Ngứa Khắp Người Không Nổi Mẩn Là Bị Bệnh Gì? Cách Điều Trị?
Ngứa khắp người không nổi mẩn là tình trạng da bị kích ứng gây cảm giác ngứa ngáy và có thể xảy ra với bất cứ ai. Nhiều người cảm thấy khó chịu và lo lắng vì không biết nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu. Hãy theo dõi bài viết sau để nắm bắt được những thông tin hữu ích giúp bạn xử lý nhanh các cơn ngứa.
Nguyên nhân gây ngứa khắp người không nổi mẩn
Triệu chứng ngứa thường đi kèm với hiện tượng nổi mẩn đỏ hoặc sưng da thành từng mảng. Khi bị ngứa khắp người không nổi mẩn, nhiều người tỏ ra lo lắng, không biết nguyên nhân từ đâu.
Theo chuyên gia da liễu cho biết, tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn thông thường chỉ là tình trạng da bị kích ứng tạm thời. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng ngứa ngáy khắp người không nổi mẩn:
Ngứa khắp người không nổi mẩn do da khô
Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngứa toàn thân không nổi mẩn. Da khô có thể do cơ địa, có thể do bạn không uống đủ nước, do thói quen tắm nước nóng thường xuyên hoặc do thời tiết quá hanh khô, độ ẩm thấp.
Đa phần các trường hợp này chỉ cần dưỡng ẩm, cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể là có thể tự hết ngứa mà không cần can thiệp y tế. Nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ của bạn, làm cho da nhanh lão hóa và tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh chàm, vảy nến.
Ngứa da toàn thân không nổi mẩn do côn trùng đốt
Khi bị ngứa ngáy toàn thân, không nổi mẩn đỏ thì bạn nên kiểm tra lại quần áo và chăn gối vì rất có thể bạn bị côn trùng như muỗi, nhện, phấn bướm hay bọ xít đốt. Thông thường những con côn trùng này sẽ gây ra những vết mẩn đỏ hoặc sưng tấy lớn nhưng nhiều khi bạn sẽ chỉ cảm thấy ngứa dữ dội mà không thấy dấu vết trên da.
Đa số trường hợp bị côn trùng đốt ngứa dữ dội sẽ tự hết sau vài giờ. Nếu xác định được nguyên nhân này, bạn nên tắm nước mát để làm dịu da rồi thay toàn bộ quần áo, chăn gối vừa sử dụng, có thể bôi thêm kem dưỡng ẩm để làm dịu da nhanh hơn.
Ngứa không nổi mẩn do tác dụng phụ của thuốc
Tình trạng ngứa ngáy khắp người không nổi mẩn trong nhiều trường hợp là do người bệnh đang bị dị ứng với một trong những loại thuốc điều trị sau:
- Thuốc giảm đau opiods: Đây là loại thuốc giảm đau cần được bác sĩ kê đơn. Thuốc có tác dụng phụ là gây kích ứng da khắp cơ thể.
- Thuốc điều trị bệnh về huyết áp: Điển hình là thuốc amlodipine, có tác dụng phụ là gây ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ.
- Thuốc giảm cholesterol statin: Loại thuốc này cũng gây ra các phản ứng gây kích thích và ngứa ngáy toàn thân. Bên cạnh đó, loại thuốc này cũng tiềm ẩn nguy gây cơ rối loạn nội tạng và tổn thương cho gan.
- Thuốc khác: Một số các loại thuốc khác có chứa chất làm loãng máu, thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tiểu đường… cũng có thể gây ra tác dụng phụ, khiến người dùng bị ngứa.
Những bệnh lý có biểu hiện ngứa khắp người không nổi mẩn
Ngứa ngáy khắp người mà không nổi mẩn đỏ ngứa cũng có thể là biểu hiện của việc cơ thể đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó. Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này là:
Viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị virus tấn công gây hệ quả là bạn bị suy giáp hoặc cường giáp. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng là sản sinh ra các loại hormone cho cơ thể nhưng khi bị viêm, chức năng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngứa khắp người không nổi mẩn là một trong những triệu chứng khá điển hình của bệnh viêm tuyến giáp, cùng với các triệu chứng sau đây:
- Thường xuyên căng thẳng, lo âu
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải
- Khó kiềm chế cảm xúc, dễ cáu gắt, bực tức
Nhiễm giun sán
Nhiễm giun sán là tình trạng cơ thể bị ký sinh trùng xâm nhập từ bên ngoài vào, thường là qua đường ăn uống. Ký sinh trùng thường tồn tại ở dạng ấu trùng, phát triển thành dạng khối u nhỏ dưới da. Những khối u nhỏ này có khả năng di động đồng thời hệ miễn dịch phản ứng lại với chất thải do ký sinh trùng tiết ra và làm cho người bệnh có cảm giác ngứa ngáy khắp người.
