Ngứa Da Đầu: Nguyên Nhân Gây Bệnh Và Hướng Khắc Phục Triệt Để
Ngứa da đầu là một vấn đề phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng này còn khiến người bệnh có cảm giác khó chịu và thiếu tự tin. Trong bài viết sau, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh hiện tượng phiền toái này.
Hay bị ngứa da đầu là bệnh gì?
Thường xuyên bị ngứa da đầu có thể là biểu hiện sớm của các căn bệnh sau đây:
Bệnh vảy nến
Vảy nến là bệnh lý bắt nguồn từ sự kích hoạt quá mức của hệ thống miễn dịch, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tế bào da tại các bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm cả da đầu. Do có biểu hiện gần giống với gàu nên 2 vấn đề này thường bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, vảy nến không phải là gàu và khó điều trị hơn gàu rất nhiều.

Vảy nến thường gây ra các vấn đề như:
- Da đầu khô và ngứa ngáy.
- Xuất hiện các mảng da bị bong tróc có màu trắng hoặc đỏ.
- Có cảm giác nóng ran hoặc đau nhức ở phần da trên đỉnh đầu hoặc sau gáy.
- Xuất hiện các mảng da bám trên đường chân tóc hoặc gáy.
- Da đầu chảy máu hoặc tiết dịch bất thường.
- Rụng tóc, đặc biệt là trong các trường hợp vảy nến nghiêm trọng.
Bệnh á sừng
Á sừng là một dạng đặc biệt của viêm da cơ địa, có thể xảy ra ở rất nhiều vùng da khác nhau như da đầu, lòng bàn tay, bàn chân… Trong những giai đoạn đầu, á sừng cũng rất dễ bị nhầm lẫn với gàu. Do đó, người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không điều trị, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như rụng tóc, ngứa da đầu và hói đầu. Đặc biệt, các cơn ngứa của á sừng có xu hướng trở nên dữ dội và khó kiểm soát hơn vào những ngày mùa đông hoặc thời tiết hanh khô. Người mắc bệnh khi ngứa thường dùng tay để gãi hoặc chà xát. Điều này rất dễ khiến da đầu bị nhiễm trùng.
Viêm da dị ứng
Khi bị viêm da dị ứng, bề mặt da đầu người bệnh có thể hình thành các mụn đỏ có kích thước nhỏ đi kèm với cảm giác ngứa rát. Bên cạnh đó, viêm da dị ứng còn khiến cho da đầu luôn trong trạng thái ẩm ướt và tóc bết dính do chất nhờn từ các nốt mụn vỡ ra. Ở mức độ nhẹ, viêm da dị ứng có thể làm cho tóc của người bệnh bị hư tổn. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, căn bệnh này sẽ gây ra các vấn đề như gàu ống, ngứa da đầu…

Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã còn được gọi là viêm da tiết bã nhờn, đây là một trong những tình trạng viêm da phổ biến khiến da đầu tấy đỏ, bong tróc và ngứa ngáy. Ngoài xảy ra vùng da đầu, tình trạng này còn có thể xuất hiện ở những vùng da như cổ, gáy và mặt. Nguyên nhân gây viêm da tiết bã thường là do nấm hoặc tình trạng rối loạn hormone. Nếu không được điều trị sớm, bệnh rất dễ diến tiến thành mãn tính, về sau rất khó chữa.
Viêm nang chân tóc
Viêm nang chân tóc là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ngứa ngáy dữ dội ở da đầu. Vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus là tác nhân chính gây ra tình trạng này. Nếu người bệnh dùng tay để gãi hoặc chà xát, da đầu sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn thứ phát, gây chốc lở và nổi hạch đau ở 2 bên cổ. Đặc biệt, viêm nang chân tóc mãn tính còn có thể gây ra các vấn đề như stress, mất ngủ, suy nhược thần kinh…
Nổi mề đay
Nổi mề đay là một loại phản ứng viêm của da, gây phù nề, mẩn đỏ và ngứa da. Vào mùa hè, da đầu tiết nhiều mồ hôi là điều kiện thuận lợi để các căn bệnh liên quan đến da đầu phát triển, trong đó có mề đay. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu.
Bệnh chàm
Bệnh chàm là căn bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng da trên cơ thể, bao gồm cả da đầu. Khi ảnh hưởng đến da đầu, bệnh chàm thường có các biểu hiện sau đây:
- Ngứa da đầu với các cơn ngứa có xu hướng trầm trọng dần theo thời gian.
- Da đầu xuất hiện các mảng nhỏ có màu đỏ hoặc hồng nhạt.
- Có cảm giác rát nhẹ ở da đầu.
Nấm da đầu
Nấm da đầu còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh ecpet mảng tròn, đây là một dạng viêm nhiễm ở vùng da đầu và nang tóc do nấm gây ra. Triệu chứng của nấm da đầu thường khá giống bệnh gàu, với các vảy gàu nhỏ màu trắng đục đóng thành từng mảng trên da đầu. Nấm da đầu không chỉ khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy mà nó còn gây ra các tình trạng như rụng tóc, hói đầu, chảy mủ, bong vảy, lở loét, da đầu có mùi khó chịu…

