Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thần kinh | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hồ Chí Minh

Mất ngủ là tình trạng giấc ngủ bị rối loạn, xảy ra trong khoảng thời gian dài với các mức độ phức tạp. Bệnh nhân có thể chịu tác động từ các thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc là cảnh báo cho các bệnh lý thần kinh, xương khớp, tim mạch,... Để điều trị, cần áp dụng các biện pháp từ Tây y, Đông y hoặc mẹo dân gian sao cho phù hợp nhất theo chỉ dẫn của bác sĩ.

    Định nghĩa mất ngủ

    Mất ngủ là tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn, thường rối loạn gây khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Người bệnh có thể tỉnh giấc liên tục, giấc ngủ mỗi ngày không đủ 7 - 8 tiếng. Sau khi tỉnh lại, cơ thể thường sẽ bị mệt mỏi, không có sức lực, giảm tập trung, uể oải, dù ban ngày buồn ngủ nhưng không thể ngủ.

    Về lâu dài gây ra mất ngủ mãn tính, khiến sức khỏe và cả tinh thần suy giảm, ảnh hưởng đến công việc, học tập, chất lượng cuộc sống hàng ngày.

    Có thể phân chia mất ngủ thành 2 loại gồm mãn tính và cấp tính:

    • Thể cấp tính: Mất ngủ không có tính kéo dài hay diễn ra thường xuyên theo chu kỳ, thông thường chỉ trong khoảng vài ngày hoặc 1 - 2 tuần.
    • Thể mãn tính: Thường tái phát theo chu kỳ, lặp lại liên tục nhiều lần trong năm, mỗi đợt mất ngủ sẽ kéo dài hơn 4 tuần.

    Có thể phân chia mất ngủ thành những dạng cụ thể sau đây:

    Mất ngủ sau sinh

    Đây là tình trạng mất ngủ xảy ra ở phụ nữ sau sinh, chủ yếu đến từ việc thức khuya chăm con, cảm giác đau nhức từ vết mổ hoặc do vết rạch tầng sinh môn khi sinh thường. Ngoài ra cũng có trường hợp mất ngủ sau sinh bởi bệnh lý trầm cảm.

    Mất ngủ ban đêm

    Giấc ngủ buổi đêm thường chập chờn, khó vào giấc, dễ tỉnh dậy quá sớm. Thông thường thể bệnh này sẽ khiến giấc ngủ mỗi đêm rút ngắn chỉ còn khoảng tối đa 4 tiếng.

    Mất ngủ kéo dài

    Mất ngủ khi diễn ra trong thời gian dài nhưng không có biện pháp điều trị sẽ hình thành mất ngủ kéo dài, cũng có thể gọi là mất ngủ kinh niên. Khi này, việc chữa trị sẽ mất nhiều thời gian hơn, các phương thuốc khó có được hiệu quả tối đa. Do vậy, bệnh nhân cần phải thật kiên trì để cải thiện bệnh thật tốt.

    Rối loạn giấc ngủ

    Giấc ngủ rối loạn là tình trạng bệnh nhân ban ngày mệt mỏi, buồn ngủ và ngủ quá nhiều. Tuy nhiên vẫn có cảm giác thiếu ngủ. Ban đêm sẽ rơi vào trạng thái mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Đây có thể là hệ quả của chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên hoặc bị mộng du.

    mat ngu
    Mất ngủ xảy ra ở mọi đối tượng không phân biệt già hay trẻ

    Nguyên nhân mất ngủ

    Mất ngủ được xác định xảy ra bởi nguyên nhân bệnh lý cũng như sinh lý. Cụ thể gồm:

    Nguyên nhân bệnh lý

    Chất lượng giấc ngủ bị giảm sút có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị một trong những bệnh sau:

    • Bệnh viêm khớp.
    • Bệnh tim, dị ứng.
    • Trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh tuyến giáp.
    • Hội chứng ngưng thở khi ngủ, mộng du, hoảng sợ trong giấc ngủ hoặc bệnh tâm thần.
    • Nữ giới rối loạn nội tiết.

    Nguyên nhân sinh lý

    Đa số bệnh nhân mất ngủ bởi các thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống hàng ngày. Có thể kể tới gồm:

    • Thói quen khi ngủ: Những người thường đi ngủ vào các khung giờ khác nhau mỗi ngày, ngủ trưa quá nhiều, dùng các thiết bị điện tử trước lúc đi ngủ,.. sẽ dễ gây ra các rối loạn trong giấc ngủ, hình thành nên bệnh mất ngủ.
    • Tâm lý căng thẳng: Những áp lực trong công việc, học tập, gia đình cũng được xác định có tác động tới tâm lý. Khiến tinh thần căng thẳng, gây sụt giảm melatonin làm cơ thể khó đi vào giấc ngủ hơn.
    • Nhịp sinh học thay đổi đột ngột: Khi di chuyển sang các khu vực có múi giờ khác, nhịp sinh học cũng sẽ bị thay đổi theo. Cơ thể không kịp thích ứng sẽ nảy sinh tình trạng mất ngủ tạm thời.
    • Độ tuổi: Khi càng lớn tuổi, cơ thể càng có nhiều thay đổi, cụ thể giấc ngủ sẽ bị chập chờn, khó vào giấc hơn. Đồng thời người cao tuổi cũng sẽ dễ thức dậy vào sáng sớm và dần tạo thành thói quen tự nhiên.
    • Buổi tối ăn quá nhiều: Nếu ăn quá nhiều vào buổi tối, cơ thể có nguy cơ bị ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày khiến giấc ngủ rối loạn, giấc ngủ không sâu.
    • Sử dụng thuốc: Một số thuốc điều trị bệnh hen suyễn, trầm cảm hoặc thuốc có tác dụng giảm đau dễ gây ra rối loạn giấc ngủ.
    • Cơ thể ít vận động: Khi ngủ quá nhiều vào ban ngày và ít vận động, đi lại sẽ khiến cơ thể ngày càng uể oải hơn. Dễ bị mất ngủ vào ban đêm hoặc khi ngủ  bị mộng mị.
    • Chất kích thích: Bia, rượu hoặc cà phê đều chứa nhiều caffeine, nicotine làm gián đoạn giấc ngủ. Khi thức dậy kèm theo triệu chứng đau đầu khó chịu.

    mat ngu
    Lạm dụng cà phê dễ gây mất ngủ

    Đối tượng bị mất ngủ

    Những đối tượng được xác định dễ bị mất ngủ nhất chủ yếu gồm:

    • Người bị các bệnh lý: Tiểu đường, trào ngược, viêm khớp, mất trí nhớ, đau cơ xơ hóa,...
    • Người cao tuổi.
    • Nữ giới bị rối loạn nội tiết tố, đang ở trong thai kỳ hoặc đang có kinh nguyệt.
    • Những người thường làm việc ca đêm, mới thay đổi múi giờ.
    • Các đối tượng sinh hoạt thiếu lành mạnh: Ăn uống không đủ chất, ít vận động, dùng nhiều chất kích thích.
    • Những trường hợp tâm lý rối loạn: Stress, căng thẳng quá độ.

    Triệu chứng mất ngủ

    Bệnh nhân bị mất ngủ sẽ có các triệu chứng lặp đi lặp lại như sau:

    • Khó vào giấc, khi ngủ chập chờn, thường bị tỉnh dậy giữa chừng.
    • Cơ thể thường xuyên uể oải, khó chịu, không có tinh thần làm việc và học tập.
    • Tâm trạng dễ cáu gắt tức giận, vui buồn thất thường.
    • Ban ngày thường buồn ngủ, ngủ quá nhiều.

    mat ngu
    Bệnh nhân trằn chọc khó vào giấc

    Biến chứng mất ngủ

    Mất ngủ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh dù ở thể cấp tính hay mãn tính. Theo đó, những tác hại có thể gặp phải gồm:

    • Hệ miễn dịch bị suy giảm do thiếu ngủ, cơ thể không đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động chức năng.
    • Tinh thần uể oải, giảm sự ghi nhớ và tập trung. Thường kém tỉnh táo, uể oải, toàn thân nhức mỏi.
    • Tăng nguy cơ bị bệnh ung thư, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường.
    • Làn da ngày càng xuống sắc, dễ lão hóa, nổi mụn, da mất nước nghiêm trọng.
    • Có thể tăng cân mất kiểm soát do cơ thể cần bổ sung nguồn năng lượng bị hao hụt khi mất ngủ.
    • Mất ngủ lâu dài có nguy cơ gây ra ảo giác, nguy hiểm khi tham gia giao thông.
    • Tâm lý bất ổn, có thể xảy ra trầm cảm khi cảm xúc không có cách kiểm soát.

    Chẩn đoán mất ngủ

    Để đưa ra được phương án chữa trị thích hợp, bệnh nhân cần phải được chẩn đoán tại các cơ sở y tế với những kỹ thuật gồm:

    • Lấy thông tin về giấc ngủ của bệnh nhân: Khung giờ đi ngủ, ngủ trong khoảng bao lâu, có thường xuyên bị tỉnh giấc không, thời gian ngủ ban ngày,... Bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn làm một số bảng khảo sát giấc ngủ để có thể bước đầu đánh giá chất lượng giấc ngủ.
    • Đo đa ký giấc ngủ: Bệnh nhân được yêu cầu ở lại cơ sở y tế 1 đêm để các bác sĩ tiến hành theo dõi giấc ngủ, nhận biết các hoạt động của nhịp tim, nhịp thở, sóng não, những chuyển động cơ thể trong quá trình ngủ.
    • Khám sức khỏe tổng quát: Nếu nghi ngờ mắc các bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân sẽ cần tiến hành thăm khám tổng quát, xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân cụ thể.

