Bé nổi mẩn đỏ: Nguyên nhân và cách khắc phục tốt nhất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu | Nơi công tác: Phòng chẩn trị YHCT Đỗ Minh Đường – Cơ sở Hà Nội

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có cơ địa yếu ớt, nhạy cảm nên rất dễ bị các tác nhân bên trong hoặc bên ngoài tấn công. Phần lớn các bệnh lý đều sẽ khiến bé nổi mẩn đỏ trên da. Tùy thuộc vào từng bệnh mà đặc điểm của các nốt mẩn đỏ sẽ có phần khác nhau. Dưới đây là thông tin chi tiết, mời bạn cùng tìm hiểu. 

Bé bị nổi mẩn đỏ ngứa thường có thể do bệnh lý da liễu hoặc bị nhiễm trùng cấp
Bé bị nổi mẩn đỏ ngứa thường có thể do bệnh lý da liễu hoặc bị nhiễm trùng cấp

Những nguyên nhân phổ biến khiến bé nổi mẩn đỏ

Những năm tháng đầu đời do hệ thống miễn dịch chưa phát triển, trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 3 tuổi thường mắc những bệnh lý ngoài da, hô hấp và tiêu hóa. Triệu chứng của những nhóm bệnh này thường bộc lộ ra bên ngoài da các nốt mẩn đỏ, có thể gây ngứa hoặc không. Chúng có thể xuất hiện ở vùng mặt, cổ, lưng, bụng, chân tay hoặc toàn thân, tùy vào từng bệnh cụ thể.

Cha mẹ cũng cần chú ý, những nhóm bệnh mà con nhỏ có nguy cơ mắc phải cũng phụ thuộc khá nhiều vào độ tuổi của bé. Vì vậy để biết được chính xác nguyên nhân, cha mẹ cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Thông thường, bé nổi mẩn đỏ sẽ do đang mắc phải một trong những bệnh lý phổ biến dưới đây:

Bé nổi mẩn đỏ khắp người do mề đay

Mề đay là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ nhỏ bị nổi mẩn đỏ khắp người kèm ngứa ngáy. Bệnh xuất hiện khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây hại, kích thích cơ thể tiết ra chất trung gian phản ứng với các dị nguyên. Thường là do thời tiết, thực phẩm, phấn hoa, lông động vật, nọc côn trùng…

Các nốt mề đay có thể xuất hiện trong thời gian ngắn (mày đay cấp) hoặc kéo dài trên 6 tuần (mày đay mạn) với các đặc điểm như sau:

  • Da nổi nhiều mẩn đỏ hoặc hồng, với các hình thái và kích thước khác nhau.
  • Vùng da nổi mề đay thường sần phù, nhô cao so với vùng da không bị bệnh.
  • Trẻ bị nổi mề đay sẽ có cảm giác ngứa ngáy dữ dội, rất khó chịu, càng gãi càng ngứa.
  • Trường hợp trẻ bị mề đay nặng, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng phù mạch ở mắt, mí, môi, thanh quản… khiến bé bị khó thở, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nhịp tim…

Mề đay cấp tính có thể tự biến mất sau vài ngày mà không cần dùng thuốc. Nhưng nếu cha mẹ nhận thấy các nốt mẩn đỏ ngứa kéo dài và không xác định được nguyên nhân thì cần cho trẻ đi khám để thực hiện xét nghiệm dị nguyên, để có hướng điều trị phù hợp.

Bệnh mề đay là nguyên nhân phổ biến khiến bé nổi mẩn đỏ
Bệnh mề đay là nguyên nhân phổ biến khiến bé nổi mẩn đỏ

Bé nổi mẩn đỏ do rôm sảy

Trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé sơ sinh rất dễ bị rôm sảy và nổi lên các nốt mẩn đỏ. Tình trạng này thường gặp vào những ngày hè nóng nực, mồ hôi tiết ra nhiều nhưng không được thoát hết ra ngoài, ứ đọng lại trên da gây bít tắc tuyến mồ hôi và gây ra rôm sảy. Bé bị nổi mẩn đỏ do rôm sảy thường có biểu hiện:

  • Nổi nhiều các nốt mụn nước, màu đỏ hồng trên da
  • Các nốt mẩn tụ thành từng đám, khiến trẻ bứt rứt, ngứa ngáy, khó chịu.
  • Rôm sảy mọc nhiều ở những vùng da tiết nhiều mồ hôi như trán, cổ, vai, ngực, lưng hoặc ở nách và háng.

Phần lớn, trẻ bị rôm sảy có thể tự khỏi khi thời tiết mát mẻ trở lại. Một số ít nổi mụn rộp, trẻ bị ngứa dữ dội, gãi nhiều làm da trầy xước và nhiễm khuẩn thành mụn mủ.

Trẻ nổi mẩn đỏ do hăm da

Hăm da là tình trạng nổi mẩn đỏ ở các vùng da có nhiều nếp gấp như ngấn tay, chân, cổ, bẹn, kẽ sau tai, kẽ mông và vùng xung quanh hậu môn. Vùng da bị hăm sẽ nổi các nốt mẩn đỏ, tập trung thành từng mảng, có thể bị trầy xước gây ra mủ, khiến trẻ đau rát, khó chịu.

