Ngứa Chân Dữ Dội Có Nguyên Nhân Do Đâu? Xử Lý Như Thế Nào?
Ngứa chân không phải là hiện tượng hiếm gặp, thậm chí nó còn là nỗi “ám ảnh” của rất nhiều người. Không chỉ khiến người bệnh có cảm giác bứt rứt, khó chịu, tình trạng này còn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm lý của người mắc bệnh. Vậy ngứa chân xuất phát từ những nguyên nhân nào? Triệu chứng ra sao? Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị ngứa chân một cách hiệu quả?
Bị ngứa chân là bệnh gì?
Cảm giác ngứa ngáy ở chân thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra tại bất cứ vị trí nào trên chân, từ ống chân, mu bàn chân, kẽ chân cho đến lòng bàn chân. Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng ngứa chân có thể là biểu hiện ban đầu của của các bệnh lý sau đây:

Ngứa chân do viêm da cơ địa
Ngứa chân cũng là một biểu hiện thường gặp của tình trạng viêm da cơ địa. Thông thường, viêm da cơ địa sẽ ảnh hưởng đến mặt ngoài của các chi và các vị trí tỳ đè, chẳng hạn như mu bàn chân hoặc đầu gối.
Ngoài cảm giác ngứa ngáy, nóng rát, viêm da cơ địa còn gây ra mụn nước hoặc các nốt ban hồng và đỏ trên chân. Ban đầu, mụn nước thường có kích thước nhỏ, phân bố rải rác hoặc tập trung thành từ vùng. Sau một khoảng thời gian, các nốt mụn nước này sẽ vỡ ra, gây rỉ dịch, phù nề và đóng vảy tiết. Đặc biệt, khi người bệnh dùng tay để gãi hoặc cào, da sẽ bị tổn thương thứ phát, gây ra các triệu chứng như thâm nhiễm, nứt nẻ, dày sừng và ngứa ngáy dai dẳng.
Mề đay mẩn ngứa
Da chân là một trong những vùng da rất dễ bị mề đay mẩn ngứa do phải thường xuyên ma sát với quần áo và giày dép. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như mủ thực vật, xà phòng, côn trùng… cũng là tác nhân chính gây ra tình trạng ngứa chân tay ở nhiều người.
Cơn ngứa do mề đay mẩn ngứa thường khởi phát, tiến triển và thuyên giảm khá đột ngột, thậm chí là không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mề đay mẩn ngứa cũng có thể khiến da tổn thương một cách âm thầm, tạo thành mề đay mãn tính (mề đay mẩn ngứa kéo dài trên 6 tuần).
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là một dạng viêm da phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tác nhân gây viêm thường là các yếu tố gây kích ứng như mủ thực vật, xà phòng, kim loại và côn trùng. Vị trí viêm chủ yếu là vùng da tiếp xúc trực tiếp với chất gây kích ứng. Do lớp sừng bị hư hại nên viêm da tiếp xúc ở chân không chỉ gây ngứa ngáy mà còn khiến vùng da này bị tổn thương, nổi mẩn đỏ và có cảm giác châm chích.

Viêm nang lông
Viêm nang lông là hiện tượng viêm nhiễm khu trú, xảy ra ở một hoặc nhiều nang lông. Trong đó, nang lông ở chân, tay, mông, lưng và nách là những vị trí dễ bị viêm nhất. Viêm nang lông ở chân gây ngứa ngáy, nóng rát, mẩn đỏ, sưng viêm, châm chích… rất khó chịu.
Chàm tổ đỉa
Chàm tổ đỉa là một dạng chàm khá đặc biệt, phổ biến vào mùa xuân, hè. Bệnh được đặc trưng bằng những tổn thương khu trú ở vùng da chân và da tay. Trong giai đoạn đầu, bệnh có thể được nhận biệt bằng các nốt mẩn đỏ và cảm giác ngứa ngáy ở lòng bàn chân hoặc bàn tay. Qua một thời gian, các nốt mẩn đỏ này sẽ phát triển thành mụn nước nằm sâu bên trong cấu trúc của da.
Mụn nước do chàm tổ đỉa gây ra thường có kích thước lớn nhỏ khác nhau, dao động từ 1 – 2mm, thậm chí có thể lên đến vài cm. Sau khoảng vài tuần, những nốt mụn nước này sẽ bắt đầu vỡ, để lại các vảy tiết có màu vàng trên bề mặt của da.
Ngứa chân tay do ghẻ
Bệnh ghẻ là một căn bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Lòng bàn chân, bàn tay, kẽ ngón, kẽ mông và quanh rốn là những vùng da có nguy cơ cao bị ký sinh trùng gây bệnh ghẻ tấn công. Loại ký sinh trùng này sinh sống tại lớp thượng bì của da, thường xâm nhập vào cấu trúc da để đào hang và đẻ trứng. Ghẻ lở trên chân có thể khiến bề mặt da tại đây hình thành các luống ghẻ, mụn nước nhỏ và có hiện tượng mẩn đỏ. Cơn ngứa do ghẻ lở gây ra thường có xu hướng rất dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.