Bệnh lý về thận
Thận là cơ quan đảm nhiệm chức năng lọc máu, thải độc, điều chỉnh nồng độ kali, pH, muối cho cơ thể. Khi thận gặp trục trặc, cụ thể là mắc phải những bệnh lý như: viêm cầu thận, suy thận mãn… thì các chất độc hại sẽ không thể được đào thải hết ra ngoài cơ thể như khi thận khỏe mạnh. Độc tố tích tụ lâu này sẽ gây hại cho cơ thể, một trong những biểu hiện của nó là tình trạng kích ứng da, ngứa ngáy toàn thân.
Bệnh lý về gan
Phổ biến nhất là bệnh viêm gan tự miễn. Bệnh này có tính di truyền và có thể chuyển biến thành mãn tính. Hệ miễn dịch tấn công tế bào gan gây nên những tổn thương ở hệ thống mao mạch dưới da. Bệnh nhân thường bị vàng mắt, vàng da, chất độc không được đào thải, tích tụ lại ở mật gây ngứa da dữ dội. Cảm giác ngứa phát triển toàn thân và đặc biệt khó chịu về đêm.
Ngoài ra, người bị viêm gan tự miễn còn có biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, hay buồn nôn, trào ngược, nước tiểu sậm màu, màu phân nhạt và có mùi hôi…
Bệnh Celiac
Celiac là tình trạng cơ thể có phản ứng bất thường với protein trong lúa mạch, yến mạch, lúa mì gây rối loạn tiêu hóa. Người bệnh sẽ có cảm giác ngứa râm ran khắp người, ngứa lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh nhân cũng sẽ thường xuyên mệt mỏi, có nguy cơ cao bị co giật, vô sinh hiếm muộn.
Bệnh tiểu đường
Tiểu đường thuộc bệnh rối loạn chuyển hóa, gây ra nhiều tác động xấu đối với sức khỏe con người. Lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường do cơ thể không sản xuất đủ insulin – hormone điều hòa đường máu. Người bệnh thường bị ngứa nhiều ở phần chân hoặc ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh tiểu đường có thể gây ra những tổn thương nặng nề hơn về thần kinh.
Rối loạn thần kinh
Cảm giác ngứa khắp người không nổi mẩn rất có thể là triệu chứng “tố cáo” bạn đang mắc phải chứng bệnh rối loạn thần kinh sau đây:
- Bệnh zona thần kinh: Đây là bệnh do virus zona gây ra, chúng xâm nhập vào cơ thể người bệnh, tấn công và giết chết một số tế bào thần kinh cảm giác. Khi mắc bệnh, bạn sẽ có cảm giác ngứa da, bỏng rát. Ngứa ngáy không nổi mẩn thường là dấu hiệu có trước từ 1 – 5 ngày mắc bệnh, sau đó bạn sẽ thấy trên da nổi những mụn nước bỏng rát.
- Chèn ép dây thần kinh: Thường gặp ở những người bị chấn thương, béo phì hoặc loãng xương. Cơ xương khớp lệch khỏi vị trí chuẩn sẽ đè lên dây thần kinh khiến chúng không hoạt động như bình thường được. Do vậy người bệnh sẽ có cảm giác tê bì hoặc ngứa khắp người không nổi mẩn.
- Bệnh rối loạn tâm thần, ám ảnh cưỡng chế: Đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa ngáy khắp người không nổi mẩn đỏ.
Ngứa khắp người khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp ngứa khắp người không nổi mẩn không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng nhưng nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Cảm giác ngứa ngáy khó chịu khiến người bệnh dễ bị phân tâm trong công việc và sinh hoạt. Bên cạnh đó, hành động gãi ngứa thường xuyên sẽ có thể khiến da bị nhiễm trùng. Nhiều người bị ngứa dữ dội về đêm còn có thể bị mất ngủ, stress, mệt mỏi, dễ cáu giận.
Vì vậy khi tình trạng ngứa toàn thân kèm theo các triệu chứng cấp tính sau đây thì người bệnh nên đi thăm khám và chữa trị càng sớm càng tốt:
- Ngứa dữ dội ở vùng kín
- Thường xuyên mệt mỏi, uể oải
- Tăng hoặc giảm cân bất thường
- Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện
- Mất ngủ, ngủ không sâu giấc
Cách xử lý khi bị ngứa khắp người
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ có cách xử lý, cách điều trị khác nhau. Hiện nay có 3 hướng xử lý đối với tình trạng này là: chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, điều trị bằng thuốc tây y và điều trị bằng thuốc đông y.