Nguyên nhân gây hăm da có thể là do thời tiết nóng nực, trẻ mặc nhiều quần áo, mồ hôi tiết ra gây bức bí. Hoặc là do bé mặc tã bỉm nhiều, các chất thải ứ đọng lâu, bám dính vào da và gây ra bệnh lý. Hăm da có thể tự khỏi nếu da của bé được chăm sóc và giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo.

Hăm da khiến bé nổi mẩn đỏ ở các vùng da có nhiều nếp gấp

Nổi mẩn đỏ do chàm sữa

Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa là bệnh lý viêm da mãn tính, thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi. Khi mới khởi phát, chàm sữa chỉ là các nốt mẩn đỏ, sau đó sẽ biến thành các hạt mụn nước li ti, khi khô sẽ đóng vảy và bong tróc. Các nốt mẩn đỏ do chàm sữa gây ra thường xuất hiện nhiều ở cổ,  khuỷu tay, mu bàn tay, cổ tay, sau đầu gối, mắt cá chân.

Khi bị chàm sữa, trẻ nhỏ thường rất khó chịu, hay quấy khóc và bỏ ăn, bỏ bú. Nguyên nhân gây bệnh được dự đoán là do di truyền và cơ địa của trẻ. Chàm sữa nếu không được chữa trị và chăm sóc tốt sẽ có thể khiến da bị nhiễm khuẩn, rất khó trị và để lại sẹo sau này.

Do viêm da tiết bã

Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng thế bị viêm da tiết bã. Đây là bệnh da liễu mãn tính, đặc trưng với nốt mẩn đỏ, tróc vảy nhờn, có đường viền quanh rõ ràng, tập trung nhiều ở các vùng da nhiều tuyến bã nhờn như mặt, đầu, tai, nách, bẹn. Bé bị nổi mẩn đỏ do viêm da tiết bã dễ bị nhầm lẫn với rôm sảy.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do trẻ bị ảnh hưởng bởi hormone của mẹ trước khi sinh. Những hormone này làm tăng sản xuất bã nhờn trong tuyến dầu và nang lông. Ngoài ra còn có thể là do nhiễm nấm hoặc do không dung nạp với thức ăn có chứa gluten. Trẻ bị viêm da tiết bã sẽ cần phải được khám và điều trị thì mới có thể gọi bệnh.

Bé nổi mẩn đỏ do tăng tiết bã
Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ do tăng tiết bã nhờn, dị ứng dầu gội đầu, …

Bé bị nổi mẩn đỏ do mắc bệnh nhiễm trùng

Phần lớn các trường hợp bé bị nổi mẩn đỏ là do bệnh lý da liễu. Nhưng nhiều trường hợp, hiện tượng nổi mẩn đỏ, không gây ngứa ngáy là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng cấp. Một số bệnh phổ biến thường xảy ra với trẻ do virus, vi trùng, nấm là bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng, hắc lào, ghẻ…

Trẻ mắc sẽ có biểu hiện nổi các nốt mẩn đỏ hoặc mụn nước. Các mụn nước sau một thời gian có thể khô hoặc hóa mủ và vỡ ra thành các vết loét trên da. Khi trẻ bị nhiễm trùng cấp thường sẽ có thêm các triệu chứng sốt, mệt mỏi, hay quấy khóc, biếng ăn… So với các bệnh da liễu, các bệnh nhiễm trùng thường có tính chất nghiêm trọng hơn. Vì vậy cha mẹ nên chú ý quan sát, theo dõi để nhận biết và có hướng xử lý phù hợp

Bé bị nổi mẩn đỏ, khi nào cần đi khám?

Hiện tượng bé bị nổi mẩn đó khá phổ biến, có xảy ra do nhiều nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ, tính chất nghiêm trọng khác nhau. Với những trường hợp bị dị ứng, mề đay, rôm sảy… thông thường chỉ cần cha mẹ chú ý chăm sóc, vệ sinh tại nhà đúng cách là có thể giúp trẻ đẩy lùi các triệu chứng.

Nhưng khi thấy các nốt mẩn đỏ nổi lên kèm những dấu hiệu bất thường sau đây thì cha mẹ nên cho trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán:

  • Triệu chứng ngứa ngáy diễn ra dữ dội khiến trẻ đau rát, khó chịu, hay quấy khóc, khó ăn, khó ngủ.
  • Các nốt mẩn đỏ sau nhiều ngày không có dấu hiệu thuyên giảm và lan khắp toàn thân.
  • Nốt mẩn đỏ chuyển dần thành mụn mủ, bị vỡ ra, chảy máu hoặc khô lại và bong tróc vảy.
  • Các tổn thương có hiện tượng sưng viêm và nhiễm trùng.
  • Trẻ có dấu hiệu sốt cao, trên 38,5 độ, dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hạ.
Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, cha mẹ nên cho trẻ đi gặp bác sĩ để khám chữa