Ngứa chân do nấm da chân
Nấm da chân là một dạng nhiễm trùng da do nấm gây ra. Bệnh thường phổ biến ở các kẽ chân do đây là vị trí tiết nhiều mồ hôi, nhất là khi mang giày dép quá chật. Bên cạnh đó, nấm da chân còn có thể là hệ quả của các căn bệnh hệ thống, chẳng hạn như tiểu đường hay suy giảm miễn dịch.
Khi khởi phát, nấm da chân thường khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, kèm theo đó là các mảng da có màu hồng hoặc đỏ. Đến giai đoạn nghiêm trọng, bề mặt da có thể hình thành các mụn nước nhỏ, chảy máu, rỉ dịch, nứt nẻ hoặc đau rát. Ở mức độ tổn thương nghiêm trọng nhất, da sẽ trở nên khô ráp, thậm chí là bong tróc và chuyển sang dạng đỏ, hồng.
Nguyên nhân khác gây ngứa chân tay
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý nói trên, nhiều người còn có thể bị ngứa chân tay là bị dị ứng mẩn bởi những tác nhân sau đây:
- Thời tiết: Thay đổi thời tiết đột ngột, đặc biệt là từ nóng sang lạnh cũng là một yếu tố gây ra tình trạng nổi mẩn ngứa ở chân hoặc toàn thân. Tình trạng này thường diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ thuyên giảm ngay khi thời tiết ổn định trở lại. Mẩn ngứa do thời tiết rất khó chữa và có thể lặp lại theo chu kỳ vào những thời điểm nhất định trong năm.
- Thực phẩm: Một số thực phẩm như hải sản, sữa, đậu phộng… rất dễ gây dị ứng, nhất là ở đối tượng có cơ địa nhạy cảm. Dị ứng khiến cho các vùng da trên cơ thể bị nổi mẩn đỏ, trong đó có chân.

- Sản phẩm chăm sóc da: Hiện tượng nổi mẩn ngứa ở chân có thể xuất hiện do cơ thể dị ứng với các chất hóa học có trong sữa tắm, kem tẩy lông, …
- Nọc độc côn trùng: Nếu chẳng may bị côn trùng đốt vào chân thì bạn cũng sẽ dễ bị nổi mẩn ngứa ở chân. Ngoài gây mẩn ngứa, nọc côn trùng có thể làm da bị sưng tấy, phù nề và đau tại vị trí bị cắn.
- Tác dụng phụ của thuốc: Nổi mẩn đỏ ở chân cũng có thể xuất hiện do phản ứng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh nào đó. Những trường hợp bị nổi mẩn đỏ ở chân có thể gây ngứa hoặc không.
Các triệu chứng đi kèm với ngứa chân
Tuỳ vào nguyên nhân gây ngứa mà ngứa chân có thể đi kèm với rất nhiều triệu chứng khác nhau. Thông thường, ngứa da chân sẽ kèm theo các vấn đề sau đây:
- Da phồng rộp.
- Nứt nẻ.
- Khô da.
- Phát ban.
- Sưng hoặc tấy đỏ.
- Có các đốm hoặc mảng trắng trên da.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, da chân có thể bị ngứa mà không kèm theo bất sự thay đổi vật lý nào trên bề mặt da.
Cách trị ngứa da chân nhanh chóng, hiệu quả
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra chuyên môn và điều tra bệnh sử nhằm tìm hiểu những vấn đề sau đây:
- Người bệnh có sử dụng loại thuốc mới nào trong thời gian gần đây hay không?
- Người bệnh đã tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích nào?
- Người bệnh có tiền sử về bệnh tiểu đường hay bệnh chàm hay không?
- Gia đình của người bệnh có tiền sử về các căn bệnh liên quan đến da không?
Sau khi đã chẩn đoán nguyên nhân gây ngứa, bác sĩ có thể tư vấn các phương pháp điều trị sau:
Cải thiện tình trạng ngứa chân tại nhà
Đối với các trường hợp ngứa và tổn thương da ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được hướng dẫn điều trị tại nhà bằng các biện pháp như:
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng như mủ thực vật, phấn hoa, côn trùng, xà phòng, hoá chất, bụi bẩn, kim loại…
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên, đặc biệt là vùng chân bị ngứa.
- Hạn chế mặc các loại trang phục bó sát hoặc có chất liệu dày, cứng, không thấm hút mồ hôi.
- Không dùng tay để gãi hoặc cào lên da.

