút. Đối với các trường hợp nhẹ, phương pháp này có thể mang đến hiệu quả sau 2 – 3 lần thực hiện.
- Trị ngứa bằng rau răm: Không chỉ giúp trị ngứa, rau răm còn một biện pháp giúp cải thiện tình trạng nổi mẩn và mủ nước do dị ứng. Đối với phương pháp này, người bệnh có thể xay nhuyễn rau răm, chắt lấy nước cốt rồi thoa lên da trong khoảng 50 – 60 phút. Đặc biệt, chỉ sau khoảng 3 ngày thực hiện, cơn ngứa sẽ nhanh chóng thuyên giảm và bị đẩy lùi.
- Tắm nước lá trị ngứa: Dùng lá khế hoặc lá kinh giới, rửa sạch, vo nát và đem đi đun sôi với nước, muối, rồi dùng để tắm. Hai loại lá này có có chứa những dược chất có tính kháng khuẩn, kháng viêm tốt, sẽ giúp xoa dịu cơn ngứa. Khi tắm, bạn có thể dùng bã lá chà xát lên vùng mông để có hiệu quả tốt nhất.
- Uống nước rau má: Nước rau má có thể giúp bạn thanh nhiệt, giải độc, giảm ngứa ngay trên da. Cách làm nước rau má để uống rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch rau má rồi xay nhuyễn, lọc lấy nước uống là có thể dùng được. Phần bã sau khi xay có thể tận dụng để đắp lên vùng da mông bị ngứa để cải thiện triệu chứng.
Điều trị ngứa da mông bằng Tây y
Sử dụng thuốc Tây y là phương pháp điều trị ngứa mông hiệu quả, đặc biệt là khi cơn ngứa đi kèm với nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác. Cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng cách kết hợp các loại thuốc như:
- Thuốc uống: Người bị mẩn ngứa ở mông thường được điều trị bằng nhóm thuốc gồm Imidazole Econazole, Clotrimazole… Công dụng chính của những loại thuốc này là giảm ngứa, diệt nấm, kháng viêm và ngăn ngừa tái phát.
- Thuốc bôi: Ngoài thuốc uống, bác sĩ cũng sẽ kê đơn cho người bệnh các loại thuốc bôi có hoạt chất diệt vi khuẩn và nấm, chẳng hạn như Clotrimazol, Miconazol, Ketoconazol… Những loại thuốc này có thể giúp giảm ngứa mà không gây kích ứng hay viêm tấy.
Dùng thuốc Đông y trị ngứa mông
Y học cổ truyền quy các chứng ngứa ngáy ngoài da, bao gồm cả ngứa ở mông là Ẩn chẩn, Phong chẩn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do phong thấp tấn công vào bì phu, trường vị thấp nhiệt lại cảm phong tà, tà khí uất tại cơ bì. Cùng lúc đó, cơ thể lại không có đủ đề kháng để loại trừ các yếu tố gây hại. Từ đó mà sinh ra mẩn đỏ, ngứa ngáy ngoài da.
Muốn trị ngứa triệt để cần phải tìm cách sơ phong, tán nhiệt, hoạt huyết, bồi bổ ngũ tạng cho bệnh nhân. Theo đó, có một số vị thuốc thường được dùng để chữa trị các chứng bệnh ngứa ngoài da là: sài đất, cà gai leo, hoàng kỳ, kim ngân hoa, độc hoạt, hoàng bá, trần bì, cam thảo, quế chi… Chính vì sử dụng thảo dược từ tự nhiên và chữa trị bệnh từ gốc nên thuốc Đông y thường mang lại hiệu quả cao, hạn chế tái phát.
Phòng tránh tình trạng ngứa mông
Tình trạng ngứa mông hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp sau đây:
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng da ở mông bằng nước ấm hoặc các loại xà phòng không có mùi hương.
- Lựa chọn các loại bột giặt, nước xả vải an toàn, thân thiện với da.
- Tăng cường dưỡng ẩm cho da.
- Không để da mông tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên gây kích ứng hoặc dị ứng.
- Sử dụng các loại trang phục có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi, không mặc quần áo quá chật.
- Không mặc lại quần áo đẫm mồ hôi hoặc còn ẩm ướt.
Ngứa mông có thể xuất phát từ các nguyên nhân vô hại. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm về da, thần kinh và nội tạng. Do đó, khi có cảm giác ngứa ngáy ở vùng mông trong thời gian kéo dài, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!