Những việc cha mẹ cần làm để giúp bé nhanh hết sổ mũi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Tai mũi họng | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Sổ mũi ở trẻ nhỏ là vấn đề khiến không ít các ông bố, bà mẹ phải đau đầu. Bé sổ mũi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có các nguyên nhân liên quan đến bệnh lý. Vậy sổ mũi ở trẻ thường xuất phát từ đâu? Cần làm gì khi bé sổ mũi? 

Nguyên nhân khiến bé sổ mũi

Theo cấu tạo thông thường, hốc mũi sẽ được lót bằng một lớp niêm mạc của đường hô hấp. Nhiệm vụ chính của bộ phận này là tiết ra chất nhầy để làm ẩm không khí đi qua mũi. Đồng thời, nó cũng sẽ giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn rồi đẩy xuống họng thông qua lớp thảm nhầy và hệ lông chuyển trên mặt tế bào. Khi bị kích thích, niêm mạc sẽ tăng cường tiết dịch và gây ra tình trạng sổ mũi

Bé sổ mũi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Bé sổ mũi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Sổ mũi ở trẻ em có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất vẫn là các nguyên nhân sau đây: 

Bé sổ mũi do viêm mũi

Niêm mạc mũi chứa rất nhiều mạch máu, tế bào tiết chất nhầy và tế bào miễn dịch. Khi bị kích thích, các tế bào tại niêm mạc và tế bào miễn dịch sẽ sản sinh các chất khiến mạch máu giãn nở, niêm mạc mũi sưng và tắc nghẽn. 

Bên cạnh đó, các chất này cũng sẽ khiến cho tế bào niêm mạc tiết ra nhiều chất nhầy hơn, gây ra tình trạng sổ mũi. Ngoài sổ mũi, viêm mũi cũng có thể gây ra các triệu chứng như ngứa mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, nghẹt mũi… 

Do dị ứng

Trẻ nhỏ có thể dị ứng với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn và lông động vật. Ngoài ra, một số bé có cơ địa nhạy cảm còn có phản dị ứng với các chất có trong thực phẩm, sữa và thuốc men. 

Dị ứng với các yếu tố này có thể gây ra tình trạng sổ mũi và nhiều triệu chứng khác kèm theo. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, các triệu chứng của dị ứng có thể kéo dài trong nhiều tuần hay thậm chí là nhiều tháng.   

Do thay đổi thời tiết

Thông thường, mũi của trẻ sẽ có một vài phản ứng tự nhiên khi không khí lạnh xâm nhập vào phổi. Do bị kích thích, các mạch máu nhỏ bên trong mũi sẽ có hiện tượng dãn nở nhằm sưởi ấm luồng không khí lạnh từ bên ngoài tràn vào. Chính sự dãn nở của mạch máu mũi đã khiến cho mũi tăng cường tiết dịch, hình thành nên sổ mũi. 

Trẻ có thể bị sổ mũi do không khí lạnh xâm nhập
Trẻ có thể bị sổ mũi do không khí lạnh xâm nhập

Ngoài không khí lạnh thì không khí khô cũng là một trong những nguyên nhân làm trẻ sổ mũi. Do niêm mạc mũi còn nhạy cảm nên không khí khô sẽ khiến cho dịch mũi của trẻ bị khô. Tuy nhiên, khác với không lạnh, không khí khô chỉ khiến cho trẻ có hiện tượng khụt khịt mũi thay vì chảy nước mũi

Bé sổ mũi do cảm lạnh và cúm

Với hệ miễn dịch còn non yếu, cơ thể trẻ rất dễ bị tấn công bới các loại virus gây bệnh cảm lạnh và cúm. Virus gây bệnh thường lây truyền qua đường không khí hoặc đường tiếp xúc tay – mũi. 

Cảm lạnh ở trẻ được đặc trưng bằng các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, đau nhức cơ, đau mỏi toàn thân, chán ăn, người mệt mỏi… Trong khi đó, cảm cúm có thể gây ra các vấn đề như nước mũi trong, sốt, ho, đau họng, khàn tiếng, đau đầu, đau cơ và đau khớp. Đặc biệt, cảm lạnh không được điều trị kịp thời có thể biến chứng thành các loại nhiễm khuẩn thứ phát như viêm tai giữa, viêm xoang…

Bé sổ mũi do sưng amidan hoặc sưng VA

Chức năng chính của amidan và VA loại bỏ vi khuẩn, virus xâm nhập qua đường mũi và cổ họng, giúp cơ thể chống lại nhiễm. Sưng amidan hoặc VA đều có thể gây ra hiện tượng sổ mũi. Đồng thời, tình trạng này cũng có thể gây nên các triệu chứng như nghẹt mũi, khò khè, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ… Thậm chí, amidan và VA sưng to còn có thể biến chứng thành bệnh viêm tai giữa.