- Thoa kem dưỡng ẩm hoặc chườm mát lên vùng da bị tổn thương trong khoảng 10 – 15 phút.
- Tắm nước rau má hoặc chè xanh để làm giảm tình trạng sưng nóng, viêm đỏ và đẩy lùi cơn ngứa.
- Ngâm chân bằng nước muối, tinh dầu bạc hà, bột yến mạch hoặc khuynh diệp để sát trùng, giảm ngứa và tránh viêm nhiễm.
- Uống nhiều nước và tăng cường rau xanh, trái cây trong bữa ăn hàng ngày để làm dịu da, giảm ngứa và khô da.
- Sử dụng các loại thuốc kháng histamin không kê đơn hoặc thuốc bôi chứa Panthenol, Menthol, Glycerin, Zinc oxide…
Thuốc chữa ngứa chân
Ngứa chân do các bệnh lý da liễu như chàm tổ đỉa, ghẻ, nấm da chân và viêm da cơ địa không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đối với da nói riêng và sức khỏe nói chung. Đặc biệt, tình trạng này kéo dài còn có thể làm phát sinh các tổn thương thứ phát vô cùng nguy hiểm.
Do đó, đối với các trường hợp này, người bệnh cần được điều trị bằng phương pháp y khoa chuyên sâu cho từng loại bệnh. Phác đồ điều trị thường được lựa chọn sau khi đã các bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng, khoanh vùng khả năng và các phương pháp kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.
Còn đối với các bệnh ngứa da thông thường như dị ứng, mề đay thì bác sĩ sẽ có thể kê cho bạn một số loại thuốc giảm ngứa như:
- Thuốc gây tê tại chỗ: Có tác dụng giúp xoa dịu các cơn ngứa ngáy do viêm da tiếp xúc gây ra. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng 1 trong các loại thuốc như Capsaicin, Benzocain, Doxepin…
- Kem bôi chứa corticosteroid: Nếu tình trạng ngứa ngáy ở chân có biểu hiện của viêm nhiễm thì người bệnh sẽ được kê thuốc bôi có chứa corticosteroid. Đây là một loại thuốc kháng viêm, được dùng cho những trường hợp viêm da cấp tính. Với trường hợp nặng, có thể dùng đến thuốc corticosteroid dạng uống.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc có tác dụng ức chế sự hoạt động của kháng thể histamin – một trong những nguyên nhân gây ngứa ngáy ngoài da. Các loại histamin thường được kê đơn có Loratadine, Clorpheniramin, Fexofenadine…

Phòng ngừa tình trạng ngứa ngáy ở chân
Ngứa chân không chỉ tác động tiêu cực đến sức khoẻ mà còn khiến cho đời sống sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được một cách chủ động bằng các biện pháp như sau:
- Giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt là những vùng da nhiều mồ hôi, dễ bị nhiễm nấm và ký sinh trùng như các kẽ chân.
- Lựa chọn quần áo và giày dép có kích cỡ thoải mái, chất liệu mềm, dễ thấm hút mồ hôi.
- Thường xuyên làm sạch giày dép và thay vớ hàng ngày.
- Tránh để chân tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại.
- Vệ sinh da ngay khi tiếp xúc với mủ thực vật hoặc bị côn trùng cắn.
- Lựa chọn các loại sữa tắm phù hợp với da, có độ pH cân bằng và không có thành phần gây kích ứng.
- Dưỡng ẩm cho da và giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
- Tránh căng thẳng quá độ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đặc biệt là khi mắc các bệnh da liễu mãn tính như chàm tổ đỉa, viêm da cơ địa…
Dù ở mức độ nhẹ hay nghiêm trọng, ngứa chân cũng đều khiến người bệnh có cảm giác bứt rứt và khó chịu. Bên cạnh đó, đây còn có thể là dấu hiệu để nhận biết các căn bệnh da liễu nguy hiểm khác. Vì vậy, khi tình trạng ngứa ngáy xảy ra kéo dài, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!