Ung thư da
Ngứa da đầu có thể là một trong những biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư da. Ung thư da đầu thường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại: Tia tử ngoại có trong ánh nắng mặt trời có thể gây ảnh hưởng đến da đầu và gây ra bệnh ung thư da, đặc biệt là khi người bệnh tiếp xúc trực tiếp với chúng.
- Tiếp xúc với các loại thuốc nhuộm tóc: Các thành phần độc hại có trong thuốc nhuộm tóc có thể tác động tiêu cực đến da đầu, sinh ra cảm giác ngứa ngáy. Bên cạnh thuốc nhuộm tóc, các sản phẩm chăm sóc tóc khác như kem dưỡng tóc, dầu dưỡng và kem hấp cũng đều mang đến những ảnh hưởng tương tự.
- Di truyền: Di truyền cũng là một yếu tố gây ra bệnh ung thư da. Theo nghiên cứu, những người có người thân, ông bà và bố mẹ mắc ung thư da có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn so với người bình thường.
Các căn bệnh khác
Ngứa da đầu còn là biểu hiện thường gặp của các căn bệnh như:
- Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao có thể khiến cơ thể mất nước và làm cho lượng máu dùng để nuôi dưỡng tóc suy giảm. Mặt khác, bệnh còn khiến cho các dây thần kinh bị tổn thương, gây rối loạn quá trình bài tiết mồ hôi ở da, từ đó tạo ra cảm giác khó chịu và ngứa ngáy ở da đầu.
- Bệnh Zona thần kinh: Bệnh zona thường được nhận biết bằng các dải mụn nước xuất hiện ở vùng đầu hoặc nửa thân trên. Những dải mụn nước này thường khiến cho người bệnh có cảm giác đau nhức, ngứa ngáy và bỏng rát ở vị trí mà nó hình thành.
- Sẹo do rụng tóc: Rụng tóc thường để lại các mô sẹo trên bề mặt da đầu. Các mô sẹo này có thể tạo ra cảm giác ngứa ngáy hay thậm chí là đau rát ở ở da đầu.
Nguyên nhân và triệu chứng của ngứa da đầu
Ngoài các bệnh lý về da liễu, hiện tượng ngứa da đầu còn xuất phát từ các nguyên nhân khác như:
- Búi tóc, cột tóc quá chặt: Các kiểu tóc như tóc búi, tóc tết, tóc đuôi ngựa có thể khiến tóc mỏng đi và dễ rụng hơn. Quan trọng hơn, những kiểu tóc này còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ và dây thần kinh ở da đầu khiến da đầu ngứa ngáy hoặc đau rát.
- Gàu: Gàu được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng ngứa da đầu. Nguyên nhân gây ra gàu là Melissa – một loại nấm khuẩn phát triển trong môi trường da đầu nhiều dầu và bụi bẩn. Bên cạnh việc gây ngứa da đầu, gàu còn là tác nhân làm lỗ chân lông bị bít tắc, khiến tóc con khó mọc lên.
- Da đầu đổ dầu: Da đầu thường có xu hướng đổ nhiều dầu và bã nhờn hơn vào những ngày nắng nóng. Cùng với tia UV, da đầu sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho các loại nấm sinh sôi và phát triển, gây ra hiện tượng ngứa da đầu.
- Da đầu có chấy: Chấy cũng là một tác nhân thường gặp gây ra tình trạng ngứa da đầu. Cụ thể, ngứa da đầu chính là phản ứng dị ứng của da đầu với nước bọt của chấy. Bên cạnh đó, da đầu có chấy còn sinh ra các vấn đề như xuất hiện trứng chấy trên sợi tóc, cảm giác bết dính trên da đầu hoặc vùng cổ, khó ngủ…

Ngứa ngáy ở da đầu có thể khiến cho người bệnh có cảm giác khó chịu và căng thẳng. Bên cạnh đó, tình trạng ngứa còn đi kèm với các triệu chứng như:
- Rụng tóc.
- Khô da đầu.
- Lở loét, mưng mủ ở da đầu.
- Da đầu tấy đỏ và trở nên nhạy cảm hơn.
- Xuất hiện các lớp vảy, sần và các mảng da bị bong tróc.
Cách điều trị ngứa da đầu hiệu quả
Ngứa da đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do đó nắm được nguyên nhân gây ngứa chính là điều quan trọng nhất trong việc điều trị tình trạng này. Người bệnh có thể kiểm soát và đẩy lùi hiện tượng ngứa da đầu thông qua các phương pháp sau đây:
Chữa ngứa da đầu bằng phương pháp dân gian
Chữa ngứa da đầu bằng phương pháp dân gian là cách được nhiều người lựa chọn nhờ sự an toàn và tính hiệu quả cao, đặc biệt là trong các trường hợp nhẹ. Người thường xuyên bị ngứa da đầu có thể tham khảo một trong các cách sau:
- Giấm táo: Từ lâu, giấm táo đã được biết đến như một loại giấm có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm và giảm ngứa da đầu vô cùng hiệu quả. Để cải thiện tình trạng ngứa da đầu, người bệnh có thể pha loãng giấm táo bằng nước ấm và sử dụng nó như một loại dầu xả sau khi gội đầu.
- Tinh dầu bạc hà: Không chỉ giúp giảm gàu, làm dịu da đầu, tinh dầu bạc hà còn rất hữu hiệu trong việc giảm ngứa ngáy và khó chịu. Để loại bỏ các cơn ngứa, người bệnh nên thoa một ít tinh dầu bạc hà lên da đầu trước khi gội khoảng 15 phút để tinh dầu có thể thấm sâu vào da. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng tinh dầu bạc hà để xả lại tóc sau khi gội bằng dầu gội.
- Dầu dừa: Axit lauric có trong dầu dừa được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn, giúp làm dịu và đẩy lùi tình trạng ngứa rát da đầu. Người bệnh có thể thoa dầu dừa nguyên chất lên tóc rồi massage nhẹ nhàng trong khoảng từ 5 đến 10 phút. Sau khi massage, người bệnh nên dùng khăn sạch để ủ tóc thêm khoảng 30 phút nữa rồi gội lại bằng dầu gội và nước sạch.