Cách xử lý khi bé bị nổi mẩn đỏ ngoài da

Với những trường hợp, cha mẹ đã xác định được chính xác nguyên nhân khiến bé nổi mẩn đỏ là do bệnh ngoài da như dị ứng, mề đay… thì có thể tham khảo một số cách dưới đây để giúp trẻ giảm mẩn đỏ ngứa:

Dùng các thảo dược tự nhiên tắm rửa cho trẻ

Sử dụng các loại thảo dược từ tự nhiên để tắm rửa hàng ngày cho trẻ là một cách giúp giảm mẩn đỏ ngứa khá hiệu quả và an toàn. Với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, những loại lá như lá khế, kinh giới, trầu không, sài đất… có thể giúp làm mát da, xoa dịu các nốt mẩn đỏ ngứa, giảm sự khó chịu cho trẻ. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Dùng lá khế tắm cho trẻ: Dùng lá khế tươi, rửa sạch rồi cho vào nồi nước đun sôi cùng chút muối. Pha nước đủ ấm để tắm cho trẻ hàng ngày. Khi tắm thì dùng bã khế chà nhẹ lên da sẽ giúp kháng khuẩn, tiêu viêm, cải thiện nhanh triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa.
  • Tắm lá kinh giới: Rau kinh giới rửa sạch, vò nát rồi thả vào chậu nước nóng, chờ nước nguội đến nhiệt độ thích hợp thì cùng để tắm cho bé. Các tinh chất trong kinh giới sẽ giúp diệt khuẩn, ngăn các triệu chứng bùng phát, đồng thời giúp da phục hồi nhanh chóng.
  • Cho trẻ tắm lá trầu không: Dùng lá trầu không nấu nước tắm hàng ngày cũng là cách giúp giảm nổi mẩn đỏ ngứa cho trẻ. Trầu không vốn là thảo dược có chứa nhiều khoáng chất và tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm khá hiệu quả.
Dùng thảo dược tự nhiên tắm rửa cho trẻ để giúp làm dịu da, đẩy lùi các nốt mẩn đỏ

Dùng thuốc

Nếu tình trạng nổi mẩn đỏ khiến trẻ quá ngứa ngáy và khó chịu, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc bôi ngoài da. Bao gồm những thuốc phổ biến sau:

  • Kem bôi AtoPalm: Là loại kem có tác dụng dưỡng ẩm, giúp làm dịu da, giảm ngứa và hỗ trợ tái tạo da từ sâu bên trong.
  • Thuốc Bactroban: Loại thuốc này có khả năng ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn, giúp chữa lành các tổn thương do viêm da như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, viêm da tiết bã…
  • Thuốc bôi Menthol: Menthol là hoạt chất có khả năng làm mát, dịu da và cải thiện tình trạng viêm đáng kể.
  • Thuốc Eosin: Thuốc có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và thường dùng để điều trị các vấn đề da liễu.

Lưu ý: Lạm dụng thuốc bôi da có thể khiến trẻ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như teo da, nhăn da… Vì vậy cha mẹ tuyệt đối không nên tùy tiện sử dụng khi chưa được bác sĩ kê đơn.

Cách chăm sóc khi bé bị nổi mẩn đỏ ngoài da

Dù bé nổi mẩn đỏ vì lý do gì thì trong quá trình mắc bệnh, cha mẹ vẫn cần chú ý thực hiện những biện pháp chăm sóc ngoài da cho trẻ. Điều này sẽ giúp hạn chế các tổn thương trên da trẻ, ngăn ngừa nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, khiến bệnh tình nặng hơn.

  • Vệ sinh da cho trẻ sạch sẽ và đúng cách để tránh vi khuẩn tích tụ và làm các nốt mẩn đỏ lan rộng.
  • Cắt móng tay và không để trẻ cào gãi các nốt mẩn sẽ làm trầy xước và nhiễm trùng da.
  • Không tự ý nặn các nốt mẩn đỏ, mụn nước trên da bé, sẽ dễ khiến da bị nhiễm trùng.
  • Dọn dẹp nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt, chăn màn ga gối sạch sẽ, hạn chế tối đa việc để các dị nguyên trong môi trường sống tiếp xúc với trẻ.
  • Lựa chọn cho trẻ mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, có độ thấm hút tốt, tránh cọ xát vào da.
Thoa kem dưỡng ẩm sẽ giúp trẻ giảm tình trạng kích ứng
  • Thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày, giúp làm ẩm, giảm kích ứng và cân bằng độ ẩm tự nhiên cho da.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, nước giặt quần áo, nước xả vải phù hợp, ít gây kích ứng.
  • Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước hoa quả để giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng khả năng đào thải độc tố.

Bé nổi mẩn đỏ là hiện tượng thường xảy ra, tuy nhiên do trẻ chưa đủ hiểu biết về sức khỏe nên không biết cách mô tả các triệu chứng của mình, đặc biệt là các trẻ sơ sinh. Do đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ sát sao, cố gắng tìm hiểu rõ nguyên nhân để từ đó có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp, giúp con chóng khỏi bệnh. Trường hợp nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị, tránh chủ quan, gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi
Zalo