Cách giảm ngứa khắp người không nổi mẩn tại nhà
Khi mới có hiện tượng ngứa khắp người không nổi mẩn, bạn có thể áp dụng cách xử lý, chăm sóc giảm nhẹ tại nhà để làm dịu da, giảm bớt tình trạng kích ứng ngứa da:
- Tắm các loại nước lá: Lá khế chua, sài đất, kinh giới… là các loại lá có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, làm sạch bề mặt da, giảm kích ứng da hiệu quả mà người bệnh có thể áp dụng.
- Bôi kem dưỡng ẩm toàn thân: Thành phần dưỡng ẩm, vitamin E… trong kem dưỡng ẩm giúp cho da được cấp ẩm, khỏe mạnh hơn, hạn chế tình trạng kích ứng do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy lọc không khí: Các loại máy này có tác dụng cung cấp độ ẩm tự nhiên cho da, giúp gia bớt khô, bớt ngứa.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Với tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn do da bị kích ứng, không phải do bệnh lý về gan, thận, thần kinh… thì bạn có thể dùng một số loại thuốc tây không cần kê đơn sau đây:
- Thuốc bôi chứa corticoid: Giảm ngứa da, kháng viêm hiệu quả. Thuốc cho hiệu quả nhanh chóng nhưng dễ gây tác dụng phụ và cũng dễ kháng thuốc khi sử dụng lâu dài.
- Thuốc kháng histamine: Loại thuốc này thường có dạng uống, giúp người bệnh giảm nhanh tình trạng ngứa toàn thân, nhất là do dị ứng thời tiết có kèm theo triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi… Thuốc có thể gây tác dụng phụ hoặc tái phát tình trạng ngứa khi ngừng sử dụng.
- Thuốc chống trầm cảm: Thường dùng là doxepin, mirtazapine. Thuốc này có hiệu quả giảm ngứa nhanh, an thần.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ về liều dùng, thời gian sử dụng. Trong trường hợp sử dụng các loại thuốc trên mà gặp phải tác dụng phụ thì cần báo ngay với bác sĩ điều trị. Đối với các bệnh lý về gan, thận, thần kinh thì cần điều trị chuyên sâu theo đúng phác đồ.
Điều trị bằng thuốc Đông y
Đông y chữa trị tình trạng ngứa ngáy khắp người bằng cách tác động vào bên trong cơ thể. Các bài thuốc đông y có thành phần từ thảo dược tự nhiên nên khá lành tính và không gây tác dụng phụ. Hiệu quả của việc chữa ngứa bằng thuốc Đông y được đánh giá là có hiệu quả lâu dài và an toàn cho sức khỏe người bệnh.
Chính vì vậy mà dù thời gian chữa bệnh không nhanh bằng Tây y nhưng đây hiện vẫn đang là một trong những lựa chọn điều trị của nhiều người. Một số loại thảo dược thường được sử dụng để chữa trị các bệnh ngứa da do bệnh da liễu là: kim ngân cành, sài đất, bồ công anh, cà gai, bách hộ, hoàng kỳ….
Biện pháp phòng ngừa tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy các biện pháp phòng ngừa luôn có ý nghĩa tích cực đối với mỗi người. Đặc biệt với những người đã và đang mắc bệnh thì việc thực hiện các biện pháp sau sẽ giúp hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị và phòng tránh tái phát lâu dài:
- Xây dựng lịch sinh hoạt khoa học, hợp lý, ngủ đủ 8 tiếng/ngày, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện, vận động để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh chính là tiền đề vững chắc chống lại các yếu tố ngoại lai gây bệnh.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi cung cấp lượng vitamin, khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Chế độ dinh dưỡng “xanh mượt” cũng giúp thanh lọc, giải độc cho cơ thể tốt hơn.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ gây kích ứng da như: đồ cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ, đồ tái chín tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán…
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tránh để mồ hôi ra nhiều, tích tụ cặn bẩn, tế bào chết trên da gây kích ứng ngứa khắp người không nổi mẩn.
- Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng khí, tránh bụi bặm, nấm mốc cũng là biện pháp phòng tránh ngứa da nên thực hiện hàng ngày.
- Lựa chọn trang phục rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt, nhất là những người có làn da nhạy cảm không nên mặc đồ bó sát thường xuyên, đồ có thành phần sợi nilon nhiều, vải len, sợi bông nhiều dễ gây ngứa ngáy khắp người.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da bằng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược tự nhiên lành tính.
Trên đây là những thông tin về tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn và cách điều trị bệnh hiệu quả. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng bệnh này để biết cách xử lý và phòng tránh khi chẳng may mắc phải.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!