Do tiếp xúc với các chất gây kích ứng

Trẻ nhỏ có phần niêm mạc mũi vô cùng nhạy cảm. Do đó, niêm mạc thường rất dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với gió, bụi bẩn, hóa chất độc hại, khói thuốc lá… Bên cạnh đó, niêm mạc mũi của trẻ cũng có thể bị kích ứng khi trẻ sặc hoặc ọc sữa. Khi tiếp xúc với các yếu tố kể trên, trẻ sẽ gặp các vấn đề như sổ mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi, khò khè… 

Niêm mạc mũi của trẻ nhỏ nhạy cảm nên rất dễ bị kích ứng
Niêm mạc mũi của trẻ nhỏ nhạy cảm nên rất dễ bị kích ứng

Do có dị vật ở mũi

Trong lúc chơi đùa, trẻ có thể cho vào mũi các dị vật nhỏ như đồ chơi, viên bi, cúc áo, pin, sỏi… Nếu không được loại bỏ kịp thời, dị vật có thể khiến trẻ ngạt thở và gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Sổ mũi cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết tình trạng mắc kẹt dị vật trong mũi, nhất là khi sổ mũi đi kèm với các triệu chứng như khò khè, mũi sưng đau, nước mũi có màu xanh, màu vàng hoặc có lẫn máu. 

Bé sổ mũi do khóc

Dù không liên quan đến các yếu tố bệnh lý nhưng khóc cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sổ mũi. Bởi khi trẻ khóc, nước mắt sẽ di chuyển từ tuyến lệ nằm ở dưới mí mắt đến khoang mũi. Khi ấy, nước mắt kết hợp với chất dịch tại đây và làm cho trẻ bị chảy nước mũi.

Trẻ sổ mũi khi nào cần đi khám?

Sổ mũi không do bệnh lý không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp cần được điều trị sớm. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám nếu sổ mũi kéo dài và kèm theo những vấn đề sau đây:

  • Sổ mũi trên 2 ngày đi kèm với sốt cao.
  • Sổ mũi đi kèm với các triệu chứng của bệnh cúm như người ê ẩm, nôn ói, mệt mỏi…
  • Nghi ngờ sổ mũi do trong mũi có dị vật.
  • Có các biểu hiện của sổ mũi do dị ứng.  

Bé sổ mũi phải làm sao để nhanh khỏi?

Sổ mũi có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hay thậm chí là quấy khóc. Do đó, để cải thiện tình trạng sổ mũi cho trẻ, bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp đơn giản sau: 

Dùng nước muối sinh để vệ sinh mũi cho trẻ

Trẻ nhỏ thường chưa biết tự xì mũi nên bố mẹ cần giúp trẻ làm sạch khoang mũi bằng nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý là loại dung dịch khá an toàn và hiệu quả trong việc làm giảm dịch nhầy trong mũi. Tuy nhiên, trước khi nhỏ mũi cho trẻ, bố mẹ cần làm ấm nước muối. 

Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối
Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối

Bố mẹ có thể tiến hành nhỏ mũi cho trẻ theo các bước sau đây: 

  • Bước 1: Cho trẻ nằm ngửa người, đầu hơi ngả về phía sau. 
  • Bước 2: Chậm rãi nhỏ nước muối ấm vào từng bên mũi. Với trẻ dưới 1 tuổi, bố mẹ có thể nhỏ từ 1 đến 2 giọt mỗi lần. Đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ nên nhỏ từ 4 đến giọt mỗi lần. Ở trẻ lớn, sau khi nhỏ, bố mẹ có thể yêu cầu trẻ hít nhẹ để nước muối ngấm sâu hơn. 
  • Bước 3: Cho trẻ nằm yên khoảng 30 giây để nước muối ngấm sâu và làm loãng đờm trong hốc mũi.

Phương pháp vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý chỉ nên được áp dụng khi nước mũi của trẻ có màu trắng trong. Trong trường hợp dịch mũi nhầy và có màu sắc bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị. 

Hướng dẫn trẻ xì mũi hoặc hút mũi cho trẻ

Nếu trẻ đã lớn và có thể tự xì mũi, bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ bịt một bên mũi và xì nước mũi ra ở mũi bên kia. Bố mẹ cần dạy trẻ không được xì cả 2 mũi cùng một lúc để tránh cho dịch mũi quay ngược trở lại. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi dạng bóng để hút nước mũi ra. 

Bố mẹ có thể thực hiện phương pháp từ 3 đến 4 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu mũi trẻ tiết dịch nhiều. Đặc biệt, bố mẹ không được hút mũi trực tiếp cho trẻ bằng miệng. Bởi cách này có thể khiến vi khuẩn trong miệng bố mẹ lây truyền sang trẻ. 