    Điều trị mất ngủ

    Mất ngủ lâu dài có thể điều trị bằng các phương thuốc của Tây y, Đông y hoặc mẹo chữa đơn giản từ dân gian. Cụ thể phương pháp được áp dụng như sau:

    Tây y chữa mất ngủ

    Tây y có khá nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị mất ngủ, tuy nhiên không thể tùy ý dùng khi chưa có chỉ định của các bác sĩ. Một số thuốc thường dùng gồm:

    • Thuốc bình thần: Có thể dùng zopiclon hoặc zolpidem, thuốc phát huy công dụng trong tối đa 6 tiếng. Nếu sử dụng temazepam hoặc estazolam, hiệu quả đạt được trong khoảng tối đa 1 ngày.
    • Thuốc ngủ: Bromalex, bromazepam, drexler, thuốc ngủ phamzopic,...
    • Nhóm thuốc an thần: Haloperidol, levomepromazin hoặc clorpromazin,...
    • Thuốc kháng histamin: Bệnh nhân đa phần được kê đơn diphenhydramin, promethazin, clorpheniramin, hydroxyzine…
    • Thuốc trầm cảm: Amitriptyline, tianeptine, clomipramine, …

    Các loại thuốc này khi sử dụng phải đảm bảo đúng liều lượng bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc thay đổi thuốc, kết hợp nhiều thuốc. Nếu lạm dụng sẽ dễ gây ra rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân.

    mat ngu
    Thuốc Tây được sử dụng rất phổ biến cho người khó ngủ

    Thuốc Đông y

    Đông y đã nghiên cứu ra nhiều bài thuốc điều trị bệnh mất ngủ với các dược liệu quen thuộc, cho tác dụng tốt, an toàn với cơ thể.

    Bài thuốc số 1:

    • Dược liệu: Viễn chí, hoài sơn, mạch môn, đẳng sâm, thăng ma, phục thần, đương quy, đan sâm, sinh địa, lạc tiên.
    • Cách sử dụng: Tán các vị thuốc thành dạng bột mụn, sau đó mỗi lần lấy 12g pha với nước ấm để uống. Duy trì đều đặn 1 lần/ngày trong khoảng 1 tháng.

    Bài thuốc số 2:

    • Dược liệu: Lá vông, tâm sen, táo nhân, hoa nhài.
    • Cách sử dụng: Các nguyên liệu đem tán bột mịn, sau đó lấy lượng vừa đủ để pha nước ấm uống hàng ngày.

    Bài thuốc số 3:

    • Dược liệu: Toan táo nhân, đẳng sâm, mạch môn, phục linh, cát cánh, ngũ vị tử, đương quy, huyền sâm, sinh địa, đơn sâm.
    • Cách sử dụng: Sắc thuốc với 6 bát nước. Thu về 2 bát và uống hết trong ngày.

    Thuốc Đông y chữa mất ngủ tuy không phát huy hiệu quả ngay tức thì, nhưng sẽ không gây ra các tác dụng phụ, không làm người bệnh bị phụ thuộc vào thuốc nếu dùng trong thời gian dài.

    Mẹo trị mất ngủ

    Cùng với các phương thuốc của Tây y và Đông y, bệnh nhân có thể áp dụng những mẹo đơn giản sau đây:

    Tắm nước ấm: 

    Tắm nước ấm đều đặn trước lúc đi ngủ khoảng 1 - 2h, lưu ý tắm trước 10h tối sẽ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ. Người bệnh dễ vào giấc hơn, có giấc ngủ ngon tới sáng.

    Áp dụng kỹ thuật thở 4-7-8:

    Kỹ thuật này được đánh giá cho tác dụng đưa cơ thể vào giấc ngủ trong vòng 1 phút. Bệnh nhân thực hiện theo cách:

    • Bước 1: Đẩy toàn bộ hơi ở trong bụng bằng cách thở mạnh.
    • Bước 2: Ngâm miệng và hít vào bằng mũi trong 7 giây liên tiếp. Giữ cho hơi thở không thoát ra ngoài.
    • Bước 3: Thở đẩy toàn bộ không khí ra và tiếp tục nín thở trong 8 giây.