Chữa ngứa da đầu bằng phương pháp Tây y
Trong những trường hợp nghiêm trọng, hiện tượng ngứa da đầu phải sử dụng đến các loại thuốc đặc trị. Tuỳ vào nguyên nhân gây ngứa mà người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc hoặc dầu gội đầu phù hợp.
Đối với các trường hợp ngứa do bệnh chàm, viêm da tiết bã và viêm da dị ứng, người bệnh thường được điều trị bằng các loại kem bôi chống viêm có chứa Corticosteroid. Nếu ngứa da đầu là do gàu gây ra, người bệnh sẽ được khuyên dùng các loại dầu gội có chứa kẽm pyrithione, axit salicylic và ketoconazole.
Ngoài ra, tình trạng này còn có thể được chỉ định điều trị bằng một số loại thuốc sau:
- Thuốc steroid dạng uống hoặc dạng bôi để điều trị hiện tượng ngứa đầu do viêm.
- Thuốc chống nấm dạng uống hoặc bôi tại chỗ trong các trường hợp nấm da đầu.
- Thuốc điều trị miễn dịch cho các trường hợp ngứa đầu do phản ứng miễn dịch.
- Dầu gội trị chấy đối với các tình trạng ngứa đầu do chấy.
Chữa ngứa đầu bằng phương pháp Đông y
Đông y cũng là một một phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội trong điều trị ngứa đầu, đặc biệt là ngứa đầu do nấm da đầu. Không chỉ giúp chữa khỏi bệnh triệt để, thuốc Đông y còn khá an toàn, lành tính đối với người dùng. Theo đó, gười bị nấm da đầu gây ra có thể thử các loại thảo dược như:
- Tang bạch bì:
Tang bạch bì là một loại thảo dược có công dụng tốt trong việc điều trị ngứa do nấm, làm dịu da và ngăn ngừa rụng tóc. Người bệnh có thể chọn mua các loại tang bạch bì khô được bán sẵn tại quầy thuốc Đông y để về sử dụng.
Để chữa trị ngứa đầu, người bệnh có thể đập dập tang bạch bì và đun sôi trong khoảng 30 phút rồi dùng để gội đầu. Tuy nhiên, trước khi gội, người bệnh nên dùng khăn lọc hết phần cặn của nước để tránh trầy xước da đầu.
- Hương nhu:
Theo Đông y, hương nhu là loại dược liệu có tính ôn, vị cay và có hiệu quả tốt trong điều trị ngứa da đầu do nấm. Bên cạnh đó, hương nhu còn giúp phục hồi tổn thương do nấm gây ra nhờ các hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn cực mạnh.
Do đó, để cải thiện tình trạng nấm và ngứa đầu, người bệnh có thể đun sôi hương nhu, chắt lấy nước rồi sử dụng để gội đầu. Để đảm bảo hiệu quả, người bệnh nên gội đầu bằng hương nhu 2 ngày 1 lần và phải làm khô đầu sau khi gội.

Phòng tránh ngứa da đầu
Tình trạng ngứa da đầu hoàn toàn có thể phòng tránh được nhờ các biện pháp đơn giản sau đây:
- Gội đầu thường xuyên, từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
- Không nên cào mạnh tay khi gội đầu để tránh gây tổn thương và trầy xước da đầu.
- Tránh sử dụng các loại dầu gội đầu có tính tẩy rửa cao.
- Hạn chế đội nón hoặc trùm đầu vào những ngày thời tiết nắng nóng.
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn, lược và mũ với những người có bệnh về da đầu.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng lo âu khiến cho da đầu tiết nhiều bã nhờn hơn.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Ngứa da đầu có thể là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến da liễu và thần kinh. Chính vì thế người bệnh không nên chủ quan và nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám sớm, đặc biệt là khi tình trạng này kéo dài và đi kèm với nhiều triệu chứng bất thường khác.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!