Cho trẻ uống nhiều nước

Uống nhiều nước có thể giúp dịch mũi loãng và dễ dàng hơn trong việc làm sạch. Khi bé sổ mũi, bố mẹ nên cho trẻ uống thật nhiều nước, sữa, nước trái cây hoặc các loại thức ăn dạng lỏng như canh, soup… Đồng thời, bố mẹ cũng cần tránh cho trẻ ăn các món ăn chứa nhiều dầu mỡ và chất béo. 

Kê cao phần đầu của trẻ khi nằm

Khi nằm, dịch mũi và nước mũi có thể chảy ngược vào bên trong, gây ra tình trạng nghẹt mũi. Do đó, để khắc phục tình trạng này, bố mẹ nên kê cao phần đầu của trẻ khi ngủ. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn. 

Chữa sổ mũi cho trẻ bằng mẹo dân gian

Bố mẹ có thể cân nhắc cho trẻ dùng các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược hoặc các bài thuốc dân gian trị sổ mũi sau đây: 

  • Nước vo gạo và rau diếp cá: Để trị sổ mũi cho trẻ, bố mẹ có thể trộn đều rau diếp cá giã nhuyễn với nước vo gạo và đun sôi trong khoảng 20 phút. Sau khi đun, bố mẹ hãy lọc lấy nước rồi cho trẻ dùng hàng ngày. 
  • Củ cải trắng và gừng: Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn và mật ong hấp cách thuỷ cũng là một bài thuốc tốt trong điều trị sổ mũi ở trẻ em. Với bài thuốc này, bố mẹ có thể cho trẻ uống với liều lượng là 3 lần/ ngày, mỗi lần từ 2 – 3 thìa cà phê. 
Chữa sổ mũi bằng củ cải trắng
Chữa sổ mũi bằng củ cải trắng
  • Nghệ tươi: Bố mẹ có con bị sổ mũi có thể cho bé sử dụng bài thuốc nghệ tươi hấp cách thuỷ với đường phèn. Tuỳ vào độ tuổi của trẻ mà bố mẹ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp. 
  • Gừng: Gừng cũng là một loại nguyên liệu mà bố mẹ không nên bỏ qua nếu bé bị sổ mũi dài ngày. Bố mẹ có thể pha trà với một ít gừng để cho trẻ uống. Nếu trẻ đã trên một tuổi, bố mẹ cũng có thể thêm vào tà một ít mật ong để trẻ dễ uống hơn.  

Điều trị sổ mũi kéo dài ở trẻ em bằng thuốc

Ngoài các phương pháp khắc phục tại nhà kể trên, trong một số trường hợp, trẻ sẽ phải được điều trị bằng thuốc sổ mũi. Loại thuốc điều trị được lựa chọn phải dựa vào nguyên nhân gây sổ mũi. 

  • Nếu nguyên nhân gây sổ mũi là viêm mũi dị ứng thì trẻ sẽ phải dùng thuốc Histamin H1 (chlorpheniramin maleat, desloratadine, loratadin, fexofenadin hydroclorid…) giúp chống viêm, chống dị ứng và đặc trị cho các trường hợp sổ mũi do viêm mũi dị ứng.
  • Sổ mũi do virus và vi khuẩn thường được đặc trưng bằng các triệu chứng như dịch mũi màu xanh, màu vàng, sốt nhẹ, ho… Trong trường hợp này, trẻ phải được điều trị bằng các loại thuốc chống viêm kèm kháng sinh diệt khuẩn tại chỗ như nemydexan, cloramphenicol… 

Phòng tránh sổ mũi ở trẻ em

Sổ mũi không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của trẻ mà còn khiến các bậc phụ huynh phải lo lắng. Do đó, bố mẹ nên chủ động phòng tránh căn bệnh này cho trẻ bằng các biện pháp sau đây:  

  • Thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ. Nếu trẻ không bị sổ mũi, bố mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 2 lần mỗi ngày.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng mũi như khói bụi, phấn hoá, hoá chất độc hại, lông động vật…
Đeo khẩu trang cho trẻ để phòng ngừa bệnh đường hô hấp gây sổ mũi
Đeo khẩu trang cho trẻ để phòng ngừa bệnh đường hô hấp gây sổ mũi
  • Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là các vùng như đầu, cổ và ngực.
  • Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người hoặc khi thời tiết trở lạnh. 
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm thực phẩm giàu vitamin và sắt. 
  • Khuyến khích trẻ tập vận động, tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. 

Sổ mũi là vấn đề thường gặp nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan và coi thường. Bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp. Do đó, khi bé sổ mũi, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. 

5/5 - (1 bình chọn)

Bài thuốc viêm xoang, viêm mũi dị ứng của chúng tôi là phương pháp hơn 150 năm tuổi, nhưng đến nay vẫn được xem là cách chữa hiệu quả, được giới thiệu trong chương trình Sống khỏe mỗi ngày – VTV2, trở thành bí quyết của +150.000 người bệnh. Để hiểu rõ hơn về bài thuốc này, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi
Zalo