    Ngồi thiền:

    Nhiều người áp dụng cách ngồi thiền để giúp thư giãn tinh thần, điều hòa hoạt động cơ thể, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái. Qua đó sẽ giúp giấc ngủ cải thiện tốt hơn, giảm mệt mỏi, căng thẳng đáng kể. Cách thực hiện như sau:

    • Bước 1: Chọn không gian yên tĩnh, trải thảm và ngồi thẳng lưng, để 2 chân bắt chéo nhau.
    • Bước 2: Đặt cả 2 tay lên đầu gối và bắt đầu thả lỏng cơ thể, giữ đầu cúi nhẹ, nhắm mắt và đảm bảo tư thế toàn thân cân bằng. Giữ trạng thái này khoảng 5 - 10 phút, nếu mới làm quen có thể bắt đầu bằng 5 phút.
    • Bước 3: Thở ra nhẹ nhàng, lưu ý cần dẹp bỏ các suy nghĩ lo lắng tiêu cực, nên nghĩ tới những điều vui vẻ.
    • Bước 4: Duy trì tập luyện đều đặn hàng ngày, sau ít nhất 2 tuần để thấy tình trạng mất ngủ thuyên giảm.

    Tư thế yoga:

    Các động tác trong yoga cũng có tác động tương tự như ngồi thiền hay vận động thể dục. Người bệnh ngoài ra còn có thể cải thiện vóc dáng, làm đẹp da. Dưới đây là gợi ý bài tập đơn giản cho bệnh nhân tham khảo:

    • Bước 1: Chuẩn bị thảm tập, quỳ cao gối ở thảm.
    • Bước 2: Đưa cả 2 tay thẳng về đằng trước, cố gắng kéo dài lưng hết mức có thể.
    • Bước 3: Từ từ cúi đầu và hông thấp dần xuống mặt thảm, đồng thời đẩy hông về phía gót chân thật nhẹ nhàng. Giữ nguyên tư thế yoga này trong 5 phút.

    Tâm sen:

    Tâm sen có chứa nhiều thành phần gồm: Asparagin, nuciferin, liensinin, nelumbin, cho tác dụng giảm căng thẳng thần kinh, kích thích ngủ ngon, cải thiện các hoạt động chức năng não bộ, an thần rất tốt. Vì vậy người bị mất ngủ kinh niên có thể tận dụng tâm sen để giúp ngủ ngon theo cách sau:

    • Bước 1: Chuẩn bị một lượng nhỏ khoảng 3g tâm sen, đem rửa sạch hết bụi bẩn.
    • Bước 2: Pha tâm sen với 500ml nước sôi, để trong 10 phút.
    • Bước 3: Uống trà tâm sen trước khi đi ngủ khoảng 2h và duy trì đều đặn hàng ngày.

    Gừng tươi:

    Trong gừng có chứa lượng lớn các tinh dầu có nhiều tác dụng với sức khỏe, đặc biệt là gingerol cùng với shogaol. Qua đó kích thích giấc ngủ tới dễ dàng, ngủ sâu giấc và không bị tỉnh dậy quá sớm. Có thể tận dụng nguyên liệu này theo bước sau:

    • Bước 1: Chuẩn bị 1 củ gừng già, rửa sạch hết đất bẩn và không cần cạo lớp vỏ.
    • Bước 2: Đập dập gừng, sau đó cho vào chậu nước nóng đợi trong khoảng 5 phút.
    • Bước 3: Kiểm tra nhiệt độ nước, nếu vẫn còn quá nóng sẽ thêm nước lạnh, giảm nhiệt và trực tiếp ngâm chân cho tới khi nước nguội hoàn toàn.

    mat ngu
    Có thể dùng tâm sen cải thiện giấc ngủ

    Phòng tránh mất ngủ

    Để ngăn chặn tình trạng mất ngủ hiệu quả, có thể thực hiện một số cách chăm sóc gợi ý dưới đây:

    • Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ chất, cân bằng các vitamin, khoáng chất. Nên ăn nhiều rau củ xanh, các loại trái cây tươi. Hạn chế dùng đồ đóng hộp, đồ chế biến sẵn.
    • Không nên uống nhiều cà phê, bia, rượu hoặc dùng các chất kích thích gây hại cho cơ thể.
    • Nếu mất ngủ do tâm lý căng thẳng trong thời gian ngắn, hãy thay đổi bằng những thói quen sinh hoạt khoa học, tránh lạm dụng thuốc ngủ sẽ dễ khiến cơ thể phụ thuộc. Từ đó chuyển thành mất ngủ mãn tính.
    • Không gian nghỉ ngơi đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, không có nhiều tiếng ồn hoặc ánh sáng mạnh.
    • Tập thể dục thể thao thường xuyên và hạn chế các căng thẳng tinh thần, stress bằng cách nghe nhạc nhẹ, đọc sách,..

    Mất ngủ có thể là tình trạng sinh lý ngắn hạn hoặc bệnh lý kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống. Người bệnh khi rối loạn giấc ngủ liên tục nên sớm tới cơ sở y tế thăm khám để được các bác sĩ tư vấn chi tiết cách chăm sóc, điều trị.

    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *